thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bốn bài thơ từ tập DOOR INTO THE DARK (1969)
Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang
 
 
SEAMUS HEANEY
(1939~)
 
Seamus Heaney (đọc là “Shâymơtx Hâyni”) sinh năm 1939 gần Belfast, Bắc Ái Nhĩ Lan. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông dạy Anh ngữ tại St. Joseph’s College từ 1963 và bắt đầu viết trong thời gian này.
 
Năm 1966, tác phẩm chính đầu tay Death of a Naturalist (London: Faber and Faber) được xuất bản, mang lại cho ông nhiều giải thưởng như E. C. Gregory Award, Cholmondeley Award năm 1967, Somerset Maugham Award, và Geoffrey Faber Memorial Prize năm 1968.
 
Từ đó, Heaney di chuyển giữa Ái Nhĩ Lan, Anh, và Hoa Kỳ nhiều lần để dạy tại những đại học danh tiếng tại các nơi này, và không ngừng sáng tác. Số sách ông đã xuất bản lên tới hàng trăm. Robert Lowell coi ông là “nhà thơ Ái Nhĩ Lan quan trọng nhất kể từ Yeats.” Ðối với các nhà xuất bản Anh ngữ thì Heaney là nhà thơ được ưa chuộng nhất, vì sách của ông in hàng chục ngàn bản, và những buổi đọc thơ của ông thường lôi kéo mấy trăm người dự.
 
Năm 1999 ông được trao giải Nobel Văn Chương. Trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông có các tập thơ Death of a Naturalist (1966), Door Into the Dark (1969), North (1975), Field Work (1979), Sweeney Astray (1983), Station Island (1984), The Haw Lantern (1987) viết sau cái chết của bà mẹ, Seeing Things (1991) sau cái chết của ông bố, The Midnight Verdict (1993), The Spirit Level (1996), Open Ground (1999); các bản dịch Laments: Poems of Jan Kochanowski (1995) dịch cùng với Stanisław Barańczak, Beowulf (2000) dịch từ tiếng Ái Nhĩ Lan; tập tiểu luận Homage to Robert Frost (1996) viết chung với Joseph Brodsky và Derek Walcott.
 
Thơ của ông chủ yếu đào sâu vào quá khứ của dân tộc và vùng đất Ái Nhĩ Lan, dày đặc những miêu tả về cái chết và nỗi buồn mất mát người thân và bạn bè. Ông nhận ảnh hưởng của các nhà thơ Robert Frost, Ted Hughes, Gerard Manley Hopkins, William Wordsworth, Thomas Hardy, và cả Dante.
 
 
 

Lò rèn

 
Tôi chỉ biết một cánh cửa mở vào bóng tối.
Bên ngoài, những trục và vành sắt cũ han rỉ;
Bên trong, tiếng ngân cao của cái đe bị búa đập,
Chiếc quạt loè xoè bất chợt những tia xẹt
Hay tiếng xèo khi chiếc đế mới trong nước rắn lại.
Cái đe phải nằm đâu đó chính giữa,
Có sừng như ngựa độc sừng, đầu kia vuông,
Ðặt nằm đó không thể xê dịch: một bàn thờ
Nơi ông tiêu hao chính mình trong hình thể và âm nhạc.
Thỉnh thoảng, tạp dề da, lông mũi thò,
Ông nhoài ra trên cửa lò, nhớ lại tiếng lọc cọc
Của móng ngựa khi xe cộ nháy đèn từng hàng;
Rồi lầm bầm trở vào, với một tiếng sầm tiếng vụt
Ðể đập mỏng sắt thật, để thổi ống bễ.
 
 
 

Cầu siêu cho những người chỏm tròn

 
Túi áo bành tô của chúng ta lúa mạch đầy—
Không bếp trên đường vội, không hạ trại—
Ta đi nhanh và bất ngờ trên đất ta đây.
Thầy tu nằm chung hào với dân vô lại.
Khối người chẳng đều bước—tiến ra trận—
Ta tìm thấy chiến thuật mới mỗi ngày:
Ta sẽ chẻ qua bọn người ngựa bằng lao nhọn
Và giày xéo bộ binh bằng mục súc cả bầy,
Rồi rút qua bờ rào nơi kỵ binh ắt bị ngã.
Mãi tới, trên Ðồi Giấm, cuộc hội ngộ tử vong.
Hàng ngàn chết xếp thang, liềm vung trước pháo nã.
Sườn đồi ửng đỏ, ngập sũng trong con sóng ta vỡ tung.
Họ chôn chúng ta không vải liệm hay quan tài
Và tháng Tám lúa mạch trong mồ mọc ra ngoài.
 
–––––––
Nhan đề nguyên tác tiếng Anh là “Requiem for the Croppies”: Tháng 5 năm 1798, người dân quận Wexford ở Ái Nhĩ Lan nổi dậy chống lại sự đô hộ của người Anh. Dưới sự lãnh đạo ban đầu của hai tu sĩ, cuộc khởi nghĩa lan ra khắp tỉnh Leinster. Tên chính thức của phong trào là “United Irishmen” (Người Ái Nhĩ Lan Thống Nhất), nhưng họ được gọi một cách thông tục là “croppies” (chỏm tròn) vì kiểu tóc nhiều thành viên cắt để tỏ lòng trung thành với công cuộc đấu tranh giành tự do.
 
 
 

Bán đảo

 
Khi ngươi đã hết điều để nói, cứ lái xe đi
Trong một ngày vòng quanh bán đảo.
Bầu trời thì cao như trên một đường bay,
Ðất không dấu vết, nên ngươi sẽ chẳng đến đâu
 
Mà đi xuyên qua, dù luôn men theo đất liền.
Chiều tối, những chân trời uống biển nuốt đồi,
Cánh đồng phẳng nuốt đầu hồi nhà sơn trắng
Và ngươi trở lại trong bóng tối. Lúc này hãy nhớ lại
 
Bãi bồi đờ đẫn ngoài kia và thân cây soi bóng,
Tảng đá nọ nơi sóng rách bươm từng mảnh,
Loài chim cẳng dài đi cà kheo của chính chúng,
Những hải đảo chồm ra nhập vào sương,
 
Rồi lái xe về nhà, vẫn chẳng có gì để nói
Trừ giờ đây ngươi sẽ giải hoặc mọi quang cảnh,
Bằng: những vật nhận rõ ràng qua hình dạng,
Với nước và đất bao bọc chung quanh.
 
 
 

Ðất lầy

 
                            cho T.P. Flanagan
 
Ta không có thảo nguyên
Ðể cắt một mặt trời lớn buổi chiều—
Mọi nơi con mắt nhường cho
Ðường chân trời xâm lấn,
 
Ðều bị dẫn vào con mắt tên khổng lồ độc nhãn
Của một cái hồ trên núi. Ðất nước không rào của chúng ta
Là một đầm lầy không ngừng đóng vảy
Giữa những lúc thấy mặt trời.
 
Họ đã lấy bộ xương
Của con Nai Ái Nhĩ Lan Vĩ Ðại
Ra khỏi bãi than, dựng nó lên,
Một cái thùng kinh dị đầy không khí.
 
Bơ chìm bên dưới
Hơn một trăm năm trước
Lấy lên mặn và trắng.
Chính mặt đất thì hiền lành, bơ đen
 
Chảy và mở ra dưới chân,
Mất hết hình thù của
Nhiều triệu năm về trước.
Họ sẽ không bao giờ đào than tại đây,
 
Chỉ toàn thân cây no nước
Của thông lớn, mềm như bột.
Những người mở đất mải đào
Vào trong và sâu xuống,
 
Mỗi một lớp họ lột ra
Dường như có người từng cắm trại ở trên rồi.
Những lỗ đầm lầy có lẽ là chỗ rỉ của Ðại Tây Dương.
Cái tâm điểm ướt nhẹp thì không đáy.
 
–––––––
“The Forge,” “Requiem for the Croppies,” “The Peninsula,” và “Bogland” nguyên ở trong Seamus Heaney, Door into the Dark (1969), được in lại trong tuyển tập Opened Ground: Poems 1966-1996 (London: Faber and Faber, 1998).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021