thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ÂM VỌNG: “Âu Cơ” [4]

 

Lời toà soạn:
“Âu Cơ” là một chương trong tiểu thuyết Âm Vọng của Lê Thị Thấm Vân (California: Anh Thư, 2003). Trong bản in trên giấy, chương này được xếp sau các chương “Tiên Dung” và “Mỵ Châu”, và trước chương “Man Nương”, nhưng, theo tác giả, cuốn tiểu thuyết có thể được đọc bằng cách bắt đầu từ bất kỳ chương nào, theo bất kỳ thứ tự nào. Chúng tôi xin giới thiệu chương này thành 6 kỳ.

 

 

Đã đăng: “Âu Cơ” [1][2][3]

 

Minh thương của má,

Nắng lung linh ngoài khung cửa sổ. Thứ nắng lấp lánh, óng ả như hàng vạn dây kim tuyến nhả xuống từ trời. Khí hậu mùa xuân bắc Cali tuyệt vời.Vạn vật bừng bừng sức sống. Hai cây bông giấy hoa bám kín cành, lấn cả lá. Chậu ngọc lan nụ nhú má đếm hết xuể. Hoa hồng nhà ta vẫn dai dẳng sống. Con biết má thương quý hoa hồng nhất phải không Minh? Vì sự kiên trì, dẻo dai, trung thành, mạnh mẽ của nó. Lại đẹp nữa, đủ sắc màu, lá xanh quanh năm. Giờ đây má chủ trương trồng loại hoa nào dễ dàng chăm sóc. Qua rồi cái thuở chuyên sưu tầm những loại hoa càng quý càng khó trồng càng thích thú Bông hoa nào dễ trồng, dễ chăm sóc, làm vườn nhà mình tươi thắm là má trồng. Nắng lung linh, nhảy nhót ngoài kia. Lá và hoa như đang đồng ca. Má nhấp ngụm trà cúc, cảm giác bình an, tĩnh lặng ngay trong giây phút này, nơi đây. Má biết con mỉm cười hài lòng khi nghe má nói ra những điều như vầy.

Nắng xuân rực rỡ, chứa chan. Trời xuân hiển lộng. Mùa xuân cho ta sự sinh tồn. Gió thổi muôn ngàn lá như thổi điệu nhạc vui tươi. Đôi bướm cánh vàng vờn lượn như cặp tình nhân. Những con chim sẻ chim chíp trên nóc nhà. Mấy chú sóc nô đùa rượt đuổi trên cành sồi, y như hai con ngày còn bé bỏng sống trong vòng tay ôm của má.

Cô Mây ra sau vườn, đứng nhìn má cắt bỏ những hông hoa héo tàn. “Cháu thấy hoa đang tàn hay hoa đang nở đều có vẻ đẹp riêng.” Rồi cô nhìn má, như thầm bảo, “Bác cũng là đoá hoa đang tàn...”

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Viết được, kể được, nói được... tin rằng có con đang lắng nghe, chia sẻ những điều má nghĩ ngợi, thao thức, trăn trở, nao lòng, là điều may mắn, hạnh phúc vô tận trong phần đời còn lại của má.

Má nói điều má nghĩ và gắng diễn tả thật giản dị. Nghĩ sao nói vậy, như cách má áp dụng, hành xử trong lối sống thường nhật. Má sợ hãi sự phức tạp, rắc rối, khó hiểu. Nó liên quan tới khổ đau, buồn thảm, đắng cay. Thời gian cùng sự số gắng đã vơi bớt trong má rất nhiều. Thời gian là liều thuốc tiên, và hai con là liều thuốc bổ, giúp má gượng dậy, những lúc quỵ ngã.

Má tâm sự cùng con những gì má phải nếm trải. Hãi hùng, kinh khiếp, nhẫn tâm, bạo tàn... nhưng rồi cũng phải loãng tan, chỉ để tồn tại, sống. Có lúc trí nhớ chẳng phải là cái rổ đầy hay lỗ hổng mà còn là màn sương xoá nhoà, như khi ta nhắm mắt, chẳng còn nhìn thấy gì phía trước, nhớ những gì đáng nhớ, gạt những gì cần gạt. Làm được vậy rất khó, dù biết khổ đau hạnh phúc đều do tự tâm ta.

Tất cả chỉ là những biến cố, tai nạn đến rồi đi, nghĩ rốt ráo tận cùng thì chết cũng chẳng phải dễ con ạ. Sức con người bền bỉ ghê gớm lắm. Má nói phần má, còn muôn người khác má chẳng dám luận bàn.

Má tránh nhắc tới biến cố bất hạnh, con biết phải không Minh? Nhưng có lúc, bất chợt nó lại trồi lên. Những lúc như vậy, bàn tay má lạnh ngắt, đầu má cứng ngắc, bụng thóp co từng hồi, hai ống chân chực quỵ. Má nhắm mắt, cố hít sâu, nắm chặt tay, rồi thở ra, ngẩng cổ... từ từ... như nắm lấy lại thân mình, từ từ bình tâm được một chút, biết mình còn hơi thở.

Cực kì bi thảm, Minh ạ!

Ra đi là sự đã liều. “Cột nhà biết đi nó cũng đi.” Câu nói nghe như giễu như đùa nhưng vô cùng đúng trong thời điểm đó. Ra đi là bảy phần chết, ba phần sống. Hai con là lẽ sống. Má thi hành điều ba con dặn, “Bằng mọi giá phải đưa hai con đi.” Hoàn cảnh xô đẩy mọi người cùng suy nghĩ như nhau, những nhận thức phù hợp, dẫu về sau, khi mọi chuyện tương đối bình lặng, nhận ra rằng không hẳn quyết định, chọn lựa nào cũng đúng.

(.....)

Tự Do đồng nghĩa với mọi giá, thậm chí vô giá.

Cái ghe mong manh mười lăm thước dài, bốn thước ngang mặc xuôi sóng gió. Nước tiểu nước mưa nước mắt cũng là nước. Máu cũng là nước. Nước ối cũng là nước. Đại dương mặn chát như nước mắt, máu, nước ối.

Những con tàu làm ngơ, lướt qua... lướt qua... cứ lướt qua...

Rồi thì lục soát tư trang, tiền bạc, cướp bóc. Tụi đánh cá Thái Lan, da thịt ướp mùi biển mặn. Sương gió ngập ngụa chát đắng.

Khóc lóc. La hét. Thét gào.

Rồi lại lục soát, cướp bóc, tước đoạt quyền làm người. Người như thú vật, bản năng bôi xoá lương tâm.

Van xin, quỳ lạy, chắp tay vái tứ bề, mọi đấng của đám thuyền nhân.

Nhưng sao... Trời tối. Tâm che. Trí bịt.

(.....)

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Má kể con nghe cuối tuần vừa qua má làm gì. Má loay hoay ngoài vườn gần trọn ngày thứ Bảy. Nhổ cỏ dại, cắt tém hai cây hoa magnolia cho gọn, hốt đống lá khô ngoài bìa đường. Sáng chủ nhật, đi một vòng Farmer’s Market với cô Mây, lựa mua trái cây và rau tươi. Chiều về lau cọ nhà tắm, cầu tiêu, dọn sạch tủ lạnh. Má gọi điện cho chị con hai lần nhưng không gặp. Chị con gọi lại khi má đi vắng, vậy là má con rượt đuổi hỏi thăm nhau.

Trời San José mấy ngày nay khí hậu rất tốt. Nắng ráo, ấm áp. Má mua được bịch vải tươi, không ngon lắm, hột to cơm mỏng, ăn xong một lát thì cổ họng ngứa. Má đưa cô Mây, cô không tỏ vẻ hào hứng lắm. Nhiều khi má mua cái gì ăn, chỉ là mua kỷ niệm thời xa xưa. Bịch vải vừa đắt lại vừa dở, còn làm ngứa cổ, má bị như vậy mấy lần, nhưng thấy lại ưa mua, ăn rồi, tự nói lần này là lần cuối, nhưng chẳng biết rồi sẽ bao nhiêu lần cuối nữa. Má cũng mua được chậu lan vàng lấm tấm nâu, chưng trên bàn gỗ mặt kiếng kê kề cửa phòng con. Hoa lan lâu tàn và đẹp, dù không mùi thơm. Má chơi sang một bữa, chậu hoa 25 đồng. Ông người Nhật bán, khi giao chậu hoa cho má, bảo là giữ gìn, chăm sóc hoa nở cũng được hai-ba tháng.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Có những lúc, như lúc nãy má ngồi hàng giờ cạnh khung cửa sổ, nhìn chăm chăm ra vườn sau. Ý tưởng nhảy lò cò trong đầu, nhưng không làm má xốn xang, trái lại tương đối bình an. Vui một chút và buồn một chút. Có như vậy, má mới ngồi hàng giờ được chứ, phải không Minh?

Lúc nãy má nhớ về một buổi chiều nào đó, đã lâu lắc, con khoảng 8 tuổi, học lớp hai, bất chợt nhìn má, hỏi sao nhà mình không có ba như tụi bạn của con. Ba thằng Nick đưa nó đi chơi basketball. Ba thằng Andrew chở nó đi học. Ba thằng Jason là coach phụ đội basketball trong trường... Con hỏi, mắt không ướt nhưng đôi má phụng phịu. Nhìn con má biết, một lúc nào đó con thèm có ba. Thì ước muốn cũng bình thường thôi, nhưng má biết là con biết không thể có ba, không có nếp sống có cha lẫn mẹ như tụi bạn con được. Má im lặng, những lúc như vậy. Rồi đợi tối đến, nằm gãi lưng con, má nói, “Thằng Michael sát cạnh nhà mình là con nuôi. Con Laura sống với má kế thương nó như con ruột. Thằng Carl cũng chỉ sống với má nó. Mỗi gia đình tạo thành bởi nhiều sự khác biệt, không nhất thiết là phải giống nhau.” Má giảng nghĩa cho con, lẫn má. Má cũng cần có chồng như những người đàn bà quanh má vậy, nhưng không phải muốn là được, bao gánh nặng chồng chất trên vai má. Lúc lên ghe, rời khỏi Việt Nam, má tự hứa lòng mình, là từ này về sau, đời má như cuộn chỉ, cứ vậy từ từ rút. Nó là cuộn chỉ rối bời. Rồi một lúc nào đó, nhận thức ra rằng cả đời má chỉ ngồi rút chỉ rối, thì đã già. Mà già thì đã sao, hả Minh?

Một gia đình lý tưởng thời má là cảnh cha ngồi đọc báo, má ngồi khâu áo, con cái ngồi học bài, bà nội nằm vừa quạt vừa kể chuyện cổ tích cho cháu nghe, ông nội nằm ngửa người vuốt râu rung đùi và ngủ... gật. Đó là hình ảnh trong sách vở má học thời tuổi nhỏ.

Gia đình của riêng má thế nào là do má định đoạt. Ba con cùng chị em con luôn sống trong sự yêu thương tròn đầy của má, vậy là đầy đủ. Đúng không Minh?

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy cô Mây mua về hộp bánh donut còn ấm. Đầu ngã ba nhà mình mới mở tiệm donut. Lấy tên hiệu là Happy Donuts. Chủ là người Cam Bốt, vợ chồng con cái túa ra làm tất. Donut ngọt, béo. Cô Mây ăn một cái và uống kèm ly sữa low fat. Nhìn cô ngồi ăn một cách ngon lành, còn má thì chịu. Tuần tới má có cái hẹn đi check lại cholesterol. Áp huyết má dạo này hạ xuống được một chút, nhưng vẫn phải uống thuốc. Đến tuổi này, thân thể như cái xe, chạy mãi thì không hư cái này cũng hỏng cái nọ.

Trời hôm nay có gió lớn. Xem TV, khí tượng báo mấy ngày tới trời âm u và có mưa nhẹ. Mưa xuân má cũng thích, lất phất không ướt được đất lâu, chỉ sợ trở trời, mình mẩy nhức buốt. Má già mất rồi Minh ạ, mắt kém, da nhăn, tóc bạc, nhớ trước quên sau. Thời gian trước mặt mỗi ngày một thu ngắn. Thời gian sau lưng mỗi ngày một chất chồng. Đời sống là vậy, ai cũng rồi phải rảo chân qua. Má thấy mình cũng may là không bệnh hoạn gì, còn tự lo liệu lấy được, chẳng phải nằm một chỗ.

Có cô Mây ở trong nhà vô ra cũng đỡ. Cô là người biết điều, lễ phép. Một ngày nào đó, cô dọn đi, ở một nơi khác, chốn khác, thành phố khác, má đành phải chịu thôi. Một mình má lại quạnh quẽ, sống với hai con trong tâm tưởng. Người khác ra sao má không biết, hoặc biết là do đoán mò. Người thì tin vào tôn giáo, người thì dồn sức cho công việc, thậm chí có người vì thơ văn. Còn má, có hai con vực má dậy, mỗi khi bị ngã quỵ. Trong tận cùng nghiệt ngã, tuyệt vọng, thống khổ, đảo điên. Hai con là lẽ sống của má. Má có được ý nghĩa ở đời sống này là do hai con đem lại. Những lúc sấm sét nổ vang trong đầu, má không còn nhớ gì, kể cả tên mình, má chỉ gọi tên hai con. Hai con là sự cứu vớt, cứu rỗi. Má thở, hít nguồn sống trên khuôn mặt hai chị em con.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Thời gian trôi. Sáng-trưa-chiều-tối-khuya-sáng-trưa-chiều... Má nhìn nắng xuân tươi rói nhảy nhót ngoài bìa hiên với chút ngậm ngùi, như đời má đang trôi.

Má cũng đã từng, đã trải, đã nếm đủ mùi vị... Những lúc cùng kiệt, ôm thân, hỏi trời, “Tôi không tin chuyện xảy ra cho tôi.” Rồi nó cũng xảy ra, như ăn uống thở ngủ. “Nói cho tôi biết, đây có phải là cơn ác mộng rồi sẽ qua không?” Đời má, hết cơn ác mộng này, nối tiếp cơn ác mộng khác. “Tôi đã làm gì tệ ác lắm hay sao phải chịu đựng mãi những bản án như thế này?” Những câu hỏi quay vòng trong đầu má. Tự hỏi, rồi tự tìm câu trả lời. Nửa phần người má như tê dại, nửa phần còn lại như miếng thịt thiu rữa. Minh ơi! Tất cả bão tố giông gió đảo điên xảy ra trong quá khứ, đã bao năm nằm sâu lắng chìm dưới lớp bụi thời gian.

Trước mắt má là sự chờ đón tuổi già âm u một mình. Má tập chấp nhận, tìm cách thoả thuận với nó, bởi có giãy chết, thì đã giãy chết từ bao năm qua.

Má xin lỗi con, má đã tâm sự những điều quá buồn, dù con là người luôn dõi mắt nhìn theo má. Phù hộ cho má, Minh ơi!

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Tuổi đời chồng chất biến con người thành già nua là lẽ thường tình, má của con cũng là một. Khi nãy soi gương, thấy rõ những đường nhăn chi chít bao quanh mắt, chẳng khác chi những đường chỉ trong lòng bàn tay má. Mắt má cũng trũng sụp, khác xa thời con gái. Ngày ấy mắt tròn to gấp mấy bây giờ. Lông mi lông mày giờ đây cũng rụng gần trụi lơ. Má già thật rồi.

Những lúc ấy thấy mình mênh mông quá. Mênh mông, bởi má chẳng biết dùng từ gì để diễn tả tâm trạng cho chính xác, đành tạm dùng chữ này. Cảm giác không thể ngoái cổ nhìn lui, quay ngược người, như kẻ đã ra khơi, biển trời mênh mông bao la, biết đâu là bến là bờ. Thấy mình nhỏ nhoi, tựa con thuyền vượt biển, trôi đi đâu? dạt về đâu? Sống-chết tựa cái nhích người, trở về với lòng đất biển. Sau biến cố 75, má đã kinh qua cảm giác đó. Mênh mông, bất trắc, sống biết từng giờ. Tương lai là ngay lúc mình đang sống. Như lề đường sau 75, đập phá rồi xây, rồi lại đập phá, rồi xây... như đổi tiền, vật giá lên xuống tuỳ theo hứng, luật lệ chiếu theo lòng. Tất cả đổi theo từng giờ chứ chẳng phải từng ngày. Đám người mất niềm tin nháo nhào chèn nhau sống.

Rồi những ngày đầu định cư ở Mỹ. Những xa lộ nối dài xuyên bang vô định. Đất Mỹ mênh mông, bất định. Má lọt thỏm. Lọt thỏm bằng sự mất dấu. Giờ đây, nhận rõ ra dấu chân mình được một chút, thì đã già nua, kề miệng huyệt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Ném, vất, thảy vô không gian rộng lớn của Mỹ, đất hiệp chủng quốc, nơi góp nhặt dân tứ xứ, thì mấy má con mình cũng phải sống, chẳng khác chi mấy con sâu róm bò quanh ngó bước chân mình, chỗ đứng cố thủ của thân mình. Không cần nhìn xa hơn, cao hơn hay rộng hơn, mục đích chỉ để tồn tại, sống còn. Sáng ngủ dậy, thấy hai con còn nằm hai bên cho má nghiêng người hôn bên phải rồi xoay bên trái, là thấy đất trời chưa bỏ quên mình.

Những năm đầu ở Mỹ, má sợ lái xe ngang trên những cây cầu xa lộ. Chúng làm tim má ngợp, đầu cứng đơ, mắt choáng váng trăm ngàn vòng tròn nhào lộn. Cảm giác như mất hút. Bao nhiêu năm má chỉ dám lái đường trong. Những con đường nhỏ, quanh co, vòng vo, trúc trắc.

Con phải hiểu, má đến từ một nơi mà quay đi đâu cũng đụng phải người, phải cây, phải vật... như cái chổi, cái lu nước, cái mùng, cái ghế đẩu... Tất cả quấn chặt lấy nhau. Tiếng nói, tiếng người rao hàng, tiếng bà hàng xóm, tiếng chó sủa, tiếng sóng vỗ, tiếng mèo gào, tiếng reo cười trẻ con. Mùi muối biển mặn, mùi mồ hôi người, mùi cứt chó, cứt gà. Màu xanh bẹ chuối, màu xanh trời gần. Tiếng dép kéo lê. Mùi khói, mùi trái cây chín ủng miền nhiệt đới. Bụi bặm ruộng vườn, hoa quả... toả đầy dậy kín không gian. Đi ngủ ở thế giới khác, thức dậy ở thế giới khác. Vì thế con cứ nói sao má ngồi đâu một mình là cứ hay tựa. Tựa vào tường, đệm xe, đống gối. Những vật vô tri giác đỡ lấy má. Chúng cho má cảm tưởng rằng mình được che chở, âu yếm. Má áp đặt ý nghĩ của má lên chúng. Biến chúng thân cận, cần thiết để sống còn.

Má phấn đấu để tồn tại. Sống ở một thành phố, không lớn lắm so với nhiều thành phố khác trên nước Mỹ, mà không ai cần biết ai là ai. Hàng xóm, láng giềng cùng những dãy nhà, hàng quán, building... Tất cả vô danh với má. Má hết nhìn thấy được trăng lên mỗi tháng, như không được phép nhìn thẳng mặt kẻ lạ trong đám đông. Lắm lúc má có cảm tưởng như mình bị bôi xoá cả tên, cả tuổi, cả hình hài.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Sáng nay má nhận được thiệp báo tin cô Ngọc Nhung, con gái út bác Hưng tháng tới lấy chồng, đám cưới tổ chức tận bên Toronto, chắc má không đi dự được. Bác Hưng là bạn tù cải tạo cùng ba con. Thời gian đó, bác Hưng gái, tên Yến, là người thường xuyên má liên lạc, giúp đỡ, chia sẻ nhiều thứ. Nhà bác đông con, phải bán dần những thứ trong nhà. Mỗi lần má đến là đồ đạc vơi dần. Bác Yến than, phần bán vì nuôi chồng nuôi bầy con, phần mất vì trộm. Má đã từng chứng kiến bác ngồi cạy mấy tấm gạch lót trong nhà tắm đưa đi bán. Áo dài, quần tây, đến áo lót ngực bác bán sạch. Sáu đứa con nheo nhóc. Đứa nhỏ nhất còn bú, đứa thứ nhì bị liệt, suốt ngày nằm một chỗ, muốn gì là cứ hú lên, như vượn. Đói hú, no hú, đái ỉa hú, cười vui cũng hú. Bác Yến không thể buôn bán làm ăn gì được, có gì trong nhà là đưa đi bán sạch, sống thê thảm cơ cực lắm. Lúc quyết định đưa hai con đi trốn, má giữ bí mật không lộ cho bác Yến biết, sau này gặp lại, bác trách sao má kín quá. Nếu biết, bác đã gửi một đứa đi cùng.

Gia đình bác qua sau, theo diện HO. Năm ngoái Bác Hưng bị stroke, giờ tê liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Thị giác lại rất kém. Bác Yến ở nhà trông coi bầy cháu nội, ngoại. Má nhớ tính tình bác Yến ưa đùa, lại hay nói thẳng, “Đời giờ hết còn là chữ T: tình tiền tù tội, mà là Đ: xe đạp, đồng hồ, đài phát thanh là giải quyết được tình tiền tù tội.” Có lần má đến nhà, bác đang ngồi sau bếp, cửa không đóng, bác chửi sang sảng, chắc lúc đó chịu hết thấu, “Tụi bây là cái đéo gì! hả! Tại sao bắt người ta phải đi học tập cải tạo cái đầu chứ? Trại cải tạo chẳng khác gì trại tập trung của Hitler. Tụi bây phải tự cải tạo cái đầu của tụi bây trước đã...” Bác Yến là người có trình độ, đang học luật dở dang thì đi lấy chồng. Mới tháng trước, qua điện thoại, bác Hưng nói, “Đời chẳng biết đâu được chị ạ. Trường hợp như chị, anh mất, thế mà yên. Còn tôi, sống chỉ cực thân, làm khổ vợ, phiền hà con cái.”

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Khi nãy bác Liên rủ má đi chợ Cosco trên đường Senter. Đã lâu má mới vào lại chợ này. Đồ đạc bày cao ngều nghệu, chẳng thiếu thứ gì. Từ đồ chơi trẻ con đến máy cắt cỏ. Thức ăn bán từng bịch lớn cho nhà đông người. Má đi vì vui chứ chẳng cần mua gì cả. Cô Mây ăn cũng ít như má, lại hay ăn ngoài. Má ăn uống đơn giản, rau luộc, cá kho, trà nóng. Ngày trước có hai con, tuổi đang lớn ăn như hạm, nhất là mấy thứ ăn vặt như chip, bánh, kẹo, soda... Đi chợ xong, bác Liên rủ má vào tiệm New Tung Kee ăn khoai môn chiên bột, trứng. Trên đường về, má chợt nhớ hai bánh xe trước gần mòn, cần phải thay. Bác Liên đề nghị cho má mượn thẻ Cosco tuần tới đi thay, giá rẻ hơn những nơi khác. Má ngần ngại, nhưng bác ấy tha thiết quá, đỡ một số tiền. Má dự định mua cây ngọc lan ở khu Lion làm quà cho bác. Đi đâu bác cũng rủ má đi cùng. Má biết bác thích chậu ngọc lan đã lâu, mỗi lần đến nhà mình cứ trầm trồ cây ngọc lan má trồng, nói hôm nào má chiết cho bác ấy một nhánh, má thì chẳng biết chiết cành.

Cô Mây bị cảm mấy ngày nay. Cô nhờ má cạo gió. Tối qua má hầm nồi soup rau đậu thịt gà. Vừa cạo gió cho cô ấy vừa nghĩ tới chị con. Chị con bị cảm cũng thích má cạo gió, còn con thì nhất định không là không. Chị con giờ sống một mình, những lúc ốm đau biết xoay xở ra sao, má thấy xót xa, lại đi gọi điện thoại, nhắc nhở. Má coi cô Mây như chị con những lúc như vậy. Lan man má nghĩ tới chuyện chồng con, mái ấm gia đình, có người nương tựa lẫn nhau. Cô Mây và chị con đều trên 30 cả rồi. Từng này tuổi, má đã có hai con. Mỗi lần má nói, chị con gạt ngang, “Thời má khác, thời con khác, má là má và con là con.” Còn cô Mây chỉ im lặng cười, nhưng ý cũng chẳng khác gì chị con. Đàn bà con gái như cái đồng hồ, cứ tích tắc, tích tắc gõ. Thời gian chẳng chờ đợi ai bao giờ, nó đã qua là qua luôn. Chồng con hay sự nghiệp? Nhưng má tin rằng cả cô Mây và chị con sau này nếu lập gia đình sẽ là người vợ tốt, mẹ tốt. Bởi căn bản hai đứa là người ý thức trách nhiệm, có lòng, biết lo nghĩ, thương yêu người khác.

Trời mưa rả rích từ tối qua. Khí tượng cho biết là sẽ còn mưa trong vài ngày tới. Mưa xuân ở Mỹ không to hột như mưa nhiệt đới xứ mình. Đường phố ướt át, má nói cô Mây đừng đi ra ngoài kẻo bị thấm mưa, bệnh lại lâu lành hơn. Dặn vậy thôi chứ cô ấy cũng cứng đầu chẳng thua gì chị con. Ưng chi là làm cho bằng được.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Tối qua má nằm mơ, giấc mơ ngắn ngủi nhưng làm má buồn bã suốt cả ngày nay. Cảm giác đau đớn ở vùng tim, mấy lần má đưa tay xoa lên ngực trái như thể tự vuốt ve xoa dịu mình. Hình ảnh cái ghe giữa dòng nước, vụt chốc biến thành cái lá xoáy giữa dòng, nơi má con mình bị xoáy cùng cả trăm người khác. Trong giấc mơ, má ngửi mùi tanh tưởi rong biển, rờ chạm mảnh gỗ nhám khô. Những ngón tay bấu chặt thành ghe, nhát dao chặt, đứt lìa ba ngón. Ba ngón tay rơi vãi, máu tuôn loang giữa biển khơi. Nhát dao nhanh gọn đến độ má chưa kịp bưng mắt. Nắng nóng ngất trời. Tiếng rên la. Tiếng nghẹn trong cuống họng. Ngã té bổ nhào từng loạt bà mẹ gào thét ôm con. “Lạy, lạy họ đi con, lạy họ tha cho, con ơi!” Lạy những người đàn ông nói tiếng như tru, hú giống thú. Đám đàn bà con gái quỳ lạy van xin giữa tiếng rú cười hét hò quát tháo. Âm thanh thọc thủng tai. Hai bên đồng hiểu, người xin tha, kẻ không muốn. Chúng dùng hai chân đá và hai tay ghì. Những người đàn ông, con trai nhúc nhích là bị đẩy xô xuống biển. Ba ngón tay đã là lời cảnh cáo. Cái búa đập vào màng tang người đàn ông kháng cự đang nằm trong khoang không biết đã chết hay còn ngoắc ngoải. Ba ngón tay níu lấy thành ghe như ráng giãy giụa đồng loạt kêu cứu van lơn. Đám con nít lùa xuống khoang, níu chặt lấy nhau. Con ơi, níu lấy má. Má thất kinh hồn vía, ôm chặt hai con vào lòng. Bốn bàn tay mà như trăm ngàn bàn tay bấu lấy chặt người má. Rồi nào có được tha! Má nhắm mắt, hai con hiện hình, đớn đau tủi hận đâm lì, rồi thiếp ngất, đớn đau rã rời thân xác. Một cô gái lồm cồm bò dậy, nằm úp mặt lên ngực má, tỉ tê gọi má ơi ba ơi. Má lại nhắm nghiền mắt. Tiếng hai con gào gọi má. Má biết, má nghe, má nằm im điếng lặng. Nhắm mắt để được ôm ghì hai con, che chở cô gái. Người má nhão sình như cọng bún dầm nước. Tiếng rên gào thét van xin bằng Việt Anh Pháp Tàu. Mặt trời chói loà, nổ đom đóm. Khi sợ hãi quá, má bỗng bình tĩnh một cách lạnh lùng. Và ngay giây phút ấy, má phải sống. Sống hùng sống mạnh. Sống với bất cứ giá nào.

Má mệt quá! Con tha cho má vì má đã kể con nghe chuyện không vui. Đã lâu, lâu lắm rồi, má tưởng được yên, nhưng tối qua lại trở về trong giấc mơ. Giấc mơ đến bất chợt má không đỡ được. Má choàng tỉnh, người vã mồ hôi, cảm giác hoảng sợ. Căn phòng tối om, má nghe tiếng máy ghe vọng nổ từ quá khứ, từ giấc mơ. Má bật đèn, ngồi dựa vào tường, chờ đèn đường tắt.

hôn con.

 

--- --- ---

 

Minh thương của má,

Má nhớ một lần đã lâu, trong buổi họp mặt bạn bè ở nhà bác Huỳnh. Những người khách đêm đó, có chú Quý làm cùng hãng với bác Huỳnh. Thường thì bữa tiệc nào cũng vậy, hay nói lan man đủ thứ chuyện. Từ chuyện nhà cửa, việc làm, sức khoẻ, qua chuyện Việt Nam, Mỹ, đến chuyện bồ bịch, mai mối... đề tài cuối bao giờ cũng hấp dẫn mọi người, không thể loại trừ. Má nhớ tối đó suýt nữa má tát vào mặt chú Lâm chỉ vì câu nói, “Lấy vợ phải chọn con gái vượt biển qua ngả Hồng Kông, chứ ngả Thái Lan là 95% bị bọn hải tặc dzớt trước rồi.” Má nhào ào tới, định tát vào mặt gã một cái, may mà bác Huỳnh cản kịp. Bình thường má là người bình tĩnh, ít nóng ẩu, vậy mà khi nghe câu nói đó, máu du côn du kề trong người má bỗng bừng bừng nổi dậy, chận không kịp. Ức và tức làm má khó thở, thề là đến chết không bao giờ muốn thấy lại mặt gã đó nữa.

hôn con.

 

[còn 2 kỳ]

 

------------

Đã đăng:

... Ánh nắng gắt, mặt trời đỏ lòm lom. Nhắm mắt trăm ngàn hoa thị nổ bụp như bong bóng. Rồi thì mặt biển lại êm ru, con tàu vẫn thế, lướt trên sóng. Những con chim biển rủ rê nhập cuộc. Hành trình trên mặt nước mênh mông, bao la... (...)
 
... Những ngày như thế này... Ngày cuối tháng tư mỗi năm. Ngày đáng nhớ trong lịch sử nước Việt Nam. Mùa Xuân Giải Phóng hằn trên từng cá nhân, trong đó có gia đình mình. Má nhớ những ngày chạy loạn, mọi người đi tới đi lui như bầy kiến đi vòng quanh trên mặt chảo rang... (...)
 
... Cảm giác phập phồng, sợ hãi, âu lo trong những ngày sau 30/4/75 thỉnh thoảng bất ngờ ập tới, nhất là ban đêm, má nằm không đợi chờ nhưng hai tai và mắt cứ mở toang toác nghe rõ mồn một tiếng chân người rầm rập đang bước dần lên cầu thang, rồi tiếng gõ cửa, đập cửa mỗi lúc một dồn dập. Tiếng quát tháo, ra lệnh... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021