thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sơn - Sến - Sawyer - Sử: ả điếm và đồng chí

 

Nói là một sự học đòi lai căng từ “lửa lựu lập loè” của Nguyễn Du cũng được, mà nói là một sự nhại giễu non nớt từ “gầu guộc gầm gừ” của Bùi Giáng cũng được, thế nhưng, nó, “Sơn - Sến - Sawyer - Sử”, nửa cái title, còn hơn thế rất xa bởi đây không chỉ là một biện pháp tu từ qua chuỗi dài âm “S” nối tiếp nhau mà còn là những quan hệ tương liên sâu rộng khó ngờ tới được.[1]

“Sơn” là Trịnh Công Sơn, người viết ca khúc nổi danh đã quá cố. “Sến” thì, tiện tên nhắc luôn một thể, lại là những phong cách biểu hiện hay thưởng thức đại loại “yêu màu tím thích nhạc Trịnh Công Sơn”. “Sawyer” là Tom Sawyer, nhân vật nhỏ với những trò tinh nghịch ngợm quái quỷ trong The Adventures of Tom Sawyer của Mark Twain, cái tên đã được xếp vào hàng “cổ điển” của nền văn học Mỹ.[2] Và “sử”, cuối cùng, chính là ... lịch sử, và tôi đã nghĩ đến mối liên hệ dị thường giữa những điều tưởng chẳng ăn nhập gì với nhau này khi theo dõi cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến Trịnh Công Sơn.[3]

Trước hết là Sơn - Sawyer, hai nhân vật, có thực và tưởng tượng. Sơn có thực dường như không ai không biết và Sawyer tưởng tượng ở cái thị trấn St. Petersburg nhỏ nhoi ai cũng biết ai nhưng buồn tẻ bên bờ sông Mississippi trong câu chuyện phiêu lưu không chỉ viết cho trẻ con mà viết để “nhắc nhở những ai đã từng là trẻ con”.[4] Thằng bé phá làng phá xóm bị cả cái thế giới nhỏ chung quanh xem không ra gì nhưng từ khi khám phá kho tàng để trở nên giàu có thì bao nhiêu tật xấu trước kia đều trở thành đức tính và cu cậu vụt trở thành một thần tượng hoàn toàn không có khả năng làm chuyện... tầm thường. Sawyer tưởng tượng đã vậy mà Sơn có thực, cơ hồ, cũng vậy. Với gia tài ca khúc tính tới con số hàng trăm mà khi nhìn vào đó ai ai cũng thấy gần gần, thấy có thể mượn tạm để xả nhẹ chút đỉnh tâm sự về “thân phận mong manh” hay “tình ái bẽ bàng” thì tác giả của chúng cũng trở thành một thần tượng hoàn toàn mất hết khả năng làm người... đáng trách. Với một gia tài âm nhạc như thế, có thể “đi vào lòng người” như thế, nhất định ông ta không thể nào... như vậy.

Còn lại “sến”, “sử”. Nếu lịch sử là những câu chuyện về quá khứ thì, trong nỗ lực tái tạo quá khứ để bảo chứng cho hiện tại và tương lai, quyền lực của kẻ chiến thắng chính là cái quyền quyết định câu chuyện nào được kể. Và nếu mức độ bảo chứng đó tỷ lệ thuận với độ thuận tai của những câu chuyện cần kể thì quyền đó còn là thứ quyền quyết định cả cái cung cách sẽ kể. Phải kể sao cho lọt lỗ tai của số đông, càng đông càng tốt. Nghĩa là kể sao cho thật... mùi.

Thế có nghĩa là... sến. Mà, chỉ mới nhìn qua bên ngoài thôi, thứ sử đang được kể của chúng ta đã là một thứ sử khá sến với những dấu hiệu son phấn tích tuồng khi một cái tên trên sân khấu cải lương như Dương Vân Nga có thể trang trọng chiếm chỗ trong lịch sử, kể cả những trang sử cố làm dáng hàn lâm nhất.[5] Sử sách cha ông chỉ ghi nhận nhân vật Dương Thái Hậu nhưng bây giờ thì, sau cái chết của cô đào Thanh Nga nổi tiếng trong thời gian diễn vở Thái Hậu Dương Vân Nga, không ít sử quan của hệ thống toàn trị đã làm hẳn cho bà một bản khai sinh mới: Vân là chữ lót tên thì là Nga.[6]

Nhưng cũng phải tìm hiểu rõ hơn: “Thế nào là sến?”. Trong những lời cãi cọ quanh cái tên Trịnh Công Sơn gần đây đã rộ lên mấy lời như thế. Đâu bốn năm trước, trong một cuộc tranh luận sôi nổi, cũng đã rộ lên mấy lời tương tự và, lần nào cũng vậy, như là thân tằm gánh chịu trăm dâu, chủ yếu, bao nhiêu tội vạ về “sến” đều trút hết lên đầu boléro.[7] Mà quả là oan cho thân tằm thật bởi đâu phải cứ boléro là nhão nhoẹt về phong cách và khả đoán về lớp lang diễn biến? Khỏi phải nói tới một Boléro hoành tráng của Joseph-Maurice Ravel, những khúc hát boléro sống động của các ca sĩ Mỹ La-tinh cũng đâu có nhừa nhựa hay chảy nước như là những lời ca phát ra từ cái cần cổ của những Chế Linh, Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh hay Giang Tử?[8]

Cơ hồ, cũng giống như “ông” Bồ Tát Avalokiteśvara ở Ấn Độ chuyển hoá thành Phật Bà Quan Thế Âm để thích nghi với hệ thống tín ngưỡng nặng dấu ấn mẫu hệ, khi đến xứ Việt thì cái nhịp điệu boléro sôi nổi và dồn dập ở Mỹ La-tinh đã phải chuyển hoá để thích nghi với cái không khí văn hoá nhiệt đới gió mùa ẩm ướt của xứ Việt.[9] Bố cục của những ca khúc boléro phổ biến nhất tại Việt Nam, thứ bố cục với tiểu kết cấu chát - chát - chát - chát – chum - chát - chum - chát - chùm lặp đi lặp lại, là một bố cục nặng tính tự sự, rất dễ ăn nhịp với thói quen ưa kể chuyện của chúng ta.

Không hiểu có nên gọi đó như là một thứ “dân tộc tính” hay không, nhưng rõ ràng là chúng ta rất thích kể chuyện. Lịch sử của chúng ta, một bộ phận quan trọng là những câu chuyện. Hết “Chuyện cũ trong phủ Chúa” là những “chuyện” về các ông Bùi Cầm Hổ, Lê Trãi, Hoàng Đình Trọng, Hoàng Sầm, Đặng Trần Côn...[10] Đạo lý truyền thống của chúng ta, phần lớn, cũng gói ghém trong những câu chuyện. Hết “Cây tre trăm đốt” thì có “Ở hiền gặp lành”, hết “Ăn khế trả vàng” thì có “Mài dao dạy vợ”. Mà chuyện đời kể chơi hay chuyện đạo lý răn đời, hầu như, chuyện nào cũng có một cái hậu toàn vẹn đúng theo motif “ở hiền gặp lành” và, vạn nhất, nếu cái hậu không diễn ra ở trên mặt đất thì nó cũng diễn ra ở trên trời. Không phải là những dân tộc khác không ưa những câu chuyện có hậu, thế nhưng cái khác ở đây là chúng ta say mê những câu chuyện có hậu, mà là những cái hậu thật... mùi, cái hậu càng thăng hoa lấp lánh bao nhiêu thì những lớp lang đưa đẩy tới càng phải éo le ngang trái bấy nhiêu.

Hát một bài boléro là kể một câu chuyện hay gởi gắm tâm sự theo một cốt chuyện có đầu có đuôi. Hết “Tôi kể người nghe chuyện tình Lan và Điệp” thì “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng”, hết tỉ tê “Tôi với nàng hai đứa nguyện yêu nhau” thì than thở “Tôi nghèo em cũng chẳng cao sang, tay trắng cùng nhau dệt mộng vàng...”. Khi Paul McCartney nghêu ngao “Yesterday, all my troubles seem so far away” thì chàng ca sĩ này cũng làm cái việc kể lể và gởi gắm tâm sự, thế nhưng cái cách kể theo nhịp boléro của anh ta đâu có chảy nước theo kiểu của chúng ta? Vấn đề là khi chọn boléro thì các nhạc sĩ bình dân của chúng ta đã chọn cái tự-sự-tính của nó. Và khi chọn lớp thưởng ngoạn bình dân mến chuộng cái ướt át và éo le của những tuồng cải lương để khai thác thì họ phải éo le hoá cái tự-sự-tính đó đến độ nhựa ra, chảy nước ra. Thứ boléro làm thân tằm gánh chịu trăm dâu kia không phải là boléro nguyên mẫu mà là hàng nhập đã nội địa hoá.

Như thế, khi nhạc boléro nội hoá bị xem là một thứ âm nhạc giải trí thì cái ý nghĩa “giải trí” này chỉ nên hướng về phía người thưởng ngoạn. Khi giới sáng tác khai thác cái thị hiếu bình dân ướt át kia cho mục đích thương mại thì họ đâu có thuần túy làm cái việc giải trí? Họ còn... lao động nữa và, thậm chí, còn lao động như những nhạc sĩ thực dụng chính hiệu. Và khi nền âm nhạc thực dụng có những câu chuyện ngậy mùi boléro dành cho công chúng bình dân thì nền chính trị thực dụng cũng ra sức... lao động với những câu chuyện éo le thích hợp với lỗ tai của giới bình dân.

Éo le như những “mẩu chuyện” của Trần Dân Tiên. Ngay từ năm 1948, trong hoàn cảnh kháng chiến khó khăn, mà Hồ Chí Minh, dưới cái họ Trần, đã nặn ra bằng được cuốn sách đầy những mẩu chuyện bi thiết trong chặng đời hoạt động của mình. Như “mẩu chuyện” về cuộc sống của nhà cách mạng trẻ phải chống chọi với cái lạnh tại Âu châu bằng viên gạch nướng gói trong tờ báo cũ, chẳng hạn. “Mẩu chuyện” phản khoa học tới độ không thể nào tin được, thế nhưng điều quan trọng ở đây là cái mùi... boléro của nó.[11] Nếu Châu Kỳ của của làng nhạc bình dân có “Giọt lệ đài trang” thì kẻ mệnh danh “cha già dân tộc” của nền chính trị bình dân có “giọt lệ đời hoạt động”. Nếu chàng nhạc sĩ boléro ê a về cái quá khứ “Ngày xưa ai lá ngọc cành vàng / Ngày xưa ai nghệ sĩ lang thang” thì vị lãnh tụ boléro cũng ê a một giọng về cái “ngày xưa” của nhà cách mạng ôm viên gạch nướng giữa Âu châu hoa lệ trong đói lạnh. Một cáo già chính trị, biết kiên nhẫn rình rập thời cơ đến như thế mà cũng nôn nóng, cũng “mót” cái sự éo le hoá “trang nhật ký đời tôi” để vấp váp những sơ suất sơ đẳng đến thế thì nói gì là những kẻ khác? Và như thế hễ có dịp là chúng ta lại nhét vào lỗ tai nhau những câu chuyện cực kỳ éo le và cực kỳ có hậu.

Tôi đang sống tại Úc và thỉnh thoảng lại, trực tiếp hay gián tiếp, bị nhét vào lỗ tai những chuyện “vào đời” éo le gay cấn từ những “gương thành công” người Việt. Một anh già được thăng quan, được nhà nước gắn cho cái mề đay thì chát - chát - chát - chát cái câu chuyện gay cấn khi cả triệu người băng biển tìm tự do bằng thuyền còn riêng ông vượt đại dương bằng... thúng. Ông ta kể, miên man, mê mải, kể từ tuổi trung niên thành đạt cho tới tuổi già hưu trí.[12] Một anh trẻ từng được mẹ bế lên thuyền, khi được nhà nước gắn cho cái mề-đay lại chát - chum - chát - chum - chát - chùm về những buổi cắp sách đến trường bằng đôi giày rách dán băng keo và những đêm cúp điện vì thiếu thốn tại một xứ sở có chế độ phúc lợi hào phóng không phải vào hạng tệ trên thế giới.[13] Tôi không có ý nghi vấn mức độ xác thực của những câu chuyện. Tôi cũng không có ý trách cứ cái tật gây phiền là kể đi kể lại câu chuyện. Chuyện có thực hay không có thực đâu có quan trọng lắm. Kể chuyện đi kể chuyện lại đến độ “khổ quá biết rồi” hay ra bộ ra tịch đợi tới thời điểm “cao trào” mới hé môi cũng đâu có quan trọng lắm. Cái quan trọng là hệ số chung giữa chúng, khi những câu chuyện như thế, dù là ở xác suất nhỏ nhất, đều có cơ hội trở thành... lịch sử.

Thì, với không ít người bị nhồi sọ, viên gạch nướng chẳng đã là một huyền thoại lịch sử đó sao? Thì, cũng với số người đó, đôi dép cao su cùn của người ôm gạch chẳng đã là một huyền thoại đó sao? Viên gạch, đôi dép cùn đã trở thành huyền thoại, thì cái thúng tre hay đôi giày rách cũng có thể trở thành huyền thoại lắm chứ? Nếu lịch sử thời trước chúng ta có những huyền thoại về các ông trạng ban ngày nhịn đói đi học ké và ban đêm bắt đom đóm làm đèn dùi mài chữ nghĩa thánh hiền thì lịch sử về cái thời của chính chúng ta, nếu may mắn cho người trong cuộc, cũng có thể “phong phú” thêm với cái huyền thoại về đôi giày rách vào ban ngày và những giờ học không ánh điện vào buổi tối lắm chứ? Nếu lịch sử chúng ta có huyền thoại Phạm Ngũ Lão ngồi đan thúng bên vệ đường, đầu chỉ nghĩ đến việc quân đến độ quên cả ngọn giáo đâm rách đùi chảy máu, thì bây giờ, nếu may mắn, cái thúng kia cũng có thể theo người cưỡi để bơi vào lịch sử lắm chứ?[14]

Chữ “may mắn” được lặp lại hai lần, thế nhưng rất hiếm và rất khó để có cái sự “may” suông. Cái “may” ấy chỉ thuộc về những kẻ thắng, bởi quyền kể chuyện, như đã nói, là quyền của kẻ thắng. Thăng một chức quan là một sự thắng cuộc. Được gắn cho một cái mề đay hay trao cho một giải thưởng cũng là một sự thắng cuộc. Nhưng đó chỉ là những thắng cuộc nhỏ nhỏ với những cơ hội kể chuyện nhỏ nhỏ. Thắng nhưng còn phải có khả năng bảo quản cái cuộc thắng đó nữa bởi vấn đề không chỉ là kể chuyện cho hiện tại mà còn là kể cho mai hậu.

Thế mới đúng là... lịch sử. Và chính vì thế nên lịch sử luôn đứng về phía những kẻ thắng lớn. Khi kẻ thắng lớn là một thế lực toàn trị thì lịch sử sẽ đứng về nó như một ả điếm hay một đồng chí, không hơn không kém.

Hình tượng “đồng chí lịch sử” từng nảy sinh qua một chuyện cười dân gian đầy ẩn ý chính trị của cái thời mang tên “bao cấp”. Khi một cán bộ dân vận về làng vận động nông dân thực hiện nghĩa vụ mua công trái với chỉ tiêu thật cao bằng những lời lẽ đao to búa lớn, đại loại “Lịch sử đã giao phó, chúng ta không thể thoái thoác”, “Lịch sử đang nhìn vào chúng ta, chúng ta không thể lẩn trốn trách tránh nhiệm”; một nông dân ít học đã đứng phắt dậy, hầm hầm: “Lịch Sử là đồng chí nào mà ép chúng ta những chỉ tiêu cao như thế!” Mà đúng là một chuyện khôi hài đau đớn khi thứ sử đang được kể cho trên 80 triệu người Việt chính là một thứ... đồng chí. Khi các giáo trình lịch sử nhắc đi nhắc lại cái tên Lê Văn Tám do ông Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu tưởng tượng ra thì cái gọi là “khoa học lịch sử” ấy đã trở thành một thứ “khoa học đồng chí”. Khi anh bộ đội có thật Tô Vĩnh Diện vô tình vấp té nhưng được nhét vào đầu cái ý thức“hy sinh cứu pháo” chỉ để khuấy động tinh thần thi đua giết giặc rồi ngon trớn đi luôn vào sách sử, thì chính cái bộ sử viết ra ấy là gì nếu không là một “đồng chí lịch sử”?[15]

Nhưng “đồng chí” ấy, có khi, còn là một ả điếm nữa. Lịch sử, nói theo Zhang Zhenglong, chính là một cô ả bán trôn bởi nếu có quyền hay có tiền là người ta có thể sở hữu cái... trôn của cô ả.[16] Khi ông Viện trưởng sử học Trần Huy Liệu áp chế những tiếng nói bất đồng để ra phán quyết bôi đen cái tên Phan Thanh Giản như là kẻ bán nước thì lịch sử, trong con mắt của ông ta, không hơn gì một cô ả đứng đường.[17] Nhưng Trần Huy Liệu cũng chỉ là kẻ thừa hành chiếu dưới nên, trước hay sau ông ta, những trang sử viết ra cũng chỉ là một thứ gái điếm mà nhà cầm quyền có thể đè ra tuỳ thích. Như cái trang sử về 16 tấn vàng dự trữ của chính quyền miền Nam, chẳng hạn. Suốt 30 năm, từ 1975 đến 2005, khi thiểu số quyền lực của hệ thống toàn trị vừa tuỳ tiện sử dụng khối tài sản quốc gia này lại vừa tuỳ tiện vu cáo kẻ thua cuộc tội ăn cắp ngay trong các tài liệu lịch sử chính thức, kể cả sách giáo khoa, thì cái thứ sử viết ra ấy là gì nếu không phải là một ả điếm?[18]

Trở lại cuộc tranh luận về Trịnh Công Sơn. Nếu hàng trăm ca khúc của tác giả này thực sự tác động vào tình hình đất nước trong suốt một thời chiến tranh rồi lại tiếp tục ám ảnh thế hệ trẻ trong suốt một thời hoà bình thì, công bằng, ngay thẳng, và không tránh né, ông ta phải được phán xét như là một nhân vật lịch sử. Cái khó là khi đối diện với những vấn đề của lịch sử chúng ta hiếm khi đối diện với một cái nhìn công bằng, ngay thẳng và không tránh né. Chúng ta vẫn còn phí phạm niềm tin cho những đồng chí lịch sử. Chúng ta vẫn ngây ngô ngờ ngệch trước “bảy chữ tám nghề” của mấy ả điếm lịch sử.[19] Và chúng ta vẫn tiếp tục khoái những câu chuyện trong cái phong vị boléro nội hoá.

Phong vị đó chính là cái lớp lang khả đoán và bất di bất dịch kiểu sau “chát chum chát chum” thì phải đến “chát chùm”, quyết không thể là “chát chúm” hay “chát chụm”. Quen với những chuyện sử sặc mùi boléro nội hoá, chúng ta quen luôn với cái logic khả đoán của chuyện thần tiên dành cho trẻ con khi tin rằng những nhân vật lịch sử như thế thì phải như thế, nhất định không thể là... như vậy. Ở đây, trong phạm vi bài viết này, việc cá nhân Trịnh Công Sơn “như thế” hay “như vậy” không quan trọng. Điều quan trọng là cái logic như thế - như vậy. Lập luận rằng một nhạc sĩ có thể viết nên những ca khúc “thấm đẫm tình người” thì phải mất hẳn cái khả năng làm những việc trái với tình người, thì có khác nào cho rằng kẻ “cả đời hy sinh cho dân tộc” sẽ mất hết khả năng an hưởng hạnh phúc riêng tư? Có khác nào lập luận rằng kẻ đã ôm viên gạch nướng suy tưởng về con đường cứu nước thì hoàn toàn không có khả năng làm cho một người đàn bà rên lên vì... sướng?

Khi lập luận như thế thì, rõ ràng, chúng ta mang cái sở thích hay tình cảm văn nghệ của mình ra sử dụng như là một thứ thước đo của lý trí. Sở thích ngụ ý những chọn lựa đã trở thành thói quen. Tình cảm ngụ ý những ràng buộc, những quan hệ, kể cả quan hệ phe đảng. Và chính những logic của chọn lựa, của thói quen, của những ràng buộc hay những quan hệ phe đảng ấy đã được nhai tới nhai lui trong cuộc “tranh luận” về Trịnh Công Sơn, kể cả thứ logic mà các “đồng chí” đã từng giở ra với các “đồng chí” trong cái thời đen tối mang tên Nhân Văn - Giai Phẩm. Khi hệ thống truyền thông toàn trị ào ạt tấn công kẻ đi chệch ra khỏi thói quen trong tư thế bị trói tay và bịt miệng thì, rõ ràng, hệ thống đó đang ra sức bảo vệ những câu chuyện đang được kể như một thứ “đồng chí” của mình, y hệt những gì đã nó làm trong cái thời kỳ từng công khai thừa nhận là ấu trĩ, tối tăm.[20] Nếu muốn bảo vệ “nhân cách trong sáng” của một nhân vật lịch sử thì ít ra cũng phải bảo vệ kẻ đó trong những thế cách trong sáng và có nhân cách chứ? Khi bảo vệ câu chuyện quen tai về một nhân vật lịch sử bằng cách sỉ vả nhân cách không chỉ của người nói chuyện lạ tai mà cả những thân nhân ngoại cuộc thì đó sẽ là gì nếu không gọi là lối hành xử của một ả điếm hay một tên ma cô của lịch sử?[21]

Lịch sử luôn phức tạp và nghiệt ngã nhưng chúng ta cứ thích nhét vào lỗ tai nhau những chuyện thần tiên. Thần tiên là chuyện chỉ nên dành cho con trẻ nhưng chúng ta vẫn cứ nhét là vì, nói theo Mark Twain, hiếm khi chúng ta tự nhắc nhở rằng mình đã từng là trẻ con. Chúng ta xử sự như những kẻ vĩnh viễn là trẻ con...

 

Sydney 4-11.5.2009

 

_________________________

Chú thích

[1]Nguyễn Du (Truyện Kiều): “Đầu tường quyên đã gọi hè / Cuối tường lửa lựu lập loè đâm bông.” Bùi Giáng: “Một hôm gầu guốc gầm ghì / Hai hôm gần gũi cũng vì ba hôm / Bôm ha? đạn hả? Bao gồm / Gồm bao gạo đỏ bỏ gồm gạo đen”.

[2]Mark Twain, nhà văn Mỹ (1835-1910). The Adventures of Tom Sawyer xuất bản năm 1876.

[3]Cuộc tranh luận nổ trên các trang web Da Màu, Tiền Vệ và Talawas, khởi đi từ bài viết “Trịnh Công Sơn & tham vọng chính trị” của Trịnh Cung trên Da Màu. Chủ yếu, các ý kiến về khái niệm “sến” chỉ xuất hiện trên Tiền Vệ và Talawas với các bài viết của Võ Văn Nam, Nguyễn Đình Đăng, Phạm Quang TuấnĐào Hiếu.

[4]Diễn ý trong “Lời nói đầu” của chính Mark Twain: “Although my book is intended mainly for the entertainment of boys and girls, I hope it will not be shunned by men and women on that account, for part of my plan has been to try to pleasantly remind adults of what they once were themselves, and of how they felt and thought and talked, and what queer enterprises they sometimes engaged in.”

[5]Hiện tại nhiều trang web hay tài liệu lịch sử ghi “Dương Vân Nga” thay vì “Dương Thái Hậu” như Đại Việt sử ký đã ghi. Thí dụ: TS Nguyễn Quang Lê (2001), Từ lịch sử Việt Nam nhìn ra thế giới, NXB Văn Hoá Thông Tin, tr. 98. Đáng chú ý là cuốn sách của ông tiến sĩ sử học này được ông Phan Ngọc Liên, “Giáo sư tiến sĩ - Chủ tịch hội giáo dục lịch sử” viết lời giới thiệu; và ngay trong bài giới thiệu đã khai bút: “V.I. Lênin đã chỉ rõ...”

[6]Người đầu tiên nghĩ ra tên Dương Vân Nga này là sọan giả chèo Trúc Đường, anh ruột nhà thơ Nguyễn Bính. Tuồng chèo soạn vào giữa thập niên 60, khai thác mối tình giữa Dương Thái Hậu (vợ Đinh Tiên Hoàng) và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, để dễ xưng hô và có tính chất “chèo”, ông đặt tên Dương Vân Nga. [Dẫn theo: Đinh Công Vĩ (2006), Các chuyện tình vua chúa hoàng tộc Việt Nam, NXB Phụ Nữ, tr. 64.] Tuy nhiên tên Dương Vân Nga được loan truyền rộng rãi hơn với cái chết của cô đào cải lương Thanh Nga vào năm 1978, giữa lúc đang đóng vai chính trong tuồng cải lương Thái Hậu Dương Vân Nga.

[7]Xem cuộc tranh luận Nhạc “sến”, là nhạc gì?

[8]Joseph-Maurice Ravel (1875-1937) là nhà soạn nhạc và nhạc sĩ dương cầm người Pháp, được xem là nhạc sĩ theo phái ấn tượng. Boléro, soạn cho vũ kịch nhạc ballet của Joseph-Maurice Ravel, trình diễn lần đầu năm 1928 tại Paris. Đầu tiên tác phẩm này mang tên Fandango nhưng chỉ một thời gian ngắn đã đổi tên thành Boléro. Nên lưu ý rằng một ca khúc viết theo điệu boléro của Phạm Đình Chương là Xóm đêm cũng không hề bị liệt vào danh sách “nhạc sến”.

[9]Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) là một trong những vị Bồ Tát (bodhisattva) quan trọng nhất trong Đại Thừa. Đến Việt Nam (và cả Trung Quốc, Nhật), Quán Thế Âm được đồng hoá thành Phật Bà Quan Âm. Trong niềm tin dân gian thì Quán Thế Âm thể hiện sức mạnh huyền diệu cứu giúp chúng sinh lúc gặp hiểm nguy, bảo vệ họ tránh khỏi tai hoạ và hay được phụ nữ không con cầu tự.

[10]Những câu chuyện trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ (1768-1840) và Nguyễn Án (1770-1815).

[11]Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của Trần Dân Tiên (một bút hiệu của chính Hồ Chí Minh). Sách này xuất bản lần đầu tiên tại Trung Hoa năm 1948 và tại Paris năm 1949, được tái bản rất nhiều lần. Đây là một chuyện cực kỳ vô lý trong những “mẩu chuyện” trên:

“Mỗi buổi mai, ông Nguyễn nấu cơm trong một cái sanh nhỏ bằng sắt tây đặt trên ngọn đèn dầu. Với một con cá mắm hoặc một tí thịt. Ông ăn một nửa và để dành một nửa đến chiều. Có khi một miếng bánh mì với một miếng pho-mát là đủ ăn cả ngày. Ông trọ ở một phòng nhỏ trong một khách sạn rẻ tiền ở xóm lao động. Phòng chỉ vừa kê một cái giường sắt chật, một cái bàn nhỏ và một cái ghế. Chỉ thế thôi, không có gì khác. Về mùa đông lạnh, mỗi buổi sáng trước khi đi làm, ông để một việc gạch vào lò bếp của khách sạn. Chiều đến, ông lấy viên gạch ra, bọc nó vào trong những tờ báo cũ, để xuống nệm cho đỡ rét.” (Dẫn theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”. Bản điện tử do talawas thực hiện theo bản do Nhà xuất bản Văn học tái bản năm 2001.)
 
Câu chuyện trên đã bất kể những quy luật căn bản của vật lý: sẽ không có “tờ báo cũ” nào chịu được nhiệt độ của viên gạch để trong bếp lò khách sạn từ sáng đến chiều, bọc như thế tờ báo sẽ bốc khói ngay. Một người quen của tôi đã “thực nghiệm” chuyện này với viên gạch trong lò barbeque: chỉ mới vài tiếng đồng hồ thôi là không có một thứ giấy báo nào chịu được nhiệt độ của viên gạch.

[12]Theo chuyện này thì ông Lưu Tường Quang, nguyên là Tổng thư ký Bộ Ngoại giao VNCH và sau này là Tổng Giám đốc SBS Radio tại Úc, đã không vượt biên bằng thuyền mà vượt biên bằng... thúng, loại thuyền thúng đan bằng tre, đường kính chỉ 1.5 mét. Như đã nói, tôi không đặt vấn đề về tính xác thực của câu chuyện, chỉ lưu ý chữ “retells”, xem: “On the Raft, All at Sea”, của Robyn Ravlich: “...Tuong Quang Luu, honoured as an Australian Achiever of the Year on Australia Day this year, retells his dramatic tale of escape by sea from South Vietnam in a bamboo fishing basket following the fall of Saigon..”, trong chương trình Life is Beautiful (ABC Classic FM, 12/08/2002). Mới nhất, ngày 22.3. 2009 lại có một lần “retells” khác trong Người Việt Ly Hương Úc Châu.

[13]Đỗ Khoa, 2005 Young Australian of the Year. Xem ICMI:

“Khoa’s own amazing story - coming to Australia as a refugee on a tiny fishing boat crammed full of people to becoming the 2005 Young Australian of the Year is a journey of courage, resilience and hope amidst incredible opposition. Growing up in the western suburbs of Sydney, Khoa recalls going to school with sticky-taped shoes and coming home to find out that their electricity had been cut off because the family couldn’t afford to pay the bills.”

[14]Trần Hưng Đạo cùng tuỳ tùng đi ngang qua Đường Hào, quân lính đi trước dẹp đường. Thấy Phạm Ngũ Lão ngồi bên vệ đường đang đan thúng, quân lính đuổi đi nhưng Phạm Ngũ Lão vẫn thản nhiên, không để ý gì cả, quân lính cầm giáo đâm vào đùi chảy máu mà ông vẫn không nhúc nhích. Kịp lúc Trần Hưng Đạo đi tới dừng lại hỏi thì Phạm Ngũ Lão mới trả lời rằng đang nghĩ một câu trong binh thư nên không để ý. Từ đó Phạm Ngũ Lão được trọng dụng và trở thành môn khách của Trần Hưng Đạo. (Chuyện được Phạm Đình Hổ ghi lại trong Vũ trung tuỳ bút.)

[15]Có rất nhiều tài liệu về việc này. Liên quan đến Lê Văn Tám có thể tham khảo tại trang Lê Văn Tám (Wikipedia tiếng Việt).

Câu chuyện tuyên truyền: cậu bé Lê Văn Tám bán đậu phộng rang đã tham gia lực lượng kháng chiến. Đêm 1 tháng 1 năm 1946 cậu tẩm dầu lên thân thể và tìm cách lọt vào được kho xăng của Pháp ở Thị Nghè rồi tự đốt, phá huỷ cả kho xăng. Chuyện được ghi trong sách giáo khoa để và tên Lê Văn Tám được đặt tên cho nhiều trường học, công viên tại Việt Nam.
 
Trong một cuộc họp báo vào tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội, nhà sử học Phan Huy Lê cho biết:
 
Tôi còn một món nợ với anh Trần Huy Liệu mà đến nay chưa trả được. Ðó là lúc anh Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền (sau cách mạng tháng Tám 1945, Trần Huy Liệu làm bộ trưởng bộ tuyên truyền và cổ động), anh Trần Huy Liệu tự viết về nhân vật Lê Văn Tám, một thiếu nhi tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng giặc Pháp ở Thị Nghè. Lúc sáng tác ra câu chuyện Lê Văn Tám, anh Liệu có nói với tôi rằng: “Bây giờ vì nhiệm vụ tuyên truyền nên tôi viết tài liệu này, sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa.”
 
Sau 1954 Trần Huy Liệu bị giáng chức, chỉ làm Viện trưởng Sử học. Ngoài ra có thể tham khảo bài “Lịch sử Việt Nam đã được minh định ra sao?” (Vietnamnet).
 
Bài báo này viết về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (KHLS) khai mạc sáng16.6.2005 tại Hà Nội. Tại đây nhiều đại biểu đã “tỏ ra rất bức xúc đối với quan điểm nhìn nhận sai lệch về một số nhân vật lịch sử trong các sách sử của nước ta lâu nay.”
 
Giáo sư Phan Huy Lê đã đề cập đến các nhân vật như Thái sư Lê Văn Thịnh (thời Lý), hay Phan Thanh Giản, Phạm Quỳnh, hình tượng người anh hùng Tô Vĩnh Diện, và gần đây nhất có đề cập đến sự thật về nhà văn Vũ Bằng-tác giả “Thương nhớ mười hai”, v.v...). Vậy, thưa GS, trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội KHLS VN do GS làm Chủ tịch đã tiến hành nhiệm vụ minh định lịch sử ra sao?

[16]“History is a whore: anyone with money or power can screw it.” Lời này trích trong bài “What Is History?” của Zhang Zhenglong đăng trong China Documents Annual, August 1990, Volumn 2. Zhang Zhenglong là sử gia Trung Quốc, đã bị truy tố vào đầu thập niên 90 vì dám phanh phui hoạt động kinh tài bằng thuốc phiện của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc trong thời Nội chiến Quốc - Cộng và Kháng Nhật. Có thể xem trong “Making History”.

[17]Trong Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 55 xuất bản tại Hà Nội vào tháng 10 năm 1963, Viện trưởng Sử học Trần Huy Liệu cho đăng bài “Chúng ta đã nhất trí về việc nhận định Phan Thanh Giản.” Quan điểm chung của bài báo là lên án Phan Thanh Giản: thất bại chủ nghĩa, phản lại nguyện vọng và quyền lợi tối cao của dân tộc, của nhân dân, là phạm tội dâng thành hiến đất cho giặc. Theo các tài liệu thì năm 1963, chính phủ Hà Nội mở một chiến dịch tuyên truyền nhằm chống lại chính phủ Sài Gòn và đế quốc Mỹ với khẩu hiệu sau đây: “Đẩy mạnh cuộc đấu tranh toàn diện, đánh thắng hoàn toàn cuộc chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ.” Tất cả mọi phương tiện đều có lợi cho việc đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền này. Dường như giáo sư Trần Huy Liệu, một vị giáo sư đại học nổi tiếng và là một nhà sử học nghiêm chỉnh đã không ngần ngại dùng nhân vật Phan Thanh Giản để bôi xấu cái thái độ khuất phục trước sức mạnh của người ngoại quốc. Theo Tiến sĩ Phan Thị Minh Lễ thì tuy Trần Huy Liệu nói rằng chúng ta nhất trí, ngay trong tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 55 ông Liệu đã thừa nhận rằng hai sử gia Chương Thâu và Đặng Huy Vận có lập trường “không ai mong đợi” vì chưa bỏ được cảm tình của dành cho Phan Thanh Giản. Hai người đã bị phản đối và chỉ trích. Tài liệu về việc “đánh giá lại” Phan Thanh Giản khá phổ biến trên mạng Internet, có thể tham khảo bài “Phan Thanh Giản con người, sự nghiệp và bi kịch lịch sử” của Phan Huy Lê. (suutap.com), hay: “Nhận định bài tổng kết về Phan Thanh Giản của ‘Người Anh Cả’ giới sử học Hà Nội” của Phan Thanh Tâm (gio-o.com).

[18]“Câu chuyện 16 tấn vàng tháng 4-1975″, Tuổi Trẻ, 01/05/2006.

[19]Truyện Kiều của Nguyễn Du, từ câu thứ 1209: “Này con thuộc lấy nằm lòng / Vành ngoài bảy chữ, vành trong tám nghề / Chơi cho liễu chán, hoa chê / Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời.” Bảy chữ vành ngoài là: Khốc, Tiễn, Thích, Thiêu, Giá, Tẩu, Tử. Đây là bảy mánh khóe bên ngoài để dụ dỗ khách. Tám nghề là dành cho kỹ thuật hành lạc: kích cổ thôi hoa, kim liên song toả, đại chiến kỳ cổ, mạn đả khinh sao, khẩn thuyên tam trật, toả tâm truy hồn, tả chi hữu chì, nhiếp thần phiến toả.

[20]Toàn bộ hệ thống báo chí tại Việt Nam đều đăng bài hay dẫn lời những cá nhân đả kích Trịnh Cung, không cho Trịnh Cung cơ hội bảo vệ minh hay ít ra là đăng bài đồng tình với Trịnh Cung.

[21]Xem bài của Nguyễn Đắc Xuân, “Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền” (damau.org).

 

 

---------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021