thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
BA MƯƠI NĂM: KHOẢNG CÁCH & DẤU NỐI [Nguyễn Trọng Tạo]
phỏng vấn Nguyễn Trọng Tạo

 

 

 

Ông gặp một thi sĩ/văn sĩ Việt kiều lần đầu ở: phi trường, quán…? Trước đó, ông biết họ qua tác phẩm nào? Điều gì từ tác phẩm đó đã gây ấn tượng cho ông?

 

NTT: Hồi đầu những năm 90 thế kỷ trước tôi sống ở Huế, và đã gặp ở đó khá nhiều văn nghệ sĩ hải ngoại về thăm đất nước. Hầu hết những người tôi được gặp thì trước đó tôi đã được đọc, được biết tên họ trên sách báo hải ngoại hoặc trong nước. Có người, tôi đã được đọc họ từ trước 1975. Những người tôi gặp thường là những tên tuổi quen thuộc. Đỗ Khiêm cùng ông Hoàng Hoa Khôi đến tư gia thăm tôi. Thuỵ Khuê cùng chồng con xuống ga tàu hoả Huế được tôi và Hoàng Phủ Ngọc Tường đón về Khách sạn và đưa đi thăm di tích, danh thắng và gặp nhiều văn nghệ sĩ Huế. Tôi và HPNT cũng đã đón Khánh Trường từ sân bay Phú Bài. Du Tử Lê sau ba lần về Huế mới quyết định đến gõ cửa nhà tôi và HPNT, rồi hơn 10 năm sau lại gặp nhau ở Hà Nội. Trần Vũ tìm tôi ở Huế không gặp, chục năm sau tôi lại tìm được Vũ tại Pais và đến nhà chơi. Mai Ninh cũng đã cùng chúng tôi đi thuyền rồng sông Hương thăm lăng Minh Mạng. Nhiều lần hẹn nhau với anh Đặng Tiến mới găp được nhau tại nhà anh Dương Tường. Một lần đang nhậu với bạn bè ở nhà thì nghe điện thoại ông Mai Thảo từ bên kia Thái Bình Dương gọi về, giọng vang như có eco trong phòng bá âm, hoá ra ông chỉ một mình cô độc trong phòng làm việc... Những người ấy đều ghi dấu ấn sâu đậm trong tôi bằng tác phẩm và những hoạt động văn học của họ. Đấy là những người Việt muốn cùng với những người cùng nòi giống tôn vinh văn chương tiếng Việt, dù phong cách và quan niệm khác nhau.

 

Người thi sĩ/văn sĩ Việt kiều mà ông thân nhất đã nói cho ông nghe điều gì về thơ/văn hải ngoại và thế giới? Những quan điểm nào ông đồng tình và không đồng tình? Ông nghĩ sao về các khuynh hướng sáng tác như Hậu hiện đại, Tân cổ điển…

 

NTT: Tôi thích quan điểm của Khánh Trường khi lấy chữ Hợp Lưu đặt tên cho tờ tạp chí văn chương ra đời ở Mỹ. Anh muốn họp mặt các dòng chảy của văn học Việt, dù trong nước hay ngoài nước, dù trường phái này hay trường phái nọ. Tất nhiên là trên một bình diện văn hoá nhất định. Có lúc tôi đã nói với anh rằng, nhiệm vụ của chúng ta sau cuộc chiến là hàn gắn vết thương vĩ tuyến 17 chứ không phải là khoét sâu thêm thù hận. Đó cũng là nhiệm vụ nhân văn cao cả của văn chương. Bạn cũng nên hiểu rằng, trong cuộc chiến, tôi và Khánh Trường cầm súng ở hai chiến tuyến, cùng thế hệ, cùng tuổi, cùng đeo đuổi văn nghiệp. Vì thế, tôi đọc hầu hết những tờ Hợp Lưu may mắn có được bằng nhiều con đường khác nhau. Tôi cũng đọc tạp chí Thơ xuân-thu-đông, Văn, Đoàn Kết, Talawas, Tiền Vệ... Đấy là nơi chấp nhận được "tự do ngôn luận" tương đối thoải mái. Và tôi hiểu thêm được nhiều điều qua văn chương của những tác giả có góc nhìn khác tôi. Hơn nữa, tôi hiểu thêm đời sống tình cảm của những người Việt ở nước ngoài, dù họ phải rời xa Tổ quốc trong hoàn cảnh nào. Tôi cũng rất tiếc cho một số nhà văn không thoát khỏi hằn học và thù hận, làm đau khổ những con chữ vô tội. Những con chữ vô tội trong tiếng Việt ấy lại còn bị lạm dụng như người ta lạm dụng tình dục trẻ em ngay cả trong thơ ca nhân danh cách tân trong những năm gần đây. Tôi nghĩ chủ nghĩa Hậu hiện đại, Tân cổ điển, Tân hình thức không khó chấp nhận. Vì không đổi mới thì không có văn chương của thời đại mới. Văn học tự thủ tiêu khi chối bỏ cách tân, hoặc không để cho cách tân trình thị. Đấy là bài học của muôn đời. Sự làm mới tiếng Việt không phải là làm cho tiếng Việt trở nên ngọng nghịu hay bắt chước vẻ lơ lớ của người tây nói tiếng Việt, mà phải làm cho tiếng Việt trong sáng hơn, đa nghĩa hơn, và chính xác hơn. Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm hay lục bát kiểu Du Tử Lê là biểu hiện của sự tìm kiếm có hiệu quả. Truyện ngắn của Trần Vũ trẻ hoá thể loại truyện ngắn đã trở thành công thức già nua. Giọng văn phê bình nghiên cứu của Võ Phiến kết hợp được văn chương với đời sống tâm hồn mà trở nên hấp dẫn, thoát khỏi trơ cứng của lối văn nghị luận... ở trong nước người ta hay nhấn mạnh giá trị văn chương bằng chữ hay. Điều đó không sai, nhưng xem xét sự xuất hiện của tác phẩm văn chương phải bắt đầu bằng sự nhận diện cái mới. Những giá trị mới là điều vô cùng quan trọng đối với người sáng tạo. Mới có thể chưa hay, thậm chí không hay, nhưng trong hay bao giờ cũng chứa đựng những giá trị mới. Có tạo ra những cái hay-mới thì mới phân biệt được với những cái hay-cũ. Tôi kính nể những người dấn thân tìm kiếm cái mới cho văn chương, và tôi kính phục những người mang tới cho văn chương những cái hay-mới. Gần đây tôi được đọc mấy cuốn lý thuyết về Thơ Tân Hình Thức rất thú vị, nhưng đọc những bài thơ tân hình thức thì chưa sướng được. Không biết bao giờ thì hà lý thuyết tân hình thức và nhà thơ tân hình thức gặp nhau? Hình như tôi còn có một nghi ngờ gì đó về thơ tân hình thức giữa các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Pháp... và tiếng Việt; sự giãn cách khoảng trống cố ý (hay vô ý) giữa các từ? Liệu chúng ta có thoát khỏi bức tường phương Tây để bay tới bầu trời thơ ca tân hình thức Việt Nam?...

 

Ngoài những quan hệ có tính cách cá nhân như thế, ông có thường đọc các tác phẩm văn học bằng tiếng Việt ở nước ngoài không? Nếu thường, thường như thế nào? Những tác phẩm ấy thuộc thể loại gì (thơ/truyện/tiểu luận/phê bình)?

 

NTT: Nói chung thì không ai đọc được hết sách văn học trong nước cũng như hải ngoại. Trước 1975, khi còn phân biệt ta - địch giữa hai chế độ, tôi cũng đã đọc được một số cuốn sách in ở Sài Gòn. Lúc đó tôi thích thơ Nhã Ca, Nguyên Sa, Nguyễn Bắc Sơn, Thanh Tâm Tuyền (người có câu thơ thật ngộ: Tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ)... Tôi cũng nhớ một số câu thơ của ai đó trong một tập thơ không còn nguyên vẹn: "Anh đi ném bom xé nát trăm miền/ Rồi về dưới đó mua chùm hoa nhân tạo/ Sáng mùng một Tết tặng em", "Bấm vào đầu thấy đau/ Bấm vào chân thấy đau/ Da thịt còn đau dấu hiệu sống còn", "Nếu không có con/ Biết lấy ai làm chứng cho ba đã có mặt trong đời"... Một người lính ở "phía bên kia" đã viết như thế. Rất người. Và tôi nghĩ, văn chương đích thực sẽ vượt qua thành kiến và thù hận, vượt qua biên giới để tìm đến chia sẻ với đồng loại. Bây giờ tôi đọc "Khi tôi chết hãy đưa tôi ra biển", hay "Sóng từ trường"... Thụy Khê là một nhà bình luận văn chương sắc sảo, chấp nhận những góc cạnh của tài năng, lại có một giọng nói rất sang và quyến rũ trên đài RFI. Chị đã nêu được nhiều vấn đề văn học trong nước và hải ngoại, khiến cho không khí văn chương trở nên cập nhật. Tôi khá chú ý thơ tân hình thức, nhưng nhiều bài thơ đã làm tôi buồn cười hơn là thích thú. Tôi nghĩ, nếu trong hồn người viết không có thơ thì dù có bày trò giỏi mấy cũng chỉ dựng lên được những xác chữ mà thôi.

 

Theo ông, văn học Việt Nam trong và ngoài nước có những khác biệt gì đáng kể?

 

NTT: Cái khác biệt đáng kể nhất giữa văn học Việt Nam trong và ngoài nước là tư tưởng tự do. Sự tiếp xúc với tự do phương tây đã làm cho một số nhà văn hải ngoại trở nên phóng khoáng nhiều trong tư tưởng hiện đại. ảnh hưởng của văn học phương tây đối với văn học hải ngoại cả về hình thức lẫn nội dung là có thật. Văn học trong nước không chối từ tính dục như ai đó vẫn lầm tưởng, nhưng vấn đề tính dục trong văn học hải ngoại được chấp nhận thoáng đãng hơn. Tôi không dám chắc trong hay ngoài viết về chuyện ấy hay hơn, nhưng rõ ràng nó phụ thuộc vào những quan niệm mang tính văn hoá không đồng nhất. Ngay cả tính phản kháng vốn là bản chất của văn học, kể cả phản kháng cái đẹp đã lỗi thời, cũng có những cung bậc khác nhau. Nhưng nói cho cùng thì không có nhà văn nào giống nhà văn nào, và nhờ sự khác nhau đó mà văn học mới trở nên phong phú và đa dạng như chúng ta đã thấy.

 

Ông có tin là văn học trong và ngoài nước một ngày nào đó sẽ nhập làm một hay không? Điều kiện để dẫn đến sự “thống nhất” ấy là gì?

 

NTT: Tôi không nghĩ rằng văn học Việt Nam trong và ngoài nước là hoàn toàn khu biệt. Vì văn học là văn học, nó mang tính nhân văn bẩm sinh của con người. Chỉ khác chăng nó đang bị khu biệt về độc giả. Những năm gần đây, một số tác giả hải ngoại đã in sách ở trong nước. Bộ tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác do nhà xuất bản Văn Học (Hà Nội) ấn hành được nhiều người trong nước tìm đọc và được giới thiệu trên báo chí. Tôi đọc Ký sự đi Tây của Đỗ Khiêm là do nhà xuất bản Văn Hoá Thông Tin của Bộ VHTT ấn hành. Nhà nước cũng vừa cho phép xuất bản 15 cuốn sách của nhà sư Thích Nhất Hạnh nhân dịp ông về truyền giáo ở nước nhà... Điều đó chứng tỏ sự khu biệt về độc giả đang dần được giải toả. Có một thực tế là số lượng độc giả trong nước vô cùng lớn so với độc giả hải ngoại. Sự thiệt thòi của những văn thi sĩ hải ngoại về người đọc là cần chia sẻ. Chẳng thế mà nhạc sĩ Phạm Duy đã làm một cuộc chọn lựa cho chính mình: ông muốn đưa âm nhạc của ông trở về với 80 triệu dân Việt ngay trên Tổ quốc mình. Đây là một vấn đề Nhà nước nên nghĩ tới giải pháp có lợi cho văn nghệ sĩ và công chúng.

 

Trong cuộc “thống nhất” của nền văn học bằng tiếng Việt ấy, đóng góp chính của mỗi bên (trong/ngoài) là gì?

 

NTT: Còn riêng về sự "thống nhất" văn học trong và ngoài nước, theo tôi, có lẽ chỉ cần một chữ "hay" là đủ.

 

Với những thi sĩ/văn sĩ hải ngoại, ông muốn cho họ thấy điều gì quí nhất trên trán ông và trong túi ông?

 

NTT: Tôi muốn các nhà văn hải ngoại nhìn thấy trong túi tôi có rượu và trên trán tôi đôi mắt kính được nâng lên.

 

(Trần Nhuệ Tâm thực hiện)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021