thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một giải pháp, cho hết thảy*
(Diễm Châu dịch)
 
Các người sẽ nói
rằng sự dại dột của tôi chỉ là sự dại dột thuần tuý,
rằng than thân trách phận thật là ngu xuẩn
và ngu xuẩn hơn thế nữa là than trách về trái đất lạnh cóng này
nơi định mệnh đã bỏ mặc chúng ta.
Sự thật là quen với đói khát
đòi hỏi một lao lực thật sự.
Thiên hạ cho rằng đói,
khi được chia sẻ với những người khác,
có thể chịu đựng được,
nhưng có điều chắc chắn, đó là chúng tôi hết thảy
ở đây
chúng tôi dở sống dở chết
và chúng tôi cũng chẳng còn biết
lăn ra đâu để chết.
Tuồng như
bất hạnh đương nhiên thuộc về chúng tôi.
Không có vấn đề bất kể tới nó.
Bởi không thể nào được.
Từ khi thế giới là thế giới,
chúng tôi đi lỗ rốn dán vào
cột sống
và những đầu móng cắm sâu trong gió.
Cả đến chiếc bóng của chúng tôi cũng được trả giá,
và bất chấp tất cả chúng tôi vẫn tiếp tục:
choáng váng vì vầng mặt trời khốn kiếp
ngày ngày kịch liệt đánh phá chúng tôi,
luôn luôn với cùng một nỗi buồn chán ấy
như thể muốn khơi dậy lớp tàn tro.
Nhưng chúng tôi biết
rằng may mắn sẽ không mỉm cười với chúng tôi
dẫu như trên những lớp than hồng.
Nhưng chúng tôi kiên trì.
Có lẽ chuyện ấy rút cuộc sẽ được thu xếp ổn thỏa.
Thế giới đầy rẫy những kẻ như chúng tôi,
vô số những kẻ như chúng tôi.
Phải có một ai đó nghe thấy tiếng chúng tôi,
Và những người khác nữa, nhiều người khác,
dẫu như những tiếng kêu của chúng tôi làm họ tê điếng
hoặc khiến họ giận dữ.
Không phải là vì chúng tôi xấc xược
hoặc phách lối
hoặc chúng tôi đòi chuyện trời trăng hay
của bố thí...
Chúng tôi không có thói quen
ẩn trú trong nơi lẩn tránh
hoặc trèo leo những ngọn núi cao
mỗi khi bầy chó
tìm cách ngoạm.
Phải có ai đó nghe thấy tiếng chúng tôi.
Khi chúng tôi thôi rì rầm
như bầy ong vò vẽ
khi chúng tôi sẽ trở thành
cái đuôi của cơn lốc,
khi chúng tôi len lỏi trên trái đất
như ánh chớp của cái chết,
thời, có lẽ,
người ta sẽ tìm ra
một giải pháp, cho hết thảy.
 
 
Ghi chú của dịch giả:
JUAN RULFO (1917-1986) là một nhà văn Mễ-tây-cơ. Ông sinh ngày 16 tháng Năm 1917 (có nơi nói 1918) tại Sayula, tỉnh Jalisco. Ông là con nhà địa chủ: cha ông và nhiều người trong gia đình ông bị giết năm 1923, mẹ ông mất vì một cơn đau tim năm 1927. Vì không có ai nhận làm con nuôi, ông được gửi tới «nội trú» tại trường mồ côi Luis Silva ở Guadalajara. Tuổi thơ của ông như vậy là cũng tạm «đầy đủ»! Ông có theo học Luật ít lâu tại đại học, nhưng rồi bỏ ngang đi làm kiếm sống. Ông bắt đầu viết những chuyện ngắn đặc sắc, như “Macario”... cho in ở tạp chí Pan ở Guadalajara, do chính ông và Antonio Alatorre điều khiển. Năm 1946 ông định cư tại thành phố Mexico và lần lượt các tác phẩm chính của ông ra đời: tập truyện ngắn El Llano en Llamas (‘Đồng bằng bốc lửa’, 1954) và cuốn «tiểu thuyết» duy nhất của ông (có lẽ nên gọi là ‘truyện vừa’), Pedro Páramo (1955), một «mẫu mực» cho Trăm năm cô quạnh của Gabriel García Marquez về sau... Ông hết sức được quý trọng ở khắp các nước Mỹ châu la-tinh, vì ông đã thay đổi hẳn lối viết truyện chịu ảnh hưởng nặng nề của chủ nghĩa «tự nhiên» của Pháp ở vùng này. Bút pháp và đề tài trong các tác phẩm ít ỏi của ông, cho đến nay, vẫn được thế giới học hỏi. Quan hệ cha-con trong Pedro Páramo, cũng như trong truyện ngắn của ông, được «luận giải» thật điềm đạm và sâu sắc! Juan Rulfo còn viết một số truyện phim, nổi bật là Gallo de oro (‘Con gà trống bằng vàng’, 1964), và làm thơ. Tây-ban-nha đã tặng ông một giải thưởng năm 1983. Ông mất tại thành phố Mexico ngày 8 tháng Giêng 1986.
 
* Bài dịch trên dựa theo bản Pháp văn của Gérard de Cortanze, trích trong một bài thơ dài của Juan Rulfo, tựa trong nguyên tác là “Công thức bí ẩn”.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021