thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những ghi chép
Bản dịch và lời giới thiệu của Hoàng Ngọc Biên
 
 
HÉLÈNE CIXOUS
(1937~)
 
Hélène Cixous sinh ngày 5 tháng 6 năm 1937, tại Oran, Algérie, là một nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia, triết gia, nhà phê bình văn học và nhà tranh đấu cho nữ quyền nổi tiếng của Pháp và của cả thế giới. Cha: dân thuộc địa người Pháp, mất lúc Cixous còn bé; mẹ: người Áo-Đức. Ngôn ngữ thứ nhất của bà là tiếng Đức. Mọi người thân thuộc, kể cả cha bà, đều là Do thái, nên bà chịu nhiều ảnh hưởng tàn bạo thời Thế chiến Thứ hai. Bà học ở Pháp, đậu thạc sĩ về Anh ngữ năm 1959, lấy chồng cùng năm đó và sinh con đầu lòng. Con thứ hai sinh năm 1962 là năm bà được nhận làm trợ lý ở Đại học Bordeaux. Năm 1965, sau khi li dị chồng bà chuyển lên Paris và làm phụ giảng ở Sorbonne; rồi 1967, được phong phó giáo sư ở Nanterre, là năm bà cho xuất bản Le Prénom de Dieu. Năm 1968: tiến sĩ văn chương, luận án L’Exil de James Joyce ou l’art du remplacement xuất bản năm 1969, khi bà trở thành giáo sư.
 
Là một trong những người sáng lập tạp chí Poétique (thể nghiệm về cách đọc văn bản) ở Pháp, có công nhiều trong việc gây dựng Đại học Paris VIII (với Centre de Recherches en Etudes Féminines [Trung Tâm Nghiên Cứu Những Vấn Đề Phụ Nữ] nổi tiếng và với những người giảng dạy có tên tuổi như Gérard Genette, Michel Foucault, Tzvetan Todorov, Gilles Deleuze... ), Cixous không những được biết đến, cùng với Julia Kristeva, như một nhà đấu tranh cho nữ quyền, mà còn như một gương mặt dấn thân (thật sự) đấu tranh cho công bằng xã hội và những tự do căn bản của con người.
 
Những công trình chuyên khảo của Cixous trải dài từ Jacques Derrida (Portrait de Jacques Derrida en jeune juif) đến Clarice Lispector, Maurice Blanchot, Franz Kafka, Heinrich von Kleist, Montaigne, đến Ingeborg Bachmann, Thomas Bernhard, Marina Tsvetaeva. Tiểu luận Le rire de la Méduse (1975) và tác phẩm La jeune née của bà khi được giới thiệu với người đọc Anh-Mỹ qua các bản dịch The Laugh of the Medusa, và The Newly Born Woman đã giúp làm cho tiếng tăm bà lẫy lừng hơn. Do lối viết liên văn bản, cộng với những hình thức đặc biệt “tự do tới cùng” của bà [cổ vũ cho một mô thức viết phụ nữ mà bà còn gọi là “mực trắng” – trong Le rire de la Méduse), tác phẩm Cixous không dễ đọc: may ra trong số hai mươi ba tập thơ, sáu cuốn tiểu luận, năm vở kịch và vô số bài viết có ảnh hưởng lớn của bà, thì Dedans (Grasset, 1969), tiểu thuyết nửa tự thuật (được trao Giải thưởng Médicis), có thể là một trong ít cuốn gần gũi với người đọc “bình thường” hơn cả, cho dù với tác phẩm này, và Le troisième corps sau đó (1970), bà đã khởi sự thay thế độc thoại nội tâm “độc tôn” quen thuộc bằng những đối thoại nhiều tiếng nói, bằng những qui chiếu liên văn bản.
 
Gần tới tuổi thất tuần, cuộc đời Hélène Cixous lúc nào cũng ở trước mặt. Những hoạt động văn hóa của bà, nói kiểu cải lương, không bút nào tả xiết. Sinh tiền, triết gia Jacques Derrida coi bà là nhà văn viết tiếng Pháp lớn nhất còn sống.
 
“Những ghi chép” dưới đây, như Hélène Cixous phát biểu trong phỏng vấn của Susan Sellers [Paris, tháng Bảy 2001] in ở những trang cuối cuốn The Writing Notebooks of Hélène Cixous, là những ghi chép bà nhặt từ các thứ nghe được trong gia đình, những chữ, những câu có khi buồn cười, những gì nghe thấy trên xe lửa, trong bệnh xá, những thứ xảy ra trong đời sống, cả trong những giấc mơ, còn tươi, có thể giữ lâu để sử dụng sau này – nói chung, tạo một từ trường / magnétisant [chữ của Cixous] thu hút cả thế giới...
 
 
 
5
 
– Powys[1] và người bạn đường của ông
một buổi sáng họ khám phá một trong hai con mèo trắng
người ta không biết con nào
đã đái trên cái chăn bông phủ giường trắng.
Họ gọi điện cho thú y ông thú y đến hạ
hai con mèo ngay tối ấy
– Khi khám phá hai cái xác trg nhật ký[2] của
Powys tôi cảm nhận một sự ghê tởm hận thù
nh. tôi đã gặp tận mặt họ trg nhà
họ, cái chăn bông phủ giường, 2 con mèo chết con
này nằm lên con kia.
Tôi không bao giờ còn có thể đọc Powys nữa, thoạt tiên
tôi nghĩ vậy – Thế rồi : tôi đọc Powys từ ba mươi
năm nay. Bộ tôi không ngửi thấy mùi mèo chết sao?
Thế rồi : có thể chăng tôi lại có thể đọc P.
– sau này, khi th gi trôi qua, đã qua rồi?
Thế rồi : phải chăng tc sách vở người ta đều viết về
những xác mèo?
Những vụ sát hại được biện minh –
– Người ta có quyền giết, những vụ sát hại chính đáng
không mang tên là sát hại
Thế rồi : sách của tôi cũng thế? Cái gì đã được
chôn bên dưới ngôi nhà?[3]
Nhg dù s tất cả đều cùng nh nh –
                                                            24.7.00
– Câu hỏi không dứt
 
 
 
 
20
 
Tôi chưa bao giờ nói dối mẹ tôi
Nhưng tôi rất thích gạt bà tôi, nhất là
về chuyện vệ sinh chân.
 
 
 
23
 
Một ông thú y .             Một con ve cứng.
     Vô phúc là ông thú y kia đã rời bỏ
chúng ta cách nay ba năm và bỏ rất hung bạo
     Một chuyện máu me. Ông ấy tự tử.
 
            ________
 
Ông thú y thành phố nhỏ của ta đã già đi
mười tuổi cách nay ba năm : vào mùa xuân
ông thú y đối thủ của ông đã bỏ ông đi cách tàn
bạo khi cuộc đời thú y của ông đã xong xuôi .
Ông thú y kia đã rời bỏ chúng ta ông thú y
còn sống bảo vậy ta hãy xem ông rời bỏ ra sao
     Dân thú y lúc nào cũng tự tử một
cách rất ư hung bạo, tựa như họ muốn trừng phạt
cuộc đời vì đã bắt họ phải chịu đựng một cuộc sống
như thế. Họ cho đổ thật nhiều máu –
làm thú y, ông thú y bảo, là làm cái
nghề dễ tự sát nhất. Trong ba
năm chúng ta đã có tới bảy cái chết trong
vùng này, một ở Cestas, một ở Arcachon,
một ở Gujan-Mestras, một ở la Teste –
- Cái nghề thú y này là một
căn bệnh chết người ông thú y bảo,
Cái nghề thú y này, ông thú
y bảo, không ai đút đầu vô đó nếu
ngay lúc đầu người ta biết hết sự
thật về nó, có ai muốn theo học cái nghề
dẫn người ta đến chỗ tự tử đây ?
 
 
 
24
 
Thú y là một ông y sĩ
cần phải là nhà giải phẫu huyết học khoa phổi
khoa ung thư đa khoa tâm thần tự phân
tâm thật là chuyện vô nhân, – nhà thú y bảo
nhà thú y không chống nổi trước những loại đau
khác nhau – nỗi buồn, thần kinh căng, đấy đúng
là chữ của nhà thú y, chân lý – đó chính là
thần kinh căng, con thú bị căng, những ông chủ
căng, hết căng thẳng này đến căng thẳng khác ta mau
chóng đến chỗ cần thiết phải hủy mình .
– Chính tôi đây – tôi cũng đang trở thành nhà thú y do
thiên chức như tất cả mọi nhà thú y, hồi bốn
tuổi tôi đã muốn làm người da đỏ và vụ này đã dẫn
tôi thẳng đến chỗ trở thành thú y và từ đó tôi nghĩ đến
chỗ chấm dứt . Những nhà thú y cần được
theo dõi sát bởi các ông chủ yêu mến
nhà thú y vừa nói vừa lúc lắc đầu tóc
đã ngả bạc cách đây ba năm – Ngày một
ngày hai – con người là vậy thôi ông nói –
Cái chết không còn xa lắm, nhưng từ hồi tôi có
đứa con-gái, tôi đã dứt khoát quyết định chấm
dứt vụ này trước ông bảo. Khi người ta hỏi, ông
thú y cho biết có một đứa con gái ba tuổi
cao 1m85[4] còn chính ông thì
ba mươi lăm tuổi tháng tới, là chuyện
hẳn phải là khó tin nổi nếu ta không biết
cái cú sốc của anh chàng thú y kia ; quả
vậy khi đi ra khỏi phòng bệnh chúng ta nói
 
thì thầm với nhau vì sợ vô ý làm thần kinh ông
căng thẳng rằng con người ấy (trước/nay có vẻ
như đến sáu mươi tuổi
 
 
 
26
 
tôi có một đứa con trai và tôi đặt tên nó là Georges
như cha tôi và khg suy nghĩ
 
 
con vẹt ở Madison[5]
 
 
St Aug[6] – cuốn II về chuyện những quả lê bị đánh cắp
lương tâm trg cái xấu –
 
Montaigne Suy nghĩ về Tính Tàn ác[7] 411 ff
 
 
 
27
 
tôi sắp sinh . Mẹ tôi bảo tôi
Georges[8] chết rồi   Nói ngập ngừng –
– cái làm cho mẹ ngập ngừng ấy là lúc
                                    với tôi mẹ
cái chết đi qua với đời sống
                                    bảo “trước” hoặc
                                    “sau”
R cc chính vào lúc –
cái chết đi qua với đời sống .
- Ngay lúc con trai tôi ra đời thằng mới sinh
thằng còn sống tôi bắt đầu viết trở lại – Thay vào chỗ
của Georges
 
 
 
29
 
7 tháng tư 2001.  Điểm tâm.  Bên ngoài mưa gió bão
bánh kẹp lễ phục sinh.
Gặp gỡ v Eve lúc 6 g. 30 hoảng hốt vẻ điên
chuyện gì xảy ra vậy? làm gì mà bạn dậy
lúc 3 g. 30 – ? 3 g. 30 – Giờ là 6 g. 30 – A – Vậy tôi
sẽ đi ngủ trở lại - / Từ dùng cho tâm trạng tôi :
điềm xấu. Nỗi lo, nh. ảnh tượng 1 sự lão suy khả hữu
vẻ điên, ph. ngủ, cô ấy sẽ đi ngủ trở lại –
7 g – Bạn ăn rồi ? Vâng – Bạn không có
gọi điện cho tôi ? Bạn bảo tôi tôi sẽ đi ngủ trở lại
– Trong khi chờ đợi –
– Chúng ta ăn những cái bánh kẹp – rối loạn bạn không có
ăn những cái bánh kẹp vânvân –– tôi có xem 1 phim về Bombay
tôi kể câu chuyện Cachemiri – ; những chiếc khăn quàng
xa hoa, bàn thờ v vị trưởng lão. Ông bảo tôi :
nếu trg 5’ bạn mua của tôi 1 chiếc khăn quàng, điều đó có nghĩa
bn sẽ được 1 tỷ lệ phần trăm... Cô ngắt ngang câu chuyện :
Điều đó có nghĩa là ta không nên đi du lịch v 1 thứ người nh –
thế – / Tôi nhìn cô kinh ngạc: thứ người nào ? bạn hiểu
được gì ? – Nếu hắn không trả tiền đuợc – Nhg tôi đang
nói với bạn về một người buôn vải cachemiri ! Bạn không hiểu gì
về Cachemiri? Cô bèn cười – Tôi tôi không biết –
Thế thì trầm trọng rồi. Đáng lo rồi - Bạn không nghe
Bạn đi theo đường của mình. Đây không là chuyện quan trọng, trên
bàn ăn – Nhg nó cũng sẽ có thể là quan trọng – Nhg bạn có nói
với tôi về khách sạn[9] – tôi nói với bạn bàn thờ[9] với những thần linh
1 tấm ảnh vị trưởng lão, tôi phác một cử chỉ trên không –
Cô cười – tôi không cười.
 
 
 
38
 
Tôi đã vỡ bọc nước. Và khi tôi vỡ
toc – cái đầu dựa vào đấy chun ra, và gây cầm máu
Thế là xong không còn máu nữa
Đây là một động tác đơn giản, nhưng ta phải biết cách –
 
 
 
39
 
tôi có một ông bác sĩ ông muốn tôi gọi cho ông
 
     Có hai chuyện
- Chuyện giãn nở hoàn toàn
Và chuyện đứa bé lọt xuống
Anh không thể đưa đứa bé ra –
 
Còn ông thì cho là chỉ cần một chuyện gi n – hn tn
 
Cần phải đưa đứa bé ra! –
 
Nhg điều ấy có nghĩa là gì – ? Nó phải lọt xuống
Thế là ông dùng 1 cặp thai . Vâng và đứa bé ra là một thằng ngu
1 bé trai to đùng – 1 thằng bé rất bự – Không thể nào
dùng những cái trò như thế
Ấy l
 
mấy ông gs – mà ta có, là những người rất
kinh nghiệm – có cái gì đó để cho biết họ là những
     gs – nhg những ông tài tử ấy
M người đều đỡ đẻ . Chuyện dễ –
Bảo chuyện ấy dễ cũng là chuyện dễ
–––
đẻ ngược là 1 việc rất dễ với điều kiện ta không đụng
tới – Nó ht tự ra một mình - Nhất là không được đụng
Phía dưới ra trước – Nhg đôi khi hai tay đưa lên - Đấy
Có một thao tác tuyệt vời
Ta không được hoảng hốt –
 
 
 
42
 
Bác sĩ của bạn cái thằng ngu ấy
hắn cắt ngay tức thì
Đó chính là những thói quen Ả rập –
Hắn đã làm tc những gì không nên
làm, hắn chích cho bạn một mũi thuốc đ làm nhanh
hắn đã cắt dây rốn quá sớm –
hắn đã xé toạc bạn hắn không để ý
hắn – đã lôi cái nhau ra ngay tức thì
khg đợi nó đi ra và hắn
đã để sót lại một miếng bên trong[10]
Tôi tôi vn bảo : nên lùi đ nhảy xa hơn
Cần phải chậm lại đ có nhiều th g
cho bắp thịt, đó là cách tốt nhất
để làm chuyện đ đẻ
- Không nên thúc ép các thứ
Nếu nó
Bây giờ thì ngay lập tức –
 
                                    Pif ra đời
 
 
Dịch từ nguyên tác tiếng Pháp trong cuốn The Writing Notebooks of Hélène Cixous, do Susan Sellers biên tập và dịch, Nxb. Continuum, New York - London, 2004. Giữa năm 2004, do một tai biến nhẹ ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính khí, tôi quyết định chấm dứt chuyện làm báo. Một buổi trưa tôi ra thang máy ở tòa soạn, bấm số 1 và đứng ngay trước cửa hông bên trong Nhà sách lớn nhất SLC Sam Wellers. Như mọi ngày, tôi bước vào quầy sách mới, và ở đây tôi đã bắt gặp lại bà Hélène Cixous của Saigon trước 75. Trước 75, tôi không đọc nhiều Cixous. Có đọc, là chỉ đọc như một kẻ “tài tử” – như bây giờ. Tôi không có gì chuyên môn, lại càng không chuyên môn món này. Nhưng một buổi trưa đẹp trời, kề cận ngày về nhà đuổi gà trồng rau, nhặt được một cuốn Cixous ở Salt Lake City, với tôi vẫn là một điều thích thú: tôi tìm lại được chàng trai “tài tử”, đồng thời cũng có một vài khám phá thích thú bỗng muốn đem chia sẻ với ai nấy. Tôi mở sách dịch ngay mấy chương trên cái máy Mac ở tòa soạn báo The SL City Weekly. Rồi thôi. Quên tất cả. Cái dịch vui ấy may thay còn lại trong lố Zip-Disk tôi đem về San Jose. Cùng với bản đánh máy lại, tôi ghi chú chút đỉnh, và ghép thêm một thứ “lý lịch trích ngang” của con người nữ tài hoa năng nổ, và gửi cho tienve. Trước mua vui, sau (hi vọng) làm nghĩa...
 
 
Những chữ viết tắt trong bản dịch Việt ngữ/nguyên tác:
5: trg / ds (dans: trong), nh. / c. (comme: như), trg / ds (dans: trong), th gi / tps (temps: thì giờ), tc / ts (tous: tất cả), Nhg dù s / Ms qd m (Mais quand même: Nhưng dù sao), nh nh / m c. (même chose: một thứ như nhau);
26: khg / ss (sans: không), trg / ds (dans: trong);
27: R cc / Final t (finalement: rốt cuộc);
29: v / ac (avec: với), g. / h. (heures: giờ), nh. / c. (comme: như), ph. / ch. (chambre: phòng), trg / ds (dans: trong), 5’ / 5’ (minutes: phút), bn / vs (vous: anh, chị, bạn...), v / ac (avec: với), nh. / c. (comme: như), Nhg / Ms (mais: nhưng);
39. gi n – hn tn / d – compl (dilatation complète: giãn nở hoàn toàn), Nh / Ms (Mais: Nhưng), Ấy l / C'ét (C’ était: Ấy là), gs / prof (professeurs: giáo sư), nhg / ms (mais: nhưng), M / Tt (tout: tất cả, mọi...), ht / tt (tout [seul]: hoàn toàn [một mình]), Nhg / Ms (Mais: Nhưng);
42. tc / tt (tout: tất cả), đ / pr (pour: để), khg / ss (sans: không), vn / tjs (toujours: luôn luôn, vẫn), đ / pr (pour: để), đ / pr (pour: để), th g / tps (temps: thì giờ), đ đẻ / accouchts (accouchements: đỡ đẻ).
 
_________________________

[1]John Cowpers Powys (1872-1963), nhà văn, tiểu thuyết gia người Anh.

[2]Những dòng chữ dưới đây xuất hiện trong cuốn Tự thuật (1934) của John Cowpers Powys (London: Macdonald, 1967): “Trước đây (khi về nhà) tôi thường được hai con mèo to tổ bố củ tôi chào đón - cả hai con mới đây tôi đã cho một ông thú y giết hại” (tr. 634) – Chú thích của Susan Sellers.

[3]Ý tưởng này hiện diện trong cuốn Le jour où je n’étais pas là khi tác giả mô tả những vụ khai quật từ dưới lòng đất và cho thấy như thế nào bà liên tục kinh ngạc bởi “những người chết của tôi” (tr. 32) – chú thích của Susan Sellers.

[4]1 mét 85 có lẽ là chiều cao của nhà thú y – Chú thích của Susan Sellers.

[5]Tại trường Đại học Madison (Mỹ), trong dịp Hélène Cixous đến nhận bằng danh dự, bà đã chứng kiến một cuộc cãi cọ giữa hai người bạn cùng phòng: một trong hai người, trước mặt bà, đã cho con vẹt của người kia vào cái lò nấu đồ ăn (microwave) - sự kiện đã làm bà nổi điên, nhất là khi vì con người làm hành động dã man kia là con trai của vị huấn luyện viên thể thao của nhà trường nên được trường xí xóa bỏ qua [theo lời H. Cixous kể lại với Susan Sellers].

[6]Những lời thú tội của Thánh Augustin (Cuốn II, chương 4) về chuyện hái trộm những quả lê [những quả lê không đẹp cũng chẳng ngon, cái thú chỉ ở chỗ hái trộm!]

[7]"De la cruauté" của Michel de Montaigne là một phần luận văn trong cuốn Montaigne - Oeuvres Complètes (Gallimard, 1962).

[8]Georges là tên người con trai đã mất trong cuốn Le jour où je n’étais pas là. Con trai thứ hai của Hélène Cixous sinh ra vào năm đứa con trai lớn của bà qua đời. Georges cũng là tên của cha Hélène Cixous. – Chú thích của Susan Sellers.

[9]Khách sạn: hôtel – Bàn thờ: autel. Hai chữ này đồng âm.

[10]ý nói: dạ con, tử cung


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021