thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cây phong | Tìm kiếm một trái tim
(Diễm Châu dịch)
 
CÂY PHONG
 
Một đứa trẻ nhỏ chỉ cho tôi một cái cây bên đường và hỏi: «Cây gì thế?»
Chúng tôi đang ở vào tháng Ba. Tôi bảo: «Một cái cây.»
Cành và thân cây nọ màu xám bạc, những màu xanh dịu của nó tựa như đôi bàn tay nhỏ nhắn của em bé.
Nhưng em bé không hài lòng với câu trả lời của tôi, nó giận dữ và kêu lên: «Một cái cây! Nhưng cây gì mới được chứ?»
Chúng tôi đang ở vào tháng Ba, làm sao tôi có thể cho nó biết? Tôi đáp: «Này em, em còn nhỏ... thế em bao nhiêu tuổi?»
«Sáu tuổi rưỡi.»
«Ờ,» tôi vỗ nhẹ lên chiếc đầu nho nhỏ với mái tóc dài mịn, «sáu tháng nữa em lên bảy tôi sẽ cho em biết.»
Sáu tháng qua, nhanh như ta băng qua một mặt hồ tí tẹo, và những cây phong đã phủ đầy lá đỏ hình chân vịt xòe nhảy múa trong gió. Nhưng cào cào châu chấu và dế đã cướp mất của tôi tình thân của em bé, nó không trở lại hỏi tôi cây gì nữa.
Một hôm vào buổi chiều, tôi lượm một chiếc lá rụng dưới gốc cây và nói với một cụ già đi qua ngay cạnh tôi: «Lá phong.» Cụ già ném trả tôi một cái nhìn khó chịu của đôi mắt đồng cỏ hoang vào Thu và đáp: «Ta biết!» Thế rồi, với một tiếng thở dài bực bội, ông cụ rời xa, bước theo một đám lá mà gió tây cuốn đi.
 
 
TÌM KIẾM MỘT TRÁI TIM
 
Bập bềnh trong chân không
chúng ta hết thảy
là những thân xác không trái tim
 
bập bềnh trong chân không
chúng ta là những thân xác tìm kiếm
một trái tim
 
không trái tim
tìm kiếm một trái tim
những thân xác bập bềnh trong chân không
 
thế rồi rốt cuộc thân xác cuộn tròn với thân xác
thành một trái tim không biết tới bên trái và bên phải và chỉ biết có
hơi ấm của chính mình
bập bềnh trong chân không giá buốt
 
------------------------------------------------
SHANG CH’IN (hay SHANG QIN) sinh năm 1930 tại Tứ-xuyên, Hoa lục. Bị cưỡng bách nhập ngũ năm 15 tuổi, đã qua một phần phía nam Trung quốc trước khi lui về Đài-loan nơi ông rời quân ngũ để làm nhiều nghề khác nhau. Nổi tiếng như một nhà thơ Trung-hoa chịu ành hưởng sâu đậm của trường Siêu thực, mặc dù, theo chính ông, ảnh hưởng này chỉ có bề mặt. Ông cũng là tác giả nhiều bài thơ văn xuôi mà ông cho rằng sự phân biệt không còn mấy ý nghĩa trong thơ hiện đại. Đã cho xuất bản hai tập thơ: Mộng hay hừng đông (1969) và Nghĩ bằng chân (1988), tập sau này do chính ông minh họa. Một số thơ mới hơn của ông đã được dịch sang Pháp văn với tựa đề L’oiseau triste (nxb. Le Nyctalope, 1992). Hai bài thơ trên đây dịch theo bản Pháp văn của Martine Valette-Hémery trong số 65 của tạp chí Po&sie, Éditions Belin, Paris, 1993. (DC.)

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021