thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
"Cơn lốc" và những bài thơ khác
(Diễm Châu dịch)
 
CƠN LỐC
 
Tôi thức dậy
bên trên giường tôi một cơn bão
 
Những trái anh-đào chín nẫu rụng
xuống bùn
 
Trên con thuyền nhỏ
phụ nữ tóc xổ tung
kêu cứu
 
Một cơn lốc
với những móng tay tinh quái
bóp nghẹn những thây ma
 
Chẳng bao lâu
tất cả những chuyện này
không ai còn biết gì hết nữa
 
 
NGƯỜI TÙ
 
Mặt trời lặn
trẻ nhỏ la hét dưới khung cửa sổ
những trò chơi lúc trời lạnh
 
Khi trời đổ sập tới
kẻ bị bỏ lại vô phương tự vệ
ra sức tỏ ra không sợ hãi
hoặc lớn tiếng cười
 
Hỡi người tù
 
Hãy gập xuống
hãy vẫy tay
hãy để quạ rúc rỉa
lòng bàn tay mềm
 
Đừng sợ gió cũng đừng sợ đá
mỗi vết thương là một miểng lửa
khi anh nhìn thẳng mặt bóng tối
 
Tự do
máu chảy
giữa ngày và đêm
 
Niềm vui
đang tìm anh
qua suốt cuộc đời
 
Niềm vui
 
 
LỄ CẦU HỒN
 
Lần này
có ai đó gần gụi đã chết
 
Lễ cầu hồn
nơi một công viên xám xịt
dưới một vòm trời sập xuống gần kề
 
Phụ nữ đã ra ngoài phía sau thây ma
cái chết ở lại trong căn buồng trống
và kéo mành xuống
 
Anh cảm thấy
thế giới đã nhẹ mất
một bộ não con người
 
Giờ phút yên hàn thoải mái sau bữa ăn trưa
một đứa trẻ chân không ngồi trên cổng
ăn những chùm nho
 
Có ai còn thật sự thiết tha không nhỉ
với người đã mất
 
Đừng vội vã với cái chết
không một ai lại hoàn toàn giống bất kỳ ai khác
những đứa con nghĩ tới đồ chơi
 
Cũng đừng cáo biệt khi chia tay
làm như thế thật phi lý
và còn lăng mạ nữa
 
 
DƯỚI LÒNG ĐẤT
 
Trên một tấm vách ván
một con nhện chân dài
phóng mạng lưới
chung quanh chính bóng nó
 
Dưới những bậc thang mục nát
một cây nến vàng
tóe sáng xuống hầm
 
Căn hầm ở xa xa
còn chìm xa thêm nữa
dưới những bức vách ẩm ướt
 
Nửa khuya
một cánh cửa khép lại
có ai đó vô
 
Và một con kiến
giả dạng một người
dưới chân những bậc thang
giơ cánh tay lên
 
Tiếng kêu của nó
Không tới được chúng ta
 
 
ĐÊM
 
Một chiếc bóng vô danh
răng nghiến chặt
đứng trước cửa
 
Chúng ta bị bắt buộc
phải nở hoa
trên những bức vách
 
Con dế ở cửa sổ
đã tìm được lối
tới các vì sao và trở lại
 
 
TỰ SÁT
 
Một cánh đồng máu
chảy ra từ bàn tay này
 
Một con chim mù lòa
ca ngợi những đóa hoa
 
Nhầm lẫn của con người
với chính hình ảnh mình
 
Tự sát
tiếng nạo dũa của thép
một chất đống của trời xanh
 
 
CÁI CHẾT CỦA MỘT CON GÀ MÁI
 
Một con gà mái bị cột
treo bằng một chân từ những đám mây
không đầu
 
Máu trong bồn rửa mặt
 
Tay trong tay
hai lưỡi dao
cùng chơi đàn dương cầm
 
Những lông chim trong chiếc gối
sẽ xá tội
cho những chiếc cổ còn non dại của chúng ta
 
 
CAM ĐÀNH
 
Trong bóng tối
một con ong
xuyên thủng đôi mắt
một người hấp hối
 
Mù lòa
y giơ cao bàn tay
nắm tay y có mùi thơm
một đóa hoa
 
Một mặt trời nhỏ xíu
tới trước cửa
máu rỉ giọt trên mặt kính
 
 
NƯỚC
 
Nước băng qua, nước cuốn đi
Nước tiến lên nhè nhẹ
Thấm vào xương
Qua nước mi có thể trượt ngã,
Bước đi
Nước cất cho mi cơn khát
Các màu sắc của mi phai nhạt
Mi còn lại trắng
Như da thịt cá
Và câm nín
Khi nước tới
Xuyên qua người mi.
 
 
ĐẮM CHÌM
 
Thực ra
Tất cả đều là chìm đắm
Thế giới chưa bao giờ
Bình an vô sự
Chúng ta chìm dần
Đây là bến bờ
Bên trên hết thảy vang vang
Tiếng trống
Không một hầm trú ẩn nào
Ngăn chận được
Nước lớn
Phúc thay kẻ
Sinh trong nước
Và không biết tới
Đắm chìm.
 
 
KHỞI ĐẦU MỘT NGHI THỨC
 
Hết đá lại đá
hết diễu hành lại diễu hành
Nơi đây là cánh cửa
Của mặt trời
Dưới kia là con đường
Dẫn đến
Những khuôn đúc bị vùi lấp
 
Chúng ta nhường chỗ
Cho những ảnh tượng thánh
Ở hết mọi nơi chúng ta đều
Đứng nghiêm
Tất cả đều sẵn sàng tự xóa
Trước sự thánh thiêng
 
Thế nhưng giữa anh em
Chúng ta thật rành rẽ
Cách ghét nhau.
 
 
------------------------
Ghi chú của dịch giả:
MIODRAG PAVLOVIĆ là một trong hai thi sĩ kiệt xuất của Nam-tư thời hậu chiến. Người kia là Vasko Popa (đã được giới thiệu sơ lược với bạn đọc Tiền Vệ). Ông sinh năm 1928 tại Novi Sad, trên sông Danube; theo học y khoa từ 1947 tới 1954, học ngoại ngữ và viết tập thơ đầu tay tựa là 87 bài thơ (1952), ở Belgrade. Ra trường, ông theo đuổi nghề bác sĩ y khoa một thời gian. Năm 1960, ông được cử làm giám đốc kịch ở Nhà hát Nhân dân. Ông cũng làm người biên tập trong hai mươi năm tại nhà xuất bản lớn Prosveta. Tác phẩm của ông đã được dịch ra nhiều thứ tiếng. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng văn chương và vinh dự ở Nam-tư cũng như ở nước ngoài. Vì vấn đề gia đình, ông hiện sống khi thì ở Tuttlingen (Đức) khi thì ở Belgrade.
 
Cựu Nam-tư (cộng sản) của thống chế Tito có một lịch sử thơ “hơi khác” với các nước “anh em” trong vùng. Nam-tư cũng có thơ truyền thống, thơ siêu thực,… thế nhưng trong lúc thơ truyền thống bị cái áo bó “hiện thực xã hội” làm khó dễ thì các nhà thơ siêu thực trước chiến tranh ở Nam-tư (chịu ảnh hưởng trường Siêu thực Pháp) may mắn hơn các đồng bạn ở trong nước hoặc ở nước ngoài, như ở Tiệp-khắc chẳng hạn. Nhờ sự tích cực tham gia kháng chiến, nên sau chiến tranh, các nhà thơ siêu thực Nam-tư không đến nỗi bị chính quyền mới (và các nhà thơ ăn theo) “hất hủi”. Thêm nữa, sau khi Nam-tư đoạn tuyệt với Stalin, “hiện thực xã hội” chỉ còn là một cơn ác mộng! Người ta chỉ cần... quên đi, nếu có thể. Do đó, cựu Nam-tư tương đối “tự do” về lối làm thơ, gây thèm thuồng không ít cho các thi sĩ của các nước anh em.
 
Miodrag Pavlović sống giữa khung cảnh ấy. Ông chọn lối viết siêu thực của ngườI Serbie và thêm vào đấy một số đề tài... lịch sử! (Người ta có thể vừa thưởng thức nghệ thuật siêu thực trong những đề tài lịch sử, vừa hiểu ra những gì tác giả muốn nói về... hiện tại!) Tuy nhiên, chính quyền tiếp nối cái mộng bá chủ của người Serbie ở Nam-tư đã có những lối ứng xử khác, hiệu nghiệm hơn, hãi hùng hơn và cũng... “siêu thực” không kém đối với các nhà trí thức, thi sĩ, văn sĩ không chịu thần phục. Ngày 1.2.1994, khi gặp tôi (Diễm Châu) và Gs. Vladimir Claude Fišera ở Lộ-trấn, Pháp, Miodrag Pavlović đã cho chúng tôi biết: mỗi khi ông về Belgrade (dưới thời nhà lãnh đạo cộng sản trá hình xã hội chót), ban đêm, ông luôn luôn phải thay đổi chỗ ngủ... Dịp này, ông cũng đặc biệt cho tôi coi tập thơ đầu tiên của ông và mỉm cười nói thật nhẹ nhàng: “trước tất cả các tác phẩm của (Vasko) Popa!” Giờ này, nếu ông về Belgrade hay bất cứ nơi nào ở Serbie, tôi cầu mong, đêm đêm, ông có thể ngủ yên...
 
Các bài trên được trích dịch theo bản Anh văn của Bernard Johnson trong tập Miodrag Pavlović, The Slavs beneath Parnassus (Angel Books, London, 1985) và các bản Pháp văn của Gs. Vladimir Claude Fišera trong các tư liệu về Mitteleuropa, bf, Strasbourg. Bạn đọc Pháp văn có thể coi thêm thơ của ông - đề tài lịch sử - trong Miodrag Pavlovitch, Le Miracle divin (l’Age d’Homme, Lausanne, 1988).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021