thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Franz Kafka | Trong bóng tối
(Diễm Châu dịch)
 

FRANZ KAFKA

 
«Ông đã chết vì sợ»
Người ta đã viết thế
Thế tuy nhiên chỉ có những lá tôn và bốn bức vách –
Và những đợt khói ngay đơ tựa những sợi tóc mà gió thổi phồng lên
Ở bên trên những chiếc mái e dè sợ sệt.
 
Ông đã mô tả những người bị biến thành chuột,
Những đám mây khom khom như bóng một đoàn quân canh,
Ông đã đổi biến cách của những nỗi đau đớn,
Ông đã chia những sự tra tấn như người ta chia động từ –
Nhà ngữ học của sợ hãi.
 
Ông sinh ra ở đâu?
Ông sinh ra từ sự âu yếm dịu dàng –
Và cũng như những kẻ khác người ta đã nhẫn nại nuôi ông bằng những
bình sữa,
Nhưng ông đã nhìn thấy ở bên trên địa cầu một mụ phù thủy xanh lè
Có đôi vú với những bán cầu sứt mẻ.
 
Ông đã nhìn thấy những người thợ giầy nện những chiếc đanh vào giữa óc
Và những người thợ nề trát kín những cửa miệng và mí mắt –
Và ông thường có dịp đi qua dưới những hàng thịt trong những ống cống
Để lắng nghe thật lâu tiếng nước xối ộc ộc
 
«Ông đã chết vì sợ»
Người ta đã viết thế –
Người ta đã viết và điều ấy rít lên trong mọi xó xỉnh của đêm tối...
Những nhà tiên tri như thế là thước đo thời đại
Vượt lên trên những chiếc mái e dè sợ sệt.
 
(Menuet z pogrzebaczem, 1958
 
 

TRONG BÓNG TỐI

 
—Này chim hãy kể...
—Được. Ta kể:
Mũi tên này được thiếp vàng ở đầu,
Người thợ kim hoàn đã tỉa tót nó nhằm một mục tiêu thầm kín...
Bắn đi từ trên trời, mình chết thật êm.
 
—Này cá hãy kể...
—Được. Ta kể:
Cái búa này thật bén nhạy và cũng thật thâm sâu,
Có lẽ có ai đó xinh đẹp đã áp nó vào mặt,
Bởi khuôn mặt cũng có vẻ dịu dàng của loài cá...
 
—Này ngựa hãy kể...
—Được. Ta kể:
Cột nó lại thật nhẹ nhàng với một sợi giây bằng lụa. Và kế đó
Là vuốt ve mơn trớn của lưỡi dao trên làn mông lấp lánh...
Con ngựa dẫu có chết cũng đáp trả cái vuốt ve mơn trớn.
 
—Này lò sát sinh hãy kể...
—Được. Ta kể:
Ở đó ta thấy những con kỳ lân* với đôi mi nặng trĩu
Trắng trẻo, chúng băng qua những vườn anh đào
Bờm chúng rã rượi trên những dòng sông chậm rãi...
 
(Agresty, 1963)
--------------------------------
* “Des licornes” — Đây không phải vật báo trước ngày tàn của thánh nhân.. mà là một loài thú “thần thoại” của Âu châu, hình thù như con ngựa, có một sừng dài mọc thẳng tới ở giữa trán. (người dịch)
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
STANISŁAW GROCHOWIAK, nhà thơ thuộc “Thế hệ 56” như người Ba-lan quen gọi. Ông sinh ngày 24.1.1934 tại Leszno Wielkopolskie trong một gia đình trí thức. Năm 1951, học văn chương Ba-lan ở Poznan. Từ đó ông tới cư ngụ ở Wroclaw. Từ 1953 đã cộng tác với nhiều tạp chí. Từ 1958-60 làm biên tập cho tạp chí Wspolczesnosc và đến năm 1959 trở thành tổng biên tập tờ báo này. Khởi sự in thơ với tập Bài ballade của chàng hiệp sĩ, 1956. Kế đó, từ 1958 đến 1976, đã xuất bản chín tập thơ, trong đó có hai tuyển tập. Ông còn viết tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch cho đài phát thanh và truyền hình Ba-lan.
 
Stanisław Grochowiak mất ngày 2.9.1976.
 
Các bài thơ trên được dịch theo bản Pháp văn của Jacques Donguy & Michel Maslowski trong Poésie polonaise contemporaine, (sách song ngữ), Le Castor Astral & Lettres slaves, Paris, 1983.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021