thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôi sao buồn bã nhất [II]
(Diễm Châu dịch)
 

NHỮNG DẤU HIỆU

 
Những con bồ câu-tiên tri tắm
đôi cánh đen như mồ hóng của chúng
trong những cơn mưa ở trên cao.
Phần tôi, tôi ca hát — là vì trong không khí
đã có những dấu hiệu, những dấu hiệu lên đường.
 
Chẳng mấy chốc những người trinh nữ trắng
sẽ rời các thành phố của trái đất
ngước cao ánh mắt về hướng núi.
Những chàng trai trẻ trần trục sẽ cất bước
theo dấu vết họ về hướng những thiên thể trên rừng
và tất cả những gì là thân thể con người
lại một lần nữa sẽ học tập
những huyền thoại đã bị lãng quên mà máu còn lưu lại.
 
Tôi đã dùng khằn niêm phong ngôi nhà của mình,
để không còn lần lữa
ở đó ở nơi những trò chơi và những chuyện đóng đinh thập giá
sẽ không còn diễn ra ngoài đường phố
cũng chẳng còn đến một làn hơi nào của con người dưới những mái vòm
qua những thế kỷ không cùng.
Những tiếng chuông sôi nổi sẽ chìm xuống
và rồi là im lặng của những cây cầu.
 
Đến từ những vùng hoang vu nám cháy nơi lấp lánh những vì sao lớn
chỉ có những con nai cái sẽ băng qua các đô thị,
để gặm cỏ hiếm hoi của tro than ở đấy.
Những con nai với đôi mắt thật to và dịu hiền
sẽ bước vào các giáo đường cũ
phóng những ánh mắt ngạc nhiên khắp chung quanh chúng.
 
Hãy làm như cây cối buông rơi những chiếc lá,
hãy ném đi những chiếc gạc đã chết của các ngươi,
hỡi lũ nai già,
kế đó hãy ra đi:
bởi ở nơi đây cả đến đất đai trồng cấy cũng đầu độc,
ở nơi đây những ngôi nhà ngày trước đã toan
sát hại con cái của loài người.
Hãy rũ bụi bao phủ các ngươi
và hãy ra đi:
bởi ở nơi đây cả đến chút rượu cuồng điên của cuộc đời
cũng đã chảy trên lớp tro,
và mọi con đường khác đều dẫn tới huyền thoại,
tới huyền thoại rất lớn và rất xưa.
 
 

TIỂU SỬ

 
Tôi đã gặp ánh sáng ở đâu và khi nào, tôi chẳng biết,
đơn độc trong bóng tối tôi tự khiến mình tin
rằng thế giới là một tiếng hát.
Kẻ lạ xa tươi cười, bị mê-hoặc nâng tôi lên
nơi kẻ kia tôi tự thể hiện trong kinh ngạc.
Đôi khi những lời tôi nói không kìm giữ tôi,
đôi khi những sự vật mến yêu bỏ tôi lại không đáp trả.
Đôi mắt tôi đầy những gió và những huân nghiệp mơ ước.
Để bước tới tôi cũng làm như mọi người:
khi thì lỗi phạm trên triền mái địa ngục
khi thì trắng trong trên miền núi bông huệ.
 
Bị nhốt kín trong phạm vi của cùng một bếp lửa
tôi trao đổi những điều huyền bí với tổ tiên,
những người được những dòng nước dưới sỏi đá gạn sạch.
Buổi chiều có khi tôi nghe trong im lặng
trút trong tôi không ngớt
máu với những câu chuyện kể của máu đã từ lâu bị quên lãng 
Tôi thánh hóa trăng và cơm bánh.
Ban ngày tôi sống với cơn bão xua đuổi tôi ra xa.
 
Với những lời tắt ngấm trong cửa miệng
tôi đã ca và tôi còn ca cuộc vượt qua lớn,
giấc ngủ của thế giới và các thiên thần bằng sáp.
Tôi chuyền ngôi sao của mình từ vai này qua vai kia
như một gánh nặng, không thốt một lời.
 
 

GIẤC NGỦ

 
Đêm dầy đặc. Các vì sao nhảy múa trên cỏ.
Các lối mòn lui về rừng và những hang động,
tiếng tù-và không nói nữa.
Những con cú đậu thu lu trên những cành thông.
Trong đen tối không người chứng
nguôi ngoai chim chóc, máu, đất
và những chuyện phiêu lưu mi không ngừng rơi trở lại.
Một linh hồn còn lần khân trong những luồng hơi,
không hiện tại
cũng chẳng quá khứ.
Cất lên từ những tiếng rì rào âm âm trong cành lá
những thế kỷ nồng cháy thức dậy.
Trong giấc ngủ của tôi máu rời tôi
như một đợt sóng lui ra
và dồn về tổ tiên.
 
 

KHÓI NGHIÊNG

 
Tôi nghe một tiếng bay hão huyền và vắn vỏi
của đàn ngỗng bên trên những đồng cỏ lạnh.
Ở đâu đó một tiếng hát tự thấm nhiễm
những lời kinh buồn thảm.
Một tiếng sáo vơi cạn, không một tiếng khác nối tiếp.
Aleluia, đôi mắt tôi tràn đầy những chim và gió.
Với cuộc đời tôi không thiếu một ý nghĩ
mà là thiếu trọn đời tôi.
 
Rất thường khi ở chặng ngừng
tôi nhận thấy những mái vòm sụp đổ dưới đáy nước.
Từ những cành lá trong làng tôi xuất hiện
như từ một doanh trại trong Thánh kinh.
Aleluia, hôm nay như hơn bao giờ hết
tôi là người anh em mỏi mệt
của khoang trời dưới thấp
và của làn khói buông tỏa từ bếp lò.
 
 

CON CHIM THẦN

do C. Brancusi tạc bằng vàng
 
Trong ngọn gió cất lên từ không đâu hết
Orion* thần thánh chúc lành cho mi
nhỏ trên mi những giọt nước mắt
từ nét kỷ hà chí cao và chí thánh.
 
Mi đã từng sống dưới đáy các biển
mi đã lượn gần ngọn lửa thái dương.
Trong những khu rừng trôi nổi mi kêu
thật lâu trên những dòng nước đầu tiên.
 
Mi có phải là chim? hay quả chuông thế giới mang?
Chiếc ly loe rộng hay đúng hơn tạo vật,
bài thánh ca bằng vàng xoay tít
lướt trên những sự vật âm u gieo kinh hoàng cho chúng ta.
 
Mi ám ảnh những vùng tăm tối như các thần thoại
mi thổi ống tiêu hư ảo của không trung
cho những kẻ nuốt giấc ngủ của họ
từ cả những bông anh túc đen ẩn dưới lòng đất.
 
Như chất lân tinh tróc ra trên những bộ xương khô
ánh sáng từ đôi mắt xanh của mi xuất hiện.
Lắng nghe những điều khải thị không lời
dưới lớp cỏ của trời đường bay của mi mất hút.
 
Từ chiều cao những vòm trưa
mi xuyên suốt mọi điều huyền nhiệm.
Hãy cất lên tới vô tận mà không bao giờ tiết lộ
những gì đôi mắt của mi đã đoán biết.
 
-------------------------------------------
* Chòm sao vùng xích đạo. Theo thần thoại Hy-lạp, là tên một người đi săn cao lớn, đẹp trai, bị Nữ thần săn bắn Artémis giết, hóa thành chòm sao... (người dịch)
 
 

NGHIÊNG ĐẦU

 
Tôi thúc đẩy mình hiện hữu
và còn hiện hữu một khoảnh khắc.
Ở đâu đó ngoài đồng
người anh em gió thở hắt.
 
Mùa thu nhỉ máu
trên mình kẻ rong chơi thời xưa.
Giữa những chiếc bóng rủ dài
tôi dời lại mệnh số.
 
Chẳng biết về chung cuộc nào
một đàn chim sải cánh.
Như một ngọn nến hắt hiu
một cội cây lịm tắt.
 
Trên bể nước tôi đã nghiêng
những lời nói và suy tưởng.
Bầu trời đã mở ra
một con mắt dưới đất.
 
 

VIỄN ẢNH

 
Đêm. Dưới những khối cầu, dưới những khối cầu lớn,
các đơn tử ngủ.
Những thế giới bị nén lại,
những giọt nước mắt không-vang-động trong không gian,
các đơn tử ngủ.
 
Chuyển động của chúng — lời ngợi ca giấc ngủ.
 
 

GIO-AN THAN THỞ NƠI HOANG VẮNG

 
Elohim, người ở đâu?
Thế giới đã bay khỏi tay người
như con bồ câu của Noé.
Có thể nào người hãy còn chờ đợi nó?
Elohim, người ở đâu?
Trong xáo trộn chúng tôi lang thang và tìm kiếm người
bất kể chúng tôi giữa những luồng gió của đêm tối,
phủ phục chúng tôi hôn trong bụi cát vì sao dưới chân người
và chúng tôi kiếm tìm người, Elohim!
Chúng tôi chận cơn gió mất ngủ
và đánh hơi những dấu vết người
Elohim!
Với những loài thú không quen biết trong không gian chúng tôi ra hiệu
và hỏi han chúng về người, Elohim!
Chúng tôi nhìn thật xa mãi tới những gì con mắt có thể thấy,
chúng tôi những người thánh, chúng tôi những dòng nước,
chúng tôi những sỏi đá, chúng tôi những kẻ trộm cắp,
chúng tôi đã lạc mất con đường trở lại,
Elohim, Chúa ôi!
 
 

TƯƠNG LAI TRONG NHỮNG ĐƯỜNG CHỈ TAY

 
Vào bốn mươi tuổi — mi sẽ còn nhẫn nại
lang thang như lúc này giữa các vì sao buồn bã và những kẻ chất phác,
vào bốn mươi tuổi kìm giữ lại ngôn từ
mi sẽ lạc lõng nơi bản thân mi — và mi sẽ tìm kiếm.
Qua những tháng năm một ngọn gió sẽ mãi mãi xua đuổi mi dưới bầu trời,
mi sẽ ăn mật đen và lặng lẽ mi sẽ nghiêng mình.
Vào bốn mươi tuổi mi sẽ tới một thứ bến bờ,
nơi mi sẽ không ngừng
chờ đợi bờ bên kia tới với mi
mi kẻ đã muốn mình đời đời là mồi của chim chóc
tới từ chân trời khác.
Qua bảy mươi bảy nẻo đường
mi sẽ bước chân không, đầu để trần:
còn hạt mầm nào chưa được phóng nơi sa mạc?
còn làn ánh sáng nào chưa được hoài công ngợi ca?
 
 

KHƯỚC TỪ

 
Cây cối nghiêng cành ra dấu phủ nhận,
vỏ cây bao che một tiếng thở dài thầm kín.
Qua mọi lối mòn trong lúc ban ngày
với nụ cười mùa thu
những đấng Ki-ri-xi-tô cao lớn
tự leo lên những mình thập tự bằng gỗ trăn.
 
Nặng nề những con sơn ca từ trời cao rớt xuống
như những giọt nước mắt vang vang mà thần-tính đổ trên đất cày.
Ra đi trên những nẻo đường
tôi rình rập những dấu hiệu
của trọn vẹn khối cầu ở chân trời:
khắp nơi bao trùm một nỗi buồn. Một phủ nhận. Một chung cuộc.
 
Trên những nét mặt tôi vừa chin tới
cái chết đặt một nụ hôn vàng nhạt
 
và không gì hết, không một tiếng hát, thôi thúc tôi
lại hiện hữu một lần nữa.
Tôi tiến về phương bắc và tôi thì thầm:
Này người anh em, nay đến lượt anh sống, nếu anh tha thiết sống.
Tôi lại bước thêm một bước về phương nam trong lúc thì thào:
Nay đến lượt anh, hỡi người anh em, hãy sống nếu anh muốn.
 
Từ máu tôi không một ai còn được kêu gọi
làm lại con đường hiện hữu đã sống trải,
không, không một ai còn được kêu gọi nữa.
 
Đi đi lại lại theo dòng thời gian
bằng một bước sâu thẳm như định mệnh
những người trinh nữ trắng và những người trinh nữ đen:
những tiếng nói từ trời cao thúc giục chúng ta
lại hiện hữu một lần nữa,
lại hiện hữu một ngàn lần nữa,
hiện hữu, ôi hiện hữu!
Nhưng tôi, dọc theo những dòng nước reo ca,
tôi che mặt bước — tôi chối cãi:
không, không có tôi! — không! Ước chi được như thế.
 
 

CHUNG CUỘC

 
Này người anh em, mọi cuốn sách đối với anh dường như đều là một căn bệnh đã khuất phục được.
Nhưng cuốn sách đã nói với anh lúc này ở dưới lòng đất.
Nó ở trong nước. Nó ở trong gió
Hay có lẽ xa hơn.
 
Với trang này tôi khép cánh cửa lại, tôi đẩy then cài.
Kể từ nay tôi sẽ ở nơi khác,  ở bên trên hay bên dưới.
Này anh, hãy tắt ngọn nến của anh đi và tự hỏi:
sự huyền bí của những điều đã sống đi về đâu?
 
Đôi tai anh có giữ lại được lấy chỉ một lời?
Hãy bỏ lại đó lời của máu
hãy xoay hồn mình về bức vách
và hướng những giọt nước mắt của anh về phía mặt trời lặn.
 
 

BỆNH

 
Một cơn suy sụp, yếu lả đã lọt vào thế giới,
không khuôn mặt, không tính danh.
 
Phải chăng ấy là một tạo vật? Phải chăng ấy gió?
Không một ai biết được cái từ trừ khử nó.
 
Con người nhuốm bệnh, tảng đá bị đau,
bếp lửa vụn vỡ, cội cây tắt.
 
Vẻ nhợt nhạt của những miền đất, nét thâm u của bạc
ấy vàng ngọc bị giảm giá và hư hao.
 
Thế kỷ buông trôi những dòng nước mắt.
Tôi ra dấu khẩn cầu sự lãng quên, kẻ chữa trị.
 
 

DẤU HIỆU MÙA THU

 
Hôm qua một tiếng nói từ sâu thẳm cất lên
đắng cay, đắng cay, đắng cay.
Vô số các thiên thần hấp hối đã để lại xác
trên những vùng đất này
 
Hôm qua dưới bầu trời một dấu hiệu đã xuyên suốt
vòng bao vây của những ảo ảnh mỗi ngày.
Rồi hướng tới Thổ tinh đã vụt lên
gió, những con én đuôi dài.
 
 

NHỮNG CA SĨ YẾU ĐAU

 
Không một giọt lệ chúng ta mang
một nỗi héo hon trong những tiếng hát
và chúng ta mãi mãi
rong ruổi về phương đoài.
 
Tâm hồn chúng ta một thanh
kiếm lửa đã tắt trong bao.
A, một lần nữa một lần nữa
lại cạn khô nơi chúng ta các từ .
 
Một ngọn gió muôn thủa rung rinh
trong đám tùng lạc-diệp.
Khi rảo qua thế giới
những bài tục dao của chúng ta trở thành những chiếc cầu treo.
 
Chúng ta băng qua những buổi hoàng hôn
ở cửa miệng là  những bông huệ tinh khiết.
Và chúng ta che giấu nơi mình
một chung cuộc dưới áo giáp.
 
Không một giọt lệ chúng ta mang
một nỗi héo hon trong những tiếng hát
và chúng ta mãi mãi
rong ruổi về phương đoài.
 
Những vết thương đè nặng — những ngọn nguồn —
mở ngỏ dưới áo quần.
Chúng ta kéo dài vô tận
của một huyền nhiệm, của một tiếng hát.
 
 

NGỌN NÚI BỊ PHÙ CHÚ

 
Tôi lọt vào trong núi. Một cánh cửa bằng đá
từ từ khép lại. Mộng mị, suy tưởng và cây cầu nhỏ nâng tôi lên.
Ôi mặt hồ mắt xanh! Ôi thời gian vòi vọi!
Trong bụi dương xỉ con chồn vàng ủng ẳng.
 
Những loài thú rừng hiền lành hơn liếm đôi tay tôi: lạ lùng,
ánh mắt mù lòa, chúng lướt qua như bị bùa mê.
Vi vu, những cánh ong băng qua giấc ngủ của những tinh thể
những cánh ong của sự chết, và những năm. Và những năm.
 
 

NHỮNG ẨN TỰ

 
Tựa như những ẩn tự, đã bị quên lãng từ bao thế kỷ,
mỗi tạo vật đều mang theo mình một chữ ký.
Chim được chúc phúc trong những đường bay lễ tiết
dài như một cuộc đời mang nó dưới cánh.
Chiếc bình và người nữ tì của ánh sáng, vầng trăng
che giấu nó trên một gương mặt
mà phép mầu đã định không bao giờ được quay lại.
 
Những bia đá, những mãnh thú, cây độc-cần
mang một chữ ký mà bí quyết mở ra đã lạc mất.
Dấu ấn kép đã được niêm thầm kín —
mi con cái của lửa, bóng ma hiện hình
vươn đôi cánh tay trên mặt biển,
mi mang nó ở hai bên nách.
 
Những ẩn tự, khắp nơi những ẩn tự,
ai vạch ra các ngươi, ai đảm trách các ngươi?
Mọi tạo vật, quen biết và lạ xa,
đều mang một chữ ký — nhưng ai có thể chạm trán với nó?
Những giò huệ trên núi cao — giữa địa cầu và nguyệt đạo —
nâng nó lên mãi đến tận đỉnh, không thể nào chạm tới.
Dưới bầu xanh các bà mẹ mang nó trên trán như triều thiên.
 
 

TỪ VỰC SÂU*

 
Mẹ ơi — cái hư không — cái lớn lao! Nỗi kinh hoàng to lớn
khiến khu vườn của con rung lên hết đêm này tới đêm khác.
Mẹ ơi, ngày xưa mẹ đã từng là nấm mồ của con.
Tại sao con lại hãi sợ đến thế — hở mẹ —
vì lại phải lìa xa ánh sáng?
 
--------------------------------
* De profundis: tựa đề tiếng la-tinh trong nguyên tác. (người dịch)
 
 

NHỮNG NĂM THÁNG, LƯU ĐÀY VÀ GIẤC NGỦ

 
Những năm tháng sẽ dài ra
chầm chậm, chầm chậm với những bước bao giờ cũng lớn hơn
từ một thành phố này tới thành phố khác.
Ta dừng lại và đôi mắt ta nhìn cắm vào đất sét khô cằn,
ta thấy dường như những năm tháng
của lao lực không lối thoát,
của lang bạt và những hào quang cay đắng ấy,
sẽ chỉ dừng lại vào ngày cuối cùng
như một ngọn gió bao bọc ta
và làm mỏi mòn con người ta.
 
Chuyến đi dài đằng đẵng này, ta không biết làm sao
trả lại cho nó
cái lý do đã hứa
và neo nó lại bên một bến bờ,
dưới chân ta đất và đá
lẽ ra là của ta vẫn không thể tìm thấy.
Bởi lẽ vì sao ở trên đầu ta
vẫn chưa được gọi tên ra,
làm sao ta có thể khẩn cầu nó
tắt đi hay ở lại?
 
Tới mãi tận miền cực bắc bị bao vây
nơi nghe nghiến rít trong biến động
trục xoay của vòm xanh, ta đã rảo qua nhiều vùng.
Dưới dấu hiệu của sao Ngưu
ta đã lọt vào giữa những mình thông rủ bóng tiện tặn.
Những chủng tộc, khắp nơi những chủng tộc khác
nhóm lên những ngọn lửa khác,
và vầng thái dương làm tiến tới những thứ đồng hồ khác.
Như thể vỗ những ngọn cờ phướn
trước nhãn giới bao la,
số mệnh đã sử dụng ta trong trò chơi đối nghịch.
Một vận số tăm tối dưới những bầu trời xa lạ
trông chừng ta
không thôi.
 
Ta thấy những năm tháng lớn lên và những bước chân dài ra
qua những lòng thung, những chỏm núi, những mùa đông, mùa hạ
qua tất cả những tiếng chuông và tất cả những im lặng.
Núi đẩy lui ta, đồng bằng không ngừng thay đổi gọi ta
Duy có bếp lửa là ta bị cấm cản,
và bởi có lẽ ta sẽ ngợi ca tia sáng tìm lại được bếp lò,
tro và lề luật, khói — điều tối cao!
Này đây ta lại một lần nữa đứng trước quê hương.
Cuộc trở về vẫn còn là một giấc mộng,
ta không thể vi phạm điều cấm đoán không tuyên cáo,
hay ấy đó định mệnh của con người muốn thế.
Duy có đêm, hết đêm này tới đêm khác,
khi giấc ngủ trở lại,
trở lại từ những vùng xa xăm,
nó đem lại cho ta đôi chút tối tăm
như một nắm đất từ xứ sở của những bà mẹ,
từ xứ sở của những tha ma mộ địa trên trời.
 
 

9 THÁNG NĂM 1895*

 
Hỡi khu làng của ta, ngươi mang trong tên
những vang âm của một giọt nước mắt,
đáp tiếng gọi sâu xa của các bà mẹ
đêm hôm đó ta đã lựa ngươi
làm ngưỡng cửa thế giới
và lối mòn những đam mê.
 
Kẻ đã chỉ đường cho ta về ngươi
từ đáy thẳm các thời đại,
kẻ đã triệu ta tới nơi ngươi
xin cảm tạ người,
hỡi khu làng của những giọt nước mắt khôn nguôi.
 
---------------------------------
* Ngày sinh của tác giả. (người dịch)
 
 

CHÂN DUNG TỰ HOẠ

 
Lucian Blaga câm nín như một con thiên nga.
Ở nước ông
tuyết của các tạo vật thế chỗ cho lời nói.
Tâm hồn ông kiếm tìm
trong câm nín, cuộc tìm kiếm đã lâu đời,
trong thời gian vô tận
và tới mãi những đường biên tột cùng.
 
Ông tìm kiếm nước cầu vồng sử dụng xoa dịu cơn khát.
Ông tìm kiếm nước,
cầu vồng sử dụng
xoa dịu cơn khát của vẻ đẹp và hư không.
 
 

TIẾNG HÁT TRÔNG CHỜ

 
Chậm rãi khôn tả
những sự vật xẩy tới,
nhất là những mùa xuân
chẳng hề vội vã.
Và mọi lối mòn đều chậm rãi,
vô cùng chậm rãi.
 
Những bài ca, vàng, sự hoan hỉ
dành để ngày mai.
Tôi phải kiên nhẫn không ngừng.
Người yêu càng ngày càng khiến ta phải chờ đợi,
như thể đóa hoa nàng mang tới trên tay
là một đóa hoa của sự chết.
Nhịp đập của con tim nơi lồng ngực
thật hiếm hoi.
Mọi cử chỉ đều chỉ là cay đắng
nỗi chán chường đè nặng.
 
 

CHÚNG TA NHỮNG CA SĨ CÙI

 
Bị tiêu hao vì những vết thương thầm kín chúng ta băng qua thế kỷ.
Họa hiếm chúng ta còn ngước mắt
về những bến bờ xanh tươi của thiên đường,
để rồi lại cúi đầu còn buồn bã hơn trước.
Với chúng ta trời đã chốt khóa then cài và chốt khóa then cài là các đô thị.
Thật hoài công, những con hoãng tới uống nước trong lòng tay chúng ta,
thật hoài công, những con chó quỳ gối trước chúng ta,
chúng ta cô đơn thật tuyệt vọng giữa đêm sâu.
Hỡi những người bạn cùng đi với tôi,
các bạn hãy uống rượu, hãy tự sưởi ấm,
hãy trải ánh mắt trên mọi vật.
Chúng ta chỉ là những kẻ mang tiếng hát
dưới mùn đen của các tầng trời,
chẳng là gì hơn những kẻ mang tiếng hát
trước những cánh cổng khép kín,
nhưng con cái chúng ta sẽ sinh ra Thượng đế
ngay tại đây nơi cô quạnh giết chết chúng ta hôm nay.
 
 

NHÀ THƠ

 
Viết những dòng thơ dẫu là tân kỳ nhất
tôi cũng chỉ làm công việc của kẻ thông dịch.
Và như thế là tốt.
Bởi đó là nền tảng duy nhất dựa trên đó
thơ có thể tự thể hiện và biến thành hoa.
Mãi mãi là kẻ phiên dịch. Tôi phiên dịch
sang tiếng Ru-ma-ni
tiếng hát mà trái tim tôi
thì thầm nho nhỏ với tôi, bằng ngôn ngữ của trái tim.
 
 

KẾT TỪ

 
Tôi quỳ gối trong gió. Ngày mai xương cốt tôi
sẽ rụng rơi từ cây thập giá.
Không có một con đường trở lại nào.
Tôi quỳ gối trong gió:
cạnh ngôi sao buồn bã nhất.
 
 
Xem lại kỳ trước:
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
Lucian Blaga (1895-1961) sinh ngày 9. 5. 1895 tại Lancrăm, một khu làng ở Transylvannia, là một thi sĩ kiêm triết gia, có ảnh hưởng sâu xa và rộng khắp đối với thơ Ru-ma-ni hiện đại. Sinh thời, bị bọn chuyên chính cô lập và bôi nhọ, và chỉ được “phục hồi” sau khi đã mất!
 
Là người con thứ chin của một vị cố đạo Chính thống giáo Ru-ma-ni và một bà mẹ nông dân, Blaga đã gặp nhiều khó khăn trong thời còn học trung học, vì cha mất sớm (1908) và cảnh nhà túng thiếu. Tuy nhiên, ông đã cho in những bài thơ đầu tiên vào năm 1910. Và năm 1914, cho xuất bản bài đầu hết về triết học: “Ghi chú về trực giác trong Bergson”. Cùng năm ấy, theo học ở viện Thần học ở Sibiu, ra trường năm 1917. Năm sau ông theo học triết lý ở Đại học Vienna và đến năm 1920, đậu Tiến sĩ về Triết lý. Ông cho in thêm nhiều thơ và bắt đầu viết kịch. Từ 1926 đến 1939, ông làm việc trong ngành ngoại giao ở nhiều thủ đô như Vac-xa-va, Praha, Berne và Lisboa, nơi ông trở thành sứ thần của Ru-ma-ni. Blaga được bầu vào Hàn lâm viện Ru-ma-ni khi ông mới ngoài 40 tuổi (1936) và được cử vào ghế giáo sư môn triết lý văn hóa của đại học Cluj (1938)...
 
Ngày 30 tháng Chạp 1947, vua Michel thoái vị và Ru-ma-ni thiết lập chế độ cộng sản. Năm 1948, Blaga bị loại khỏi đại học và Hàn lâm viện Ru-ma-ni; sách vở của ông (thơ và triết lý,..) bị loại khỏi các thư viện và các nhà sách, bản thân ông bị cấm xuất bản. Từ 1949 đến 1959, năm ông nghỉ hưu, Blaga “được” chế độ mới cho làm một tay “thủ thư” trong thư viện của viện hàn lâm ở Cluj. Mãi đến 1953, người ta mới thấy Blaga trở lại đời sống văn nghệ như dịch giả cuốn Faust của Goethe, và tác giả một vài bài thơ (1960). Phần lớn những gì ông viết trong thời kỳ này chỉ được xuất hiện sau khi ông mất, ngày 6 tháng Năm 1961. Nay thì người ta lấy tên ông để đặt cho thư viện, nơi làm việc cuối cùng của ông. Căn nhà nơi ông sinh trở thành bảo tàng viện Blaga: bọn chuyên chính cũ nhường chỗ cho những người mới, thông minh hơn, đỡ thô kệch hơn, và dù sao thì cũng đỡ lộ liễu hơn.
 
Lucian Blaga để lại 9 tác phẩm triết lý, trong đó có ba pho lớn, mỗi pho gồm 3 cuốn, in từ 1919 đến 1977; 9 kịch phẩm, in từ 1921 đến 1965; một cuốn tiểu thuyết (1990); và 11 thi phẩm, trong đó có 7 cuốn in từ 1919 đến 1945 và 4 cuốn in trong cùng một năm 1962. Hằng năm, cứ vào cuối tuần lễ đầu tháng Năm, ở Cluj và ở nhiều nơi trên thế giới có người Ru-ma-ni, kể cả Paris, người ta lại thấy tổ chức những ngày “hội lễ Lucian Blaga”... trong dịp đó, người ta không quên phân phát những giải thưởng mang tên ông để tưởng nhớ ông...
 
Bản dịch dựa theo các bản Pháp văn của Aurel George Boeşteanu trong tuyển tập tình thi Florilegiu de dragoste (Minerva, Bucuresti, 1981); của Hubert Juin (1961), Claude Sernet (1968), và Sanda Stolojan (1992) trong các tuyển tập khác; và một vài bài do nhà thơ Horia Badescu cung cấp; lại cũng có tham khảo thêm một số bản Pháp văn khác, như của Jean Poncet (1997)...
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021