thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài hát chậm rãi cho Mark Rothko
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch và giới thiệu
 
 
John Taggart sinh năm 1942 tại Perry, Iowa, đậu thạc sĩ văn chương Anh tại University of Chicago, và tiến sĩ nhân văn tại Syracuse University. Từ năm 1972, ông là giáo sư văn chương tại Shippensburg University (Pennsylvania), và đã về hưu cách đây vài năm. Trong những năm 1960-1970 ông là chủ bút của tạp chí thi ca MAPS. Thơ của ông đã được xuất bản từ năm 1965, và đến nay đã có chín tập thơ ra đời. Tập thơ gần đây nhất là When the Saints (1999). Ông cũng đã cho ấn hành một tập tiểu luận về thơ và thi pháp đương đại: Songs of Degrees (1994, với lời tựa của Marjorie Perloff), và một cuốn sách nghiên cứu về hoạ sĩ Edward Hopper, dưới nhan đề Remaining In Light (1993). Thơ của ông đã được chọn vào rất nhiều tuyển tập, đáng kể nhất là Artifice and Indeterminacy: An Anthology of New Poetics (1998), Poems for the Millenium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry (1998), và Best American Poems/2001 (2002). Những bài thơ mới nhất của ông thường xuất hiện trên các tạp chí: Conjunctions, Xcp: Cross Cultural Poetics, Denver Quarterly, Facture, Flashpoint, và Fense. Hiện nay ông sống tại Pennsylvania.
 
"Bài hát chậm rãi cho Mark Rothko" là một trong những bài tiêu biểu cho bút pháp của John Taggart, một bút pháp sử dụng chất liệu ở mức độ cực thiểu (minimalist) nhưng cực kỳ phong phú về nhạc tính và phảng phất hương vị tâm linh của Thiền tông. Cấu trúc thơ của ông có nhiều điểm tương đồng với cấu trúc nhạc của Terry Riley, Steve Reich, và Philip Glass: khởi sự từ một nhạc tố đơn giản —> tái điệp rất nhiều lần nhạc tố ấy —> đem những biến thiên tế vi về tiết tấu, cao độ, âm sắc và cường độ vào tiến trình tái điệp khiến nhạc tố tiên khởi được mở rộng rất chậm rãi để đón nhận những nhạc tố khác. Nếu được đọc rất chậm rãi, thơ của John Taggart có âm hưởng như một khúc kinh cầu.
 
"Bài hát chậm rãi cho Mark Rothko" cũng khiến người đọc liên tưởng đến những bức tranh của hoạ sĩ Mark Rothko (1903-1970), trong đó chỉ có vài mảng màu đơn giản trải rộng dần dần và lan khắp cả bố vẽ -- như một nhà phê bình đã nói: "đó là những bức tranh 'về một điều gì đó, và gần như không về một điều gì cả'." Nếu tranh của Rothko cho ta nhiều khoảng im lặng, thì thơ của Taggart cũng là một chuyển dịch của mỹ học âm nhạc về sự im lặng (như trong 4'33" của John Cage) vào nghệ thuật ngôn từ: thơ của ông đầy những khoảng trống.
 
Taggart nói: "... sức mạnh của âm nhạc nằm trong sự im lặng của những khoảng trống; đây chính là nơi ta phải đem sự cống hiến của ta vào & nhờ đó mà âm nhạc có thể mở ra nhiều khả thể hơn nữa... Âm nhạc như một cấu trúc hay hệ thống của những khoảng trống, chứ không phải như một mô thức dày đặc âm thanh."*
 
-----------------------
* Xem bài "Were You: Notes and a Poem for Michael Palmer", trong John Taggart, Loop (Los Angeles: Sun and Moon Press, 1991) 79-102.
 
 
Mark Rothko, Untitled (1959)
 
 

Bài hát chậm rãi cho Mark Rothko

 

1

 
Thở và duỗi hai cánh tay ra lần nữa
thở qua miệng để thở để
thở qua miệng để thốt lên trong
cách yên lặng nhất không phải để thầm thì không phải để thầm thì
thở qua miệng trong cách yên lặng nhất để
thở để hát để thở để hát để thở
để hát cách yên lặng nhất.
 
Hát để toả tia sáng yên lặng nhất giữa bóng tối
rực chói rực chói
hát ánh sáng giữa bóng tối.
 
Hát như người chủ nhà hát trong nhà mình.
 
 
 
 
Thở qua miệng thở qua
miệng để thở để hát để
hát trong cách yên lặng nhất để
hát những hạt mầm trong đất thở hắt lên
không phải để thầm thì những hạt mầm không phải để thầm thì trong đất
để hát những hạt mầm trong đất cách yên lặng nhất để
hát những hạt mầm trong đất thở hắt lên
 
Hát toả tia sáng yên lặng nhất giữa bóng tối
tia sáng rực chói của những hạt mầm trong đất
ánh sáng hát giữa bóng tối.
 
Hát như người chủ nhà hát trong nhà mình.
 
 
 
 
Thở qua miệng thở để hát
trong cách yên lặng nhất không phải để
thầm thì những hạt mầm trong đất thở hắt lên
hát trọn vẹn của những hạt mầm không phải để ăn để
hát những hạt mầm trong đất để
để được ung dung để hát trọn vẹn trọn vẹn
hát để được ung dung
 
Hát toả tia sáng yên lặng nhất giữa bóng tối
được ung dung với những hạt mầm rực chói
với ánh sáng hát giữa bóng tối.
 
Hát như người chủ nhà hát trong nhà mình.
 
 
 
 

2

 
Thở và duỗi hai cánh tay ra lần nữa
duỗi ra duỗi ra dang thẳng ra duỗi ra để
vươn lên duỗi ra dang thẳng ra để vươn lên
đến chiều cao tột cùng không phải để hành xác không phải để hành xác để
vươn lên đến chiều cao tột cùng để cho để đưa ra
cho bàn tay để đưa bàn tay ra
cho để đưa ra.
 
Cho những đoá hoa tự tỏa sáng giữa bóng tối
đoá minh thảo ngụt cháy
đưa ra những đoá hoa tự tỏa sáng giữa bóng tối.
 
Cho như người chủ nhà cho trong nhà mình.
 
 
 
 
Duỗi ra duỗi ra dang thẳng ra duỗi ra để
vươn lên đến chiều cao tột cùng không phải để hành xác không phải để
để vươn lên để cho để đưa ra
cho bàn tay để đưa bàn tay ra để cho
niềm hy vọng niềm hy vọng của niềm hy vọng của niềm hy vọng trọn vẹn của sự yên nghỉ trọn vẹn
cho niềm hy vọng của sự yên nghỉ trọn vẹn
cho để đưa ra.
 
Cho những đoá hoa tự tỏa sáng giữa bóng tối
niềm hy vọng trọn vẹn và ngụt cháy
đưa ra những đoá hoa được thắp sáng giữa bóng tối.
 
Cho như người chủ nhà cho trong nhà mình.
 
 
 
 
Duỗi ra duỗi ra dang thẳng ra duỗi ra để
vươn lên đến chiều cao tột cùng không phải để hành xác để
cho bàn tay để đưa bàn tay ra để
cho niềm hy vọng cho niềm hy vọng của sự yên nghỉ trọn vẹn để
yên nghỉ không phải để nằm dài không phải để nằm dài ra
yên nghỉ như những hạt mầm như những hạt mầm trong đất
cho yên nghỉ để đưa ra.
 
Cho những đoá hoa tự tỏa sáng giữa bóng tối
niềm hy vọng ngụt cháy của sự yên nghỉ trọn vẹn
đưa ra những đoá hoa ánh sáng giữa bóng tối.
 
Cho như người chủ nhà cho trong nhà mình.
 
 
 
 

3

 
Thở và duỗi hai cánh tay ra lần nữa
nối liền tay-trong-tay nối liền tay-trong-tay để
nối liền để đón để đón vào trong
nối liền để đón vào trong một trạng thái thân mật
không phải trong sự giận dữ không phải trong sự giận dữ
nối liền tay-trong-tay để nối liền những cánh tay
để đón vào trong vòng thân mật
 
Đón vào trong ánh sáng giữa bóng tối
vào trong chất lân tinh nhấp nháy
để được thắp sáng giữa bóng tối.
 
Đón như người chủ nhà đón vào trong nhà mình.
 
 
 
 
Nối liền tay-trong-tay nối liền tay-trong-tay để
nối liền để đón để đón vào
nối liền để đón vào trong một trạng thái thân mật
không phải sự giận dữ không phải sự giận dữ
đón như đất đón những hạt mầm như
người nghèo khổ người nghèo khổ phải được đón vào trong
đón vào trong vòng thân mật.
 
Đón vào trong ánh sáng giữa bóng tối
vào trong những đoá hoa sao bằng chất lân tinh
để được vào trong ánh sáng giữa bóng tối.
 
Đón như người chủ nhà đón vào trong nhà mình.
 
 
 
 
Nối liền tay-trong-tay nối liền tay-trong-tay để
nối liền những cánh tay để đón để đón vào trong một trạng thái thân mật
không phải sự giận dữ
đón như đất đón những hạt mầm như
người nghèo khổ phải được đón vào trong
để chấm dứt sự im lặng và niềm cô đơn
đón vào trong vòng thân mật.
 
Đón vào trong ánh sáng giữa bóng tối
vào trong những đoá hoa sao trước rạng đông
để được thắp sáng giữa bóng tối.
 
Đón như người chủ nhà đón vào trong nhà mình.
 
 
 
 
---------------------
Nguyên tác: "Slow song for Mark Rothko", trong John Taggart, Peace on Earth (Berkeley: Turtle Island Foundation, 1981). Bài thơ này đã được chọn vào tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Jerome Rothenberg & Pierre Joris (eds.), Volume Two (Berkeley: University of California Press, 1998) 704-707.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Bài thơ của Hiromi Ito (1955~) — một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bài thơ này đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều. Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021