thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ văn xuôi
Bản dịch Diễm Châu
 
 
Alexander Solzhenitsyn
(1918~)
 
 

THỞ

 
Đêm qua trời mưa đôi chút và lúc này có những đám mây lớn băng ngang trời và thỉnh thoảng lại rớt mấy hạt.
 
Tôi đứng dưới một cây táo mà mùa hoa nở vừa hoàn tất, và tôi hít thở.
 
Cây táo, đám cỏ bao quanh, tỏa mùi thơm sau cơn mưa và không một từ nào có thể diễn tả cái mùi ngọt ngào đang thấm đượm không khí. Tôi hớp cái mùi ấy đầy hai buồng phổi, tôi cảm thấy cái hương thơm ấy với tất cả lồng ngực tôi, tôi hít thở, tôi hít thở, đôi mắt khi mở, khi nhắm, không biết thế nào hơn.
 
Ấy đó, tóm lại, là tự do, tự do duy nhất, nhưng cũng là thứ quý báu nhất, mà nhà tù tước đoạt của chúng ta: có thể hít thở như thế, có thể hít thở ở một nơi như nơi này. Không một thực phẩm trần thế nào, không một thức rượu nào, không một nụ hôn nào ngay như của đàn bà đi nữa, đối với tôi lại êm dịu hơn là cái không khí say sưa la đà của mùa hoa nở, của ẩm ướt, của tươi mát này.
 
Nào có hề gì dẫu đây chỉ là một khu vườn nhỏ xíu, bị thắt nghẽn giữa những ngôi nhà năm tầng tựa như những chuồng thú.
 
Tôi không còn nghe tiếng xe gắn máy nổ liên hồi, tiếng máy thu thanh gào thét, tiếng máy phóng thanh phun ra. Bao lâu ta còn có thể hít thở, sau cơn mưa, dưới một cây táo, ta còn có thể sống được!
 
 

HỒ SEGDEN

 
Ấy là một cảnh hồ mà không ai viết gì tới hết, nói gì tới hết. Mọi con đường đưa tới đó đều bị chận lại, như những con đường dẫn tới một lâu đài có ma; mỗi con đường đều có bảng cấm, chỉ một vạch thẳng nho nhỏ câm nín. Người hay thú rừng thấy cái gạch nhỏ này trên đường đi của các người, hãy quay lui. Cái gạch này là do một thế lực trần thế đặt. Cái gạch này có nghĩa: dù đi xe hay đi bộ, dù bay hay bò, cấm vào.
 
Và ở vùng lân cận, trong những khu rừng rậm rạp, giữa những đám thông, đã hờm sẵn những người lính canh vũ trang bằng dùi cui và súng sáu.
 
Anh quanh quẩn trong khu rừng câm nín, anh quanh quẩn, anh tìm cách có thể lọt vào tới mãi cảnh hồ – nhưng chỉ hoài công! và không có một ai để hỏi han: người ta đã khiến thiên hạ sợ hãi và không còn một ai lui tới khu rừng này nữa. Và chỉ bằng cách buông mình theo một tiếng nhạc âm âm của con bò cái là anh lẻn vào được theo một lối mòn của bầy thú, vào lúc đúng ngọ, một ngày mưa. Vừa thấy mặt hồ lấp loáng, mênh mông giữa những thân cây, anh đã biết, ngay cả trước khi chạy tới bên bờ, rằng cái góc rừng này, anh sẽ dấu yêu mãi cho tới khi anh chết.
 
Hồ Segden tròn như thể đã được vạch bằng com-pa. Nếu anh kêu từ một bên bờ (nhưng anh sẽ không kêu, vì e bị để ý), tiếng vọng tan loãng sẽ tới mãi bên bờ bên kia.
 
Hồ bị khu rừng viền quanh bao bọc. Khu rừng này thật đều đặn, mỗi cái cây là bản sao lại cái cây khác, không một thân cây nào lại không ngang bằng thân cây bên cạnh. Nếu anh bước tới phía nước, tất cả cái tròn trịa của bờ hồ bị bao vây lộ ra trước mắt: đây là dải cát vàng, kia, những thân sậy nhỏ màu xám lởm chởm, kia nữa, cỏ xanh rạp xuống. Mặt nước nhẵn nhụi, nhẵn nhụi, không một nếp nhăn, đây đó gần bờ phủ lớp bèo tấm, khắp nơi khác một màu trắng trong trẻo, và cả dưới đáy cũng trắng nữa. Nước bị cầm tù. Rừng khép lại. Hồ nhìn trời, trời nhìn hồ. Còn có điều gì khác trên trái đất nữa chăng? không rõ nữa, rừng không cho thấy. Gia dĩ, có điều gì đó chăng nữa thời ở đây, nó cũng vô dụng, thừa thãi.
 
Có lẽ ta muốn ở lại đây mãi mãi. Linh hồn, ở đây, như làn khí rung rinh, có lẽ sẽ lai láng giữa nước và trời, và suy tưởng có lẽ sẽ tuôn ra, sâu thẳm và tinh khiết.
 
Điều ấy cấm. Một ông hoàng tàn ác, một kẻ hiểm độc có con mắt trợn trừng đã chiếm đoạt cảnh hồ: dưới kia là ngôi nhà mùa hè của hắn, bể bơi của hắn. Lũ con cái hiểm độc của hắn bơi thuyền câu cá, săn bắn vịt: trước tiên là một làn khói nhỏ xanh mờ, và vài giây sau một tiếng nổ.
 
Xa xa, ở bên kia rừng, nổi u lên và vươn dài tất cả vùng kế cận. Nhưng ở đây, để « họ » không bị một ai quấy rầy, mọi con đường đều bị chận lại; ở đây cá và muông thú được nuôi đặc biệt dành cho họ. Đây là những dấu vết: có ai đó đã nhóm một ngọn lửa; trước tiên người ta đã dập tắt ngọn lửa, rồi xua đuổi kẻ xâm nhập đi.
 
Cảnh hồ vắng vẻ. Cảnh hồ thân mến.
 
Đất quê hương...
 
 

KHÚC CÂY DU

 
Chúng tôi đang cưa cây thì, đột nhiên, bắt gặp một khúc cây du, chúng tôi hét lên: từ khi cái thân cây bị hạ, năm ngoái, bị một chiếc máy kéo kéo đi, xẻ ra bằng cưa, từ khi người ta đã ném nó lên những xà-lan lớn trên sông và những thùng xe ben, xếp thành đống và khiến lăn xuống đất, thì ra khúc cây du này vẫn không chịu đầu hàng! Nó đã nảy sinh một nhánh mới – cả một cây du tương lai hay một cành cây rì rào những lá.
 
Khúc cây tròn được đặt đó, trên giá cưa, như trên một cái thớt chém, và chúng tôi không sao quyết định được có nên vạc cổ nó bằng lưỡi cưa: cưa nó đi? ấy cũng bởi cả nó nữa nó cũng muốn sống! và muốn đến thế nào kia chứ! hơn cả chúng tôi!
 
 

PHẢN ẢNH TRÊN NƯỚC

 
Trên một dòng thác chảy xiết, người ta không nhận rõ được một phản ảnh nào, gần hay xa: ngay như nước không đục ngầu cũng chẳng nổi bọt, trên dòng uốn lượn bất tuyệt, trong sự tái tục không ngừng, mọi phản ảnh đều không trung thực, lờ mờ, không hiểu được.  
Chỉ đến khi xuôi những dòng sông thác nước kia tới một cửa sông rộng lớn yên tịnh hay đổ vào một nhánh sông nước đọng hoặc một mặt hồ nho nhỏ mà nước không có lấy một gợn sóng, chỉ tới lúc đó chúng ta mới thấy, trên gương nước nhẵn nhụi, từng chiếc lá cây nhỏ bé trên bờ, từng sợi mây mịn và bầu trời xanh đầy đặn.
 
Bạn và tôi, chúng ta cũng thế. Nếu như ta chưa nhận ra, nếu như ta chưa phản ánh một sự thật muôn thủa rõ nét, thì ấy chẳng phải bằng cớ là chúng ta hãy còn đang tiến bước? là chúng ta vẫn sống đó sao?
 
 

LỬA CỦI VÀ KIẾN

 
Tôi ném vào lửa một khúc củi tròn đã mục mà không để ý là ở bên trong có một tổ kiến.
 
Khúc cây nổ lép bép, kiến ùa ra và, tuyệt vọng, bắt đầu chạy tứ tán. Chúng chạy khắp phần trên của khúc cây rồi, bị những ngọn lửa ngốn ngấu, cong queo lại. Tôi chộp lấy khúc củi và lăn nó qua một bên. Lúc này lũ kiến đông đảo, chạy trên cát, trên những kim thông, thoát chết. Nhưng, lạ thay, chúng không rời xa ngọn lửa. Vừa qua khỏi nỗi kinh hoàng, chúng lại vòng trở lại, quẩn quanh đôi lúc, rồi một sức mạnh huyền bí kéo chúng lại phía sau, về Tổ quốc đã lìa bỏ, và đông đảo lũ kiến lại leo lên khúc củi bỏng cháy, chạy khắp phía và chết ở đó.
 
 

LẠC DIỆP TÙNG

 
Cái cây này: hơi lạ!
 
Cứ nhìn nó, thì đó là một cây thông có nhựa, phải, một cây thông có nhựa. Và có đúng là thuộc loại này không? Không hẳn thế. Mùa thu tới, và khắp chung quanh những cây rậm rạp trút lá, như thể chúng chết đi. Thế thì, phải chăng vì thương cảm? tôi sẽ không từ bỏ các bạn! Họ nhà tôi cầm cự được dễ dàng không cần tôi! – và thế là hắn đến phiên cũng trụi lá! Nhưng là vì tình bạn bè, trong vui tươi, trong những tia nắng lấp lánh.
 
Bảo rằng cái lõi cốt, cái con tim hắn mềm dịu ư? Cũng không phải: cái thớ gỗ của hắn thuộc loại cứng chắc nhất trên đời, chỉ một nhát rìu thì không thể làm sây sát được. Lạc diệp tùng nặng lắm, không thể thả xuống những dòng sông nhỏ, bị bỏ lại trong nước cũng không mục nát, mà trở thành cứng tựa những thức đá muôn đời.
 
Và khi lại trở lại, mỗi năm – đặc ân bất ngờ, – cái hơi ấm dịu êm, một năm nữa được ban cho chúng ta, ta lại có thể xanh tươi trở lại – về với những kẻ thân thuộc của mình cùng với đám gai mượt mà.
 
Cũng có những con người tính khí như thế đấy.
 
(Bản dịch này để tặng Cao Nghi Bình, DC.)
 
 

HỔ NHỤC

 
Đau khổ biết bao khi cảm thấy hổ nhục vì Tổ quốc mình.
 
Khi nhìn thấy những bàn tay rửng rưng hay dơ bẩn nào đang điều khiển cuộc đời mình một cách xuẩn ngốc hay vì lợi quyền. Những khuôn mặt cao ngạo hay bất nghĩa hay héo úa nào Nó bày ra cho thế giới. Thức uống độc hại nào người ta bắt nó phải nuốt thay vì một thực phẩm tinh thần lành mạnh. Đến nỗi tiêu điều nào, đến nỗi cùng khốn nào người ta đã thu lại cuộc sống của người dân không còn sức để lại chỗi dậy nữa.
 
Một cảm giác hạ nhục không buông tha ta. Và ấy không phải là chỉ thoáng qua. Ta không thay đổi được nó dễ dàng như đối với những tình cảm cá nhân, thường ngày, do kết quả của những hoàn cảnh ngẫu nhiên. Không, ấy là một sức nặng bền bỉ, dai dẳng, nó có đó khi ta thức dậy, nó quấy nhiễu ta vào hết mọi giờ trong ngày, với nó ta trườn vào giấc ngủ; và cả trong cái chết giải thoát ta khỏi mọi đau đớn cá nhân, ta cũng không thoát được cái cảm giác hổ nhục này: nó vẫn lơ lửng trên đầu người sống – và anh, anh là một phần tử nhỏ trong đó.
 
Ta lật dở, lật dở những đáy cùng của lịch sử chúng ta, ta tìm kiếm chút ủi an trong những gương mẫu. Nhưng ta cũng biết cái sự thật không thể bác bỏ này – là trọn những dân tộc đã biến khỏi mặt đất, điều đó đã thấy.
 
Thế nhưng có một đáy cùng khác: hai mươi tới hai mươi lăm vùng mà tôi đã tới thăm – và cái đáy cùng ấy đã truyền vào tôi hy vọng: tôi đã khám phá ra ở đấy những tình cảm tinh khiết, những cuộc tìm kiếm không nản chí, những con người linh hoạt, đại lượng, gần gũi với tôi. Họ lại chẳng xuyên thủng được bức tường số mệnh này ư – họ sẽ đạt được, họ có đủ sức mạnh để đạt được!
 
Nhưng nỗi Hổ nhục vẫn lơ lửng trên đầu chúng ta, tựa đám mây hồng-vàng của một thứ hơi độc đang vò xé hai buồng phổi chúng ta. Ngay như chúng ta có xua đuổi được nó – không bao giờ chúng ta sẽ có thể tẩy trừ được nó khỏi lịch sử của chúng ta.
 
 
------------------------------------
ALEXANDER SOLZHENITSYN sinh năm 1918 tại Kislovod, có lẽ là nhà văn Nga chống độc tài nổi tiếng nhất ở thế kỷ XX. Ông được trao giải Nobel Văn chương 1970. Tuy nhà nghèo, ông đã phấn đấu theo học toán, vật lý, lịch sử và triết lý ở đại học với kết quả rực rỡ. Từng là một sĩ quan Nga được huy chương trong thế chiến thứ nhì, ông bị bắt giữ vào năm 1945 vì chỉ trích Stalin trong một lá thư... và bị án 8 (tám) năm tù ở trại lao động cộng thêm 4 (bốn) năm lưu đày sau đó. Năm 1957 ông được «phục hồi»... Năm 1965 các tác phẩm của ông bị cấm ở Liên Sô. Được phiên dịch và xuất bản ở nước ngoài, các tác phẩm này lại khiến ông bị bắt giữ năm 1974, bị tước bỏ quyền công dân và bị trục xuất. Ông cư ngụ tại Hoa-kỳ trước khi trở về nước... .
 
Năm bài trên viết vào thời kỳ 1958-60, dịch từ bản Pháp văn của Lucile Nivat trong Soljenitsyne, Zacharie l’escarcelle, phần “Les études et miniatures”, nhà xuất bản Julliard, Paris, 1966, và được duyệt lại với bản dịch “có sửa chữa” của cùng một người dịch trong Alexandre Soljénitsyne, Études et Miniatures, nhà xuất bản Arthelme Fayard, Paris, 2004. Hai bài cuối, dịch theo Nikita Struve trong phần Soljénitsyne viết vào thời kỳ 1996-1998, trích từ cùng một tựa sách vừa kể. Tất cả những bài viết ngắn dịch ở đây thường được kêu bằng “Thơ văn xuôi” của A. Solzhenitsyn, nhưng cũng có nơi gọi là tùy bút, hoặc truyện cực ngắn. Xin xem thêm về tác giả và tác phẩm trên Tiền Vệ. (DC.)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021