thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
thơ 28, 29 & 30
 
 

thơ 28

 
có một bài thơ rất hay viết thơ tình, kiểu anh nhớ em em hỡi anh nhớ... Nhiều khi em quên rồi nhưng anh (bài thơ) vẫn nhớ, dù em ở nơi nào em vẫn không xa cách anh (là bài thơ) được đâu... Sau đó người ta kêu nó lên nhắc nhở không nên uỷ mị vàng vọt như thế
 
bài thơ bắt đầu chào đỉnh cao với những ước ao, những câu thơ cháy bỏng khát khao, những câu thơ bay theo gió rì rào... Người ta lại gọi nó lên nhắc nhở không nên ồn ào khoa trương rỗng tuếch như thế
 
bài thơ bắt đầu viết về sông núi biển khơi, mây trời gió lộng, trời của ta đất của ta, “dù ở đâu Tổ Quốc vẫn trong lòng”... Người ta lại gọi nó lên nhắc nhở không nên viết về những điều nhạy cảm như thế
 
bài thơ bắt đầu viết, và người ta lại tiếp tục gọi nó lên với những nhắc nhở vân vân
 
không đỉnh cao, không những ước ao, không có xì xào, không viết tào lao, không nói biển hồ không được nói ao, cũng không nên nói mày tao...
 
bây giờ bài thơ đang loay hoay, cũng không biết ra sao...
 
 

thơ 29

 
có một bài thơ vừa in xong tập thơ, nên tổ chức một cuộc ra mắt, giới thiệu sách của mình
 
khời đầu, MC (quen khá thân với bài thơ) nói (khoảng 20 phút) về cái hay và cảm động của những bài thơ trong tập thơ (không thấy MC nói chương trình ra mắt gồm những tiết mục gì)
 
tiếp theo bài thơ (là tác giả) lên nói (cũng khoảng 20 phút) về lý do ra đời của cái hay, cái cảm động của những bài thơ trong tập thơ
 
sau đó bạn của bài thơ (là một nhà thơ nổi tiếng) lên nói khoảng 10 phút về những kỷ niệm đi chơi với bài thơ, còn 10 phút tranh thủ đọc thơ của họ (khoảng 2, 3 bài gì đó)
 
sau của sau đó bạn của bạn bài thơ (là một nhà thơ còn nổi tiếng hơn) cũng lên nói khoảng 10 phút về những kỷ niệm uống cà phê với bài thơ, còn 10 phút tranh thủ đọc thơ của họ (cũng khoảng 2, 3 bài gì đó)
 
sau của sau sau đó bạn của bạn của bạn bài thơ (là những nhà thơ còn nổi tiếng nổi tiếng hơn hơn nữa) tiếp tục lên... (Những ai đã tự đọc được 2, 3 bài thơ của mình thường đi ra ngoài hành lang gọi điện thoại đi đâu đó, nói chung là đi mây về gió, không ai còn nghe ai đang nói gì, đặc biệt là không nghe thơ của những người lên sau)
 
kéo dài khoảng 2 tiếng rưỡi hay 3 tiếng đồng hồ, không có giải lao...
 
những người cũng là bạn của bài thơ (nhưng không nổi tiếng) ngồi nghe người ta khen nhau và không được ai mời lên phát biểu gì. Những người yêu thơ (càng không nổi tiếng) cũng ngồi nghe người ta tiếp tục tự khen nhau càng không được ai mời lên phát biểu gì, và cũng không hiểu vì sao người ta cứ lên khen nhau và kể về việc quen nhau miết như thế để làm gì (nhưng vẫn được uống nước và hút thuốc). Sau đó tất cả lục tục ra về sau khi đã được bài thơ cho chữ ký, một số cô gái nán lại chụp hình chung với bài thơ một tí
 
hình như sau buổi ra mắt ấy, bài thơ vẫn tiếp tục làm thơ (bởi có một số trường hợp sau khi ra mắt thơ như vậy thì người ta bỏ luôn không làm thơ nữa, làm nhiều người cũng tiếc)
 
sau của sau buổi ra mắt ấy, bài thơ tổ chức tiếp một hội thảo khoa học về tập thơ (vì quá nhiều lời khen và người ta yêu cầu nhiều quá). Nhưng ở hội thảo chỉ thấy những nhà thơ nổi tiếng và nổi tiếng hơn hơn nữa đi dự, ngoài ra không có ai đến để nghe thơ, nên thơ cũng bơ vơ
 
 

thơ 30

 
có một bài thơ nghe mẹ dặn: lời nói đọi máu. Bài thơ rất thích vì người làm thơ nào cũng cần cẩn ngôn. Bài thơ ghi nhớ lời mẹ dặn đến mức đã làm một bài thơ như thế
 
sau khi bài thơ làm thơ xong, bạn bè rủ bài thơ lên Hội chơi. Tưởng gặp nhiều bạn sẽ rất vui, bài thơ thay áo mới và cài lại hoa trên tóc. Đến nơi, bài thơ nhận được những ánh mắt nhìn mình đau nhói. Bài thơ tưởng mình nhìn lầm, lại gần ngồi nói chuyện lại nhận thêm dáng ngồi đau nhói, những lời đau nhói. Bài thơ chảy máu, tưởng không sao, nhưng khi về ướt áo
 
từ đó bài thơ biết thêm ngoài lời nói đọi máu những ngày mẹ dặn còn nhiều đọi máu khác (ánh mắt đọi máu, dáng ngồi đọi máu, dấu tay đọi máu...) còn đớn đau hơn nhiều đọi máu ngày xưa của mẹ
 
thỉnh thoảng có những ngày buồn đến mức bài thơ không làm nổi một bài thơ nào. Viết gì cũng khó, ngó gì cũng buồn... Nên đến đây (thơ 30) bài thơ xin phép tienve.org và mọi người cho bài thơ tạm ngưng làm thơ, vì làm gì cũng khó, ngó gì cũng buồn giống ngày xưa lục bát mưa tuôn...
 
Chỉ có điều là khi tạm ngưng làm thơ (vì không biết làm gì), bài thơ chỉ còn biết nằm đau đớn trên trang giấy trắng...
 
 
-----------
Đã đăng:
 
thơ 1, 2, 3 & 4  (thơ) 
có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @,%^&^J $$$ và được gọi là thơ cụ thể... | có một bài thơ vì quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn... nhưng không thấy văng ra một chữ nào
 
thơ 5, 6, 7 & 8  (thơ) 
... có một bài thơ chưa kịp viết xong thì bị rơi xuống nước. Một bài thơ khác chưa kịp viết xong thì rơi vào lửa. Còn nữa... khá nhiều bài thơ tiếp tục rơi trên đường chạy tiếp sức của mình...
 
... có một bài thơ chạy vào nhà tôi vì sợ hãi. Nó nhận ra tất cả chữ của mình đã bị đánh cắp. Nó trần truồng trên trang giấy, mắc cỡ dùng tay che (bụm) những gì phải che (bụm)...
 
thơ 16, 17 & 18  (thơ) 
có một bài thơ bị rơi mất hai mắt nên mò mẫm đi tìm. Hắn va phải một người đàn bà cũng bị rơi mất cặp vú nên cũng đang đi tìm như hắn...
 
thơ 19 & 20  (thơ) 
có một bài thơ thích nói chuyện sâu xa, ví như triết học. Nó than phiền về việc người ta cứ lẫn lộn hết cả giữa tôn giáo với ý nghĩ giả dối của mấy ông lãnh tụ (hồi xưa) & mấy ông lãnh chúa (bây giờ) và triết học...
 
là tắc tị khó hiểu. Người ta trách nó cứ học đòi các thứ “đã cũ rích ở bên Tây” mà không biết rằng dân tộc của nó đã tự tình ngàn năm với những cảm xúc chân thành, chân chân chân thật thật thật...
 
thơ 25, 26 & 27  (thơ) 
có một bài thơ đang đi giữa một phố trưa đầy nắng. Nó thấy bóng của nó đổ dài, leo lên leo xuống thoăn thoắt giữa mọi chướng ngại vật. Chiếc bóng của bài thơ linh hoạt đến nỗi nó không còn là chiếc bóng nữa mà đã biến thành một bài thơ thứ hai...
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021