thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
[Phỏng vấn Đoàn Cầm Thi] CHUNG QUANH SỰ KIỆN CÁC TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG XUẤT BẢN DƯỚI HÌNH THỨC PHOTOCOPY Ở SÀI GÒN
Trần Tiến Dũng thực hiện

 

Lời toà soạn: Trong văn học Việt Nam đương đại, có những tác phẩm không được chính thức xuất bản tại Việt Nam, mà chỉ đến với độc giả như những văn bản được photocopy và chuyền tay; thậm chí có những nhà thơ / nhà văn chỉ hiện hữu bằng phương tiện ấy. Để tìm hiểu những góc nhìn khác nhau của văn giới về sự kiện này, nhà thơ Trần Tiến Dũng tổ chức một cuộc phỏng vấn rộng rãi bằng cách gửi một số câu hỏi đến nhiều người cầm bút ở trong nước và ở hải ngoại. Tiền Vệ xin đăng tải loạt bài này theo thứ tự hồi âm của những người tham dự cuộc phỏng vấn.

 

Trần Tiến Dũng (TTD): Thời gian vừa qua, ở Sài Gòn xuất hiện hình thức xuất bản bằng cách photocopy và phân phối một cách không chính thức đến những người yêu văn nghệ. Ông/bà nghĩ sao về hình thức xuất bản ngoài luồng này? Tại sao có hình thức xuất bản ấy? Và liệu hình thức xuất bản ấy có ảnh hưởng gì đến diện mạo nền văn học Việt Nam đương đại không?

Đoàn Cầm Thi (ĐCT): Theo tôi đây là cách xuất bản có thể phù hợp với hiện trạng Việt Nam, nhờ những ưu điểm: gọn nhẹ, nhanh, không tốn nhiều kinh phí, chủ động, tránh được kiểm duyệt. Tuy nhiên, điều này vẫn không giải quyết được các vấn đề liên quan đến sinh mạng của một ấn phẩm văn học: phát hành và giới thiệu. Tôi khó tưởng tượng sự thành công của một cuốn sách nếu tác giả của nó phải kiêm thêm chức nhà phát hành, nhà báo và nhà phê bình, những công việc đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Mở Miệng là một trường hợp đặc biệt. Trước hết đó là một nhóm hoạt động ngay từ đầu đã có đường lối, chiến lược và cách thức riêng. Hơn nữa các thành viên của Mở Miệng đều là những nghệ sĩ tài năng, đầy sáng tạo, sáng kiến, nhiệt huyết, năng động. Họ xông xáo trên nhiều lĩnh vực, không chỉ sáng tác, mà còn mở nhà xuất bản (dù đó là nhà xuất bản chui), tham gia tranh luận, viết lý thuyết, gặp gỡ công chúng, vv.

Tuy nhiên, nếu phải chọn giữa hình thức photocopy và in trên mạng, tôi vẫn thích dạng thứ hai hơn. Nó nhân những ưu điểm tôi dẫn ra ở trên lên gấp nhiều lần.

Trở lại với hiện tượng xuất bản dưới dạng photocopy ở Việt Nam, nó không thể so sánh với hiện tượng tác giả tự bỏ tiền in sách trong một xã hội có tự do ngôn luận. Theo kinh nghiệm của tôi, ở Pháp chẳng hạn, những ấn phẩm ở dạng này thường chịu một thân phận lép vế : nó được chủ nhân của mình viết những lời đề tặng trân trọng, thắm thiết gói ghém trong những tờ giấy đẹp đẽ, đôi khi còn mất cước bưu điện, để được chuyển đến tay những người bạn hay không bạn, nhưng chắc sẽ ít đọc nó. Âu yếm thì họ cất vào tủ sách, ít âu yếm thì họ cho vào sọt rác. Nói ra thì phũ phàng, nhưng có lẽ thực tế thì gần gần như vậy.

 

TTD: Ông/bà đã đọc được bao nhiêu tác phẩm thuộc loại xuất bản bằng cách photocopy này rồi? Theo ông/bà, những tác phẩm ấy có đề ra khuynh hướng sáng tác nào đáng kể không? Liệu các khuynh hướng ấy có quyến rũ gì với những người mới bước vào nghiệp cầm bút trước những ngăn trở của hệ thống kiểm duyệt nhà nước?

ĐCT: Đến nay tôi chỉ được nhìn tận mắt 2 tập: Khoan cắt bê tông (2005) và Vòng tròn sáu mặt (2002). Cảm giác chung là đẹp, một cái đẹp giản dị và mạnh mẽ, khác hẳn với phần đông các ấn phẩm chính qui thường cầu kỳ, đôi khi rất cải lương.

 

TTD: Biết rằng các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy đều tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng ông/bà thấy điều đó có thoả đáng không? Ông/bà có vui lòng mua một tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy có đề giá bán hoặc thậm chí quên đề giá bán không?

ĐCT: Tôi nghĩ không nên để các tác phẩm xuất bản dưới dạng photocopy tới tay độc giả chỉ như một thứ quà tặng. Một ấn phẩm, dù đó là nghệ thuật, cũng phải được coi như hàng hoá, một loại hàng hoá đặc biệt. Các nhà văn (hay các nhà phê bình cũng vậy) bỏ công sáng tạo nghiên cứu, thì công sức đó phải được bù lại, bằng nhiều hình thức, trong đó có tài chính. Vả lại, độc giả thường quí những tác phẩm họ tự bỏ tiền ra mua hay tự “đi xin” hơn là những tác phẩm tự nhiên nhận được. Điều này tôi đã trình bày ở trên.

Lý tưởng nhất, viết văn hay viết phê bình phải được chính người cầm bút coi như một nghề, không sang hơn không hèn hơn bất cứ một nghề nào khác, và cũng phải mang lại lo lắng, bận bịu, buồn vui cùng cơm áo cho người hành nghề. Nếu không nó mãi mãi sẽ là một nghề tay trái, và nhà văn hay nhà phê bình tay trái thường sống với nhiều hờn tủi và mặc cảm.

 

TTD: Cám ơn sự cộng tác của ông/bà.

 

 

------------
Để xem những bài phỏng vấn khác đã đăng, xin độc giả bấm vào link này:

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021