thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
“MUỐN ĐI ĐÂU THÌ ĐI, MUỐN NGỦ ĐÂU THÌ NGỦ...”

 

(hồi tưởng sau 30 năm ở Úc, 09.04.1986 - 09.04.2016)

 

 

“MUỐN ĐI ĐÂU THÌ ĐI, MUỐN NGỦ ĐÂU THÌ NGỦ...”

 

Chuyến bay của hãng hàng không Úc, Qantas QF002, cất cánh từ phi trường Changi, Singapore, chiều hôm trước, đến phi trường Sydney lúc 8 giờ sáng ngày 09.04.1986. Trong số hành khách của chuyến bay, một người ngồi ghế số 58 J: Võ Quốc Linh.

 

*

 

Hai tháng trước đó, vào ngày thứ tư, 05.02.1986, trong lúc đang đứng dạy tiếng Anh vỡ lòng cho đồng bào tỵ nạn tại trại Pulau Bidong, thuộc tỉnh Terengganu, Malaysia; tôi chợt nghe tiếng loa phóng thanh gọi tên mình. Họ yêu cầu tôi đi gặp phái đoàn Úc đang làm việc tại hội trường của văn phòng Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc gấp. Ngạc nhiên, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra, vì tôi thuộc diện đi Mỹ và đang chờ phái đoàn Mỹ gọi. Ở Úc tôi không có thân nhân, ngoại trừ hai người bạn: anh Hoàng Ngọc-Tuấn và Hoàng Ngọc Diệp.

Rời lớp học, sau 10 phút đi bộ, tôi đến trước cổng hội trường, thấy một nhân viên hướng dẫn người Mã đã chờ sẵn. Với nụ cười thiện cảm, anh ta nói: “Please, follow me, Mr. Vo.” Tôi bước theo anh ta, cùng lúc tôi nhận ra đây là lần đầu tiên mình được dẫn đi “làm việc” mà không có ai đi kèm sát lưng. Qua một đoạn hành lang ngắn, anh ta dừng lại trước hai cánh cửa khép màu xanh da trời. Sau tiếng gõ cửa, một giọng nữ vọng ra từ bên trong: “Please, come in.”

Cánh cửa mở, trước mắt tôi là một người đàn bà lớn tuổi có mái tóc bạc trắng bới lên cao, để lộ xâu chuỗi ngọc trai trên cánh cổ hơi gầy. Bà đang ngồi trước chiếc bàn làm việc khá lớn, bên trên bề bộn những hồ sơ giấy tờ. Thấy tôi vào, bà đứng dậy bước đến chào và bắt tay tôi, mắt nhìn trong lành. Bà bảo tôi ngồi vào chiếc ghế đối diện.

Tôi ngồi yên, ráng giữ vẻ bình thản, chờ đợi (như đã bao nhiêu lần ráng bình thản và chờ đợi khi đang bị thẩm cung bởi công an, chấp pháp ở Việt Nam...). Bà cũng ngồi yên, đầu hơi nghiêng về xấp giấy tờ trước mặt, rồi vẫn không ngước lên nhìn, bà chậm rãi nói:

“Tôi tên là Carol, đại diện phái đoàn Úc làm việc tại trại tỵ nạn này. Tôi muốn gặp anh vì chúng tôi có nhận được một lá thư của bạn anh — ông Hoàng Ngọc-Tuấn, hiện đang sống tại Sydney. Trong thư, ông Hoàng đã kể cho chúng tôi biết rất nhiều về anh, về những gì anh đã trải qua sau tháng 4/1975 ở Việt Nam...”

Lặng đi một lúc, bà như đang suy nghĩ, cân nhắc, lựa lời... Tôi vẫn ngồi bất động chờ đợi. Nhìn đôi tay bà, tôi nhận ra những tờ giấy với nét chữ viết tay của anh Hoàng Ngọc-Tuấn. Bà quay mặt đi như đang tìm một điều gì... Lúc đó, tôi mới nhận ra rằng bà đang khóc.

Mỗi khi chứng kiến cảnh người khóc trước mặt mình, lòng dạ tôi thường nôn nao bủn rủn. Lần này lại là một người đàn bà Tây phương xa lạ, tóc bạc trắng, dung mạo đẹp đẽ, đang khóc chỉ vì những điều anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã viết về tôi trong lá thư ấy. Đôi mắt đỏ hoe của bà làm tôi chới với. Không dám nhìn bà, tôi ngước mặt đăm đăm nhìn vào bức tường sau lưng bà. Ở đó chỉ có một mầu trắng, ở đó không còn có gì khác — không có khung hình lãnh tụ, không có hàng chữ đỏ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”... Tôi nhìn và nhìn như lần đầu bắt gặp một bức tường trống và trắng lạ lùng.

Sau khi lấy một chiếc khăn tay và lau thấm nước mắt, bà ngồi thẳng lại, xếp những giấy tờ, thư từ vào một tấm bìa lớn với hàng chữ: VO QUOC LINH - MB 343 / ID CARD 125 602. Chặn hai bàn tay yên ả của bà lên tập hồ sơ cá nhân của tôi, bà mỉm cười, khuôn mặt trở nên rạng rỡ, bà nhìn tôi và từ tốn nói:

“Giờ đây, thay mặt chính phủ và người dân Úc, chúng tôi ao ước được đưa anh đến đất nước chúng tôi để định cư dưới chương trình nhân đạo đặc biệt dành cho người tỵ nạn. Anh có vui lòng chấp thuận không?”

Nhìn bà, tôi mở miệng nói... Nhưng hai tiếng “Yes, Ma'am” bị nghẹn lại trong cổ họng.

Tôi khẽ gật đầu.

 

*

 

Buổi sáng mùa thu ngày 09.04.1986, đến đón tôi tại phi trường quốc tế Sydney là anh Hoàng Ngọc-Tuấn, Hoàng Ngọc Diệp và Cao Huy Thắng.[1] Anh Tuấn và Diệp mặc suite thắt cà-vạt trông rất lạ và bảnh đến nỗi tôi ngờ rằng mình nhìn lầm người. Thắng thì ăn mặc lùi xùi lẹp xẹp (bây giờ thì bảnh ra rồi). Hành lý của tôi chỉ vỏn vẹn một túi vải đeo vai, bên trong có vài bộ quần áo, cuốn sổ tay và cả trăm lá thư của người tỵ nạn ở Mã nhờ tôi mua tem dán vào và gởi giùm đến các thân nhân của họ ở Mỹ, Pháp, Canada, Úc và Việt Nam.

Vừa bước ra khỏi cánh cửa kính tự động nơi tiền sảnh của phi trường, tầm mắt tôi bị choáng ngợp vì một bầu trời trong xanh với màu nắng óng ả như mật đẫm trên hàng cây phong. Bỗng dưng, tôi khựng lại vì cái... không khí. Cái không khí tôi đang thở dường như là cái sờ chạm, nhai nuốt được. Cái không khí khiến tôi rùng mình liên tưởng đến thời gian bị giam cầm cùng anh Hoàng Ngọc-Tuấn ở buồng giam số 11, trong trại Trần Phú, Nha Trang. Ở đó người ta quản lý cả không khí... Cái không khí làm tôi nhớ đoạn kết lá thư mà Hoàng Ngọc Diệp gởi hồi tháng 12/1985, lúc tôi còn ở trại tỵ nạn:

“...Bạn Linh, tối hôm qua tôi quên thở. Nhà tôi phải kêu tôi thức dậy, đưa tôi đi gặp bác sĩ. Ông ta bảo trong người tôi có quá nhiều dưỡng khí, quá ít thán khí! Tối hôm qua tôi trở thành một loại thực vật! ...”

Tôi thở như chưa bao giờ được thở, như hài nhi vừa rời bụng mẹ tập thở lần đầu. Tôi nhắm mắt thở và thì thầm hai câu thơ:

“... Em là vị thơm của bánh

trên từng gai lưỡi của anh...” [2]

Bữa cơm tối đầu tiên tại Sydney diễn ra trong căn hộ nhỏ số 13, tầng 4, trên dãy chung cư toạ lạc tại góc đường Liverpool và Frederick thuộc vùng Ashfield. Bác Hoàng Ngọc Di, anh Tuấn, Thắng và tôi, bốn người lưu vong tỵ nạn ngồi bên nhau, trước mặt là bữa cơm thanh đạm với những món ăn Việt toả khói thơm ấm áp. Bữa cơm không bắt đầu bằng rượu bia khai vị, không nâng ly chúc tụng, không nói cười hỉ hả. Bác Di, ba anh Tuấn, lần đầu thấy tôi, ông chỉ mỉm cười và nói: “À, thằng Linh đó hả con.” Vậy thôi, như nói với một đứa con đi vắng đã lâu mới trở về.

Đang giữa bữa ăn, nhìn ra khung cửa kính, thấy trụ đèn đường vừa bật sáng, tôi giật thót mình... Đặt chén cơm đang ăn dở xuống, tôi xin phép vào trong lấy chút đồ. Trở ra, hai tay tôi cầm tấm giấy “Visa for Travel to Australia” có tấm hình bán thân, có con mộc đóng, tôi trình tờ giấy cho bác Di, miệng ấp úng thưa:

“Thưa bác, tối nay con ngủ ở đây, bác làm ơn giúp con mang giấy này để trình báo với cơ quan, tổ chức, hay liên gia đại biểu gì đó, để con được tạm trú. Giờ này tối rồi con không biết họ còn làm việc không...”

Mọi người sững lại khi tôi vừa dứt lời. Bác Di nện chén cơm xuống mặt bàn một tiếng “cộp”. Ngả người ra lưng ghế, hai tay buông thõng, ông giương mắt nhìn tôi đang đứng xớ rớ trước mặt, và ông gầm giọng phẫn nộ:

“Thằng Linh, ở đây, mày MUỐN ĐI ĐÂU THÌ ĐI, MUỐN NGỦ ĐÂU THÌ NGỦ. Không một đứa chó đẻ nào có cái quyền cho phép hay không cho phép.”

 

*

 

Đầu năm 1979, anh Hoàng Ngọc-Tuấn ở tù Bến Tre về Nha Trang cùng lúc tôi vừa được thả về từ Côn đảo. Từ đó chúng tôi bắt đầu một cuộc sống không hộ khẩu. Một cuộc sống phi lý và buồn cười... Sống không hộ khẩu, ban ngày bạn có thể về nhà mình để ăn uống, tắm giặt, nghỉ ngơi, nhưng buổi tối bạn không được phép nằm trong ngôi nhà đó, dù đó là nơi bạn đã sinh ra, lớn lên, dù đó là nơi bạn còn cha mẹ anh em. Vậy thì đi đâu, ngủ đâu khi đêm xuống!? Có một thời gian khá dài chúng tôi ngủ ngoài thềm ga Nha Trang và ngủ trên mái nhà của chính mình.

Ngủ trên mái nhà thì đơn giản lắm: khi trời chập tối, chúng tôi tha lên đó một manh chiếu, hai cái gối và tấm chăn, và thứ không thể thiếu là bịch thuốc rê, giấy quyến và cái bật lửa. Hôm nào sang hơn thì có thêm một ấm trà nóng, vài cái bánh, cây kẹo. Nằm ngửa mặt dưới bầu trời đen nhiệt đới đầy sao lấp lánh, hai đứa tôi thầm thì nói chuyện văn nghệ, chuyện cuộc sống...

Đôi khi vào lúc nửa đêm gần sáng, chúng tôi giật mình thức dậy vì tiếng chó tru tréo theo bước chân của đám du kích, công an khu vực đi tuần tra, khám nhà, xét hộ khẩu. Chúng tôi biết họ không bao giờ nhìn lên mái nhà. Bởi vì họ không bao giờ nhìn thấy bất cứ điều gì cao hơn tầm cái đầu của họ — cái tầm mà từ mặt đất tính lên thì chỉ khoảng một thước sáu.

 

*

 

Đứng bên ngoài ban-công căn hộ số 13, hút thuốc cùng anh Tuấn sau bữa ăn, tôi còn nghe trong tai mình âm vang câu nói của bác Di “Muốn đi đâu thì đi, muốn ngủ đâu thì ngủ”. Nhìn xuống lòng đường đã vắng bóng xe cộ, tôi thấy, cách chỗ chúng tôi đứng không xa, trụ đèn giao thông vẫn không nghỉ ngơi, vẫn loé sáng theo cái chu kỳ Xanh Vàng rồi Đỏ từng chặp, từng chặp. Đêm thu Sydney làm tôi lẩy bẩy, cái áo khoác Diệp đưa ban chiều không ngăn nổi cái lạnh. Hút xong điếu thuốc, anh Tuấn nói:

“Thôi, đi vô ngủ kẻo lạnh.”

Tự dưng tôi buột miệng:

“Lâu quá, mình chưa ngủ trên mái nhà.”

Quay hẳn người lại để nhìn tôi, anh Tuấn nói như trấn an:

“Có lẽ từ đây cho đến cuối đời, mình sẽ không bao giờ ngủ trên mái nhà nữa đâu Linh.”

 

*

 

Hôm nay, 09.04.2016. Ba mươi năm rồi. Tôi ngồi viết những dòng này như một lời cám ơn đến anh Hoàng Ngọc-Tuấn. Anh nói đúng, chúng tôi không còn nằm ngủ trên mái nhà. Nhưng, chúng tôi cũng không thật sự nằm ngủ trên giường.

Ba mươi năm rồi, chúng tôi nằm đâu đó lơ lửng ở khoảng giữa mái nhà và cái giường.

Nằm đâu đó chênh vênh giữa Mộng và Thực.

 

Little Moon Bay, 09.04.2016.

 

_________________________

[1]Cao Huy Thắng hiện nay là phu quân của nhà văn Hoàng Ngọc Thư (em gái út của anh Hoàng Ngọc-Tuấn). Nhân đây, tôi xin cảm ơn Thắng về cử chỉ hào hiệp và tế nhị của Thắng. Trong ngày đầu tiên tôi vừa đến Úc, Thắng đã mua tem dán vào hàng trăm bì thư của những người tỵ nạn mà tôi mang từ Malaysia sang Úc, và sau đó Thắng đã ra Australia Post để gởi giùm các bì thư đó đến những thân nhân của họ ở nhiều nước trên thế giới.

[2]Hai câu thơ này là của Pierre Emmanuel trong bài “Seuls comprennent les fous” do anh Hoàng Ngọc-Tuấn dịch. Nguyên văn tiếng Pháp của hai câu thơ này là câu “Tu es la saveur du pain sur ma langue”. Anh Hoàng Ngọc-Tuấn đã dịch cả tập thơ Chanson du dé à coudre ra tiếng Việt vào năm 1975 ở Sài Gòn, nhưng bản thảo chép tay của anh sau đó đã thất lạc. Bạn bè chỉ còn nhớ một số mảnh thơ anh dịch trong cuốn đó.

 

 

-------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021