thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NHỮNG ĐÊM TRẮNG (V): Trên cầu | Verlaine | Từ đô thị CÓ tới đô thị KHÔNG | Khi khuôn mặt em trỗi dậy | Ngủ đi em, hỡi người tôi yêu dấu | Tôi không thèm khát có điều gì... | Độc ác
(Diễm Châu dịch)
 

TRÊN CẦU

                                            tặng B. Levinson.
 
Một cây cầu trên sông Seine mơ màng
và trên cây cầu ấy một đôi bạn lẻ loi.
Bên dưới là đám đông lũ lượt
đắm trong những ánh mờ hư ảo.
Các chính quyền đi rồi tới,
với những diễn từ khôn khéo dọn đường
nhưng chuyện đó và cả đến sông Seine
tiếp tục trôi đi dưới chân họ,
người đàn ông và người đàn bà nọ
                                                    chỉ thoáng thấy.
Họ ở đó
             câm nín, không ôm siết
như món quà bọc trong giấy bóng kính thật trong
của trái đất
                  tặng cho toàn trái đất.
Cầu trời ban cho chúng ta
                                       như của ăn mầu nhiệm
tốt hơn cơm bánh hoặc những niềm vui bình thường,
cầu trời ban cho chúng ta,
                                       hết mọi lúc,
cả chúng ta nữa, cũng được ở trên cầu,
một cây cầu vĩnh viễn được thánh hóa,
bên trên bầu trời và thời gian
bên trên
                    lầm lẫn
                                       và hư danh.
 
 

VERLAINE

 
Khoát tay chỉ Pa-ri,
Người hướng đạo dẫn thơ Verlaine với tôi.
Ôi! tiếng người xúc động
                                       và ngọt ngào
hòa lẫn tiếng một cơn mưa mịn hạt,
khúc ca này tựa như của một dòng thác
đổ xuống từ một vì sao tới một vì sao.
«Thưa ông,
                   quả là
                              thú vị đấy chứ?»
Tôi đồng ý:
                   thật là thú vị.
Paris! Ký ức của mi thật kém cỏi!
Quả là thích hợp khi một nhà tư sản ngày nay
sở hữu toàn bộ tác phẩm của
Verlaine trên giấy quý.
Quả là thú vị,
                     sau một chén rượu gin
và để chờ giấc ngủ,
Verlaine, quả là thú vị!
Quả là thích hợp
                         khi người ta lấy làm khoái trá,
phải không nhỉ?
                Nhưng tôi, tôi còn nhớ,
– trí nhớ tôi trung thực hơn của các người nhiều –
tôi còn nhớ cái ông Verlaine ấy
người mà ngày xưa các người đã từng thấy bằng luật pháp.
Ôi hình ảnh mới khó nhận!
Nó không thể lọt vào những khung tranh của các người
nơi chễm chệ ông vua-dối trá.
Điều Verlaine nói giữa hai chén rượu
cũng ngang như thách thức với đạo lý.
Phải chăng tôi xét đoán có hơi vội vàng?
Làm các người bực bội?
Thôi nào! Quả là thú vị đấy chứ?
Ông ta đã chết thật liu riu
và thưa quý Ngài thanh lịch, đây là cái duyên cớ:
ông ta đã chết vì những mũi tên ngu ngốc của các người,
phóng ra từ những bàn tay giấu kín,
ông ta đã chết vì thuần phong mỹ tục của các người
như ở sa mạc người ta chết vì khát.
 
Các người uống rượu khi đọc Verlaine
và bụng các người thật phì nộn.
 
Hãy giết bọn họ, hãy giết các nhà thơ,
rồi sau đó các người sẽ có thể trích dẫn họ.
 
 

TỪ ĐÔ THỊ CÓ TỚI ĐÔ THỊ KHÔNG

 
Đã từ lâu tôi là một chuyến tầu đi đi lại lại
Từ đô thị CÓ tới đô thị KHÔNG
Và những đường thần kinh tôi đã dệt mạng lưới
Từ đô thị KHÔNG tới đô thị CÓ.
 
Ở đô thị KHÔNG, ấy là sự sợ hãi và cái chết
Và những vách tường phòng triển lãm ở đó được sơn phết bằng nỗi buồn.
Nơi đây, món đồ nhỏ nhất cũng cau có, gắt gỏng,
Và những ánh mắt hết thảy đều nhuốm vẻ nghi hoặc.
Người ta đánh bóng sàn nhà hết mọi ngày bằng cay đắng.
Người ta sống, ngồi trong dối trá và bất hạnh.
Ấy là của Ác quỷ nếu người ta nhận được ở đó một lời khuyên tốt,
Hay một bó hoa, hay cả đến một lời chào, chẳng hạn.
Nhưng bao giờ người ta cũng nhận được cùng một thông tư:
«Không-không-không... không-không-không... không-không-không...»
Và, khi ở đó ánh sáng cuối cùng đã tắt,
Những bóng ma bắt đầu vũ khúc thê lương.
Ấy là của Ác quỷ nếu, có bao giờ, người ta cho anh một cái vé
Để đi khỏi đô thị đen tối KHÔNG...
 
Nơi đô thị CÓ, cuộc sống là tiếng hót chích chòe,
Đô thị đẹp xinh, không tường ngăn, tựa một tổ chim.
Các vì sao trên trời ở đó rơi xuống tay anh.
Mọi vành môi, không hổ thẹn, đều hướng tới môi anh
 
Nói với anh, nho nhỏ: «Có hề gì mọi chuyện ấy!»
Chùm hoa thơm, tròng ghẹo, chỉ muốn được anh hái
Những đàn thú, rống lên, hiến anh sữa.
Nơi đây, không một ai có chút nghi ngờ nhỏ bé nhất.
Anh muốn đi đâu, ngoài xa đó, thì chỉ trong giây lát
Sẽ đưa anh đi những chuyến xe lửa, những con tàu, những máy bay.
Nơi đây, không ngừng, làn nước thì thầm theo dòng năm tháng:
«Có-có-có...  có-có-có...  có-có-có...» 
Tuy vậy, nói thực ra, đôi khi tôi cũng chán
Vì có thể có được biết bao điều không vất vả,
Nơi đô thị lấp lánh muôn màu đó...
 
Tốt hơn cả là đi đi, lại lại, tới tận cùng thời gian
Từ đô thị CÓ tới đô thị KHÔNG!
Và thần kinh tôi tiếp tục dệt mạng lưới của chúng
Từ đô thị KHÔNG tới đô thị CÓ.   
 
 

*

 
Khi khuôn mặt em trỗi dậy
Trên cuộc đời tôi hoài phí
Trước tiên tôi đã hiểu
Rằng những gì mình sở hữu chả là gì hết.
 
Mà những lùm bụi, những dòng sông và những biển cả,
Đã được em soi rọi bằng ánh sáng của riêng em
Em đã khai tâm cho tôi những sắc màu của thế giới này
Tôi, kẻ chưa được khai tâm gì hết.
 
Tôi quá sợ, tôi quá sợ
Rằng buổi hừng đông bất ngờ này sẽ chấm dứt
Và sẽ chấm dứt những khám phá, những giọt lệ và niềm hân hoan...
Nhưng nỗi sợ này, tôi không chống trả.
 
Bởi nỗi sợ này, tôi đã hiểu,
Ấy là tình yêu. Và tôi yêu dấu nó,
Mặc dù tôi cũng chẳng biết dấu yêu,
Tôi, kẻ nông nổi canh giữ tình tôi.
 
Nỗi sợ này đối với tôi là một nhà tù.
Những giây lát này, tôi biết, thật vắn vỏi.
Mọi màu sắc sẽ biến đi
Khi khuôn mặt em chìm khuất.
 
 

NGỦ ĐI EM, HỠI NGƯỜI TÔI YÊU DẤU

 
 
 

*

 
Tôi không thèm khát có điều gì một nửa!
Tôi muốn trọn trái đất, và thêm nữa bầu trời!
Những biển cả, những dòng sông, những ngọn thác
Là của tôi trọn vẹn và tôi không muốn chia sẻ gì hết.
 
Đối với tôi sống không phải một biện pháp nửa chừng,
Tôi đủ sức đón nhận tất cả của cuộc đời!
Chứ không phải những nửa chừng hạnh phúc!
Chứ không phải những bất hạnh nửa vời!
 
Nhưng tôi chỉ muốn một nửa chiếc gối
Nơi, thoáng nhẹ, tựa trên má em
Vì sao nhỏ xíu, ôi ánh sao băng!
Trên ngón tay em lấp lánh một chiếc nhẫn.
 
 

ĐỘC ÁC

 
Người ta lắc đầu,
                            bảo tôi:
Mi độc ác...
                            hãy trở nên tốt hơn!
Ngày xưa tôi đã tốt,
                            chuyện ấy không bền.
Cuộc đời đã khiến tôi tan nát,
                            đã đập vào mặt tôi.
Tôi đã cam đành sống
                                   như một con chó nhỏ ngây ngô.
Khi nhận được một cú đấm
                                   tôi đưa má bên kia.
Nếu, đột nhiên, tôi đã trở thành ác độc,
Đó là vì người ta đã chặt đứt
                                    tính tôi điềm đạm!
 
Vậy thời tôi sẽ nói với các người về sự độc ác
Về sự độc ác ta mang theo khi thăm viếng mọi người,
Khi ta nói với họ cả ngàn lời trịnh trọng
Và khi ta bỏ đường vào chén trà bằng một vẻ thật con nhà...
Khi tôi là khách mời của các người,
Tôi không bao giờ chán,
                                    là vì tôi xem xét các người
Từ phía bên trên chiếc đĩa dầm, khi uống trà.
Lúc ấy, sau khi đã thu lại những móng vuốt,
                                    tôi chìa cho các người bàn tay...
 
Vậy thời tôi sẽ nói với các người về sự độc ác...
Khi, chẳng hạn, ta chưa kịp leo lên
        diễn đàn,
                       thiên hạ đã bảo ta: «Thôi, nào...
Anh còn trẻ,
                       viết lách tốt hơn:
Thế nên chớ vội nhảy vào cuộc chiến!»
Lúc ấy, tôi chẳng bao giờ để họ mặc sức!
 
Độc ác với những kẻ láo khoét, chính là tốt đấy.
Tôi bảo thực các người:
                       tôi chưa hết thời đâu!
Các người hãy biết rõ:
                       tôi giận hờn
                           thật lâu.
Nơi tôi tính rụt rè nhút nhát xưa chẳng còn gì hết.
A!
     sống thật là thú vị biết bao,
     khi người ta độc ác!
 
 
----------------------------
Đã đăng:
 
Ghi chú của người dịch:
YEVGENY YEVTUSHENKO, nhà thơ Nga hiện đại, sinh năm 1933, sống ở Tây-bá-lợi-á tới mãi 1944. Kế đó, ông học tại Viện văn học Matx-cơ-va (1951-1954).Tập thơ đầu tiên của ông, tựa là Kẻ chinh phục tương lai, được xuất bản năm 1952. Ông bắt đầu nổi tiếng về thơ vào khoảng giữa những năm 1950. Sang những năm 1960, Yevgeny Yevtushenko trở thành một trong những nhà văn có uy tín nhất ở Liên Sô: người đọc (và nghe ông đọc) thơ ông hết sức đông đảo. Thơ ông vào thời kỳ này có tầm quan trọng lớn về xã hội... Nhiều bài đã được Dmitri Shostakovich dùng để soạn nhạc, như bài «Babii Yar» thời danh mở đầu cho «Hòa tấu khúc thứ mười ba» (mặc dù đã phải sửa đổi một số lời).
 
Trong bộ Lịch sử văn học Nga, thế kỷ XX, tập 3 [Histoire de la littérature russe, le XXè siècle *** (Fayard, Paris, 1991)], các tác giả đã dành cho Yevtushenko những đoạn dài: người ta cho rằng thơ ông đánh dấu một giai đoạn đổi thay quyết liệt trong lịch sử nước Nga và thơ Nga, nhưng cũng ghép cho ông những từ như «hãnh tiến», «cơ hội», được chế độ của ông K. «dung dưỡng»... Trong cuốn Những tiếng nói trong tuyết, bà Olga Andreyev-Carlisle (cháu của văn hào Nga Léonide Andreyev) đã để cả chương 8 ở phần III để viết về Yevtushenko và các bạn nghệ sĩ của ông. Ở một chương khác trong sách còn có một khúc «phim» ngắn rất linh hoạt về Yevtushenko [Des voix dans la neige (François Maspéro, Paris, 1964)]. Theo chứng từ của một số các nhà văn học Nga, Yevtushenko được coi như khá tích cực bênh vực tự do: người ta ghi nhận «những can thiệp công khai» của ông kéo dài mãi tới thời Gorbachev...
 
Để dịch các bài trong tuyển tập Những đêm trắng của Yevtushenko, tôi đã sử dụng một số bản Pháp văn của Serge Romensky và Paul Chaillot: Trois minutes de vérité (Julliard, Paris, 1963) và của Élisabeth Soulimov: De la cité du Oui à la cité du Non (Grasset, Paris, 1970). Tựa đề chung cho tuyển tập, tôi đặt theo một bài của Yevgeny Yevtushenko...

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021