thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [3] NHÀ THƠ – NGƯỜI THỢ LÀNH NGHỀ HAY NHÀ TIÊN TRI?
Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch

 

Thưa tiến sĩ Adler,

Tôi nhận thấy rằng các nhà tư tưởng chịu ảnh hưởng sâu đậm từ truyền thống kinh điển nói về thơ như thể nó là một trong những nghệ thuật sản xuất, và như thể nhà thơ là người thợ lành nghề.

Tôi tự hỏi phải chăng là một nhà thơ thì chỉ có thế thôi sao. Chẳng lẽ không từng có những thời kỳ các nhà thơ được tôn sùng như là những người mang lại cho chúng ta những trực giác đặc biệt và sự thấu thị về cốt lõi của sự vật sao? Chẳng lẽ một nhà thơ đích thực mà lại giống như người thợ đóng giày hơn là giống như nhà tiên tri hay sao?

T.P.

 

 

T.P. thân mến,

Những lý thuyết về thơ từ những thời kỳ xa xưa đều xoay quanh ý niệm nhà thơ như người thợ thủ công khéo léo, như nhà tiên tri đầy cảm hứng, hay như một sự kết hợp thế nào đó của cả hai. Trong thế giới cổ đại, từ “thơ” nguyên nghĩa là “chế tác”, và bao gồm mọi hình thái sáng tạo sinh sôi của con người – chế tác những cái hũ cũng như chế tác những bài thơ. Nhưng nó sớm mang ý nghĩa nghệ thuật “chế tác” văn chương, sự trình bày có tính chất tưởng tượng về hành động, tính cách, và cảm xúc con người – thông qua từ ngữ. “Sự chế tác” như vậy bao gồm những tác phẩm kịch, cả hài kịch lẫn bi kịch và những thiên sử thi, cũng như câu thơ trữ tình mà chúng ta thường gán cho nó từ “thơ”.

Trong ý nghĩa cổ sơ của thơ, việc sử dụng những hình mẫu và nhịp điệu văn vần tự chúng không làm cho một tác phẩm văn chương có chất thơ, vì những tác phẩm về lịch sử, khoa học và những nghệ thuật chuyên môn thường được viết bằng văn vần (verse) nhưng không được coi là thơ (poetry). Chúng là những mô tả thực tại hơn là những sáng tạo hư cấu “mô phỏng” những phương diện phổ quát của động thái con người – vốn là chức năng thiết yếu của thơ, theo Aristotle.

Bỏ qua một bên câu hỏi thơ có thể được viết bằng văn xuôi lẫn văn vần hay không, chắc chắn là chúng ta muốn nói một điều gì đặc biệt và độc đáo với những từ “thi tính” và “nhà thơ”. Các triết gia cổ đại nhận ra điều này và gắng truy tầm cho được đúng điều gì mà sự độc đáo này hàm chứa. Mặc dù nhà thơ trong ngôn ngữ nguyên thủy của Plato và Aristotle có nghĩa đen là “người chế tác”, nhưng hai ông không coi nhà thơ đồng nhất với những nhà chế tác sự vật khác – với thợ đóng giày, thợ đóng tàu, và các thợ thủ công khác.

Thật vậy, ý tưởng cho rằng nhà thơ là một kiểu người điên hoặc một người thấu thị đầy cảm hứng đã đến với chúng ta từ Plato. Và một nhà tư tưởng điềm tĩnh như Aristotle cũng thừa nhận rằng “một khuynh hướng điên rồ”, thay vì “một món quà may mắn của tự nhiên”, có thể trong một số trường hợp giải thích tài năng của nhà thơ trong việc đứng bên ngoài chính anh ta và nhập vào cá tính của các nhân vật hư cấu của anh ta. Điều mà Plato và Aristotle gọi là “điên rồ” thì tương đương với điều chúng ta gọi là “cảm hứng”. Tuy nhiên, chúng ta lưu ý rằng “cảm hứng”, và từ tương tự “hăng say”, gợi lên nghĩa sự điều khiển từ một sức mạnh ngoại tại, siêu nhiên.

Jacques Maritain,[1] một triết gia hiện đại lỗi lạc, trong những năm gần đây đã xử lý câu hỏi nghệ sĩ có phải là tiên tri hay thợ thủ công (ở bậc cao) này. Lý thuyết cơ bản của Maritain là nghệ sĩ hay nhà thơ là “người chế tác”, một người thợ giống như những người chế tác mọi thứ khác, có kỹ năng làm ra các đồ vật. Nhưng hiển nhiên là có cái gì đó khác biệt về thơ, bởi vì nó là một nghệ thuật tinh thần hơn là nghệ thuật thủ công. Nó đòi hỏi một động thái khác thường của tâm trí con người.

Vì lý do đó, Maritain nhấn mạnh yếu tố “trực giác sáng tạo” trong nghệ thuật và thơ. Qua đó ông muốn nói đến một thiên hướng, một năng lực hay sự cởi mở đặc biệt trước những bình diện sâu xa nhất của tinh thần con người. Nhưng ông khẳng định rằng đây là tiến trình hoàn toàn tự nhiên và hoàn toàn thuộc về con người, và ông ghê tởm bất kỳ sự làm ra vẻ của nhà thơ nào cho mình là tiên tri có trực giác đặc biệt về những bí ẩn tối cao. Ông kết tội các nhà thơ hiện đại, như Poe,[2] Baudelaire[3] và Rimbaud,[4] ham mê theo đuổi sự giả nhận đó.

Tuy nhiên, nhà phê bình Harold Rosenberg[5] vặn lại rằng những nhà thơ này không hề có những giả nhận siêu nhiên, rằng họ chính là những nhà cách tân và những nhà hệ thống hóa về kỹ thuật, họ cố gắng, bằng những nỗ lực có chủ ý của riêng mình, làm ra trạng thái “cảm hứng” mà nhờ đó thơ luôn luôn nảy sinh. Họ nhấn mạnh kỹ thuật, những phép ẩn dụ và những thao tác ý thức rồi tìm cách xây dựng một kỷ luật có tính hệ thống cho việc làm thơ. Nhà thơ hiện đại Rosenberg nói, là nhà kỹ thuật nhạy cảm, kết hợp “người chế tác” và “nhà tiên tri” theo một phương cách mới.

 

Phạm Viêm Phương và Mai Sơn dịch từ cuốn Great Ideas from the Great Books của Dr. Mortimer J. Adler.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

Đã đăng:

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [1] BẢN CHẤT VÀ CÁC HÌNH THỨC CỦA NGHỆ THUẬT (đăng kèm bài giới thiệu của hai dịch giả Phạm Viêm Phương và Mai Sơn)

Những tư tưởng lớn từ những tác phẩm lớn: [2] YẾU TÍNH CỦA THƠ

 

-------------------------------

MORTIMER JEROME ADLER (1900 – 2001). Học giả và tác giả người Mỹ, sinh tại New York City, tốt nghiệp Đại học Columbia.

Ông giảng dạy tâm lý học tại Đại học Columbia (1923 – 1929) và dạy triết học về luật tại Đại học Chicago (1930 – 1952). Từ 1945 đến 1952, ông cùng với nhà giáo dục Robert Hutchins biên soạn một công trình đồ sộ gồm 52 tập, Great Books of the Western World. Năm 1952 ông thôi giảng dạy tại Đại học Chicago để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Triết học mới thành lập tại San Francisco.

Các tác phẩm quan trọng của ông có thể kể: How to Read a Book (1940), The Difference of Man and the Difference It Makes (1967), Philosopher at Large: An Intellectual Autobiography (1977)...

Ông là chủ biên công trình biên niên sử The Annals of America (20 tập; 1969) và là chủ biên ấn bản thứ 15 bộ bách khoa tự điển Encyclopaedia Britannica, xuất bản năm 1974.

 

_________________________

[1]Jacques Maritain (1882 – 1973): triết gia Pháp, là người ủng hộ chủ nghĩa Tân Kinh viện; những tác phẩm lớn của ông bàn về tri thức luận, triết học chính trị, và mỹ học.

[2]Edgar Allan Poe (1809 – 1849): nhà văn và nhà phê bình Mỹ. Thơ và truyện ngắn của ông đều lấy đề tài những điều huyền bí và rùng rợn.

[3] Charles Baudelaire (1821 – 1867): nhà thơ và nhà phê bình Pháp. Thơ tượng trưng của ông, đáng chú ý nhất là thi tập Les Fleurs du Mal (“Hoa Trái Độc”; 1857), khám phá ý nghĩa của u sầu, cô độc, và sự quyến rũ của tội lỗi và đồi bại.

[4]Arthur Rimbaud (1854 – 1891): nhà thơ Pháp. Mặc dù ông ngừng sáng tác ở tuổi 19, những bài thơ của ông đã gieo ảnh hưởng quan trọng lên chủ nghĩa Tượng trưng.

[5] Harold Rosenberg (1906 – 1978): nhà phê bình và nhà viết sử nghệ thuật người Mỹ.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021