thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
NGƯỜI CHĂN GIỮ ĐÀN THÚ và những bài thơ khác [kỳ 1: từ bài I đến bài XXI]
(Diễm Châu dịch)
 

NGƯỜI CHĂN GIỮ ĐÀN THÚ

(từ bài I đến bài XXI)
 
I
 
Chưa bao giờ tôi chăn giữ những đàn thú,
nhưng cũng như thể tôi đã từng chăn giữ chúng.
Tâm hồn tôi tựa như một người mục tử,
nó biết nắng và gió
và tay trong tay đi với bốn mùa,
theo con đường của nó và mắt mở to.
Tất cả sự bình yên của một Thiên nhiên vắng bóng người
tới ngồi cạnh bên tôi.
Nhưng tôi buồn như một buổi mặt trời lặn buồn
theo tưởng tượng chúng ta,
khi trời lạnh dần ở dưới đồng bằng
và ta cảm thấy đêm lướt vào
như một cánh bướm qua cửa sổ.
 
Nhưng nỗi buồn tôi là sự dịu khuây
vì nó tự nhiên và chính đáng
và ấy là điều phải có trong tâm hồn
khi nó nghĩ là mình hiện hữu
và có những bàn tay hái những bông hoa mà nó không hay.
 
Từ một tiếng lục lạc
ở bên kia lối quẹo của con đường
những ý nghĩ của tôi cũng lấy làm bằng lòng.
Tôi chỉ tiếc là mình đã biết chúng bằng lòng,
bởi giả như tôi không biết,
thay vì bằng lòng và buồn bã,
chúng có thể vui vẻ và bằng lòng.
 
Suy tưởng cũng phiền như đi trong mưa
khi mà gió mạnh thêm và trời như muốn mưa to hơn.
 
Tôi không có những tham vọng cũng chẳng có những thèm muốn.
Là thi sĩ không phải là một tham vọng mà tôi có,
ấy là cách thức riêng của tôi để ở một mình.
 
Và nếu như có đôi khi, hoàn toàn do tưởng tượng,
tôi ao ước là một con chiên nhỏ
(hay là trọn một đàn chiên đi nữa
để rải rác mình trên cả mợt sườn đồi
và cảm thấy mình là cả ngàn điều hạnh phúc đồng thời),
thì đó chỉ là vì tôi cảm thấy những gì tôi viết lúc mặt trời lặn,
hay khi một đám mây lùa bàn tay trước ánh sáng
và im lặng lướt qua trên cỏ như những lượn sóng.
 
Khi tôi ngồi lại để viết những vần thơ,
hoặc khi, đi dạo trên những con đường và những lối nhỏ,
tôi viết những câu thơ trên một trang giấy vô hình,
tôi cảm thấy mình với một cây gậy trong tay
và tôi thấy bóng mình
trên đỉnh một ngọn đồi,
đang nhìn đàn thú và thấy những ý nghĩ của tôi,
hay đang nhìn những ý nghĩ của tôi và thấy đàn thú
và mỉm cười vu vơ như người không hiểu điều người ta nói
và lại muốn làm ra bộ hiểu.
 
Tôi xin chào tất cả những người tình cờ sẽ đọc tôi,
xin ngả nón cúi chào thật sâu
khi họ nhìn thấy tôi trên ngưỡng cửa nhà tôi
ngay khi cỗ xe ngựa xuất hiện trên đỉnh đồi.
Tôi chào họ và tôi chúc họ trời nắng,
và trời mưa, khi họ cần mưa,
và ước mong những ngôi nhà của họ có
bên một khung cửa sổ mở
một chỗ ngồi ưa thích
để họ có thể đọc thơ tôi.
Và khi họ đọc thơ tôi, ước mong họ nghĩ
rằng tôi là một điều tự nhiên—
tỉ như tàng cổ thụ
mà dưới bóng râm, khi còn nhỏ,
họ đã buông mình xuống, lúc nô đùa mỏi mệt,
và lau mồ hôi trên vầng trán nóng bỏng
bằng ống tay chiếc áo khoác ngoài có sọc.
 
 
II
 
Cái nhìn của tôi thật rõ như một bông hướng dương.
Tôi có thói quen khi đi trên đường
con mắt nhìn hai bên tả hữu,
nhưng thỉnh thoảng cũng nhìn lại phía sau...
Và những gì tôi thấy mỗi lúc
là những gì tôi chưa hề thấy trước kia,
ấy là điều tôi hoàn toàn ý thức.
Tôi cảm thấy được sự bỡ ngỡ
của đứa trẻ, ngay từ lúc mới sinh,
đã nghiệm thấy mình sinh ra thực sự...
Tôi cảm thấy mình sinh ra liên tục
trước sự mới mẻ vô tận của Thế giới...
 
Tôi tin ở thế giới như tin ở một bông cúc dại,
là vì tôi thấy nó. Nhưng tôi không nghĩ tới nó
là vì nghĩ chính là không hiểu...
Thế giới này không được tạo ra để chúng ta nghĩ tới
(nghĩ chính là đau mắt đấy)
mà để chúng ta nhìn ngắm nó với một cảm tình hòa hợp...
 
Tôi, tôi không có triết lý: tôi chỉ có những giác quan...
Nếu tôi nói về Thiên nhiên thì không phải vì tôi biết Thiên nhiên là gì,
Mà là vì tôi yêu mến Thiên nhiên, và tôi yêu mến nó bởi một lẽ
rằng người yêu không bao giờ biết điều mình yêu,
cũng chẳng biết vì sao mình yêu và yêu là gì...
 
Yêu, chính là sự thơ ngây vĩnh viễn,
và sự thơ ngây duy nhất là đừng suy nghĩ.
 
 
III
 
Vào lúc nhá nhem tối, nghiêng mình qua cửa sổ,
và như kẻ nhìn nghiêng biết rằng có những cánh đồng trước mặt,
tôi đọc mãi tới khi đôi mắt mình bỏng cháy
tập thơ của Cesário Verde*
 
Ôi sao tôi thương chàng quá đỗi! Ấy là một kẻ quê mùa
chân bước thong thả trên đường phố mà như bị giam hãm.
Nhưng cái cách chàng nhìn những ngôi nhà,
cái cách chàng quan sát phố xá,
và cái cách chàng nhận thức sự vật,
đúng là kiểu cách của người nhìn những cội cây,
mắt cắm cúi vào con đường mình đi
và nhận ra những bông hoa đang có ngoài đồng...
 
Đó cái duyên cớ vì sao chàng buồn đến thế
một nỗi buồn chàng không bao giờ thật sự thú nhận,
nhưng chàng đã bước đi trong thành phố như người bước đi ở đồng quê,
và buồn bã như chuyện ép những cánh hoa trong trang sách
và cắm những cây non trong bình...
 
----------------------------------------
* Cesário Verde (1855-1886), thi sĩ Bồ, chỉ để lại một tập thơ. (người dịch)
 
 
IV
 
Cơn giông chiều nay kéo tới
đổ xuống những sườn dốc của trời
như một trận đất đá lở khổng lồ...
Tựa như kẻ rũ tấm khăn bàn
qua một khung cửa sổ trên cao,
và những mảnh vụn, hết thảy cùng rơi xuống,
gây thành một tiếng động nào đó khi rơi,
từ trời cao mưa trút nước
bôi đen mọi lối đi...
 
Khi những lằn chớp lung lay bầu khí
và rung chuyển không gian
như một chiếc đầu lớn lắc lay,
tôi không biết tại sao—lúc ấy tôi không sợ--
tôi bắt đầu cầu khẩn nữ thánh Bárbara
như thể mình là một cô gái già nào đó...
 
A, chính là nhờ cầu khẩn nữ thánh Bárbara
tôi thấy mình còn giản dị hơn
là những gì tôi tin thực là mình lúc đó...
Tôi cảm thấy mình có một tâm hồn nhũn nhặn và không thích phiêu lưu
của một người mà cuộc đời trôi
thật lặng lẽ, như mảnh tường của khoảnh đất kín bưng;
một người có những cảm nghĩ là vì như thế đó,
như một bông hoa có sắc và hương.
Tôi cảm thấy mình là người tin ở nữ thánh Bárbara...
A, có thể tin vào nữ thánh Bárbara!
 
Kẻ tin ở sự hiện hữu của nữ thánh Bárbara
hẳn nghĩ rằng bà phải là người thấy được
nếu không thời kẻ ấy có thể nghĩ gì về bà thánh?
 
(Ôi giả tạo biết bao! Những bông hoa, những cội cây và những đàn thú,
chúng biết gì về nữ thánh Bárbara?
Một cành cây, nếu có biết suy tưởng
hẳn cũng chẳng tạo ra các vị thánh hoặc các thiên thần.
Nó có thể nghĩ rằng mặt trời
là Thượng đế, và cơn giông
là vô số những kẻ
đương nổi cơn thịnh nộ trên đầu chúng ta...
A, những người giản dị nhất trong mọi người
thật bệnh hoạn, xuẩn ngốc và mơ hồ xiết bao
bên sự giản đơn trong sáng
và sự hiện hữu hoàn toàn lành mạnh
của các giống cây lớn nhỏ!)
 
Và tôi, trộn lộn tất cả những ý nghĩ này,
tôi lại thấy mình kém hạnh phúc...
Tôi đâm ngán ngẩm, buồn sầu và ảm đạm
như một ngày mà suốt ngày cơn giông đe dọa
và đêm tới vẫn chưa chịu bùng ra...
 
 
V
 
Đã có khá nhiều siêu hình học trong sự không suy tưởng.
 
Tôi nghĩ gì về thế giới ư?
Tôi, tôi biết chăng, điều tôi nghĩ về thế giới?
Nếu như tôi đau yếu, chắc tôi sẽ nghĩ tới.
 
Tôi, tôi có ý nghĩ nào về vạn vật ư?
Tôi, tôi có ý kiến nào về các nguyên nhân và hậu quả?
Tôi suy tư gì về Thượng đế, về linh hồn
và về sự tạo lập Thế giới?
Tôi không biết. Đối với tôi, nghĩ về những chuyện ấy chính là nhắm mắt
và không suy nghĩ. Chính là kéo màn
trước cửa sổ (nhưng màn cửa, nhà tôi không hề có).
 
Sự huyền bí của mọi vật ư? Nhưng tôi, tôi biết gì về sự huyền bí ấy?
Sự huyền bí duy nhất chính là có những người nghĩ tới sự huyền bí
kẻ ở ngoài nắng và nhắm mắt
bắt đầu không còn biết mặt trời là gì
và nghĩ tới nhiều chuyện đầy hơi ấm.
Nhưng kẻ ấy mở mắt ra và nhìn thấy mặt trời
và không còn có thể nghĩ tới gì nữa hết
là vì ánh sáng mặt trời đáng giá hơn tư tưởng
của hết mọi triết gia và hết mọi thi sĩ.
Ánh sáng mặt trời không biết điều mình làm.
Và bởi đó nó không lầm lạc, nó là của chung và tốt.
 
Siêu hình ư? Vậy thời đám cây này có thứ siêu hình nào?
Thứ siêu hình xanh tươi, rậm rạp và có những cành lá
và ra trái vào giờ của chúng, một điều không làm chúng ta suy nghĩ
chúng ta, những kẻ không biết để ý tới sự hiện hữu của chúng.
Nhưng, có thứ siêu hình nào tốt hơn thứ siêu hình của chúng
thứ siêu hình không biết tại sao mình sống
và cũng không biết rằng mình không biết nữa?
 
«Cấu tạo thâm sâu của vạn vật...»
«Ý nghĩa thâm sâu của Vũ trụ...»
Tất cả những điều ấy đều là giả trá, tất cả những điều ấy đều không có nghĩa gì hết.
Thật không thể tin được rằng người ta có thể nghĩ tới những chuyện như thế.
Có khác nào nghĩ tới những lý do và cùng đích
khi mà buổi đầu ngày le lói và bên sườn đám cây
một ánh vàng mơ hồ và loáng bóng đang mất dần phần bóng tối.
Nghĩ tới ý nghĩa thâm sâu của mọi vật
chính là một điều thêm thắt như nghĩ tới sức khỏe
hay mang một ly nước tới suối nguồn.
 
Ý nghĩa thâm sâu duy nhất của mọi vật,
chính là sự việc chúng chẳng hề có một ý nghĩa thâm sâu nào hết.
 
Tôi không tin ở Thượng đế là vì tôi không bao giờ thấy ngài.
Nếu như ngài muốn tôi tin ở ngài
hẳn là ngài sẽ tới chuyện trò với tôi
và sẽ bước vào nhà tôi qua cửa lớn
mà nói với tôi: có Ta đây!
 
(Có lẽ điều này nghe kỳ cục
đối với người, bởi không biết nhìn ngắm mọi vật nghĩa là gì,
không hiểu được kẻ nói về chúng
bằng cách nói mà sự việc quan sát chúng chỉ dậy.)
 
Nhưng nếu Thượng đế là những bông hoa và cây cối
là núi đồi và mặt trời và sáng trăng,
thời tôi tin ở ngài,
thời tôi tin ở ngài mọi lúc,
và đời tôi chỉ là kinh nguyện và lễ mi-sa
và một sự hợp thông bằng mắt và thính giác.
 
Nhưng nếu Thượng đế là những cội cây và hoa
là đồi núi và sáng trăng và mặt trời,
thì tại sao tôi lại gọi ngài là Thượng đế?
Tôi gọi ngài là hoa là cây là đồi núi và mặt trời và sáng trăng;
bởi lẽ, nếu vì muốn tôi được thấy ngài, ngài trở thành
mặt trời và sáng trăng và hoa và cây cối và đồi núi,
nếu ngài xuất hiện với tôi như cây cối và đồi núi
và sáng trăng và mặt trời và hoa,
thì đó là vì ngài muốn tôi nhận biết ngài
như cây cối như núi đồi và hoa và sáng trăng và mặt trời.
 
Và chính bởi thế mà tôi tuân lệnh Thượng đế
(tôi còn biết gì về Thượng đế hơn là Thượng đế biết về chính ngài?)
tôi tuân lệnh Thượng đế bằng cách sống thật hồn nhiên,
như người mở to đôi mắt và nhìn,
và tôi gọi ngài bằng sáng trăng và mặt trời và hoa và cây và đồi núi
và tôi yêu mến ngài mà không nghĩ tới ngài,
và tôi suy tưởng ngài bằng mắt và bằng tai
và tôi cùng đi với ngài mọi lúc.
 
 
VI
 
Nghĩ tới Thượng đế là không vâng lời Thượng đế
là vì Thượng đế không hề muốn chúng ta biết tới Người,
chính bởi thế mà Người không xuất hiện với chúng ta...
 
Chúng ta hãy giản đơn và bình lặng,
như những dòng suối và như những cái cây,
và Thượng đế sẽ yêu mến chúng ta, khiến chúng ta
đẹp như những cái cây và như những dòng suối,
và Người sẽ cho chúng ta sự xanh tươi của mùa Xuân
và một dòng sông để ta gieo mình xuống khi tới hồi chung cuộc!...
 
 
VII
 
Từ làng tôi, tôi nhìn thấy về trái đất tất cả những gì người ta có thể nhìn thấy từ Vũ trụ...
Chính vì thế mà làng tôi cũng rộng lớn như bất cứ một một xứ nào khác,
là vì tôi ở tầm mức của những gì tôi thấy
chứ không phải ở tầm mức của vóc dáng riêng tôi...
 
Ở các thành phố cuộc sống bé nhỏ hơn
là ở đây trong căn nhà của tôi trên đỉnh đồi này.
Ở các thành phố những tòa nhà khóa trái tầm mắt,
che khuất chân trời, đẩy lùi những cái nhìn của chúng ta xa hẳn bầu trời,
thâu nhỏ chúng ta vì lấy mất đi những gì đôi mắt có thể cho,
và làm nghèo chúng ta vì sự giàu có duy nhất của chúng ta là nhìn thấy.
 
 
VIII
 
Vào một buổi chiều về cuối mùa Xuân
tôi đã mơ một giấc mơ tựa như một bức ảnh chụp.
Tôi đã thấy Chúa Giê-su xuống trái đất,
qua một sườn núi
và lại trở thành đứa trẻ.
Chúa chạy và lăn lộn trong đám cỏ,
Chúa bứt những bông hoa để rải rắc đó đây
và tiếng cười của Người vang vọng khắp nơi.
 
Chúa đã bỏ trốn bầu trời.
Người quá giống chúng ta để có thể cải trang
thành ngôi thứ hai trong Ba ngôi.
Ở trên trời mọi sự đều giả, và hoàn toàn không phù hợp
với những bông hoa và cây cối và những tảng đá.
Ở trên trời Chúa phải giữ bộ điệu nghiêm trang
và lâu lâu lại phải trở lại làm người lớn,
lại phải leo lên cây thập tự, và chết đời đời
với một triều thiên lởm chởm những gai
và đôi chân bị một cái đinh lớn xuyên qua,
và thêm nữa, ngang hông quấn một mảnh giẻ rách
như bọn mọi đen trong tranh ảnh.
Người ta không cho Chúa được có cha có mẹ
như những đứa trẻ khác.
Cha Chúa, có tới hai người:
một ông già tên là Giu-se, làm thợ mộc
và không phải cha Người;
và người cha khác là một con bồ-câu khờ khạo,
con bồ-câu xấu xí duy nhất trên thế giới
là vì nó không thuộc thế giới này và không phải là bồ-câu.
Và mẹ Người chưa từng yêu trước khi có Người.
 
Mẹ Người không phải là đàn bà: ấy là một cái va-ly
Người đã tự trời cao xuống trong cái va-ly ấy.
Và người ta muốn rằng Người, do một mình mẹ Người sinh ra
và chưa bao giờ có cha để kính cẩn thương yêu,
rao giảng lòng nhân từ và công lý!
 
Một hôm Đức Chúa Trời nằm ngủ
và Chúa Thánh thần bay lượn trên không,
Người tới thùng đựng phép mầu và lấy trộm ba phép.
Với phép mầu đầu tiên Người khiến cho không ai biết là Người bỏ trốn.
Với phép mầu thứ hai Người biến mình vĩnh viễn vừa là người lớn vừa là trẻ con.
Với phép mầu thứ ba Người tạo ra một Đức Ki-tô vĩnh viễn treo trên thập giá
và Người để Đức Ki-tô bị đóng đinh trên cây thập giá ở trên trời
làm mẫu mực cho tất cả những cây thập giá khác.
Rồi Người trốn về phía mặt trời
Và xuống trần bằng tia sáng đầu tiên mà Người bám chặt.
Hôm nay Chúa ở với tôi trong lòng tôi.
Ấy là một cậu bé tươi cười và thật tự nhiên.
Người chùi mũi bằng cánh tay phải,
Người ngụp lặn trong những vũng nước
Người hái những bông hoa, Người mừng rỡ đón tiếp chúng, Người quên chúng.
Người lượm những mẩu đá ném những con lừa,
Người hái trộm hoa trái trong vườn cây
và bỏ chạy trước đàn chó với những tiếng kêu khóc
và, dù biết rằng họ không thích thế
trong lúc mọi người đều thấy buồn cười
Người đuổi theo những cô gái
đi từng bầy trên đường
đầu đội những bình nước
và tốc váy họ lên.
 
Tôi, Người đã dạy tôi tất cả.
Người đã dạy tôi biết nhìn mọi vật.
Người đã chỉ cho tôi tất cả những gì có ở những bông hoa.
Người đã khiến tôi thấy những tảng đá xinh đẹp biết bao
khi ta nắm chúng trong tay
và nhìn chúng chầm chậm.
 
Người đã nói với tôi nhiều điều xấu về Đức Chúa Trời.
Người nói rằng đó là một ông già ngu ngốc và đau yếu,
luôn luôn khạc nhổ xuống đất
và nói những điều tục tằn.
Đức Nữ Đồng trinh Maria ngồi đan vớ len những buổi tối ở cõi đời đời
và Chúa Thánh thần gãi mỏ,
khi đậu trên những chiếc ghế bành mà Ngài vấy dơ.
Mọi sự trên trời đều xuẩn ngốc như Hội thánh Thiên Chúa.
Người nói với tôi rằng Đức Chúa Trời không còn hiểu gì hết nữa
với mọi vật Ngài tạo ra --
«ấy là giả như Ngài tạo ra chúng, điều mà ta lấy làm khả nghi » --
«chẳng hạn như Ngài nói vạn vật ngợi ca vinh quang Ngài,
nhưng vạn vật nào có ca.
Nếu chúng ca, chúng đã là ca sĩ.
Mọi vật hiện hữu, có thế thôi, chấm hết,
và bởi thế chúng có tên là mọi vật.»
Tới đây mỏi mệt vì nói xấu Đức Chúa Trời,
Chúa Hài đồng thiếp đi trong tay tôi
và như thế tôi bồng Chúa về nhà.
 
Chúa ở với tôi trong căn nhà của tôi ở lưng đồi.
Người là Em bé Muôn thủa, Đức Chúa mà chúng ta vẫn thiếu.
Người là con người thật tự nhiên,
Người là thần linh biết cười và nô đùa.
Đó là lý do mà tôi biết chắc
Người là Chúa Hài đồng thực sự.
Và con trẻ thật người đến trở thành thần linh,
chính là cuộc sống thường ngày thi sĩ mà tôi đeo đuổi,
và chính bởi lúc nào con trẻ ấy cũng ở bên tôi nên lúc nào tôi cũng là thi sĩ,
và cái nhìn nhỏ nhặt nhất của tôi
cũng khiến tôi tràn đầy cảm giác,
và âm thanh bé mọn nhất, bất kỳ từ đâu tới,
cũng dường như nói với riêng tôi.
 
Em bé Mới sống ở nhà tôi
một tay nắm lấy tay tôi
và tay kia nắm lấy tất cả những gì hiện hữu
và như thế cả ba chúng tôi cùng bước trên con đường vô định,
lúc nhảy lúc ca lúc cười cợt
hoàn toàn vui với điều bí mật mà chúng tôi cùng chia sẻ
là biết rằng ở khắp nơi
không có sự huyền bí nào trên thế giới này
và hết thảy mọi sự đều đáng sống.
 
Luôn luôn ở bên tôi là «Em bé Muôn thủa».
Hướng nhìn của tôi, chính ngón tay Người chỉ đường,
Thính quan tôi hân hoan để ý tới mọi âm thanh,
Chính là Người đã đùa nghịch ngoáy vào tai tôi đó.
 
Chúng tôi thật ăn ý với nhau
ở bên nhau trong mọi chuyện
đến chẳng bao giờ nghĩ tới nhau
mà vẫn sống khít khao và phân biệt
trong hòa hợp mật thiết
như tay phải và tay trái.
Khi chiều tới chúng tôi chơi tung hấng trên mu bàn tay
ở bậc cửa trước nhà,
thật nghiêm nghị, như xứng với một vị thần linh và một thi sĩ
và như thể mỗi mẩu đá
là cả một vũ trụ
và bởi đó mà để rơi xuống đất
thật hết sức nguy hiểm cho nó.
 
Sau đó tôi kể cho Người nghe những chuyện chỉ có nơi loài người
và Người mỉm cười, vì tất cả thật không sao tin nổi.
Người cười các ông vua và những kẻ không phải vua,
Người đau lòng khi nghe nói đến những cuộc chiến tranh,
đến chuyện buôn bán, đến những con tàu lớn
chỉ còn lại có khói trong khoảng không ngoài biển khơi.
Vì Người biết tất cả những điều đó đã lỗi phạm tới chân lý
cái chân lý mà bông hoa từng biết lúc nở ra
cái chân lý đi kèm theo với ánh sáng mặt trời
khi nó đổi thay cảnh trí những vùng núi non và thung lũng
và làm chói mắt ta bởi quá nhiều lớp vôi quét trên những mặt tường.
 
Sau đó Người thiếp đi và tôi cho Người ngủ.
Tôi ôm Người trong tay vào tới trong nhà
và tôi đặt Người nằm ngủ, thay quần áo cho Người chầm chậm
như theo một lễ nghi thật rõ rệt
và hết sức âu yếm cho tới khi Người trần truồng.
 
Thế rồi Người ngủ trong hồn tôi
và ban đêm đôi khi Người thức dậy
và nô đùa với những giấc mộng của tôi.
Có những giấc mộng, Người xoay ngã quay lơ;
có những giấc mộng khác, Người chất chồng lộn bậy
và Người vỗ tay một mình
khe khẽ cười tôi ngủ nghê.
 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
 
Khi tôi chết, hỡi cậu bé tí hon của tôi,
xin hãy cho tôi, cho tôi được là đứa trẻ, đứa trẻ nhỏ nhất...
Xin hãy ôm lấy tôi trong tay
và đem tôi vào nhà của cậu.
Xin hãy cởi bỏ cho tôi cái vỏ người mỏi mệt
và hãy đặt tôi nằm xuống giường của cậu.
Rồi hãy kể cho tôi những câu chuyện, nếu tình cờ tôi trở giấc
để tôi có thể ngủ lại --
và hãy cho tôi được nô đùa với những giấc mơ của cậu
cho tới khi xuất hiện một ngày
duy có mình cậu biết.
 
. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
 
Đó câu chuyện Chúa Hài đồng của tôi.
Vì lý do nào hiểu được
nó lại chẳng thực hơn
là tất cả những gì các triết gia suy tưởng
và tất cả những gì các tôn giáo giảng dậy?
 
 
IX
 
Tôi là một người chăn giữ đàn thú.
Đàn thú đây là những ý nghĩ của tôi
và những ý nghĩ của tôi đều là những cảm giác.
Tôi nghĩ bằng mắt và bằng tai
bằng tay và bằng chân
bằng mũi và bằng miệng.
 
Suy tưởng một bông hoa là nhìn thấy nó và hít thở nó
và ăn một trái cây là biết mùi vị nó.
 
Cũng bởi thế mà khi, vào một ngày nắng ấm
cảm thấy mình buồn vì vui hưởng dường ấy,
tôi nằm dài ra trong cỏ,
và khép đôi mắt bỏng cháy,
tôi cảm thấy toàn thân nằm trong thực tại,
tôi biết sự thật và tôi hạnh phúc.
 
 
X
 
«Hỡi người chăn giữ đàn thú
ở bên đường kia,
gió đã nói gì với anh khi gió đi qua?»
 
«Gió nói mình là gió, và gió đi qua,
gió đã đi qua
và gió còn qua nữa.
Còn anh, gió đã nói gì với anh?»
 
«Gió nói với tôi nhiều hơn thế.
Gió nói với tôi về nhiều chuyện khác,
về những kỷ niệm và những luyến tiếc,
và những điều chưa bao giờ có.»
 
«Anh chưa bao giờ nghe gió đi qua.
Gió chỉ nói về gió.
Những gì anh nghe nó nói đều là dối trá,
và sự dối trá ở trong anh.»
 
 
XI
 
Bà nọ có cây đàn dương cầm
cây đàn thật thú vị nhưng không phải là dòng nước sông trôi
cũng chẳng phải là tiếng cây thì thầm...
 
Tại sao ta lại cần phải có đàn dương cầm?
Tốt hơn cả là nên có đôi tai
và yêu mến Thiên nhiên.
 
 
XII
 
Các mục tử của Virgile đã sử dụng ống tiêu và những nhạc cụ khác
và ca hát về tình yêu một cách thật văn chương.
(Kế đến—tôi , tôi chưa bao giờ đọc Virgile;
mà tại sao tôi lại phải đọc Virgile kia chứ?)
 
Thế nhưng các mục tử của Virgile, tội nghiệp họ, chính là Virgile,
và Thiên nhiên vẫn đẹp và xưa không kém.
 
 
XIII
 
Nhẹ nhàng, nhẹ nhàng, rất nhẹ nhàng,
một cơn gió rất nhẹ lướt qua
và đi mất, vẫn nhẹ nhàng;
tôi, tôi không biết mình nghĩ gì
cũng chẳng tìm cách biết.
 
 
XIV
 
Đối với tôi âm vận không quan trọng mấy. Thật họa hoằn
mới có hai cội cây ở cạnh bên nhau lại giống hệt nhau.
Tôi suy tưởng và tôi viết như những bông hoa có sắc màu
nhưng không được hoàn hảo cho bằng, trong cách thức tôi diễn tả
là vì tôi thiếu sự giản đơn kỳ diệu:
hoàn toàn ở bên ngoài bản thân và không là gì hơn thế.
 
Tôi nhìn và tôi rung động.
Tôi rung động như nước chảy trên một triền đất dốc.
Và thơ tôi tự nhiên như gió nổi.
 
 
XV
 
Bốn bài ca tiếp theo đây
tách rời khỏi những gì tôi nghĩ,
chúng trái với tất cả những gì tôi cảm thấy,
chúng đối nghịch với chính bản thân tôi...
 
Tôi đã viết ra chúng khi tôi đau yếu
và bởi thế mà chúng tự nhiên
và hòa hợp với những gì tôi cảm thấy,
chúng hòa hợp với những gì chúng bất hòa...
 
Khi đau yếu tôi hẳn nghĩ tới điều ngược lại
với những gì tôi nghĩ khi tôi mạnh khỏe
(nếu không tôi đã chẳng đau yếu),
tôi hẳn đã cảm thấy điều trái ngược với những gì tôi cảm thấy
khi tôi mạnh giỏi,
tôi hẳn đã làm sai với bản tính tự nhiên
của con người phải cảm nhận một cách nào đó...
tôi hẳn đã đau yếu trọn vẹn—tư tưởng và hết thảy.
Khi tôi đau yếu tôi không đau yếu vì một chuyện gì khác.
 
Chính vì thế mà những bài ca này những bài ca phủ nhận tôi
không có khả năng phủ nhận tôi,
và chúng chỉ là cảnh sắc tâm hồn tôi về đêm
cùng một tâm hồn nhưng đảo ngược lại...
 
 
XVI
 
Giá đời tôi chỉ là một cỗ xe bò
kẽo kẹt trên con đường lang bạt, từ sáng sớm,
và trở lại điểm khởi hành
qua cùng một con đường, vào lúc nhá nhem...
 
Tôi sẽ không cần những đợi trông—tôi sẽ chỉ cần những vòng bánh...
Tuổi già tôi sẽ không có những vết nhăn cũng chẳng có tóc bạc...
Khi tôi không còn dùng được nữa, người ta sẽ gỡ những bánh xe
và tôi, bị lật xô và rã rời từng mảnh, sẽ ở lại dưới lòng khe.
 
 
XVII
 
Trong dĩa ăn của tôi ôi đủ thứ trộn lộn của Thiên nhiên!
Những cây cỏ chị em tôi,
bạn bè những dòng suối, các vị nữ thánh
mà không ai cầu khẩn...
 
Người ta đã cắt các thức đó và bây giờ chúng nằm trên bàn ăn của chúng ta
và trong các khách sạn những khách hàng cao giọng,
những kẻ đặt chân tới với những dây đai và áo khoác da sặc sỡ,
gọi «sà-lách» thật hững hờ...,
mà chẳng hề nghĩ là mình đòi hỏi Đất-Mẹ
sự tươi mát và lớp cây cỏ đằu mùa,
những lời xanh tươi đầu tiên mà Mẹ thốt ra,
những sự vật đầu tiên lóng lánh ngũ sắc
mà Noê từng thấy
khi cơn hồng thủy hạ xuống và những đỉnh núi
trồi lên xanh mướt
và khi ở không trung nơi cánh bồ câu xuất hiện
in hình chiếc mống với độ sắc giảm lần...
 
 
XVIII
 
A, giá tôi là hạt bụi trên đường,
mà những người nghèo khó dẵm dưới chân...
 
Giá tôi là những dòng sông trôi
với những người đàn bà giặt giũ trên bờ...
 
Giá tôi là hàng liễu rủ bên sông,
chỉ có trời bên trên và nước dưới chân...
 
Giá tôi là con lừa của người chủ nhà say bột
kẻ đánh đập tôi mà vẫn thương tôi...
 
Thà như thế còn hơn là kẻ trải qua cuộc sống
còn nhìn lại phía sau với nỗi muộn phiền trong tim...
 
 
XIX
 
Khi ánh trăng rọi tới bãi cỏ non,
tôi không rõ nó nhắc tôi nhớ tới những gì...
Nó nhắc tôi nhớ tiếng nói chị vú già
người thường kể cho tôi những câu chuyện thần tiên.
Và bằng cách nào Đức Bà đã khoác áo người hành khất
đi trên đường ban đêm
tới cứu giúp những đứa trẻ bị ngược đãi.
 
Nếu tôi không còn tin được là tất cả những chuyện đó có thật
thì tại sao ánh trăng lại rọi tới bãi cỏ non?
 
 
XX
 
Sông Tage đẹp hơn con sông chảy qua làng tôi,
nhưng sông Tage không đẹp hơn con sông chảy qua làng tôi,
bởi sông Tage không phải là con sông chảy qua làng tôi.
 
Sông Tage mang những con tàu lớn
và tới nay ở đó vẫn còn trôi,
với những người nhìn đâu cũng thấy những gì không có,
kỷ niệm về những con tàu xưa.
 
Sông Tage từ Tây-ban-nha đổ xuống
và sông Tage lao mình ra biển ở Bồ-đào-nha.
Mọi người đều biết thế.
Nhưng rất ít người biết con sông ở làng tôi là con sông nào
và nó chảy đi đâu
và nó từ đâu tới.
Và chính bởi thế, bởi nó thuộc về ít người hơn,
mà con sông của làng tôi tự do hơn và lớn lao hơn.
 
Qua sông Tage người ta ra Thế giới.
Ở bên kia sông Tage là Mỹ châu
và sự giàu sang với những người tìm thấy nó.
Không ai từng nghĩ tới những gì có thể có
ở bên kia con sông của làng tôi.
Con sông của làng tôi không làm ta nghĩ tới gì hết.
Kẻ ở bên sông là ở bên sông, thế thôi.
 
 
XXI
 
Nếu tôi có thể nhai rau ráu toàn trái đất
và tìm ra một mùi vị,
hẳn là tôi sẽ sung sướng được một lúc...
Nhưng không phải lúc nào tôi cũng muốn hạnh phúc.
Thỉnh thoảng cũng cần phải khổ đau
để có thể được tự nhiên...
 
Vả lại không phải ngày nào trời cũng nắng,
và mưa, nếu thiếu nhiều thì người ta cầu đảo.
Bởi thế mà tôi vui lòng chấp nhận rủi ro,
một cách tự nhiên, như người không bỡ ngỡ
là có những núi cao và những đồng bằng
với cỏ non và đá tảng.
 
Điều cần thiết là phải biết tự nhiên và bình thản
trong hạnh phúc cũng như trong bất hạnh,
là cảm thấy như người ta nhìn ngắm,
là nghĩ suy như người ta cất bước
và trước cái chết, nhớ rằng ngày mất đi,
buổi hoàng hôn thật đẹp, và đêm ở lại tuyệt vời...
Bởi mọi sự là như thế, ước chi được như thế...
 
(xin xem tiếp kỳ 2: từ bài XXII đến bài XLIX)
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
ALBERTO CAEIRO (1889-1915), «nhà thơ duy nhất của Thiên nhiên» như ông đã tự nhận, sinh tại Lisboa, Bồ-đào-nha ngày 16 tháng Tư năm 1889 và mất vì lao phổi năm 1915, tác giả tập thơ Người chăn giữ đàn thú. Ông là một «dị danh» của Fernando Pessoa, và được tôn kính như «bậc thày» của chính Pessoa, Álvaro de Campos và Ricardo Reis,... (Xin xem thêm : "Fernando Pessoa và người thày của ông" đã đăng trên Tiền Vệ).
 
Người chăn giữ đàn thú của Alberto Caeiro có 3 phần, phần đầu mang tiểu đề «Người chăn giữ đàn thú» gồm 49 bài ghi số La-mã; phần nhì có tiểu đề «Người mục tử si tình» gồm 6 bài; và phần còn lại gồm 53 bài được xếp dưới tiểu đề «Những bài thơ rời». Các bài ở hai phần sau chỉ phân cách nhau bằng dấu hoa thị (*). Một dịch giả tiên khởi người Pháp đã cắt bớt một số bài ở phần 3 của tác phẩm vì không đồng ý với... tác giả! Các bài này đã được lập lại trọn vẹn ở đây, căn cứ vào nguyên tác và theo một số dịch giả kế tiếp cũng người Pháp.
 
Con số tác phẩm của Fernando Pessoa khui thêm trong chiếc rương ông để lại xuất hiện ngày càng nhiều; số dịch giả mới cũng thêm đông đảo. Tôi rất tiếc không còn ngày giờ để coi những «khám phá mới» để nếu cần, sửa lại... Bản dịch bạn hiện có trước mắt (đã được một nhật báo Bồ-đào-nha «đọc và nói tới» với thiện cảm) sao lại nguyên văn bản dịch 1992 của tôi. Các bạn cần tra cứu thêm có thể đọc các sách của Fernando Pessoa do nhà Christian Bourgois hoặc nhà La Différence ở Pháp ấn hành. Gần đây lại có một pho Fernando Pessoa thật đồ sộ in trong tủ sách «La Pléiade» của nhà Gallimard, Pháp. Nguyên tác (loại bỏ túi) khá phổ biến ở Bồ-đào-nha.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021