thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CÂY DÙ Ở PICCADILLY (I)
(Diễm Châu dịch)
 

Chiếc nón cối đen của ông Krössing

 
Có một thời Pra-ha
trái với những thành phố khác ở Âu châu
như Luân-đôn, La-mã hay Ba-lê,
nghèo tới rớt nước mắt.
Nói cho cùng nó có gì khác hơn
ngoài cái Lâu đài,
vài con bồ câu trên những chiếc tháp
         nhà thờ Thánh Ni-cô-la,
một chiếc vọng lâu
và những chùm nho vừa miệng bọn phàm phu
trong những khu vườn của nó?
 
Và Ba-lê diễn những trò ngông cuồng của tuổi trẻ.
 
Pra-ha, với những chùm phong lữ thảo ở cửa sổ,
và những tấm màn cửa giản dị
bằng vải xanh nhạt,
dịu dàng và lặng lẽ
như một bông tường vi.
 
Trên bến tàu dạo chơi lúc đó
một chiếc nón cối rất cao.
Chiếc nón của ông Krössing,
ca sĩ Nhà hát đại nhạc kịch.
 
Chiếc nón ấy khá đặc biệt,
và theo tôi
có một ở Pra-ha,
có lẽ ngoại trừ
trong các phòng y trang của các nhà hát.
 
Nó khiến ta nhớ tới những chiếc nón cối đen
của các nhà ảo thuật
từ những ngón tay tài tình ấy tuôn ra
vô số những chiếc khăn lụa
đã hơi nhàu,
để kế đó
sáu con bồ câu hoảng hốt
bay lên.
 
Thế rồi chiếc nón cối mất tích,
và trên Nhà hát đại nhạc kịch rủ lá cờ đen.
 
Trong lúc đó một trận mưa hồng thơm
mùi môi thiếu nữ
rơi trên những ngọn đồi Pra-ha
và mơn man cặp đùi nơi lúc trước sóng sượt
một mái tóc đàn ông rã rượi,
cổ bị cắt.
 
Và biết đâu ấy là đầu tôi?
Chuyện đã quá xưa, tôi không biết nữa.
 
Pra-ha ngắm mình qua mọi khung cửa sổ
và tự mỉm cười những nụ cười hạnh phúc.
 
Trong quán cà-phê Slavia,
         ngay trước Nhà hát đại nhạc kịch,
thi sĩ Karel Teige đã cắt
một bộ áo mùa xuân bằng nhiễu Trung hoa
cho nền thi ca trẻ.
 
Tái kiến! Hay tốt hơn chúc bạn ngủ ngon!
Tất cả những chuyện đó đã xa rồi, bạn ơi.
 
 

Cái đầu của pho tượng Thánh nữ đồng trinh Maria

 
Ấy là một lúc
thật lạ lùng trong năm.
Tôi mở cánh cửa sổ,
         tiếng bản lề cọt kẹt đôi chút
và mùa thu đã có đó.
Hãy còn bằng tơ lụa, với những giọt máu rất nhỏ,
và nỗi buồn chỉ mới phớt ngang.
Ấy là thời gian mà những vết thương
bắt đầu khiến ta thêm nhức nhối.
Tôi đi thăm
thi sĩ Vladimír Holan, nằm bệnh.
 
Anh ở đường Chủng viện ở Lusace,
mãi bên trên dòng sông.
Trước đó đôi chút mặt trời đã lặn
         sau những mái nhà,
nước thì thầm nhè nhẹ
và xóc những lá bài ẩm ướt
cho cuộc chơi buổi tối.
 
Tôi vừa mới bước vào,
Holan đột nhiên gấp cuốn sách
và như giận dữ hỏi
phải chăng tôi cũng tin ở cuộc sống đời đời
hay một thứ gì tệ hơn nữa.
 
Nhưng tôi không hiểu những lời anh nói:
trên tủ chè, gần cánh cửa ra vào,
tôi chợt thấy một cái đầu phụ nữ bằng đồng.
Trời ơi, cái đầu đó, tôi biết lắm!
Nó nằm nghiêng trên má
như dưới cái máy chém.
 
Ấy là đầu Thánh nữ đồng trinh Maria
ở công viên Thành phố cũ,
mà những người hành hương
từ Núi trắng trở về,
         cách đây đúng sáu chục năm,
đã hạ xuống.
 
Họ đã lật đổ cây trụ
nơi đặt pho tượng
cùng với bốn vị thiên thần mặc áo giáp.
Cây trụ này thật không thể nào sánh
ngang với cây trụ ở công trường Vendôme tại Ba-lê.
 
Hãy tha thứ cho những người đó.
Cây trụ kia đã được dựng lên đánh dấu sự thất bại
và tủi hổ
của dân tộc Tiệp,
và lúc đó những người hành hương kia đang vui sướng
với những miếng tự do đầu.
 
Tôi có mặt ở đó cùng với họ
và cái đầu pho tượng bị gẫy
lăn trên vỉa hè
gần chân tôi.
 
Khi nó ngừng lại
đôi mắt nhìn
đôi giầy tôi bụi bặm.
 
Thế là giờ đây nó lại lăn mãi tới tôi
lần thứ nhì,
và giữa hai khoảng thời gian đó
là gần trọn một cuộc đời,
cuộc đời ấy, đời tôi.
Tôi không dám nói ấy là một cuộc đời hạnh phúc
nhưng nó đã tới hồi chung cuộc.
 
-- Xin anh vui lòng nhắc lại một chút
điều anh vừa hỏi khi tôi mới bước vào.
Và tha lỗi cho tôi.
 
 

Berthe Soucaret

 
Khi Berthe Soucaret,
cô gái da trắng vô danh ở đảo Guadeloupe,
lên mười tám,
cô được bầu làm hoa hậu.
 
Ấy là hoa hậu đầu tiên trên thế giới,
và hết thảy phụ nữ
lập tức soi gương.
 
Chuyện diễn ra ở Spa, nước Bỉ,
trong thành phố của những tia nước,
         những bông hoa và những bài ca,
ngày mười tám tháng chín năm 1888.
Trên một cái hộp âm nhạc cũ kỹ
mà tôi moi ra được ở gác thượng,
cũng có cùng một ngày tháng ấy,
với những con số mạ vàng.
Cái hộp trổi một tình khúc
của Franz Schubert.
 
Đã qua rồi nhiều năm
kể từ khi cô được bầu làm hoa hậu,
và cũng đã từ lâu cô mất
khi tôi si tình
chiếc bóng của cô
gặp gỡ thời niên thiếu.
Và từ đấy tôi tìm kiếm nét đẹp này
trên khuôn mặt
những người tôi gần gụi.
 
Mỗi một người đàn bà lại không thể,
ít nhất lấy một lần, ít nhất chỉ một khoảnh khắc,
ít nhất chỉ với một cái nhìn,
là người đẹp nhất trên đời sao?
 
Những ngón tay lang thang trên bầu trời của thân xác
như những vì sao trên nền trời cao,
cho đến khi toàn thân tỏa chiếu
ngọn lửa đang bừng cháy bên trong.
Những vành môi uống những vành môi
nhưng không dãn khát,
và ham muốn khoái lạc đưa cả hai
tới lễ nghi xưa.
 
Còn có điều gì cuộc đời cho chúng ta
đẹp hơn là tình ái?
Trang hoàng những nhánh lá xanh
của nơi ở phụ thuộc trần thế,
ái tình gần với trời hơn cả,
và duy có ái tình mới cho chúng ta thấy
chúng ta sẽ được biết tới hạnh phúc nào
nếu như có ái tình.
 
Sau đó, người đàn bà sẽ chùi mọi vết hôn
trên khuôn mặt bừng cháy
và sẽ đưa đôi tay
lên mái tóc đã hết quăn
để lưu lại một khoảnh khắc chót
vẻ sáng ngời chóng qua của vương miện.
 
Rồi người này sẽ tới rồi người kia sẽ tới
sau nhiều năm.
 
Họ sẽ thì thào trong những tấm áo hoa
         của những kỷ niệm,
với những lời quá dịu êm
khiến tôi không nghe rõ.
Nhưng kìa họ đã biến mất,
người này kế người kia,
và tôi lại phải vùi chôn họ
trong bóng đêm đen,
trong vùng tăm tối nơi họ đã ló ra
một trong những vùng đen tối nhất!
không tiếng khóc, không ánh đuốc và có lẽ là
vùi chôn mãi mãi.
 
Cả Berthe Soucaret nữa cũng đã tới,
người thiếu nữ da trắng của đảo Guadeloupe
thơm mùi va-ni ấy.
Rất có thể cô là người đẹp nhất.
Có lẽ thế. Tôi cũng không biết nữa.
 
-- Xin cô đừng vội qua
và, xin hãy tin tôi
vào thời đó chắc chắn là tôi đã
quỳ gối trước nhan sắc cô
và ôm hôn ít nhất là trong mơ
đôi chân cô,
dẫu rằng cô đã mất.
 
-- Khi tưởng nhớ tới cô,
cả hôm nay nữa
tôi còn nghe con tim già nua của mình đập mạnh.
 
-- Nhưng những kỷ niệm khác,
những kỷ niệm không đẹp
và những kỷ niệm vắng bóng ái tình,
tôi đều bỏ lại trên đường
mặc lũ chim ưng.
 
 

Tiếng hát của cá ông

 
Chỉ trong vài ngày
tôi lang thang ở miền Nam nước Pháp;
nhưng hôm nay tôi còn nghe
tiếng sóng vỗ vào núi đá.
 
Tôi đã thấy biển lần đầu
từ một toa trơn.
Điều đó đã khiến tôi nín thở
và, ngạc nhiên,
tôi đã không thốt ra được một tiếng.
 
Bấy giờ hoa mimosa đã rã cánh lâu rồi,
nhưng mùi hương êm dịu của chúng
thấm vào cả mặt đất bỏng cháy.
Khi tôi nếm vị nước biển
trong vũng tay,
nước biển không cay đắng
bằng nước mắt.
 
Làm sao tôi biết được điều đó ư?
Là vì tôi đã ôm hôn khuôn mặt em
khi em khóc.
 
Vậy mà đó là thời gian ngọt ngào
của những đóa hoa đầu
trên cây đời chúng ta.
Những giây phút, những giờ và những ngày thất thường
chập chờn trước mắt tôi
như những con bướm
và đầu tôi nóng bỏng.
Tuy nhiên, không có gì đã làm tôi đau khổ trong đời
bằng tình yêu.
 
Thế là, cùng với Teige, chúng tôi đã,
theo một con đường vòng, kéo về Ba-lê.
Ba-lê ríu rít những vần thơ mới,
Ba-lê nơi mọi màu sắc nổ tung,
khi những cây cọ vừa chạm tới những tấm toan!
 
Lúc đó, chúng tôi đã tin
mình không thể sống
ở một nơi nào khác hơn ở đó.
 
Tôi đã rảo mắt vuốt ve biển
và, với đôi chút vô ơn,
đã chúc những đợt sóng ngủ ngon,
làm như sóng có thể ngủ!
Tôi không ngừng tự trách mình điều đó,
và đã cả ngàn lần xin lỗi biển.
 
Lúc đó tôi đã nghĩ có những điều bí ẩn lớn lao
hơn biển.
Ba-lê đầy những điều đó.
Trái tim con người, những bông hồng và những cây vĩ cầm
cũng có những điều bí ẩn của chúng,
trong lúc người thi sĩ nắm được cái chìa khóa
của hết thảy mọi vật trên đời
và rành rẽ những điều bí ẩn của tình ái.
 
Chúng tôi đã ở viện bảo tàng Le Louvre đôi chút,
đôi chút ở nơi khác,
vài phút trong một quán rượu ở ngoại ô
nơi chúng tôi đã uống áp-xanh,
đôi chút ở nghĩa địa.
 
Và tuổi trẻ đã
không ồn ào
và không những tiếng thở dài mòn mỏi của cây hạc cầm,
không nước mắt
và không khải hoàn môn,
bỏ trốn.
 
Từ đấy, cuộc đời đã không ngừng bỏ chạy
không còn đáng gì hơn một đồng xu.
Tốt hơn là không nên hồi tưởng.
 
Nhưng mi nói quá lời, không phải vậy;
hãy cứ nhớ lại!
 
Về sau Ba-lê cũng đã dần dà
khiến tôi thất vọng.
Với cùng một cơn cuồng nhiệt
         như các thủ phủ Mỹ châu,
nó mất dần theo năm tháng
nét đỏm đáng cổ xưa
và đã đổi thay.
 
Nhưng trên biển thời gian vẫn sững lại
như một vì sao.
Những lớp sóng vẫn đập vào núi đá,
và nếu hôm nay ở đó
các cô thủy thần Knüpfer vẫn còn tắm nắng,
sau cả trăm năm trường,
không một vết nhăn nào in trên mặt các cô.
 
Ông Roger Payne và bà vợ Katy
đã hiểu ra ngôn ngữ của loài cá ông,
và, ở đảo Hạ-uy-di và trong vùng quần đảo Bermudes,
họ đã ghi lại được tiếng hát cá nhà táng
mà các thủy thủ thường kêu bằng
giống kim-tước biển.
 
Cá ông đang mất dần.
Rất có thể đó là tiếng hát của chúng phút lâm chung
nhưng không phải vậy.
Trong những vùng biển sâu tăm tối của tôi,
tiếng hát ấy vang lên thật hiển hách.
 
Có lẽ chúng ta nên đứng dậy,
ngả nón,
ở yên và đứng thẳng
như những ngọn hải đăng.
 
Biết đâu đó chính là bài ngợi ca biển!
Bài ca ấy họa hiếm vang lên,
nhưng đã có từ khởi đầu mọi thế giới.
 
 

Vật lộn với thiên thần

 
Có Trời biết ai đã bày ra
cái hình ảnh buồn thảm này
khi nói về những người đã chết
như những chiếc bóng sống động
lang thang giữa chúng ta.
 
Tuy nhiên những chiếc bóng ấy hiện hữu,
không thể không biết tới.
Từ ngày tôi sống
tôi đã có khá nhiều chiếc bóng quanh mình.
Nhưng kẻ lang thang giữa những chiếc bóng này
lại là chính bản thân tôi.
 
Những chiếc bóng ấy tối đen
và lặng thinh theo nhịp
im lặng của tôi,
vào lúc đêm buông xuống
khi tôi có một mình.
Đôi khi chúng kìm giữ ngòi viết tôi,
khi tôi không phải,
và xua đuổi một ý nghĩ xấu
khiến người ta đau đớn.
 
Những chiếc bóng khác mờ đục
và xanh lét
tới độ mất hút ở xa xa.
Nhưng có một chiếc bóng màu hồng
khóc tấm tức.
 
Trong đời của mọi người
có khi
mọi sự chung quanh trở thành đen tối,
và người ấy đắm say khao khát
được ôm hôn một mái tóc biết mỉm cười.
Trái tim lúc đó muốn được đính liền
với một trái tim khác,
dẫu là bằng những mối khâu nối,
và đôi môi chẳng mong ước gì khác hơn
được nghiêng mình trên đó
nơi con quạ nửa khuya đậu
trên thân hình của Pallas Athena,
khi không ai mời nó đã tới thăm
người thi sĩ muộn phiền.
 
Cái đó gọi là ái tình.
Cứ cho là như vậy đi!
Mà có lẽ ái tình thật.
Nhưng ít khi nó bền lâu
và hiếm hơn nữa là cho tới cái chết
như ái tình của những con thiên nga.
Thường thì những cuộc tình qua đi
như những lá bài trong tay.
 
Có những lần, ấy chỉ là một cái rùng mình khoái lạc,
thường ra là một nỗi đau kéo dài, cay đắng.
Lại có khi ấy là một đống nước mắt
và những tiếng thở dài.
Đôi khi chán chường nữa.
Và ấy là điều buồn nhất.
 
Được ít lâu nay
tôi nhận thấy một chiếc bóng hồng.
Nàng đứng đợi trước cửa một ngôi nhà
mà mặt tiền trông ra
nhà ga Pra-ha
lúc nào cũng mịt mù khói tỏa.
 
Chúng tôi đã ngồi bên cửa sổ
tôi nắm lấy đôi tay mềm mỏng của nàng
và nói với nàng những lời yêu đương.
Chuyện đó, tôi biết cách!
Nàng mất đã lâu rồi.
Những ánh đèn đỏ nhấp nháy
dưới kia bên trên những đường rầy.
Khi gió nổi, đôi chút thôi,
hé lộ những đám mây đen tối,
những đường rầy sáng lên
như những sợi dây của một cỗ dương cầm quái gở.
 
Thỉnh thoảng người ta nghe hơi nước rít lên
và tiếng hổn hển của những đầu tàu
chất lên, trên những sân ga độc hại
những khát vọng khốn khổ của con người,
để đưa chúng đi khắp chốn.
Những chuyến tàu ấy cũng mang theo những người chết
trở về nhà họ
trở về những nghĩa địa.
 
Cho tới hôm nay tôi mới biết tại sao lại đau đớn thế
khi người ta dứt một bàn tay ra khỏi một bàn tay,
một đôi môi với một đôi môi khác,
khi những vết nối chia lìa
và khi người kiểm soát đóng sập
cánh cửa cuối cùng của toa xe.
 
Ái tình là cuộc vật lộn muôn thủa với thiên thần.
Từ sáng tới tối.
Không thương sót.
Thường thì địch thủ là kẻ mạnh hơn.
Nhưng khốn cho ai
không biết
rằng thiên thần của mình không có cánh
và không ban phước lành.
 
 

Săn chim bói cá

 
Biết bao lần những vần thơ đến với đầu óc tôi,
ngay ở giữa ngã tư,
khi tôi đứng đợi ở cột đèn xanh đỏ. Tại sao không!
Một tiếng sét ái tình cũng đến
trong khoảnh khắc.
 
Thế nhưng trước khi tới
vỉa hè trước mặt,
tôi đã quên khuấy những vần thơ.
Vào thời ấy thơ tôi còn tuôn trào
như thác,
nhưng nụ cười của người phụ nữ
băng qua đường trước mặt tôi,
đến nay tôi vẫn nhớ.
 
Ở Kralupy, dưới cây cầu đường sắt,
khi còn nhỏ, tôi thường leo
lên chóp cây liễu rỗng
và giữa những nhành cây, bên trên sông,
tôi vẫn thường ngẫm nghĩ và mơ
tới những vần thơ đầu.
 
Nhưng nói thực ra, lúc đó tôi cũng nghĩ
và mơ
tới ái tình và đàn bà,
và đưa mắt rõi theo những cây sậy bị bứt rễ
nước cuốn đi.
 
Phục sinh đã tới trước cửa,
không khí đầy những điều kỳ diệu của mùa xuân
có một lần tôi cũng thấy một con chim bói cá
đậu trên một cành mềm.
 
Trong suốt một đời dài lâu,
tôi không bao giờ còn thoáng thấy một con khác,
thế nhưng đã bao ngày mắt tôi những ước
tìm lại được nét đẹp tế nhị kia.
 
Vào thời đó dòng sông
đượm một mùi ngọt ngào chát chúa rõ rệt
của những mái tóc dài
tràn qua bờ vai
trên những tấm thân trần phụ nữ.
 
Nhiều năm sau, khi
tôi vùi đầu vào những mái tóc
và mở to đôi mắt
trong chốn thâm sâu tỏa sáng ấy,
tôi đã thấy tận đáy của ái tình.
 
Có những lúc họa hiếm trong đời
tôi trở lại Kralupy,
dưới cây cầu đường sắt cũ.
Tất cả đều vẫn như xưa,
cả cây liễu nữa,
nhưng đó chỉ là một giấc mơ.
Phục sinh lại đã tới trước cửa,
không khí đầy những điều kỳ diệu của mùa xuân
và dòng sông thơm.
 
Sáng sáng dưới khung cửa,
lúc rạng ngày chim chóc
đua nhau hót,
như điên dại,
và những giấc mơ êm dịu
thường đến với chúng ta vào lúc sớm mai
tan biến.
 
Nhưng đó là điều duy nhất
tôi có thể trách cứ mùa xuân.
 
(Còn một kỳ)
 
 
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
JAROSLAV SEIFERT (1901-1986) sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại một khu phố bình dân của Pra-ha. Học hành dang dở, thời trẻ mưu sinh bằng nghề viết báo. Hoạt động văn nghệ trong nhóm “Devetsil”, chịu ảnh hưởng các nhà thơ siêu thực hồi đầu thế kỷ XX.
 
Rời đảng Cộng sản Tiệp từ năm 1929; từ đấy bị gạt khỏi sinh hoạt văn nghệ chính thống, tuy vẫn có sách in trong nước – dù bị kiểm duyệt, vì là một nhà thơ được quần chúng rất yêu mến.
 
Năm 1956, đọc diễn văn yêu cầu phóng thích các chính trị phạm trong nước ; năm 1968, với tư cách Chủ tịch Hội nhà văn, mãnh liệt chống đối việc “bình thường hóa”; năm 1977, ký tên trong Hiến chương 77. Nhiều tác phẩm phải in ở nước ngoài... và lưu hành trong nước theo hình thức samizdat. Đối với nhiều người trên thế giới, Jaroslav Seifert là một thi sĩ của tình yêu, của tự trọng, của đông đảo quần chúng, đem lại “vinh dự làm người” cho các thi sĩ phải sống dưới chế độ tôi đòi...
 
Tập thơ áp chót của Jaroslav Seifert là Cây dù ở Piccadilly, viết vào năm 1978, không kể tập “Hồi ký” viết một năm sau đó. Tập thơ cuối cùng của ông: Býti básnikem (Là thi sĩ) in năm 1983. Mùa Thu 1984, ông được tặng giải Nobel Văn chương. Và hai năm sau thì mất.
 
Xin xem thêm bài về Seifert của Milan Kundera đăng song song trên Tiền Vệ: "Một bài học lịch sử nho nhỏ".
 
Bản dịch Cây dù ở Piccadilly, đăng làm 2 kỳ ở đây, được dịch trọn vẹn, và dựa theo bản Pháp văn của Jan Rubeš.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021