thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TUYỂN TẬP THƠ [II]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
TADEUSZ RÓŻEWICZ
(1921~)
 
 
 
TUYỂN TẬP THƠ [II]
 
Bản dịch này để thân tặng
nhà thơ Mai Văn Phấn
 
DC.
 
 

CÁI CÂY

 
A hạnh phúc làm sao
các nhà thơ ngày trước
thế giới là một cái cây
họ là những đứa trẻ lớn
 
Tôi biết treo gì
lên cội cây ngày xưa xanh tươi
đã bị dội xuống như sét đánh
một cơn mưa sắt thép
 
A hạnh phúc làm sao
các nhà thơ ngày trước
chung quanh cái cây của họ
họ nhảy múa như những đứa trẻ lớn
 
Tôi sẽ treo gì
lên cái cành trụi lá
của cội cây đã bị sát hại
không còn ca hát nữa
 
A hạnh phúc làm sao
các nhà thơ ngày trước
dưới bóng cái cây của họ
họ ca hát như những đứa trẻ lớn
 
Còn cội cây của chúng ta
cọt kẹt thâu đêm
dưới sức nặng
của một thây ma đã bị hành quyết
 
 

ĐIỀU BÍ ẨN TRƯỚC ĐÂY

 
Điều bí ẩn trước đây
đã được khám phá
Chúng ta bước vào nhau
như người ta bước vào
trong đất trong khí
trong lửa trong nước
Thân thể chúng ta run lên nhè nhẹ
đôi mắt chúng ta khép
 
Khi em ngủ
trong lòng đêm tối thui
đôi môi rốt cuộc đã lạnh
thân hình cuộn tròn lại
tôi nói với tim tôi
im đi im đi đồ ngốc
mi làm sao mà nẩy lên như thế
 
Nó sẽ ở lại đây
mãi mãi
nó sẽ không còn thức dậy nữa
 
 

BỚ BÀ CON CÔ BÁC!

 
Chúng tôi có buổi trình diễn
cho người lớn cho trẻ em
cho sinh viên cho bộ đội
và các bà nội trợ
 
mọi người tụ tập lại
họ nhìn họ nói
họ chen lấn và cười
 
lúc này anh đã mang
những chiếc sừng những móng vuốt và răng nanh
còn tôi một chiếc lưỡi dài và sắc như thép
lúc này em đấm ngực
em nuốt những con dao
em bứt những xiềng xích
em đập nát tim tôi
 
chúng ta đi bằng hai bàn tay
chân chổng lên trời
người đàn bà này có trái tim vàng
người đàn ông này có đôi mắt trẻ thơ
một người đàn bà và một người đàn ông
trong chỉ cùng một người
bớ bà con cô bác hãy lại gần
hãy tới coi cái chòi của chúng tôi
coi thật gần những gì ở bên trong
 
bớ bà con cô bác hãy lại gần
bớ bà con cô bác hãy rủ lòng thương
bộ các người không còn dư chút tình nào sao?
 
 

GIÀY GỖ *

 
để tưởng niệm họa sĩ Thadée Makowski
 
Những đôi giày gỗ này để cho ai
Những đôi giày gỗ này để cho ai
vậy thời để dành chúng cho ai
người làm giày gỗ có bàn chân quẹo
 
những đôi xanh là để cho các thiên thần
những đôi vàng để cho bầy ong
những đôi đen cho những người cạo ống khói
những đôi đỏ cho các tay đao phủ
 
đâm rễ vào chiếc ghế đẩu của ông
như cây tầm gửi vào cây sồi
dưới chiếc ghế đẩu
phải chăng một cái chai phải chăng một thiên thần nhỏ
đang vươn cần cổ
 
ông nuốt một ngụm
những đôi giày gỗ bắt đầu chạy lốp cốp
ông nuốt một ngụm nữa
những đôi giày gỗ gõ vào cánh cửa
và sau ngụm thứ ba
cửa tiệm tràn ngập chim chóc và trẻ em
 
-----------
* sabots (tiếng Pháp). (ND.)
 
 

TRÁI TÁO

 
Cho tôi một trái táo
người chồng bảo
và đưa bàn tay ra
 
từ cái chén bằng đất sét
một con rắn đang nhấp nháp sữa
một con rắn hiền lành nuôi trong nhà
đen với chùm tia chớp
màu da cam
 
trong nôi một chú nhỏ
đang mút ngón chân cái
nhỉnh hơn
thức hoa kêu bằng «hài phụ nữ» *
 
Một con nhện cột lại
hai tay chiếc đồng hồ
đang tích-tắc ra vĩnh cửu
cho những người may mắn
 
và khi đã cắn đứt sợi chỉ mỏng manh
người vợ đưa trái táo đỏ
cho chồng
rồi lẳng lặng
ngồi xuống ngưỡng cửa
tổ ấm gia đình
 
---------
* “lady’s slipper”, theo bản Anh. (ND.)
 
 

TƯỜNG

 
Nàng quay mặt vào tường
 
thế nhưng nàng yêu tôi
tại sao nàng đã quay đi với tôi
 
vậy là chỉ cần chuyển động cái đầu như thế
ta có thể quay đi với thế giới
nơi chim sẻ đang ríu rít
và những người trẻ đang bước
thắt những chiếc cà-vạt sặc sỡ
 
Nàng lúc này đơn độc
trước mặt bức tường chết
và nàng vẫn sẽ như vậy
 
nàng vẫn sẽ đâu mặt với vách tường
mỗi lúc một lớn dần lên
nàng cuộn mình và nhỏ bé
với một nắm tay siết lại
 
và tôi ngồi
với đôi chân bằng đá
tôi không đưa nàng ra khỏi chỗ ấy
tôi không nhấc nàng lên
Nàng nhẹ hơn một tiếng thở dài
 
 

TIẾNG NÓI

 
Họ bị tổn thương và khổ sở
vì sự im lặng và vì mấy lời
như thể họ còn có trước mặt
cả một cuộc đời
 
họ hành động
như thể họ quên
rằng thân xác họ
trước sau gì cũng phải chết
rằng cái bên trong của con người
tự hủy trong một nháy mắt
 
khăng khăng đối với bản thân
họ yếu hơn
cỏ cây và thú vật
một lời nói một nụ cười
một ánh mắt đều có thể giết chết họ
 
 

LÒNG TRẮNG TRỨNG

 
Họ vỗ lên đầu người bệnh
như một con chó ngoan
 
họ nói với ông
như với một đứa trẻ
chạm tới người ông
trao đổi
những cái nhìn hiểu biết
 
người bệnh nghe thấy
hết mọi sự hiểu
chịu đựng
 
ông không ngoạm tay ai
ông cư xử hết sức đàng hoàng
tới mức sẽ còn tin cả ở thiên thần
ông nuốt một trái trứng sống
vào một đêm sáng trăng
màu lòng trắng trứng
 
bên ngoài khung cửa sổ mở
những bông lài trong mờ nở
 
một cô y tá
với hai cái vú
hai bàn tay bốn ống chân
quay lưng lại
 
người bệnh nghiến răng
yêu cầu
làm ơn đóng cửa sổ
 
 

CÂY *

 
Một tượng Chúa bằng cây
từ một vở kịch Huyền bí thời Trung cổ
đi bằng cả hai tay và đầu gối
 
đầy những miểng đỏ
 
người mang một vòng cổ bằng gai
đầu cúi xuống
như một con chó bị đánh
 
sao mà khúc cây này đói khát thế
 
---------------
* Trong tiếng Ba-lan, “cây” tương đương với chữ “cây” của tiếng Việt ở miền nam Việt Nam - không phải ‘phía Nam’! (ND.)
 
 

BÍM TÓC

 
Khi hết thảy đàn bà đi đày
đã bị cạo đầu
bốn công nhân cầm chổi làm bằng những cành phong nhỏ
quét dọn
và thu lại đám tóc
 
Sau tấm kính sạch trơn
là đám tóc cứng
của những người đã bị chết ngạt trong các phòng hơi độc
có những cây trâm và lược cài đầu
trong đám tóc này
 
Đám tóc ấy không có ánh sáng xuyên qua
không có gió nhẹ rẽ ra
không có lấy một bàn tay hay cơn mưa
hay làn môi nào chạm tới
 
Trong những tủ ngăn thật lớn
những đám tóc khô
của những người bị chết ngạt
và một mớ tóc bện đã nhạt
một bím tóc thắt nơ
mà ở nhà trường
những đứa trẻ hư hay giật
 
Viện Bảo tàng, Auschwitz, 1948
 
 

CUỘC TÀN SÁT NHỮNG BÉ TRAI

 
Trẻ nhỏ kêu «Má ơi!
Con ngoan mà!
Ở đây tối quá! Tối quá!»
 
Hãy coi kìa Chúng đang đi xuống đáy
Hãy coi những bàn chân nhỏ
chúng đã đi xuống đáy Anh có thấy chăng
cái dấu vết
bàn chân nhỏ bé ấy in đây đó
 
hai túi phình ra
những sợi dây những hòn đá
và những con ngựa nho nhỏ làm bằng dây thép
 
Một vùng bình nguyên lớn khép kín
như một hình kỷ hà học
và một cội cây khói đen
một cội cây đã chết
thẳng đứng
không có một vì sao trên chỏm
 
Viện Bảo tàng, Auschwitz, 1948
 
 

MÀU MẮT NÀNG VÀ NHỮNG CÂU HỎI

 
Phải chăng người tôi yêu
có đôi mắt xanh thẳm
không một chút mày bạc
Không
 
Phải chăng người tôi thương
có đôi mắt màu hạt dẻ
với một tia sáng vàng
Không
 
Phải chăng người tôi yêu
có đôi mắt đen huyền
không ánh sáng
Không
 
Người tôi thương có đôi mắt
buông xuống nơi tôi
như mưa thu
màu xám
 
1954
 
 

HÃY ĐỂ MẶC CHÚNG TÔI!

 
Hãy quên chúng tôi đi
hãy quên những người cùng tuổi tôi
hãy sống như mọi người
hãy quên chúng tôi đi
Chúng tôi đã ghen
với cái cây và hòn đá
chúng tôi đã ghen với lũ chó
 
Anh chỉ muốn là con chuột
tôi thường nói với nàng lúc đó
 
Em thì chẳng muốn sống
em chỉ muốn thiếp đi
và tỉnh dậy khi hết chiến tranh
nàng thường nói Và đôi mắt khép lại
 
Hãy quên chúng tôi đi
đừng hỏi chúng tôi một điều gì về thời thanh xuân ấy
và hãy để mặc chúng tôi
 
1955
 
 

TÔI ĐÃ LA THÉT BAN ĐÊM

 
Tôi đã la thét ban đêm
 
những người đã chết ở
trước mắt
với những nụ cười câm nín
 
lưỡi dao xuất hiện từ bóng tối
xuyên suốt nơi tôi
lạnh lùng chết chóc
 
nó đã mổ
ruột gan tôi
 
 

Ở GIỮA ĐỜI

 
Sau ngày tàn thế giới
sau khi chết
tôi lại thấy mình ở giữa đời
tái tạo bản thân
học lại cuộc đời
người thú cảnh vật
 
đây là cái bàn tôi nói
đây là cái bàn
trên bàn có bánh mì một con dao
dao dùng để cắt bánh
người ta sống bằng bánh mì
 
ta phải thương người
tôi học ngày học dêm
ta phải thương chi
người tôi đáp
 
đây là cái cửa sổ tôi nói
đây là cái cửa sổ
đằng sau có một vườn cây ăn trái
cái cây này là một cây táo
nó ra hoa
hoa rụng xuống
trái cây thành hình
chín
cha tôi hái trái táo
người đàn ông hái trái táo
là cha tôi
 
tôi bấy giờ ngồi trên ngưỡng cửa
 
bà già đang kéo
một con dê ở đầu dây
ngàn lần có ích hơn
ngàn lần quý báu hơn
 
bảy kỳ quan thế giới
kẻ nào nghĩ kẻ nào cho rằng
bà không cần thiết
kẻ ấy mắc tội diệt chủng
 
đây là một người
đây là cái cây đây là bánh mì
 
người ta ăn để sống
tôi nói với mình
đời sống con người là quan trọng
đời sống con người là quý báu
giá trị của đời sống
vượt qua giá trị của mọi vật
mà con người đã làm ra
con người là kho tàng lớn nhất
tôi khăng khăng lặp lại
 
đây là nước tôi nói
tôi đưa tay vuốt ve những đợt sóng
và trò chuyện với dòng sông
Nước tôi nói
nước tốt lành
đây là tôi
 
con người nói với nước
nói với trăng
với hoa với mưa
y nói với đất
với chim chóc
với trời
 
trời im lặng
đất im lặng
nếu y nghe một tiếng nói
trôi ra
từ đất từ nước từ trời
thì ấy là tiếng nói của một người khác
 
1955
 
 

MỘT CUỘC HỌP MẶT

 
Tôi gặp người chết mỗi ngày một thưòng hơn
họ náo động lạ lùng
cửa miệng họ mở ra họ nói nhiều
có những người sùi bọt
như xà-phòng
 
mới đây tôi gặp một nhóm khá đông người chết
ngồi thành hàng trên ghế
đôi má hồng hồng
họ cười cợt vỗ tay ngồi xuống
giận dữ đứng lên
đưa ra những nhận xét cá nhân
 
giữa nhựng thây ma đã già
lao xao những người trẻ
họ không biết
họ bị phân tán đầu óc
họ khoa chân múa tay
lái ô-tô ôm ấp
những quan điểm mới và những bà vợ mới còn ấm
 
có một người quá cố dầy kinh nghiệm
cứ đưa mắt nháy tôi
một cách thâm hiểm
và còn ra sức
tái sinh
trong mắt hội nghị
 
Tháng 11.1956 (tại Đại hội các Nhà Văn ở Vác-xa-va).*
 
------------------------
* theo nguyên tác. (ND.)
 
 

NHỮNG HÌNH THỨC

 
Những hình thức này mới đây thật lễ giáo
biết nghe lời và luôn luôn sẵn sàng đón nhận
chất liệu thi ca vô hồn
khiếp sợ vì lửa
chúng tự giải thoát và tản mác
 
chúng lăn xả vào kẻ tạo ra chúng
vằm nát y và lôi y đi
dọc theo những đại lộ có trồng cây
nơi những đội kèn những nhà trường và đám rước
đã diễn hành cách đây rất lâu
 
thịt da còn phập phồng
tràn ngập máu
nuôi dưỡng
những hình thức hoàn hảo này
 
chúng đeo dính quanh miếng mồi của chúng thành đoàn lũ thật dầy đặc
khiến cho cả đến im lặng cũng không sao
thấm ra bên ngoài được
 
 

BỊ THÁO GỠ

 
Tất cả những hồi tưởng hình ảnh thông tin kinh nghiệm
ý niệm tình cảm từng được sắp đặt nơi tôi
lúc này không còn tụ tập lại ở nơi tôi không còn tạo thành một toàn thể
có thể là chúng vẫn còn tới được còn ghé lại
bên bờ ký ức tôi phớt nhẹ làn da tôi
bằng những móng vuốt đã cùn nhụt
Ích lợi gì nói láo
tôi không còn tạo thành một toàn thể tôi đã bị đập vỡ và tháo gỡ
vậy thời ai còn nghiêng mình trên những mảnh vụn ấy ai còn buồn để ý tới
chính bản thân tôi cũng quá bận bịu không thể làm chuyện ấy
thì ai còn có thể nhớ tới hình thù con người bên trong của tôi
trong cảnh hỗn độn này trong sự náo động cuồng nhiệt
của cái hành lang này nơi cả ngàn cánh cửa mở ra va khép lại
ai có thể tái tạo một hình thể
trong lúc nó đã chẳng để lại dấu vết cả trong phấn trắng
lẫn trong than đen
bản thân tôi cấp thiết phải bày tỏ ý kiến về điều ấy
tôi cũng không thể nhớ
 
người ta cho là tôi đang sống
 
Tháng Tám 1956
 
 

BÀI THƠ TĂM TỐI

 
để tưởng niệm Leopold Staff
 
I
 
Đó chỉ là một ngàn sợi
một ngàn sợi chỉ nhỏ bé
người ta đã cố định ông
bằng một ngàn sợi chỉ
 
vào thế giới này
thế giới bị hành quyết bằng lưỡi rìu
 
người ta đã cột ông bằng một sợi tóc
vào không gì hết vào thi pháp
 
người ta đã cột ta
vào những phong cảnh cũ kỹ
vào hài cốt tổ tiên
vào những thành kiến
 
bằng một sợi tóc
người ta đã cột ta vào cọc
 
Hãy coi người ta đã
cột ta vào điều chi
vào kẻ giả mạo từ ngữ
bằng sợi tóc này
và bằng sợi khác
 
ông đã làm như
không biết tới những ràng buộc mỏng manh này
có lẽ ông đã có thể giật đứt
từng sợi tóc riêng biệt từng sợi chỉ
đen hoặc trắng
 
ông đã nhè nhẹ bỏ đi
không giật đứt gì hết
để cho tồn tại
hết thảy những ràng buộc này
 
ông đã bỏ đi kéo theo mình
mạng lưới này
 
II
 
Lạnh lùng và ác độc
ánh sáng lớn tới
nó giật đứt ông nuốt trửng ông
khạc ông ra Biến mất
 
ông kẻ trước đấy đã kêu gọi nó bằng ước nguyện
kẻ đã trông đợi nó
lúc này run rẩy
 
A ông bấu víu làm sao
bằng tất cả đôi tay
ông mỉm cười khiêm tốn làm sao
nhắm đôi mắt lại
để khỏi phải nhìn thấy ánh sáng ấy
tới
và chặt đứt đám dây cột thuyền
 
Vậy thời ta phải ở lại một mình
nơi đã diễn ra những sự vật nho nhỏ dễ thương
những xó xỉnh ấm áp
những mầm hạt những cái lặt vặt chẳng ra gì
thường đem lại biết bao giá trị cho cuộc sống
nơi có đọt cỏ
hãy đưa cho ta một đọt cỏ xanh
 
ta đã sống trung bùn tăm tối
nhưng trong đó đã có những người
những thú vật những cây non
những phong cảnh những vì sao
đã có một ngôi nhà với nhiều cửa sổ
mở ra và một cầu thang
mà người ta có thể bước xuống
 
III
 
Ông đã lặng lẽ rời bỏ công việc của mình
là kéo sợi
khởi từ bóng tối của thế giới
từ ánh sáng từ sự hòa hợp
 
lưỡi kiếm này bằng lụa
lưỡu kiếm này rơi xuống
lưỡi kiếm này lơ lửng
trên đầu chúng ta
ông hát như một con sơn ca
 
ông đã kiên nhẫn chờ đợi
 
bị cột vào với người đàn bà
với rượu với mây với cây cối
bị cột vào với con chó nhỏ của ông
a cái ánh mờ ác độc làm sao
ông đã chẳng nên khiến trào vọt từ bản thân
 
để giật đứt những sợi chỉ nhỏ bé
do những con người quá mỏng manh cột buộc
 
IV
 
Ta đã lấy ta ra dệt
nỗi tang tóc của mình và ta đã đem bao phủ
cho cây cối chim chóc nước
 
hết thảy chìm trong
nỗi buồn nhạt nhẽo của ta
các từ chìm xuống
trong ta
không vang vọng
 
bị cột ràng
ta còn bò nữa
bất động
ta đã trở lại
ta đã lại bắt đầu từ số không
 
V
 
Ta đã nói ta là một con vật
ngươi đã nói ngươi là con vật của ta
ta đã nói ta là bóng tối
ngươi đã nói ngươi đến từ ta
 
ta đã nói rằng ta không quen biết ngươi
nhưng ta đã nói thế trong ngươi
ta đã bỏ trốn ngươi
nhưng được ngươi mang
 
ta đã nói ta là một chiếc bóng
ngươi đã nói ngươi là chiếc bóng của ta
 
ta có thể chờ đợi và ta có thể bỏ đi
ta có thể giết ngươi
là vì ngươi ở trong ta
 
ta đã bỏ trốn mà không biết
rằng đó là để đuổi theo ngươi
thật là hay khi nghĩ rằng ngươi không hiện hữu
rằng chả bao giờ ngươi sẽ hiện hữu
 
ta còn muốn ngoảnh lại
thưa gửi với bạn bè
nối lại một lấn nữa
những liên hệ mỏng manh này
 
a thật dễ dàng làm sao
họ để cho ta thoát
a ánh sáng của ta
thật hay là ngươi bỏ đi
a ánh sáng tốt lành
thật hay là ngươi bỏ trốn
 
ánh sáng lớn vô nhân
thật là hay khi nghĩ rằng ngươi không hiện hữu
rằng chả bao giờ ngươi sẽ hiện hữu
 
VI
 
Ông đã biết
có lẽ ông đã có thể trả lời
 
đó là vấn nạn nghiêm trọng nhất
 
ta vẫn thường nói tới chuyện này chuyện khác
tới người nọ người kia tới những bài thơ
tôi lúc nào cũng hờm sẵn vấn nạn kia
che giấu nó
tôi không ngừng đặt lại
tôi tự nhủ ta cón ngày giờ
tôi sẽ đặt vấn nạn ấy với ông
sau này
và rốt cuộc tôi sẽ biết
 
tôi sẽ không còn đặt ra với ông
bất kỳ vấn nạn nào nữa
 
vả lại đó không phải là những vấn nạn cần đặt ra
 
VII
 
Liệu chúng tôi có còn tạo ra được cái đẹp
 
tôi đã quên khuấy mất
cách người ta làm thơ
 
ấy không phải là lỗi của chúng tôi
nếu thay vì những bài thơ xinh đẹp
trong sáng và vui tươi
chúng tôi sinh ra những quái vật
 
chính là với các người
với trí tưởng của các người
và nỗi kinh hoàng của các người
những tiếng kêu và những im lặng của các người
mà chúng tôi giao hợp thường trực
để cùng tạo ra
 
những quái vật
không môi miệng và không ánh sáng
không tin tưởng và không danh dự
 
với mặt mũi đầm đìa nước mắt và rượu
với những dấu vết vòng đeo ở cổ
những dấu vết gậy đập trên lưng
 
chúng ta cùng tạo ra
những hình thù rừng rú quái dị này
những tiếng sủa này những tiếng gầm này
những rên xiết này những tiếng ợ này
những tiếng vỗ tay này những im lặng này
 
VIII
 
Lạnh lùng và ác độc
ánh sáng lớn tới
nó giật đứt ông nuốt trửng ông
khạc ông ra Biến mất
 
hãi sợ ông đưa hai bàn tay quá yếu
bấu víu lấy cuộc đời
cái cục phân bò đen tối
vẫn còn bốc khói và sinh sản không thôi
 
ông tìm kiếm những sợi chỉ đã bị giật đứt
một nụ cười khiêm tốn trên môi
ông còn thở
một hơi lớn
không còn biết nói nữa
 
Lạnh lùng dửng dưng
ánh sáng lớn tới
nó chặt ông nuốt trửng ông
khạc ông ra Rồi biến mất
 
 

TỚI TRÁI TIM

 
Tôi đã thấy
một người đầu bếp chuyên môn
ông ta thường đặt bàn tay
vào cổ họng
rồi qua khí quản
thọc vào bên trong
con cừu
và ở đấy thật lẹ làng
nắm lấy trái tim
bấu chặt
lấy trái tim
giật mạnh ra
chỉ một lần
phải
đó là một nhà chuyên môn
 
1959
 
 

NHỮNG SO SÁNH MỚI

 
Lấy gì so sánh
ngày
phải chăng nó tựa như đêm
lấy gì so sánh
một trái táo
phải chăng nó tựa một vương quốc
lấy gì so sánh
thịt da
lúc ban đêm
im lặng
giữa đôi môi
giữa
lấy gì so sánh một con mắt
một bàn tay trong bóng tối
phải chăng bên phải tựa bên trái
răng lưỡi miệng
một cái hôn
lấy gì so sánh
một bên hông
tóc
những ngón tay
hơi thở
im lặng
thơ
giữa ban ngày
lúc ban đêm
 
 

NGƯỜI LẠ

 
Đó là một người lạ mặt
anh ta muốn gì
anh ta hỏi ai
đó là một người xa lạ
anh ta đi lạc
hay lầm tầng lầu
anh ta nói rằng anh ta hỏi chúng ta
nhưng lại không biết tên
 
ông hỏi ai
ở đây không có ai tên này
chắc chắn đó là một gã say
hay có lẽ một tên khùng
hắn khăng khăng quả quyết là
tìm kiếm chúng ta
nhưng chúng ta chả ai biết hắn
ai thế nhỉ
 
Tôi không được
trở lại nhà
nhà các người
các người bảo
rằng các người không quen biết tôi
rằng tôi là một người lạ mặt
các người chóa mắt nhìn tôi
các người hơi sợ sệt
 
Các người chính là người tôi hỏi
trong thành phố mênh mông này
thành phố trải rộng
từ khắp chốn
các người chính là người tôi tìm kiếm
trên hòn đảo hoang vu này
các người là
người
những đồng loại của tôi
 
liệu tôi có thể ở lại với các người
một ngày một đêm
tôi là một người
không phải kẻ xa lạ
các người quan sát tôi
qua lỗ dòm lén
không tháo then cài
không mở cửa cho tôi
 
tôi mỏi mệt
tôi muốn được ngồi vào bàn ăn của các người
coi nào ta quen biết nhau mà
kể từ ngày Chúa ra đời
tôi đã kiệt lực hốc hác
tôi phải thưa thốt với các người
về các người về tôi
tôi phải nói với các người
rằng phép huyền bí không có
đừng chờ đợi nữa
 
 

LỐI THOÁT

 
Tôi thật là
dai dẳng
và với sự dai dẳng dễ bảo của mình
tọi cũng tựa như khằng
chỉ có cách ấy tôi mới có thể
lấy dấu được thế giới
 
 

HÌNH PHẠT

 
Hôm nay
vào lúc này
cuộc sống không tin tưởng là một phán quyết
đồ vật trở thành thần linh
thân xác trở thành một thần linh
 
một vị thần chuyên chế và mù quáng
nuốt chửng và tiêu hóa các tín đồ
rồi bài tiết họ ra
 
 

CON NGƯỜI MỚI

 
Con người mới
đó là kẻ ở dưới kia
phải đó là
cái ống cống
để lọt đi tất cả
qua hắn
 
 

CÓ THỂ

 
Thế là đã quá lâu
tôi bước đi trong những đường phố này
tôi lang thang từ đã quá lâu
giữa những ngôi nhà
quán rượu trạm hỏa xa
từ đã quá lâu tôi bước
men theo những vách tường
với hy vọng
lạc mất
 
giữa tất cả những tính danh
những quảng cáo vặt những khẩu hiệu
những biển hàng này
 
có lẽ trên một chiếc ghế dài
hay trong một toa tầu hỏa
hay trong một phòng đợi
tôi sẽ bỏ rơi đứa trẻ sơ sinh này
trong một hộp đựng mũ
và tôi sẽ bỏ trốn
 
có một cột chỉ đường ở đâu đây
 
 

TÍN ĐIỆP KHÔNG RÕ

 
Vậy thời Đức Giê-su cúi xuống
và lấy ngón tay viết lên đất
rồi ngài lại cúi xuống
và ngài viết trên cát
 
Mẹ à bọn họ quá ngu si
và quá chất phác khiến trước mặt họ
con phải làm những phép mầu quá tệ
và những điều vô ích
nhưng Mẹ Mẹ hiểu
và tha thứ cho con Mẹ
con biến nước thành rượu
con làm người chết hồi sinh
con bước đi trên những dòng nước biển
 
bọn họ như con trẻ
lúc nào cũng phải
cho họ thấy một điều gì mới
 
Khi họ lại gần ngài
ngài che giấu rồi xóa đi
vĩnh viễn
những gì đã viết
 
 

BÔNG HỒNG XANH LỤC

 
I
 
«… và với một sợi chỉ xanh lục bà đã thêu một bông hồng…»
 
Các đô thị lớn
quá đông dân
phình ra
rồi thưa đi
nước lên
và nước xuống
những bầy người sít lại
quá hỗn tạp
khiến người ta có thể
với những mẩu câu nói phóng ra
đây đó
có một ý niệm về tổ chức của họ
tưởng tượng ra những gì có ở bên trong
nhưng trong một bầy ong
không có ong chúa
người ta sống mỗi lúc một đơn độc hơn
khoảng phân cách giữa một người với một người khác
gia tăng dưới ánh đèn nê-ông
trong những đô thị quá đông dân
nơi người ta sẽ cọ sát với nhau đến chảy máu
chúng ta sống tựa như trên một hòn đảo
có những sinh vật hiếm
chúng ta ở lại với một nhúm người thân
nhưng cả họ nữa cũng ra đi
mỗi người một phía
 
họ mang theo mình
những máy hút bụi những bức tranh không có giá trị
vợ con
những động cơ những tủ lạnh
một khối lượng thông tin nào đó
những người đã khuất những biệt hiệu
một vài vật nổi về thẩm mỹ
niềm tin
một thứ thần linh
một thứ ái tình
những thứ khác nữa
quay về với những hang hầm của họ
miếng thịt chiến lợi phẩm ngoạm giữa hai hàm răng
những kẻ yếu hơn ở lại
xoáy chặt vào quầy rượu hay bàn ăn
những kẻ yếu hơn nữa
tìm chỗ dựa trong bóng tối các từ
nhưng các từ này quá trong suốt
khiến qua chúng người ta thấy cái chết
chẳng có gì hết
chúng ta ra đi
giữ kín nét gượng gạo
và không ai thú nhận rằng mình bỏ đi
tốt hơn cả là đừng gieo xáo trộn
vậy là hết thảy đều sống đời đời
 
các người có nhớ
những trái tim mà chúng ta đã có
vào những thời áp bức gay gắt nhất
những trái tim mở ra trước nỗi đớn đau và niềm vui của kẻ khác
những nỗi niềm đã dễ dàng thấm vào chúng ta
từ mọi phía
cuộc đời các người lúc ấy chạy lại phía tôi
giờ đây chúng ta phủ đầy giáp sắt
và duy những kẽ hở
trên khuôn mặt chúng ta
là còn để lộ ra
 
 

MỘT ĐỀ NGHỊ KHÁC

 
Tác phẩm
hoàn thành
phải đập ra
và khi nó liền lại
lại phải đập ra
ở những nơi nó tiếp xúc với thực tại
loại bỏ lớp hồ
độc đoán
do tưởng tượng
nối kết những yếu tố khác
 
bằng im lặng
hay bỏ mặc chúng tách rời
một khi tác phẩm
đã hoàn tất
loại bỏ các cơ sở
nó dựa lên
– các cơ sở
thường ngăn chận chuyển động –
 
lúc đó công trình
sẽ vươn cao
và trong một chốc lát
sẽ bay lượn trên thực tại
thực tại mà không thể tránh
nó sẽ va chạm
va chạm này
sẽ đánh dấu bước đầu hiện hữu
của một tác phẩm mới
sẽ lạ xa với thực tại
sẽ bắt gặp thực tại
sẽ khiến nó nổ tung
sẽ biến đổi nó
 
trong lúc bản thân mình
tự biến đổi
 
1961
 
 

CĂN NHÀ NHỎ

 
Tôi căn nhà nhỏ của những người đã chết
 
nơi họ tìm được
chỗ ẩn trú cuối cùng
 
một với tay
về hướng tôi
hãy nhận lãnh ta
hãy nhận lãnh ta cùng với ngươi
đừng bỏ rơi ta
 
tôi mở toác
họ vào cư ngụ ở đấy
trong lạnh lẽo
trong trống rỗng
trong tăm tối
 
ấy là
ánh sáng muôn thủa của họ
sự miễn xá lỗi tội của họ
sự phục sinh xác thịt của họ
 
cuộc sống vĩnh hằng là thế
 
 

GÁNH NẶNG ĐƯỢC CẤT ĐI

 
Ông đã tới với các người
và nói điều này
 
các người không có trách nhiệm
về thế giới hay ngày tận thế
gánh nặng này đã được cất khỏi đôi vai các người
các người cũng tựa như chim chóc như con trẻ
hãy vui đùa
 
và họ vui đùa
 
họ quên
rằng thơ hôm nay
là một cuộc đấu tranh giành hơi thở
 
[còn tiếp 2 kỳ]
 
Đã đăng:
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021