thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vầng trăng trên đầu

 

Bản dịch của Nguyễn thị Hải Hà
Tiền Vệ hiệu đính

 

YANN MARTEL

(1963~)

 

Yann Martel sinh năm 1963 tại Salamanca, Tây-ban-nha, song thân là người Canada gốc Pháp. Ông lớn lên ở Costa Rica, Pháp, Mexico và Canada. Ông cũng đã từng sống những khoảng thời gian dài ở Iran, Thổ-nhĩ-kỳ và Ấn-độ. Năm 1993, ông xuất bản tập truyện ngắn đầu tay Seven Stories. Tiếp theo là tập truyện ngắn The Facts Behind the Helsinki Roccamatios (1993) và cuốn tiểu thuyết Self (1996). Năm 2001, ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết Life of Pi, đoạt giải Man Booker năm 2002, và được dịch ra rất nhiều ngoại ngữ. Những tác phẩm khác gồm có: tập truyện ngắn We Ate the Children Last (2004) và cuốn tiểu thuyết Beatrice and Virgil (2010).

 

 

 

VẦNG TRĂNG TRÊN ĐẦU

 

Tôi chưa bao giờ thích trượt tuyết xuống đồi. Cái nhọc nhằn của người trượt tuyết cũng vô ích như của Sisyphus[1] — cùng là một thứ việc tầm phào trèo lên rồi tuột xuống một sườn đồi — chỉ khác một điều là những người trượt tuyết làm điều này để chơi cho vui, thành ra cái ý nghĩa cao quý của một bi kịch bị hiến tế trên bàn thờ của trò chơi phù phiếm. Và cái trò vô bổ này được thực hiện giữa thời tiết băng giá. Thảo nào môn thể thao này luôn làm tôi ù lì như một khối đá. Nhưng vợ tôi yêu trượt tuyết và tôi yêu nàng và nàng đã chuẩn bị kỳ nghỉ này với bạn bè của nàng hằng mấy tháng trước. Vì thế những công việc hằng ngày trong nhà ấm áp phải tạm ngưng, phòng viết văn của tôi ở sân sau nhà phải khoá lại, và vở kịch tôi đang viết phải gián đoạn và cuộc trượt tuyết dã man trên núi Rockies sẽ kéo dài suốt mười ngày.

Đến ngày thứ ba, tôi khéo léo tìm cách rút lui ra khỏi “trại huấn luyện theo phương pháp quân sự cách hưởng thụ lạc thú”[2] giá buốt của vợ tôi, vẫy tay bảo nàng và các bạn cứ tiếp tục chơi, còn tôi thì rút lui vào một quán cà-phê mang tên Shangri-La.[3] Đây là chỗ nghỉ giải lao ở nơi cao nhất của khách sạn này, nó ngự trên đỉnh con dốc chỉ hơi thấp hơn chỗ cao nhất của toa xe ròng rọc đưa người ta lên núi trượt tuyết. Phong cảnh ở sân hiên này đẹp tuyệt vời, cà-phê và bánh mì sandwich ở đây cũng khá. Tôi tìm thấy một góc nhiều nắng ấm áp và ngồi đó với quyển sách, dùng thời gian nghỉ ngơi để ngắm quanh cảnh bao la tuyệt vời của miền núi cao. Nơi đây, thật không ngờ, tôi được nghe lần thứ hai câu chuyện về Abdikarim Ghedi Hashi.

Lúc ấy tôi đang đọc sách. Có một nhóm người trượt tuyết đang tụ họp ở cái bàn picnic không mấy xa chỗ tôi ngồi. Họ đang trò chuyện rất sôi nổi. Tôi chẳng mấy chú ý đến bọn họ cho đến khi tôi nghe một cậu thanh niên nói. “Các cậu có nghe chuyện một gã bị rơi xuống và kẹt trong cầu tiêu suốt đêm?”

Đám bạn của cậu thanh niên tưởng đây là khởi đầu của một câu chuyện đùa. Tôi vểnh tai lắng nghe.

“Không, tớ không đùa,” cậu thanh niên tiếp tục. “Có một gã, hai hôm trước bị rơi xuống lỗ cầu tiêu và phải ở trong ấy suốt đêm.”

Cả nhóm tỏ ý hoài nghi và giễu cợt ồn ào.

“Tớ thề là tớ chẳng đùa. Hắn rơi xuống lỗ và trải qua suốt một đêm thối hoăng khốn khổ trong cái bồn phân.”

Những tiếng rú ầm ĩ xen lẫn những tràng cười hô hố.

“Xảy ra ở chỗ nào?” một giọng đầy hoài nghi thốt lên.

“Ở đằng kia.” Cậu thanh niên trỏ ngón tay. Dãy nhà cầu xây tách rời bên ngoài quán cà-phê. Chúng nằm đối diện với quán cà-phê, phía bên kia khoảng sân bằng phẳng của đường trượt tuyết. “Lúc ấy đã cuối ngày rồi nên không ai nghe tiếng hắn kêu cứu.”

“Hắn có bị thương tích gì không?” có người quan tâm.

“Không. Hắn ta chỉ trải qua một đêm khốn khổ trong cái hồ bơi đầy nước tiểu và phân.” Cậu thanh niên không còn kềm được sự khoái trá nữa nên bật cười ha hả. Rồi cậu tự trấn tĩnh lại. “Người ta tìm thấy hắn sáng hôm sau. Các nhân viên tuần hành sân trượt tuyết kéo hắn ra, quấn hắn trong mền và mang hắn xuống núi bằng xe trượt tuyết.”

Cả bọn mặt đỏ nhừ và cười chảy nước mắt. Tiếng cười của họ vang vọng vượt qua khoảng không gian bao la đầy nắng bên ngoài sân hiên của quán cà-phê, lăn xuống sườn núi. Tiếng cười của những vị thần trẻ tuổi.

Bọn họ rồi cũng thôi nhốn nháo để thưởng thức sô-cô-la nóng hổi với bánh mì, tuy thỉnh thoảng vẫn chêm vào — “chẳng biết họ làm gì với mấy cái mền ấy nhỉ? — và họ lại tiếp tục bàn tán.

Lúc họ chuẩn bị ra về, tôi ra dấu gọi người kể chuyện. “Bạn không biết tên của người đàn ông bị tai nạn ấy à?” Tôi hỏi.

Cậu lắc đầu. “Không, tôi không biết.”

Tôi đi xem xét dãy nhà cầu. Có hai cửa, cửa bên trái là nhà cầu dành cho đàn ông. Bên trong, có chậu rửa tay và hai cái bồn tiểu đứng được xây cách xa nhau chừa chỗ rộng rãi cho dân trượt tuyết đi đứng kềnh càng trong đôi giày ủng của họ. Một cánh cửa lớn đưa vào một buồng cầu khá rộng. Cầu tiêu là một băng ghế bằng ván ép chạy dọc theo vách tường phía sau. Ở giữa băng ghế là cái nắp bồn cầu và cái bệ mỏng bằng nhựa plastic để ngồi lên bồn cầu. Tôi nhấc chúng lên. Chúng rơi trở lại theo cái bản lề của chúng một cách dễ dàng. Cái lỗ cầu tiêu rộng hơn tôi dự đoán, cái bệ nhựa trùm ra bên ngoài cái vành gỗ (của băng ghế) không quá hai phân rưỡi. Tuy nhiên, cái lỗ không thuộc loại to quá đáng. Tôi nhìn xuống, mùi hôi hám không bốc lên nặng nề nhờ không khí lạnh, nhưng cái đống giấy đi cầu và chất thải toát ra ánh sáng trong vùng nửa tối nửa sáng. Tôi không đoán được cái bồn chứa chất thải bao lớn, và sâu cỡ nào. Tôi nhìn cái lỗ thêm một lần nữa. Có thể nào một người tình cờ bị rơi xuống đấy không? Điều này dường như rất khó tin.

Nhà cầu không có cửa sổ. Không có ánh sáng tự nhiên, chỉ có ánh sáng phát ra từ hai bóng đèn trên trần nhà, một bóng đèn bên trong buồng cầu và bóng đèn kia ở bên ngoài, nơi có chậu rửa tay và hai bồn tiểu đứng. So với ánh sáng chói loá bên ngoài, những bóng đèn này toả ánh sáng yếu ớt, thứ ánh sáng nhợt nhạt, vàng vọt. Bước ra ngoài, tôi thấy có một tấm bảng nhỏ gắn trên nóc nhà cầu. Đó là tấm bảng thu năng lượng của mặt trời.

Tôi trở lại quán cà-phê. Khi quán có vẻ tạm thời thưa vắng, tôi đến gặp cô thâu ngân viên. “Xin lỗi cô, cái người bị tai nạn hai ngày trước, người đã trải qua một đêm...” Tôi chỉ ngón tay về hướng dãy nhà cầu.

Cô gái gật đầu. “Vâng?”

“Ông ấy tên gì?”

“Tôi không biết.”

“Cô không nhìn thấy ông ấy à?”

“Không, hôm ấy tôi không làm việc.”

Một người làm việc chung với cô gái đến gần. “Tôi có trông thấy ông ấy. Lúc đó tôi đang ngồi trên toa xe ròng rọc để lên đây nhận ca làm việc. Nhân viên tuần hành bãi trượt tuyết dùng xe trượt tuyết gắn máy đưa ông ấy xuống núi.”

“Ông ấy là người da màu phải không? Tôi muốn nói, đậm hơn màu da rám nắng.”

“Tôi không biết. Ông ấy được quấn bằng những tấm mền.”

“Tất nhiên. Còn một điều nữa: bóng đèn trong cầu tiêu có tắt vào ban đêm không?”

“Những ngọn đèn ấy không bao giờ được tắt. Chúng được thắp bằng điện mặt trời và bình điện sẽ làm việc tốt hơn nếu được tiếp năng lượng vào ban ngày và được sử dụng vào ban đêm.”

“Thế chúng có chiếu sáng suốt đêm không?”

“Không, chúng mờ dần đi. Bình điện không to mấy.”

“Anh có thể hỏi tại phòng nhân vìên tuần tra bãi trượt tuyết,” cô thâu ngân viên nói.

“Cô có số điện thoại của họ không?”

Cô gái cho phép tôi dùng điện thoại và tôi gọi họ. Người đàn ông nhận điện thoại không thể nhớ ngay ra tên của nạn nhân. Ông ta xem lại sổ sách.

“Đó là một cái tên khá rắc rồi,” ông ta nói “Đây rồi. Tên của ông ấy là Ab—di—” Ông ta ráng đọc từng âm tiết.

“Abdikarim Ghedi Hashi,” tôi ngắt lời ông ta.

“Đúng rồi. Không phải là cái tên thường gặp của những người trượt tuyết. Anh có biết ông ấy à?”

“Không. Nhưng tôi có nghe đến tên ông ấy. Ông ấy có sao không?”

“Không sao. Người ta khám sức khoẻ cho ông ấy ở bệnh viện. Ông ấy bị lạnh, nhưng sức khoẻ ổn định.”

“Ông ấy có nổi giận không?”

“Không. Tôi thấy ông ấy cũng bất an, nhưng tôi không thể nói là ông ấy giận dữ. Ông ấy nói đây là một tai nạn. Tai nạn vẫn thường xảy ra. Chắc anh cũng thấy, đây là một tai nạn thật quái gở.”

“Thế bây giờ ông ấy đang ở đâu?”

“Chẳng rõ. Ông ấy không ở đây. Tôi biết chắc điều này. Sau khi rời bệnh viện chúng tôi đưa ông ấy đến một nhà trọ dưới phố.”

“Ông có biết nhà trọ nào không?”

“Tôi có thể tìm được. Chờ tôi một chút.”

Tôi viết tên nhà trọ, gác điện thoại và trở về chỗ ngồi của tôi trong sân hiên của quán cà-phê để suy nghĩ. Tai nạn thường xảy ra, thật vậy, nhưng ngay cả những tai nạn quái gở nhất cũng có giới hạn. Bởi vì câu chuyện là, mùa đông của hai năm trước đây, trong khu vực dành cho du khách ở British Columbia, trong chuyến trượt tuyết khác của vợ tôi, tôi đã nghe một câu chuyện tương tự. Một mẩu tin ngắn đăng trên tờ báo địa phương đã làm tôi chú ý. Một người đàn ông đã tình cờ rơi xuống cái lỗ cầu tiêu của một quán cà-phê trên sườn núi, phải trải qua suốt đêm trong bồn chứa phân, và được cứu thoát vào sáng hôm sau. Ông ấy nói với ký giả rằng tình trạng ánh sáng trong nhà cầu đã ảnh hưởng đến ông ấy. Thêm một chi tiết nữa làm tôi chú ý và còn nhớ: ông ấy là dân Canada gốc Somali, có tên là Abdikarim Ghedi Hashi.

Chiều hôm ấy, sau khi xong buổi trượt tuyết, tôi nhín chút thì giờ gọi đến nhà trọ của ông. Ông vẫn còn ở đấy. Cô thư ký nối đường dây điện thoại đến phòng ông.

“Hello?” Một giọng nói dịu dàng có âm hưởng của người ngoại quốc.

“Đây có phải là ông Hashi?”

“Vâng. Tôi đây.”

“Ông Hashi, tôi rất tiếc khi nghe tin tai nạn của ông. Mong là sức khoẻ của ông đã khá hơn.”

“Tôi khoẻ rồi, cám ơn ông.”

“Tôi mừng khi nghe điều này. Chúng ta có thể gặp nhau để nói về chuyện này không?”

“Có gì đâu mà nói? Đó chỉ là một tai nạn.”

“Tôi chỉ tò mò thôi. Tôi là nhà văn. Và tôi đã ở Somalia một thời gian ngắn, cách đây nhiều năm rồi.”

“Ông có phải là ký giả không?” Có chút nghi ngờ trong giọng nói của ông.

“Không, phông phải đâu. Tôi viết kịch. Trước đây tôi đã từng ở miền Bắc của Somalia, trong một thị trấn gọi là Hargesia. Tôi du hành đến đấy bằng xe buýt từ Ethiopia. Đó là vào thời tôi còn mê say vác ba-lô trên lưng đi du lịch. Xứ sở ấy đẹp tuyệt.”

“Tôi chưa bao giờ đến Hargesia. Gia đình tôi gốc gác ở Mogadishu.”

“Thật ra, Hargesia cũng chẳng có gì, tôi phải nói thật như thế.”

“Mogadishu cũng chẳng có gì, vào thời buổi này. Cuộc nội chiến chẳng mang đến điều gì tốt đẹp cho một thị trấn.”

Điều bất lợi cho Hargesia là bụi bặm và sự nghèo khó tận cùng. Tôi không tìm thấy việc gì để làm ở đó ngoại trừ thăm viếng vài ngôi đền thờ Hồi giáo, lang thang trong một sở thú nắng nung người và ngồi ở một tiệm trà trong chợ, uống trà và bị mọi người nhìn chòng chọc.

“Tôi muốn mời ông dùng trà hay cà-phê, có được không? Tôi có thể đón ông ở nhà trọ sáng mai.”

Ông đồng ý, với vẻ lịch sự thoáng chút do dự.

Sáng hôm sau tôi lái xe đến một thị trấn nhỏ kế bên khu khách sạn này. Tôi dễ dàng tìm thấy căn nhà trọ đơn sơ nơi ông ở. Ở trọ trong thị trấn và dùng xe buýt đưa đi đón về là cách chi tiêu ít tốn kém cho một chuyến đi trượt tuyết. Tôi gọi điện thoại cho ông từ phòng tiếp khách của nhà trọ. Ông nhanh chóng đến gặp tôi, co rúm trong trời lạnh với cái áo khoác mùa đông màu xanh. Chúng tôi bắt tay. Ông thấp người và mảnh khảnh, có khuôn mặt dễ nhìn, với bộ râu cằm, cái đầu hói và cái trán hơi gồ. Ông trạc tuổi ba mươi lăm, có lẽ. Tôi đề nghị đến quán ăn kế bên nhà trọ. Chúng tôi đi bộ.

Tôi uống cà-phê. Sau mấy lần nghe tôi mời, ông mới chịu gọi một đĩa xà-lách trái cây nhỏ. Chúng tôi trò chuyện vẩn vơ vòng ngoài, chưa nhắc đến tai nạn ấy. Ông nói thêm một ít về thân thế của ông. Ông đã đến Canada qua một trại tị nạn ở Ethiopia, được một hội từ thiện bảo lãnh, tất cả thời gian chờ đợi là sáu năm. Ông được đưa về Calgary, học môn này, làm việc kia, vân vân. Ông nói ông thích chơi trượt tuyết, mặc dù ông chơi không khá lắm.

“Chuyện xảy ra chính xác như thế nào?” Cuối cùng tôi hỏi.

Ông nhìn ra chỗ khác. “Tôi cần đi tiểu. Đôi ủng trượt tuyết to và nặng quá, Tôi cởi ủng và leo lên đứng trên băng ghế để đôi vớ khỏi bị ướt vì mớ tuyết tan trên nền nhà. Nhưng tôi không muốn nước tiểu dính bừa bãi vào cái bệ nhựa. Tôi nhấc cái bệ nhựa lên. Đúng lúc ấy tôi trượt chân. Mọi chuyện xảy ra quá nhanh chóng. Đó là một tai nạn.”

Tôi nghĩ thầm, “Ông trượt cùng lúc hai chân, vào trong cái lỗ nhỏ ấy? Ông không thể dùng hai tay hay phần nào thân thể để ngăn cho khỏi lọt vào đấy sao? Ông rơi thẳng tắp vào như một người nhảy xuống hồ bơi? Và chuyện này xảy ra lần thứ nhì, cả hai lần đều vào cuối ngày, khi không có người nào ở chung quanh?” Tôi đã không để lộ ra rằng tôi biết ông đã từng bị cái “tai nạn” này một lần trước đây. Ông là một người rất nhỏ con. Bây giờ sau khi ông cởi áo khoác, tôi thấy rõ điều này. Tuy nhiên, câu chuyện đã xảy ra đang van nài được người khác tin giùm. Thật là khó tin đến mức phi lý. Nhưng ông có một thái độ trang trọng lặng lẽ và u buồn. Ông nói chuyện một cách chân thành. Có lẽ chỉ vì ông là một người nhỏ thó, vụng về, quá vội vã bởi lúc ấy ông mệt mỏi và bởi ông cần đi tiểu gấp. Tai nạn vẫn thường xảy ra. Tim tôi nặng nề bởi chính sự nghi ngờ của tôi. Tôi muốn tin ông.

“Ông không thể trèo lên?”

“Tôi không thấy đường.”

“Không ai nghe tiếng kêu cứu của ông sao?”

“Không ai cả.”

“Ông đã làm gì suốt đêm ấy?”

“A, tôi không thể ngủ. Chất bẩn ngập quá đầu gối của tôi và không có chỗ nào để ngồi. Vì thế tôi dựa vào tường và tôi nhìn cái lỗ tròn trên đầu tôi và đêm trôi qua thật chậm.”

“Và ông được cứu thoát vào buổi sáng?”

“Vâng, khi cái đầu của một người xuất hiện.”

Còn gì nữa để nói chứ? Chúng tôi kết thúc câu chuyện. Ông còn ở đây ba ngày nữa để trượt tuyết, ông bảo tôi. Ông học trượt tuyết mỗi buổi chiều. Ông đang có tiến bộ.

Chúng tôi đứng trước nhà trọ của ông. Chúng tôi đã bắt tay nhau giã từ và tôi đã bước vài bước về chỗ tôi đậu xe. Rất tự nhiên, tôi hỏi thăm ông có đến đây cùng với gia đình không. Tôi chỉ hỏi thế để tôi có thể gửi lời chúc họ mọi sự tốt đẹp. Tôi nghĩ hỏi như thế sẽ làm ông vui lòng, vì lời chúc tốt đẹp của tôi cho gia đình ông. Thay vì thế, ông đến gần tôi, nhìn thẳng vào mắt tôi, và tôi giật mình nhận ra rằng ông buồn bã. Khi ông nói, giọng ông tràn ngập cảm xúc.

“Tôi nhớ một điều trong đêm tôi ở dưới cái hố phân bẩn thỉu thối tha ấy,” ông nói. “Cái lỗ bên trên đầu tôi, cái lỗ cầu tiêu, ánh sáng chiếu qua cái lỗ ấy, gợi tôi nhớ đến những đêm trăng tròn trên biển ở Mogadishu khi tôi còn bé. Bà của tôi thường bảo tôi, mặt trăng là cái lỗ trong nền trời ban đêm và đó là nơi ông Trời xuất hiện. Bà tôi ôm tôi trong tay và chúng tôi cùng ngắm trăng. Tôi hằng hy vọng bắt được quả tang ông Trời đang lẻn vào thế giới. Tôi yêu những giây phút ấy với bà tôi. Đó là lần cuối cùng tôi nhớ là tôi đang hạnh phúc. Anh hỏi tôi về gia đình của tôi? Tôi không có gia đình. Tất cả đều đã chết ở Mogadishu trong trận nội chiến. Chết hết. Xin chào anh. Cám ơn anh đã mời tôi món xà-lách trái cây.”

Và, nói xong, ông quay người đi trở lại phòng trọ. Tôi nhìn ông đi. Rồi tôi lái xe về khách sạn, mang đôi ủng trượt tuyết khốn khổ vào, và đi tìm vợ tôi.

 

 

_________________________

[1]Theo thần thoại Hy Lạp, Sisyphus là một vị vua rất ác độc và gian dối của xứ Ephyra (Corinth). Để trừng phạt Sisyphus, thần Zeus bắt Sisyphus phải khuân một tảng đá nặng lên đồi, để rồi tảng đá luôn luôn rơi lại xuống chân đồi, và Sisyphus phải muôn đời lập lại công việc vô bổ này.

[2]Tác giả nói đùa một cách mỉa mai.

[3]Shangri-La, “thiên đàng hạ giới”, là tên của một miền đất tưởng tượng trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Lost Horizon (1933) của James Hilton.

 

 

----------------
Dịch từ nguyên tác “The Moon Above His Head” của Yann Martel, trong tuyển tập truyện ngắn Freedom: Stories Celebrating the Universal Declaration of Human Rights by Amnesty International (New York: Broadway Paperbacks, 2009), tr. 303-309.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021