thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thày giáo cừu...

 

1.

 

Như một làn ánh sáng

Đánh thức

Con rắn màu cam.

Đó là bài thơ đánh thức tôi dậy buổi sáng. Những câu thơ này hình như tôi đã chép lại trong cuốn vở lớp bốn bằng ngoại ngữ cừu... Chà, vì sao hôm nay nó lại hiện ra vào buổi sáng với một âm vang tha thiết như vậy?... Và tôi bỗng muốn đi tìm lại thày giáo cừu... Tôi mới có địa chỉ của ông sau khi về hưu mà cậu bạn cũ mới cho... Đã gần 20 năm trôi qua...

Thày giáo cừu dạy văn cho tôi thời trung học. Ông đeo kính cận rất dày, có gương mặt cừu trầm tư và giọng nói rất hay. Tôi vẫn nhớ như in giọng vang và trầm của thày khi ông đọc kịch Shakespeare. Hầu như ông chỉ đọc bi kịch và quanh đi quẩn lại cũng là vở Vua Lear. Có lẽ ông bị ám ảnh bởi quyền lực và cái chết. Cái chết có vẻ như tăm tối và quyền lực thì nặng trĩu và xám xịt...

Trong khi đọc,ông thường giơ ra bàn tay cừu mảnh khảnh và xương xẩu với những ngón khá dài. Điều mà chỉ thày giáo cừu mới có... Tôi nhớ thày còn đội một cái mũ vải, loại đặc biệt,màu xanh đậm. Hình như đó là loại mũ phân biệt các thày giáo cừu với các giáo viên khác. Thày cất phấn trong một cái túi giấy báo và cất cẩn thận trong cặp. Đó là lượng phấn dự trữ, để bất cứ khi nào có một cậu lớp trưởng xin thày cho nghỉ học vì hết phấn (thời đó chuyện đó rất hay xảy ra), thì thày sẽ rút ngay ra bịch phấn này. Trong túi thày còn có một khăn mùi soa, vốn để lau mồ hôi... Nó là chiếc khăn thêu khá đẹp nghe nói do chính vợ thày thêu tặng... Nhưng thày đã từng có lần đãng trí, dùng khăn tay lau bảng, còn khăn lau bảng thì lấy để lau trán, để lại một bộ mặt cừu lem luốc.

Đại loại là trong ký ức, tôi chỉ nhớ được như thế về thày... So với các thày cô khác, kể ra thì cũng đã khá là chi tiết...

Thày ở trong một ngõ hẻm lạ lùng. Có nghĩa là nó rất quen thuộc vì tôi thường xuyên đi qua, nhưng cái hay của nó là: nó là một con hẻm gấp khúc. Nó sẽ đánh lừa bạn, bởi nó gần như giấu mình đi dưới cái nhìn của bạn khi bạn định xuyên thủng nó bằng một cú chạy xe lao xồng xộc... Thế đấy, có nghĩa là nó sẽ trải ra ở sau khúc ngoặt nào đó... Có nghĩa là gần như tự dưng nhà thày giáo cừu hiện ra.

Tôi nhìn thấy thày ngồi trên sàn, đeo kính và vẫn đọc Shakespeare. Bên cạnh thày là một con chó có lông màu đen và tai to uốn gập lại đang gặm một khúc xương. Những chậu hoa phong lữ thảo nở rộ dưới mưa. Tuy rằng dường như chúng bị bỏ quên và cỏ dại đang mọc trong những chậu chen chúc cùng với hoa... Không sao,thày giáo cừu vốn yêu cả hoa và cỏ.

Con chó ban đầu chồm lên sủa dữ dội khi nhìn thấy người lạ, sau đó ngồi xuống và quyết định gặm tiếp mảnh xương. Đôi mắt của nó hấp háy theo kiểu báo hiệu rằng công việc của nó đã hết. Rằng thực ra nó chỉ biểu diễn một chút thôi. Nghề nghiệp mà...

Tôi chào thày và tranh thủ ngắm thày một lát để nhận ra các đường nét trong ký ức. Thày không già đi bao nhiêu. Cái mũ vẫn thế. Chỉ có điều mái tóc thày thì đã bạc và uốn cong tít lại như một nạm lông cừu quý giá... Kính của thày trễ xuống mũi . Tay vẫn xương xẩu và nhiều gân. Mắt thày còn khá tinh tường... Duy có điều tôi không hiểu rằng ngoài Shakespeare thì thày bây giờ còn đọc một thứ gì khác nữa hay không. Theo kiểu Murakami Haruki chẳng hạn. Rất thời thượng... Hoặc là văn học hậu hiện đại... Tôi không biết thày đã mở rộng các đường biên giới như thế nào...

Thày pha trà cho tôi uống. Mái tóc cừu bồng bềnh và ánh mắt hiền lành lấp lánh dưới cặp kính... Thật là dễ chịu... Trà ngon, buổi sáng, thày giáo cừu... Toàn là những thứ quen thuộc trong ký ức...

Thày nhìn những bông phong lữ thảo một cách lơ đễnh và nghe tôi nói chuyện... Sau đó thày rất nghiêm trang trả lời các câu hỏi của tôi... Thày thở dài:

“Giờ thì ta chỉ còn dạy ngôn ngữ cừu cho trẻ con.”

“Ồ, ngày xưa thày đã từng dạy chúng con rất nhiều môn nữa kia mà...”

“Có thể là như thế. Nhưng bây giờ thú thực là ta chỉ còn ham thích môn ngôn ngữ cừu. Lũ trẻ học khá nhanh. Đơn giản nếu nghe qua thì chỉ cần nghe thấy ‘be... be... be...’ là xong... Nói chung đó chính là thứ quan trọng nhất mà ta muốn truyền dạy cho chúng. Tuy nhiên, chúng thường đọc sai trầm trọng và viết thì vẫn còn sai chính tả, chữ của chúng thì quá xấu, cần phải rèn luyện rất nhiều.”

“Thì thày rèn bằng cách nào?”

“Có cách nào đâu, cách của ta vẫn y như cách đã dạy các anh chị cách đây vài chục năm. Có nghĩa là đọc sao cho tròn vành rõ chữ, viết thì đúng chính tả, ngữ pháp, và viết chữ đẹp thì tập đi tập lại trong các quyển vở cừu dày hàng trăm trang bằng loại bút chì cừu 2B. Bút chì cừu 2B là vừa, nếu không chúng sẽ cứng quá, hay mềm quá, làm lũ trẻ khó viết.”

“Thời gian còn lại thày làm gì?”

“Ta uống trà và trầm tư về thế giới, hoặc là đi tìm một ai đó thất lạc... Người ta có nghĩ ra cả một chương trình tìm người lạc trên TV cừu. Nhưng ta thì muốn tìm người đã chết, thì chưa thấy một chương trình nào trên TV cừu có thể cung cấp. Nghe nói trên TV cừu hiện nay người ta cũng đang sáng tạo ra nhiều hình thức mới để có thể thu hút người xem TV... Tuy nhiên, ta không hiểu vì sao họ chưa nghĩ ra cách thiết lập một chương trình tìm người đã chết...”

“Thày nói thế có vẻ như một chuơng trình gọi hồn trong phim kinh dị quá? Chắc TV cừu sẽ không thể cung cấp một chương trình như thế . Có thể thày nên đi New York, con nghĩ nơi đó sẽ có thể giúp thày tham gia vào một buổi lễ tìm những người chết đã thất lạc trên truyền hình...”

Tôi thở dài và thấy thương vì thày giáo cừu của tôi quá già nua rồi. Khi già nua, người ta thường dạy trẻ con những điều đơn giản và nghĩ đến cái chết với sự tử tế...

“Trà của thày pha rất ngon đấy.”

“Thì vẫn là trà trên thảo nguyên thôi. Ta vẫn dùng đúng loại trà đó, hái vào sáng sớm bởi các cô gái cừu xinh đẹp. Thật là một khung cảnh tuyệt diệu vào sáng sớm, trên những đồi trà đầy sương, những thiếu nữ cừu thanh mảnh và dịu dàng...” Thày nói bằng giọng khiến tôi có thể mủi lòng.

Tôi chợt nhớ ra vợ thày là một cô gái cừu đã từng làm việc ở nông trường trà. Vào thời trẻ, họ đã lấy nhau ở vùng Tây Bắc. Nay thì hình như vợ thày đã mất... Tôi nhìn quanh quất không thấy bày bàn thờ... Nhưng trên tường vẫn thấy tấm ảnh của bà khi còn là một cô gái cừu trẻ tuổi có đôi mắt đen xinh đẹp và nụ cười khiến người khác phải thẫn thờ...

Chúng tôi trò chuyện về những bạn học cũ của tôi... Thày dường như không thích những câu chuyện về lũ trò cũ cho lắm... Tôi ngồi nán lại với cảm giác bứt rứt vì muốn đọc lại cho thày bài thơ về con rắn màu cam. Chính nó đã làm cho tôi đến đây... Nhưng tôi ngập ngừng rồi lại thôi... . Có lẽ thật buồn cười khi tôi dường như chỉ đến nhà thày giáo cũ để đọc lại một bài thơ vẻn vẹn ba câu chép bằng ngoại ngữ cừu hồi lớp 4...

 

2.

 

Buổi tối,khi tôi trở về nhà thì thấy anh đang nằm trên ghế sofa để đọc báo. Trên bàn là ly, cốc uống dở. Một trái táo to tướng màu đỏ nằm một mình trên chiếc đĩa sứ trắng. Trong nhà phát ra nhạc của Carpenters, có lẽ là bản mở đầu của album mới nhất mà người ta làm lại cho cô... Một khung cảnh quen thuộc. Tôi vội vàng đi nấu ăn và vừa chiên xào, vừa trò chuyện với anh. Câu chuyện khá rời rạc vì tôi hết xắt khoai lại băm thịt và sợ rằng có thể bị đứt tay... Trời tối dần... Những chiếc lá hồng môn ở chậu hoa trồng ở cửa sổ phòng bếp từ từ cúp lại... Tôi lau tay vào vạt tạp-dề và cầm bình ra tưới nước cho hoa. Khi đó, tôi mới kể được gần hết đầu đuôi câu chuyện gặp lại thày cũ.

Anh hỏi:

“Không lẽ hai thày trò chỉ nói chuyện về ngoại ngữ cừu và bút chì 2B cừu?”

“Đúng thế.”

Tôi nghe thấy từ “Đúng thế” này âm vang bên tai. Thỉnh thoảng nghe những lời mình nói cũng thấy thích.

Trời tối hẳn... Gió thổi rất nhẹ và một cảm giác nhẹ nhàng diễn ra. Thực ra, thật khó khăn để có một ngày thực sự nhẹ nhàng. Nhưng những phút giây nhẹ nhàng thì hình như khi nào cũng có...

Tôi dọn bàn ăn và cả hai chúng tôi cùng ăn hết món khoai rán rất nhanh. Riêng món thịt băm viên thì ăn chưa hết. Tôi cất lại vào tủ lạnh ba miếng thịt to... Lau dọn tất cả và lên giường. Ngày hôm nay chúng tôi lên giường sớm hơn mọi ngày.

“Vậy thày không hỏi em sống thế nào à?” Anh hỏi.

“Có chứ. Nhưng câu chuyện đó rất buồn cười. Em nghiệm ra rằng hình như khi ở khoảng cách quá xa, hay là rất lâu mới gặp lại nhau, mọi người chỉ còn nhớ về nhau như kiểu một tập hợp của các ký hiệu và mã số.”

“Nghĩa là thế nào?”

“Nghĩa là mọi thứ được bẻ vụn ra , phân loại và quy thành mã số. Kiểu như bên cạnh anh đã có một người vợ hay chưa? Các con thế nào? Công việc và sự nghiệp ra sao? ... Thế đấy. Chẳng có gì là hơn nữa. Còn em thì quên hết cả cái mớ mã số ấy. Anh biết không, em cứ tưởng tượng là em sẽ ôm lấy thày giáo cừu. Và sau đó sẽ khóc và kể cho thày nghe tất cả mọi việc đã xảy ra với mình. Hay là em cười như một con nắc nẻ... Tóm lại em định như thế. Gặp lại thày giáo cũ và sẽ chia sẻ mọi thứ em có với thày. Vì với em, thày quý giá biết nhường nào. Đó là người đã từng dạy ngoại ngữ cừu cho em, và cho em tập viết bằng bút chì 2B cừu. Và tất cả phải hết sức chính xác. Chính xác y như những lọn lông cừu xoăn tít trên trán thày. Chính xác y như những cái sừng cừu cong vòng mà mình hay nhìn thấy trong hình ảnh của những cái bánh sừng cừu trong tiệm bán bánh ấy... Nhưng hóa ra lại chẳng phải như thế. Thế là em lại đi về. Và em vừa đi vừa ngắm đôi giày dưới chân mình. Và tự hỏi: ‘Chà, mình làm gì đây nhỉ? Mình đã nghĩ về thấy rất nhiều. Nhưng thày lại chẳng nhớ về mình bao nhiêu cả. Mình cứ tưởng tượng rằng chính thày, chính thày sẽ nhớ về đứa học trò nói tiếng cừu giỏi nhất, phát âm chuẩn xác nhất, luôn mơ mộng về những vở kịch Shakespeare mà thày dạy... Và dường như thày sinh ra để tiếp sức cừu cho mình...’ Thế nhưng không phải. Chẳng phải tí nào. Có lẽ em sẽ chẳng tìm gặp thày giáo cừu nữa đâu.”

“Dù sao thì cũng đặc biệt. Vì giờ đây có ai còn dạy ngoại ngữ cừu nữa đâu. Anh không thấy môn này dạy ở trong trường học cho trẻ con nữa.”

“Dạ, hình như ở trên vùng núi cao, rất cao thì vẫn còn tồn tại một ít thày giáo cừu. Họ đều phải học và ham mê ngoại ngữ cừu từ nhỏ. Tóc đều xoăn tít như lông cừu thế này. Có thể đội mũ. Nhưng điều dễ nhận ra là cái sừng cừu trên đầu họ. Trông y như cái bánh nướng . Em hình như còn tìm thấy cả một tấm ảnh mà một nhà báo nào đó đã chụp được một thày giáo cừu như thế. Ông ta đứng bên này bờ suối, bắc tay làm loa và gọi học trò ở bên kia suối để học tiếng cừu.”

“Nhưng tóm lại, điều quan trọng nhất mà em nhớ về thày giáo cừu của em không phải là ngữ âm cừu hay là ngữ pháp cừu chứ?”

“Không, có lẽ là không. Bởi xét cho cùng thứ ngữ âm cừu và ngữ pháp cừu này cũng na ná như những loại ngữ âm và ngữ pháp khác thôi. Em không bị ngạc nhiên bởi nó. Em chỉ ngạc nhiên bởi điều thày dạy khi đếm cừu.”

“Đếm cừu ở đâu?”

“Thì khi mất ngủ đấy. Thày dạy là khi mất ngủ thì ta cần đếm cừu. Một câu chuyện rất buồn cười. Lẽ ra ta phải trầm tư để đếm cừu cho mỏi cả miệng, mỏi cả đầu và mỏi cả mắt thì một cậu bạn trong lớp em đã ngồi vẽ luôn cả một bức tranh cừu để đếm...”

“Một tranh cừu?”

“Dạ,một tranh vẽ một đàn cừu khổng lồ, đông đúc, con nào con nấy trông đúng là cừu. Chúng đang lao xuống từ đỉnh núi và chạy về phía thung lũng. Cừu đông đến nỗi chẳng thể nhìn thấy được người chăn cừu mà chỉ thấy cái roi của anh ta giơ lên cao. Và những con chó chăn cừu không hiểu sao cũng chẳng thấy rõ, chỉ thấy được cái đuôi có vẻ hung dữ lắm... Và bầy cừu bị nhốt lại trong vòng những bức tường rào... Thế đấy. Cậu ta đã bỏ công sức ra để vẽ toàn bộ bức tranh cừu ấy và sau đó, tô bằng bút chì màu cừu cho từng con cừu... Thật là một tác phẩm công phu... Mục đích chỉ để giúp cho việc đếm cừu.”

“Hình như cậu bạn em bất bình thường?”

“Em không nghĩ nhiều lắm về điều đó. Tất nhiên cậu ấy có vẻ là người thấu cảm mọi chuyện nhiều hơn. Nghĩa là một đứa trẻ con bỗng như là người lớn ấy.”

“Anh không hiểu?”

“Dạ, cậu ấy cảm thấy mọi thứ xung quanh mình hồi đó đều có vẻ bức bối, chật chội, mệt mỏi. Điều mà tất cả mọi người đều chìm ở trong đó, sống thản nhiên trong đó, thản nhiên như những con ruồi... thì lại làm cậu ấy thấy bức bối và chật chội. Vì thế nên cậu ấy chẳng thể nào ngủ được ,và cậu ấy lại thấy thích thú khi không ngủ được. Vì thế nên cậu ấy vẽ bức tranh cừu. Mục tiêu là càng đếm cừu, càng không ngủ được. Cậu ấy bảo như thế còn hơn là phải ngủ chìm đi, lịm đi. Mà xung quanh, khi nào chẳng có người ngủ ngon lành như thế. Mặc dù chẳng cần phải đếm cừu tí nào cũng ngủ được. Còn cậu ta thì đêm nào cũng đếm cừu...”

“Cậu ta sẽ bị nhầm lẫn số cừu và đếm lại thôi. Anh nghĩ thế, vì đàn cừu trong tranh đông thế, và lại khó nhìn thế, và vì khi đó là ban đêm, ta chẳng còn minh mẫn nữa. Vẫn thế thôi, kiểu gì thì cậu ấy cũng sẽ ngủ được vì mệt quá trước trò chơi chán chết ấy...”

“Thế mà cậu ấy chẳng thể ngủ được. Em cũng đã nghĩ giống anh. Nhưng cậu ấy vẫn đếm rất cần mẫn và không ngủ được. Hàng đêm cậu ấy ghi kết quả đếm cừu lên trên bảng đen. Đại loại là thường các con số đếm xê xích một con cừu. Nhưng hình như đêm nào cũng xê xích. Nên rút cục thì chẳng biết số nào là đúng nữa. Còn cậu ta thì nhất định tìm ra số cừu chính xác. Thật là một quyết tâm ghê gớm của một đứa bé mười tuổi. Nhưng mà em cảm thấy phục cậu ấy ghê lắm. Bởi dù sao cậu ấy cũng là người đặc biệt.”

“Cậu ấy muốn là chính mình.”

“Dạ, có thể đúng là như thế. Nhưng rồi chuyện đó chấm dứt. Rất đơn giản. Một ngày, cậu ấy bèn bỏ luôn cái tranh cừu quý báu ấy và đi ngủ như một người bình thường. Đó là khi cậu ấy đang lơ mơ đếm cừu trong trại thiếu nhi thì gặp thày giáo cừu.

Ông ấy bước vào, ngồi im cạnh giường của cậu vốn vừa bé vừa chật, khịt khịt mũi và dán mũi vào tranh cừu. Ông ấy ngồi im như thế rất lâu, lâu ghê lắm. Đến nỗi chính em cũng nghĩ là thày có thể cũng sẽ thích thú trò đếm cừu này rồi. Và như vậy sẽ có hai người đêm đêm gí mũi vào việc đếm cừu và không ngủ... Tuy nhiên, ông lại bật dậy và nói với cậu đếm cừu kia (bọn em đã gọi cậu như thế từ lâu rồi). Thày bảo: ‘Này, hãy nhìn về thảm cỏ tươi non và ngon lành phía bên kia hàng rào của bãi chăn cừu. Đó mới là nơi mà cậu cần nghĩ đến chứ không phải cứ ngồi đếm cừu trong hàng rào...’ Và thày ra về.”

“Thế em có gặp lại cậu bé đếm cừu không?”

“Không, em không gặp lại cậu ấy. Nhưng từ đó trở đi, tất cả lũ trẻ bọn em đều không đếm cừu nữa. Dù là đếm cừu ảo hay thật cũng chẳng cần nữa. Chỉ cần nghĩ đến bãi cỏ xanh non mượt bên ngoài hàng rào. Nơi mà chính ta, như một con cừu đầu tiên sẽ nhảy bổ đến đó,ngay lập tức để chén món cỏ tươi ngon, để chạy nhảy tung tăng như một con cừu, để hít thở bầu không khí của cô đơn và tự do...”

“Chà, khuya rồi, em ngủ đi. Đã đóng cửa chưa nhỉ?”

“Đóng rồi mà. Hàng xóm giờ này đang đóng cửa, nghe thấy tiếng cửa rít ghê quá... Đúng là không nên dùng cửa sắt.

Và chúng tôi ngủ. Anh âu yếm và dịu dàng vuốt ve tôi. Rồi thì chúng tôi ẩn nấp rất sâu ở bên trong nhau. Chúng tôi làm tình kiểu cừu. Hình như kiểu này do chúng tôi tự nghĩ ra. Chẳng có một ai biết. Thật là tuyệt khi chúng tôi có một bí mật như thế. Và, hàng đêm, chúng tôi ngủ sau khi cùng sống trong bí mật riêng tư này...

Giờ thì hãy ngủ đi, hãy ngủ đi... với một giấc mơ về bãi cỏ xanh tươi và non mượt nằm bên ngoài hàng rào của bãi chăn cừu...

 

Sài Gòn, ngày 13-6-2008. Thứ Sáu.

 

 

Cùng một tác giả:

Một con chuột mù loà  (truyện / tuỳ bút) 
Một con chuột mù loà, cứ tưởng mình là chuột, có thể làm hiện hình một thi sĩ đã chết; và một người đàn ông, còn sống, lây lất sau vụ thảm sát, có thể là một hiện thân khác của Lorca, vẫn ngồi im bên những luống cỏ, để nhìn chim trời bay... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021