thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngày 5 tháng Tám 1942 | Phỏng vấn | Bảy chữ | Làm sao phá hỏng trò vui của bọn ăn thịt người
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
JERZY FICOWSKI
(1924~)
 
 
 

Ngày 5 tháng Tám 1942

                   Tưởng niệm Janusz Korczak[*]
 
Ông Lão Bác Sĩ làm gì
trên toa xe lửa chở súc vật
ngày 5 tháng Tám lăn bánh về hướng Treblinka
suốt mấy giờ luân lưu máu chảy
qua con sông nước bẩn của thời gian
 
tôi không biết
 
ông Thợ đóng xe không công kia làm gì
chèo con thuyền không mái
ông có phân phát cho lũ trẻ chỗ còn lại
của một hơi thở hổn hển
chỉ giữ lại cho mình
cái lạnh sau lưng
 
tôi không biết
 
ông có nói dối chúng chẳng hạn
bằng những liều lượng
gây mê nhỏ
ông có xịt lên những cái đầu bé tí đầy mồ hôi
những con chí hung dữ sợ hãi
 
tôi không biết
 
và tiếp theo và sau đó và nơi ấy
ở Treblinka
cái sợ và những giọt nước mắt của chúng
quay lại chống ông
ôi chẳng phải chỉ còn là
vài khoảnh khắc mà là cả một đời người
thế có phải là nhiều
có phải là ít
tôi không ở đó
tôi chẳng biết gì
 
đột nhiên ông Lão Bác Sĩ nhìn thấy
lũ trẻ giờ đã biến thành già như ông
mỗi lúc một già hơn
như vậy chúng có lẽ đã theo kịp
màu xám của tóc ông
cái xám của tro than
 
và khi một cai tù hay
một tên SS đánh ông
chúng thấy ông Bác Sĩ
trở thành một đứa bé như chúng
mỗi lúc một bé hơn
cho đến khi không là gì nữa
 
từ đó cả lũ trẻ lẫn ông Lão Bác Sĩ
chẳng ai để lại dấu vết ở đâu nữa
 
cái ấy tôi biết
 
 
 

Phỏng vấn

 
Những phương tiện truyền đạt của mi là gì?
         Tôi có tiếng nói riêng của mình
         do giọt sương chuyển đi
Tiếng nói của mi chạy với tốc độ âm thanh?
         Không. Tốc độ là tốc độ của tiếng nói
         hay nói đúng là tự do của tiếng nói
         Đôi khi sau nhiều thế hệ
         rốt cuộc người ta nghe được
Nhưng rồi thế nào người ta cũng nghe được
         Điều này tôi không chắc
 
 
 

Bảy chữ

 
“Mẹ ơi! Con vẫn ngoan mà! Nhưng trời tối quá!” –
lời của một em bé bị nhốt trong một căn phòng hơi ngạt ở Belzec năm 1942,
theo lời kể của người tù duy nhất còn sống sót;
trích dẫn trong cuốn Belzec [**] của Rudolf Reder (1946).
 
Mọi thứ đều đã được đưa ra sử dụng
ai nấy đều bỏ mạng nhưng chẳng có gì mất
cả một núi tóc trên đầu rơi xuống
cho một nhà máy làm nệm Hambourg
những chiếc răng vàng bị nhổ
lấy cái chết làm thuốc gây mê
 
Mọi thứ đều đã được đưa ra sử dụng
ngay cả tiếng nói kia cũng được đem dùng
vào chuyện buôn lậu từ nơi đáy sâu của một ký ức khác
như thứ vôi không tôi được bằng nước mắt
 
đôi khi Belzec mở ra ngay đến tận xương
và từ nơi đây bật ra những bóng tối muôn thuở
làm sao chận đứng được dòng máu chảy này
 
và câu nói phản kháng của một em bé từng bị từng bị
ký ức nhạt dần
không phải vì kinh hãi
nhưng cứ thế nó nhạt dần từ ba mươi năm nay
 
Và hàng triệu sự im lặng cứ thế im lặng
vỡ tiếng thành một ký hiệu có bảy số
Và chỗ để trống đang réo gọi đang réo gọi
 
Các người không sợ ta
bởi vì ta nhỏ bởi vì ta không còn hiện hữu nơi đây
xin chớ phủ nhận ta
hãy trả lại cho ta ký ức của ta
những lời hậu nhân loại ấy[***]
chỉ bảy chữ ấy mà thôi
 
 
 

Làm sao phá hỏng trò vui của bọn ăn thịt người

 
Đã từ lâu tôi từng
tự hỏi làm cách nào để phá hỏng
trò vui của bọn ăn thịt người
 
chờ đến lúc chính chúng
tự nấu chín
dưới cái nắp vung vàng óng của mặt trời
có điều nấu chín thì chỉ làm
chúng rắn chắc hơn
 
đừng để chúng
ăn thịt bạn
kế hoạch lập ra không có khoản thức ăn tinh thần
và không thực tế lắm
một khi
chúng đã đưa được bạn tới
đầu lưỡi
 
ăn chúng
thì thật là vô vị
 
mà có lẽ
đuổi chúng ra khỏi con người
cũng quá thô lỗ
 
thế là chúng chễm chệ
nơi những chốn rừng rú êm ái của chúng
cái bụng vỡ tung vì đầy
mạng người
 
 
_________________________

[*]Janusz Korczak [bút danh của Bác sĩ Henri Goldszmidt] là một nhà tâm lý học và nhà giáo dục danh tiếng, cũng là một nhà văn lớn người Ba Lan, từng triển khai một hoạt động không biết mệt mỏi hỗ trợ cho thế giới thiếu nhi – cho đến lúc hi sinh mạng sống của mình. Trường Mồ côi Do-thái ông điều hành ở Varsovie năm 1940 bị đội quân chiếm đóng nazi buộc chuyển về khu ổ chuột.phía Treblinka. Bác sĩ Korczak theo chân hai trăm học trò của mình và tiếp tục chăm sóc các em, trong những điều kiện cực kỳ khó khăn. Được đề nghị cho định cư ở một nơi an toàn, ông quyết liệt từ chối, và đã di chuyển cùng các em [ngày 5 tháng Tám 1942] trên toa xe lửa dành chở súc vật về trại tử thần Treblinka.

 
 

[**]Belzec – một thành phố nhỏ ở phía đông nam Ba Lan: nơi các tù nhân ngồi chờ đưa vào phòng hơi ngạt.

[***]Trong bản tiếng Pháp của Jacques Burko [Tout ce que je ne sais pas, (Buchet/Chastel, 2005)] khổ thơ cuối này có bảy dòng: dòng thiếu trong bản tiếng Anh, đi trước “những lời hậu nhân loại ấy”, là “những lời hậu Do-thái ấy”. Chú thích của người dịch.

 
 
-------------------
“Ngày 5 tháng Tám 1942” và “Phỏng vấn” dịch từ bản tiếng Pháp “Le 5 Août 1942” và “L’Interview” của Lucienne Rey trong Rebelles et rêveurs – Quatorze poètes polonais contemporains (Tủ sách “La peau des mots” Nxb. La pensée sauvage, 1980). “Từ “Bảy chữ” dịch từ bản tiếng Anh “Seven words” của Keith Bosley và Krystyna Wandycz trong Anthology of Polish Poetry (Fulbright-Hays Summer Seminars Abroad Program, 1998, Center for International Education, Washington, DC). “Làm sao phá hỏng trò vui của bọn ăn thịt người” dịch từ bản tiếng Anh “How to Spoil Cannibals’ Fun” trong Spoiling Cannibals’ Fun - Polish Poetry of The Last Two Decades of Communist Rule, do Stanislaw Baranczak và Clare Cavanagh biên tập và dịch (Northwestern University Press, 1991).
 
 
------------
Đã đăng:
 
... báo chí từ đấy / tăng số lượng phát hành / chăm chỉ dùng vào việc / che đậy cái sự thật / đang nằm ngửa cho người ta đánh... | mẹ chúng ta / những con người muôn đời vẫn thế / mãi mãi hiện diện / lúc nào cũng một tư thế bất động / trong những khung cửa sổ / trán tựa vào những ô kính / tai lắng nghe chốn vắng bóng mình... | Cô bé chẳng có gì / ngoài đôi mắt có sức hoàn toàn / tình cờ làm hiện lên ngay trong nó / hai ngôi sao David / một giọt nước mắt có lẽ đã đẩy ra ngoài... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Đá trên đường đi không buông lời rên rỉ, / không khí trơn nhẵn không vỡ vụn / gió chẳng thở than. // Và những nơi rễ thông ăn mòn / Ta không nghe cất tiếng bằng lời nói / Chẳng bằng tiếng lá cũng chẳng bằng bãi cát... | những đứa cháu của tôi / mang giày trượt / (thời tôi là những cái đế có bánh lăn) / đã đi xa / về một tương lai không là tương lai của tôi... | Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện / trước khi nó xuất hiện lọc mất dấu vết chúng ta / và như thế rửa sạch cả sỏi cát... | ... anh chưa muốn nghỉ ngơi / anh khinh bỉ chán ghét / sự im lặng chết người của sỏi đá // gánh nặng quê hương chúng ta / với anh không phải nhẹ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Thế hệ tôi / đã bị bắn bỏ từ tuổi thanh xuân / đôi khi người ta bắt gặp / một vài hàng mẫu hiếm hoi / như tôi đây, chẳng hạn // Người ta có thể nhận ra chúng tôi / do chỗ chúng tôi ai cũng rình nghe loạt súng / sẽ bắn gục mình / bắn có phần hơi trễ... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Em hãy nhắm mắt lại – đừng ngủ – em sẽ chẳng ngủ / chút nào đâu / đêm ru em mãi tận sự mất ngủ – / hãy nhắm mắt lại – làn gió đêm chạy xuyên qua... | ... hỡi bài ca xưa / trước khi ta đi vào giấc ngủ / hãy ru ta nữa đi... | Từ giấc ngủ của ta / từ sâu thẳm giấc ngủ của ta / đêm bùng vỡ / tất cả những gì bên trong ta / đều giấu ta... | Tôi cứ bắt gặp hoài những tên Thomas / chung thuỷ / với cái ngu cố định của mình... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Sáu bài thơ của Jerzy Ficowski (1924-) nhà thơ, tiểu thuyết gia, dịch giả Ba Lan. Tôi sẽ kể bạn nghe một chuyện xưa, một câu chuyện / trước khi nó trồi lên sạch / với sạn sỏi của con người chúng ta / được lấy ra cẩn thận / như xương loài thằn lằn bay / bên dưới sa mạc gobi... [Bản dịch của Lê Đình Nhất-Lang]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021