thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Phỏng vấn Hara Tamiki (1950)
 
Bản dịch của Phan Quỳnh Trâm
 
 
 
ANN CARSON
(1950~)
 
Sinh ở Toronto, Canada ngày 21 tháng 6, 1950, Anne Carson là một nhà thơ,nhà tiểu luận, dịch giả và một giáo sư về văn học cổ điển nổi tiếng từng dạy học ở những đại học lớn nhất thế giới, từ University of Michigan đến University of California (Berkeley) và Princeton University. Bà thông thạo tiếng Latin và tiếng Hy Lạp, có vốn hiểu biết sâu sắc về văn học cổ điển La-Hy. Chính kiến thức uyên bác ấy làm cho thơ bà có chiều sâu lịch sử và văn hoá hiếm thấy trong nền thơ đương đại. Bên cạnh đó, bà lại có óc sáng tạo mạnh mẽ nên dù chuyên nghiên cứu về cổ học và ứng dụng nhiều kiến thức cổ học vào sáng tác, thơ của bà cũng rất mới mẻ, được xem là một trong những nhà thơ đặc sắc nhất hiện nay.
 
Sau bài thơ dài “Kinds of Water” làm bà nổi tiếng thế giới vào năm 1987, Anne Carson xuất bản khá nhiều, tổng cộng hơn 15 cuốn sách, bao gồm từ thơ đến truyện và truyện thơ, tiểu luận phê bình và dịch thuật. Trong số đó, được chú ý nhất là các tập: Glass, Irony and God (New Directions, 1995), Plainwater: Essays and Poetry (Knopf, 1996); Autobiography of Red (Knopf, 1998), The Beauty of the Husband: A Fictional Essay in 29 Tangos (Knopf, 2001), Decreation: Poetry, Essays, Operas (2005), và đặc biệt tác phẩm mới nhất, NOX (New Directions, 2010). Với những tác phẩm ấy, bà nhận được nhiều giải thưởng văn học quan trọng ở Mỹ cũng như ở Canada. Một số nhà phê bình đã nhận định rằng thơ bà đầy tính sáng tạo, đầy hình ảnh và độc đáo một cách hiếm có. Thậm chí có người cho bà là nhà thơ thú vị nhất trong thế giới viết tiếng Anh hiện nay.
 
Carson viết nhiều đề tài tình yêu, dục tính, đặc biệt về những người đồng tính hoặc chuyển giới. Trong cuộc phỏng vấn đăng trên tờ The Paris Review số 171 ra vào mùa thu năm 2004, Carson tự thú nhận là chưa bao giờ bà cảm thấy bà hoàn toàn là phụ nữ, hơn nữa, chưa bao giờ bà từ đặt mình vào vị trí của nữ giới.
 
Bà cũng viết nhiều bài thơ mang tính chất triết lý về đời người, chẳng hạn như bài “Phỏng vấn Hara Tamiki (1950)” dưới đây.
 
Phan Quỳnh Trâm
 
 

Phỏng vấn Hara Tamiki (1950)[*]

 
Tôi: Cái chết.
HT: Cái chết khiến tôi trưởng thành.
Tôi: Tình yêu.
HT: Tình yêu khiến tôi chịu đựng.
Tôi: Sự điên rồ.
HT: Sự điên rồ làm tôi đau khổ.
Tôi: Đam mê.
HT: Đam mê làm tôi hoang mang
Tôi: Sự cân bằng.
HT: Sự cân bằng là nữ thần của tôi.
Tôi:Những giấc mơ.
HT: Những giấc mơ là mọi thứ ngay lúc này.
Tôi: Những vị thần.
HT: Những vị thần khiến tôi im lặng.
Tôi: Những công chức.
HT: Những công chức làm tôi buồn.
Tôi: Nước mắt.
HT: Nước mắt là chị em của tôi.
Tôi: Tiếng cười.
HT: Giá mà tôi có được một tiếng cười tuyệt diệu.
Tôi: Chiến tranh.
HT: Chao ôi, chiến tranh.
Tôi: Nhân loại.
HT: Nhân loại là thuỷ tinh.
Tôi: Tại sao không đi theo con đường ngắn hơn về nhà.
HT: Không có đường nào ngắn hơn về nhà cả.
 
 
_________________________
Chú thích của người dịch:

[*]Hara Tamiki, tiểu thuyết gia Nhật Bản (1905-1951) và là nạn nhân sống sót sau vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima vào năm 1945. Ông đã kể lại kinh nghiệm hãi hùng của mình về bom nguyên tử trong những tác phẩm như Summer FlowersRequiem (1949) và làm nhiều bài thơ khác với cùng một chủ đề. Ông tự sát vào năm 1951.

 
 
------------------
Dịch từ nguyên tác “Interview with Hara Tamiki (1950)” của Anne Carson, trong Men In The Off Hours (New York: Vintage Contemporaries, 2000), 46.
 
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021