thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Sẽ tới thời | Buổi chiều cuối cùng | Con đường mưa | Nỗi sầu em | Kinh cầu hồn cho Maïakowski
Bản dịch Diễm Châu
 
 
ISMAÏL KADARÉ
(1936~)
 
 

SẼ TỚI THỜI

 
Sẽ tới thời
chúng ta sống mà không còn thấy nhau, không bao giờ nữa.
Tôi, tôi sẽ quên người con gái phương Bắc,
Và em, kẻ lạ xa đến từ vùng Ba-nhĩ-cán xa xăm,
Hệt như những đợt sóng quên đi tảng đá núi, lúc này đã mòn,
Để tìm kiếm những mép bờ khác với đường viền phớt xanh.
 
Chỉ còn, mỗi lúc một xa,
Trên những làn nước lấp lánh,
Nhảy múa như một phản ánh
Hình ảnh của tảng đá núi mà chúng đã ngấu nghiến.
 
                                                      Mạc-tư-khoa, 1959
 
 

BUỔI CHIỀU CUỐI CÙNG

 
Tấm vé máy bay trong túi.
Ngày mai ngày lên đường.
Và chuyến đi này, tình ơi, là đi không trở lại.
Cho tới cánh cửa sắt của thang máy
Tôi đã tiễn em, một lần chót, làm sao
Hy vọng gặp lại nhau một ngày nào đó?
Chúng ta đã ôm hôn nhau.
Môi em lạnh tựa kim khí.
Thôi nào, tôi nói với em vĩnh biệt!
Chiếc lồng thang máy, lên trời cao, đưa em vào bóng tối.
 
                                                         Mạc-tư-khoa, 1960
 
 

CON ĐƯỜNG MƯA

 
Mi chăm chú nhìn con đường mưa thấm ướt,
Lối mòn mùa Thu.
Từ nay, trong đời mi, ngự trị
Sự yên hàn, lặng lẽ.
 
Nơi những lằn vết thời gian, mà nước đã lấp đầy,
Lóc bóc những giọt nhỏ.
Ký ức vươn rộng những vòng tròn, liên tục,
rồi khép lại.
 
Từ từng người một, đắm đuối, mà bàn tay cầu cứu,
Chỉ còn lại những niềm hạnh phúc xưa.
Mi nhìn ngắm chúng bằng đôi mắt câm nín,
Vắng xa,
Và khẽ thốt những lời âm thầm này:
Các ngươi cứ việc chìm đắm, bởi không còn phương cứu chữa.
 
Làm sao cuộc đời lại có thể xoay vần như thế?
Ai đã từng nghĩ
Rằng một ngày kia chuyện ấy sẽ tới,
Rằng mi sẽ có đó, để nhìn qua khung cửa sổ
Khi đắm chìm những khắc giờ xanh của thanh xuân.
 
                                     Përse mendohen këto male (Giấc mộng của núi), Tirana, 1961
 
 

NỖI SẦU EM*

 
Một vài giọt mưa đập vào kính cửa,
Và đột nhiên, tôi cảm thấy mình quá nhớ em.
Cả hai ta ở cùng một thành phố,
Mà gặp nhau thì quá ít, quá ít.
 
Và tôi như thể ngạc nhiên
Vì mùa Thu tới sáng nay.
Không môt cánh cò nào trên bầu trời xám
Một nền mưa không bóng cầu vồng.
 
Và tôi không hiểu vì đâu
Tôi lại nhớ tới những lời này của Héraclite:
Kẻ canh chừng tiến lại gần kẻ kia,
Kẻ thiu thiu ngủ xa dần.
 
Ôi cơn mộng dữ nào khiến ta thiếp ngủ
Khiến cho không gì lôi kéo nổi ta ra khỏi giấc hôn miên?
Một vài giọt mưa đập vào kính cửa,
Và đột nhiên, tôi cảm thấy mình quá nhớ em.
 
                                          Koha (Những dấu hiệu thời đại), 1976
 
------------------------------
* Bài này theo Claude Durand, tựa là «Xa vắng» và có một vài khác biệt nhỏ. (ND.)
 
 

KINH CẦU HỒN CHO MAΪAKOWSKI

 
Trước kia tôi có ngồi vào bàn của bọn sát nhân
trong datcha mùa hè của các nhà văn
ở Douboulti, ở Yalta.
Lúc bấy giờ họ bình luận về đường lối hiện thực xã hội chủ nghĩa mà cười vang,
Trong lúc máu ông hãy còn bắn tung tóe vào
những cánh cửa xe hơi chức vụ của họ,
mặt trái tấm áo vét,
những chiếc ghế hàn lâm của họ,
vàng của họ
và cả đến khuôn mặt đỏ thẫm của Iermilov, nhà phê bình.
 
Bình luận về hiện thực xã hội chủ nghĩa họ đưa tay vỗ lên bụng,
đập vào những diễn đàn chăng vải đỏ thắm,
dưới biểu hiệu in hình ngôi sao ở chính giữa,
trong lúc nằm sóng sượt dưới đất mùn,
ông lần lượt phải chịu tiết đông giá hãi hùng của mùa đông nước Nga
và thời băng tan tháng Tư.
 
Những liên minh tăm tối phủ tấm áo xã hội chủ nghĩa,
những lưỡi dao thứ nhì của giới phê bình, bọn hãnh tiến
và tính toán, hết thảy đều xung kích,
gầm lên cái điệp khúc muôn đời của bọn hụt hẫng và xuẩn ngốc:
               «Tất cả những gì vĩ đại
               phải trở lại hàng ngũ.
               Tất cả những gì vượt qua,
                      là ta đập!»
 
Nhưng này đây, quảng trường Maïakowski, pho tượng đồng của ông.
Đứng thẳng, ông buồn rầu dò xét
những năm sắp tới.
Ở bên kia bầy sát nhân quá quen biết
ông thấy đùn lên ở chân trời
những đám mây đen tối,
sự tầm thường thống trị không chia xẻ,
một mùa-chết mới.
 
                                          1975
 
 
---------------------
Ghi chú về tác giả:
 
ISMAÏL KADARÉ là một nhà văn An-ba-ni, năm nay 69 tuổi, hiện cư ngụ tại Paris, nơi ông tỵ nạn chính trị từ những năm 1990. Nổi tiếng như một nhà văn lớn của Đông Âu với tác phẩm Ông tướng của Đạo binh chết, được dịch lần đầu qua tiếng Pháp. Chính tác phẩm này về An-ba-ni đã khiến cho Ismaïl Kadaré có thể sống «bằng ngòi viết». Tác phẩm này cũng như vô số những tác phẩm tiểu thuyết của ông (đã được dịch ra khoảng 40 thứ tiếng) đem lại cho tác giả danh tiếng lẫy lừng như một nhà văn vĩ đại của thế giới. Tháng 6 năm nay người ta loan báo Ismaïl Kadaré đã đoạt «Man Booker International Prize 2005» được trao tặng lần đầu tiên ở Tô-cách-lan (Scotland), sau khi vượt qua các nhà văn tên tuổi trên thế giới: Philip Roth, John Updike, Doris Lessing, Ian McEwan, Muriel Spark, và.. Gabriel García Marquez. Giải thưởng này trị giá £60,000, được trao tặng cho Ismaïl Kadaré vào cuối tháng Bảy năm nay (2005) ở Tô-cách-lan.
 
Ismaïl Kadaré không nguyên viết tiểu thuyết, ông còn là một cây viết tiểu luận sáng chói và là một nhà thơ. Nhân dịp ông đoạt vinh dự lớn, tôi sưu tập một vài bài thơ của ông để đặc biệt cống hiến bạn đọc yêu thơ của Tiền vệ.
 
Các bài đầu trích dịch theo Anthologie de la Poésie albanaise của Giáo sư Alexandre Zotos; bài sau cùng, theo Ismaïl Kadaré, Poèmes (1958-1988), bản dịch Pháp văn của Claude Durand, Poésie Fayard, 1989.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021