thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ba bài thơ
Bản dịch của Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Đăng Thường, và Hoàng Ngọc-Tuấn
 
Lawrence Ferlinghetti (nhà thơ, dịch giả, nhà văn, kịch tác gia, hoạ sĩ, và phê bình gia) sinh ở Yonkers năm 1919. Lúc chưa đầy một tuổi, ông đã bị đưa vào một trại mồ côi ở New York vì thân phụ ông qua đời và thân mẫu bị mất trí. Sau đó, Emily Monsanto, một thân nhân bên ngoại, đã đem Ferlinghetti về nuôi và mang ông sang Pháp từ năm 1920 đến 1924. Thế rồi Emily Monsanto cũng bị điên, nên ông được một gia đình tên là Lawrence đem về nuôi, và có lẽ vì thế nên sau này ông lấy tên là Lawrence. Sau khi tốt nghiệp đại học North Carolina, ông gia nhập hải quân Hoa Kỳ trong Đệ Nhị Thế Chiến và giữ chức vụ thuyền trưởng. Năm 1947, ông đậu thạc sĩ văn chương tại đại học Columbia, và năm 1950 ông đậu tiến sĩ văn chương tại đại học Paris (Sorbonne). Từ 1951 đến 1953, ông về cư trú tại San Francisco, dạy tiếng Pháp, vẽ, và viết tiểu luận phê bình nghệ thuật. Năm 1953, cùng Peter D. Martin, ông thành lập thư quán City Lights (mượn tên từ một cuốn phim lừng danh của Charlie Chaplin) — nơi chuyên bán sách bìa giấy đầu tiên ở Hoa Kỳ — và, vào năm 1955, ông mở thêm nhà xuất bản City Lights.
      Suốt nửa thế kỷ qua, thư quán và nhà xuất bản City Lights là tụ điểm của các nhà thơ, nhà văn, nghệ sĩ và giới trí thức khai phá của Hoa Kỳ. Đó là nơi đã cho ra đời những tác phẩm lẫy lừng và gây chấn động. Chẳng hạn, năm 1956, Ferlinghetti đã xuất bản tập thơ Howl của Allen Ginsberg, và bị bắt giam về tội truyền bá tác phẩm ô uế, tục tĩu. Sự việc đã biến thành một vụ án nổi tiếng trong lịch sử văn học Hoa Kỳ. Cuối cùng, được sự ủng hộ mạnh mẽ của rất nhiều nhân vật lớn trong giới văn chương và hàn lâm trên toàn quốc, Ferlinghetti đã được tha bổng. Vụ án này đã tạo nên một tiền lệ pháp lý cho việc xuất bản những tác phẩm gây tranh cãi về "đạo đức" nhưng lại đem đến những thay đổi quan trọng cho nghệ thuật và xã hội.
      Ferlinghetti đã viết rất nhiều sách. Trong số đó, tập thơ A Coney Island of the Mind (1958) đã được tiêu thụ trên một triệu ấn bản và được dịch ra chín ngoại ngữ. Những thi phẩm nổi danh khác của ông là Pictures of the Gone World (1955), The Secret Meaning of Things (1969), Open Eye, Open Heart (1973), Landscapes of Living and Dying (1979), Endless Life: Selected Poems (1981), và Over All the Obscene Boundaries: European Poems and Transitions (1984). Song song với thơ, ông viết hai cuốn tiểu thuyết, Her (1960) và Love in the Days of Rage (1988), và dịch thơ Jacques Prévert và Pier Paulo Pasolini. Ở tuổi tám mươi, ông vẫn viết đều đặn, và những tác phẩm gần đây nhất là A Far Rockaway of the Heart (1997), How to Paint Sunlight (2001), và Americus Book I (2004).
      Allen Ginsberg nhận định rằng phong cách thơ của Ferlinghetti là sự kết hợp giữa thơ tự do của Pháp (với ảnh hưởng đến từ Prévert, Cendrars và một vài thi sĩ khác) và mỹ học thi ca đương đại Hoa Kỳ. Thật vậy, chính Ferlighetti đã cho biết rằng ông đã sáng tác nhiều bài thơ lúc tưởng tượng đến một nền nhạc jazz đệm theo, và do đó những bài thơ ấy để đọc và nghe, thay vì để xem bằng mắt trên trang giấy in.
      Như một hoạ sĩ, tác phẩm của Ferlinghetti đã được triển lãm tại rất nhiều phòng tranh nổi tiếng trên thế giới, từ Butler Museum of American Painting đến Il Palazzo delle Esposizioni tại Rome. Hiện nay, tranh của ông vẫn thường được treo tại George Krevsky Gallery, San Francisco.
      Ngoài Hoa Kỳ, hoạt động nghệ thuật của Ferlinghetti đặc biệt năng động ở Ý. Ông đã đi khắp nước Ý, đọc thơ tại Roma, Napoli, Bologna, Firenze, Milano, Verona, Brescia, Cagliari, Torino, Venezia, và Sicilia. Ông đoạt giải Premio Taormino năm 1973, và sau đó là những giải thưởng lớn khác như Premio Camaiore, Premio Flaiano, và Premio Cavour.
      Tại Hoa Kỳ, ông đoạt rất nhiều giải thưởng, đáng kể nhất là các giải: Los Angeles Times’ Robert Kirsch Award; BABRA Award for Lifetime Achievement; National Book Critics Circle Ivan Sandrof Award for Contribution to American Arts and Letters; American Civil Liberties Union’s Earl Warren Civil Liberties Award. Năm 1998, Ferlinghetti đoạt danh hiệu San Francisco’s Poet Laureate. Năm 2003, ông nhận huy chương Robert Frost Memorial Medal, cùng với giải thưởng Author’s Guild Lifetime Achievement Award, và được bầu làm viện sĩ Viện Hàn Lâm Nghệ Thuật và Văn Chương Hoa Kỳ.     (HN-T soạn)
 
 
LAWRENCE FERLINGHETTI
(1919~)
 
 

[Ở Vườn Golden Gate hôm ấy...]

                                    Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
Ở Vườn Golden Gate hôm ấy
                                    một người đàn ông và vợ xuất hiện
            qua bãi cỏ mênh mông
                                    là bãi cỏ của thế giới
Ông mang dải đeo quần màu xanh
                                    và cầm một ống sáo cũ mòn nhẵn
                                                                                  một bên tay
trong khi bà vợ nắm một chùm nho
                                    đem phân phát ra
                                                                   cho lũ sóc đủ loại
                                                từng con từng con
                                                                     như mỗi trái nho
                                                            là một chuyện đùa nhỏ
 
Và rồi cả hai người họ hiện ra
                                                qua bãi cỏ mênh mông
vốn vẫn là bãi cỏ của thế giới
                                                và rồi
            đúng ngay cái nơi yên tĩnh cây cối mơ mộng
        và dường như suốt bao lâu vẫn đang chờ đợi
                                                                                  hai người
            họ cùng ngồi xuống trên cỏ
                                                hai người không nhìn nhau
                họ ăn cam
                                hai người không nhìn nhau
                                                            và vứt hết vỏ cam
                trong một cái giỏ dường như họ
                                                đem theo để dùng đựng vỏ cam
                        hai người không nhìn nhau
 
Và bấy giờ
            ông cởi bỏ cái áo sơ mi và áo mặc trong
nhưng vẫn đội nón
                              đội nghiêng
                                                và vẫn im lặng không nói gì
            ông ngủ quên dưới mũ
                                                Và vợ ông cứ ngồi ở đấy nhìn
những con chim bay thoải mái
      cất tiếng gọi nhau
                             trong không gian yên tĩnh
            tựa như chúng đang chất vấn sự hiện hữu
                        hay tìm cách gợi lại một cái gì đã quên mất
 
Thế nhưng rốt cuộc
                        bà cũng nằm dài xuống
                                                        và chỉ nằm như thế nhìn lên
                                                                        không nhìn gì cả
            những ngón tay bà bấm trên ống sáo cũ
                                                                        không ai thổi
                  và rốt cuộc bà nhìn
vào ông
               không một biểu hiện đặc biệt
                                       trừ một vẻ ít nhiều khó chịu
                    vẻ trầm cảm ghê gớm
                                                                                          (1958)
 
----------------------------
Nguyên tác: "[In Golden Gate Park that day]", trong A Coney Island of the Mind (New York: New Directions, 1958).
 
 

Thảy đã sáng tỏ

                                    Bản dịch Nguyễn Đăng Thường
 
Tí siêu thực cũ hôm nay
khi đèn lưu thông bật đỏ ở La Jolla [1]
Lotte Lehmann [2]
ca tiếng Đức 1919
trong đài radio xe
nghe như khúc phim thời sự cũ
giọng một nàng valkyrie [3] chết chìm
Một Hiệp Sĩ Xanh bỗng xuất hiện & đèn đổi màu
sang ngày mai trên cỏ xanh lam
của chiếc sân sau nhà Reinhard Lettau [4]
đang lắng nghe Marlene Dietrich [5] rên rỉ
"Johnny ơi" nàng ca giọng Đức khàn khói
"Johnny ơi khi tới ngày sinh nhật anh
em sẽ là khách trọn đêm của anh
Johnny ơi em yêu anh quá trời
ước chi anh có lễ sinh nhật mỗi ngày
Một chiều nào anh tới thăm em vào lúc
bốn giờ rưỡi nhé anh?"
Nàng hát và tôi lại máy điện thoại
gọi đứa em gái cùng cha khác mẹ
Dù chẳng khắng khít
chúng tôi cũng hẹn nhau
ăn trưa
và bài ca chấm dứt
trong một hầm rượu Berlin
Reinhard trong cặp mắt kính kiểu Sartre
và Véronique con gà Bá Linh của nó
với hai quầng mắt thâm đen
và phù hiệu Mao
chúng tôi đến một tiệm hải sản
gần sân bay
để đớp
Em gái gọi món Cá Xanh
và sau vài câu bàn cãi qua lại
người ta mang đến mấy cái Tô Hải Dương trông tựa
bồn cá chết đông lạnh
đựng mực tôm sò
dính cứng không thể cựa quậy
          trong xốt mayonnaise
Nhưng chúng tôi cũng xơi ngon lành cùng với những
          mẩu chuyện về Voznesenski
          về Siberia đông đặc
          Check Point Charlie
          và Berlin Hilton
Bà già con em gái tôi
          cũng có tới
          từ một chốn rất xa xôi
          như một tảng băng sơn trắng đẹp
          ngắm nghía từ mũi tàu tuy gần mà
          thật xa
Rồi chúng tôi thay đổi câu chuyện bất thình lình
vì ý thức rằng nó đã
         chìm
và kết cuộc còn mơ hồ
(thật ra bà ấy hiện đáp một chuyến tàu tham quan các vùng
Biển Nam đang tiến về phía chúng tôi và sắp cặp bến)
Chúng tôi ra phi cảng
nơi một mình tôi cất cánh
về San Francisco
qua một thành phố khác
tôi rất muốn quên tên
Trên tầng không lơ lửng vắng những phiến băng sơn
và những Blue Angels
Đây là đâu
và đâu là hàm nghĩa của bài thơ này?
Ngày qua ngày tin tức càng siêu thực
Một nữ thần lạnh lùng váy ngắn
tới bấm vé
và chỉnh lại chỗ ngồi hộ tôi
                                                                   1 Mar 68
 
----------------------------
Nguyên tác: "All Too Clear" trong tập The Secret Meaning of Things ((New York: New Directions, 1968).
 
Chú thích của người dịch:
1. La Jolla, phố cảng thần tiên ở San Diego, California.
2. Lotte Lehmann, nữ ca sĩ opêra giọng kim (soprano) sinh ngày 22.2.1888 tại Perleberg một tỉnh lẻ gần Berlin (Đức) và mất ngày 26.8.1976 ở Santa Barbara, California (Mỹ).
3. Valkyrie hay walkyrie: đoàn nữ thần chiến tranh của huyền thoại Bắc Âu (Scandinavie) và trong Ring des Nibelungen gồm bốn đại ca kịch (Das Rheingold, Die Walkure, SiegfriedGotterdamerung) của Richard Wagner (1813-1883)
4. Reinhard Lettau (1929-1996), nhà văn kiêm giáo sư văn chương gốc Đức đã di tản sang Mỹ, tác giả kịch bản Breakfast in Miami.
5. Marlene Dietrich (1901-1992) minh tinh điện ảnh Hollywood gốc Đức nổi tiếng với cuốn phim Blue Angel (Thiên thần xanh) của đạo diễn gốc Đức Josef von Sterberg.
 
 

Những bông súng rùng mình của Monet

                                    Bản dịch Hoàng Ngọc-Tuấn
 
"Nymphéas" (Những Bông Súng)
trong loạt tranh Claude Monet vẽ bên cầu Giverny những năm 1914-17,
hiện được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Marmottan, Paris.
 
Monet chẳng bao giờ biết
                           ông đã vẽ những "Bông Súng'"cho
                   một phụ nữ của Học Viện Mỹ Thuật Chicago
                      người đã đến Pháp và quay hình
                           những bông súng hôm nay
                             bên 'Cầu Giverny'
                                      một chiếc lá nổi bềnh bồng ở giữa
          cuốn phim ấy bây giờ bị nhấp nháy
                ở đoạn dẫn vào những góc nhìn được lộng khung của ông
                     với nhạc dương cầm Debussy làm nền
    ngập ngụa trong một luồng tinh quang (tinh hoa?)* mới mẻ
         những căn phòng và những căn phòng
                                            đầy bông súng
 
Monet đã bắt được một đám Mây trong một cái Hồ
                                                                     năm 1903
      và lần đầu thoáng thấy
                                  những bông súng ở đó
   và suốt hai mươi năm ông cứ trở lại
        trở lại rồi trở lại để vẽ chúng
                khiến giờ đây ta có ấn tượng
                   rằng ông đã trôi qua cuộc sống trên những bông súng
                                         và những phản ảnh của chúng trên mặt nước
 
     những điều mà ông cũng đã chẳng ngờ rằng
               ta sẽ có dịp
                        suy tưởng về chúng
 
 
Cũng như ông đã chẳng thế biết
       rằng John Cage sẽ chơi một
             "Chiếc Trung Hồ Cầm với Hệ Thống Điện Tử Điều Khiển bởi Giai Điệu"
                        đêm nay tại Viện Đại Học Chicago
 
Và làm những Bông Súng rùng mình và ứa ra
                                                                 ánh sáng đen
 
                                                              1976
 
-----------------------------
Nguyên tác: "Monet's Lilies Shuddering", trong tập thơ Why Are We Now? (1976), in lại trong tập thơ Wild Dreams of a New Beginning (New York: New Directions Publishing Corporation, 1988), 53.
 
Chú thích của người dịch:
* Trong nguyên tác là "fluorescence (fleur-essence?)". Ferlinghetti đã chơi chữ, và làm ra vẻ lưỡng lự giữa chữ "fluorescence" (ánh đèn néon) và chữ "fleur-essence" (tinh chất của hoa).

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021