thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Một lời cầu xin sẽ được đáp lại | Ngày trở về của Gióp | Những đồ quấn quanh người trong vũ trụ | Chiếc chìa khoá | Cho đi
Bản dịch Diễm Châu
 
 
ANNA KAMIEŃSKA
(1920-1986)
(chân dung Anna Kamieńska thời trẻ,
do Pawła Śpiewaka lưu trữ, và Igor Morye phục chế)
 
Nữ sĩ Anna Kamieńska (1920-1986) sinh tại Krasnystaw (phía đông Ba-lan). Nguyên được đào tạo để trở thành nhà giáo, bà đã theo học nhiều khóa văn chương tại đại học (bí mật) Varsovie trong những năm 40. Sau Thế chiến II, đã giảng dậy văn chương cổ điển tại đại học công giáo ở Lublin, rồi Lodz. Vào cuối những năm 40 và qua những năm 50 làm người biên tập văn chương cho nhiều tạp chí. Bà đã cho in tập sách đầu tay với nhan đề Wychowanie (Giáo dục) vào năm 1949. Trong 25 năm, đã hoạt động như một nhà văn độc lập và nhà phiên dịch (từ các thứ tiếng La-tinh, Pháp, Bun-ga-ri, Nga và Serbo-Croate).
 
Tác phẩm của bà gồm trên 15 tập thơ, ba cuốn tiểu thuyết, một số tập tùy bút văn nghệ và nhiều truyện, thơ cho trẻ em. Đã được phiên dịch sang nhiều thứ tiếng, như Anh, Pháp, Tiệp, Bun, Israel, Nga và Đức... Thơ của bà thoạt tiên có những đề tài về nông dân hoặc liên hệ tới đạo đức, nhưng đến khoảng đầu những năm 1970, nhờ “đã trải qua một cuộc thoát xác về tinh thần” bà đã trở thành một nhà thơ quan trọng, được các nhà thơ lớn của Ba-lan như Czeslaw Milosz (Nobel Văn chương, 1980) nể vì và ngưỡng mộ...
 
 

MỘT LỜI CẦU XIN SẼ ĐƯỢC ĐÁP LẠI

 
Lạy Chúa xin hãy để cho tôi đau khổ nhiều
rồi chết
 
Xin hãy để cho tôi bước xuyên qua im lặng
và không bỏ lại gì hết kể cả sợ hãi
 
Xin hãy khiến thế giới này tiếp tục
xin hãy để cho biển cả hôn lên cát hệt như trước
 
Xin hãy để cho đám cỏ vẫn xanh tươi
để ếch nhái có thể ẩn trú
 
để ai đó có thể vùi khuôn mặt mình vào đó
và nức nở dứt cuộc tình
 
Xin hãy khiến ngày trỗi dậy thật rực rỡ
như thể không còn đớn đau nữa
 
Và xin hãy để cho bài thơ tôi trong trẻo như ô kính cửa
một con ong to kềnh xô đầu vào đấy*
 
---------------
* nguyên tác: “bumped by a bumblebee's head”. “bumblebee”: tên gọi thứ ong lớn, thuộc genus Bombus. (ND.)
 
 

NGÀY TRỞ VỀ CỦA GIÓP*

 
Gióp không chết
ông không lao mình trên đường rày khi xe lửa chạy
không banh thây sau những hàng thép gai
không bốc hơi qua ống khói lò
tuyệt vọng không kết liễu đời ông
Ông đã trỗi dậy từ tất cả
từ khốn cùng, từ dơ bẩn
từ ghẻ lở, từ cô quạnh
 
Chuyện sẽ thực hơn biết mấy nếu như Gióp bị tước đoạt sự sống
và chết, giơ nắm tay hăm dọa Đức Chúa trời của khổ đau
Nhưng Gióp đã sống sót
ông đã cạo những lớp vảy trên mình, tẩy rửa máu, mồ hôi
và nằm trong ngôi nhà đã tìm lại được ở chốn quê hương
Kìa những người bạn mới đã chạy lại
Bà vợ mới đã hà vào miệng ông một cuộc tình mới
Những đứa con lớn lên và Gióp đã có thể
đặt đôi tay mình trên mái tóc chúng dịu êm
Bò, chiên, lừa lại đã rống lên
giật những sợi dây cột mới trong các chuồng thú
ngồi chồm hổm trên đống rơm
Nhưng Gióp hạnh phúc quá mỏi mệt để có thể hạnh phúc
ông sợ rằng cái hạnh phúc này sẽ phản bội hạnh phúc
ông sợ rằng cuộc đời mới này sẽ phản bội cuộc đời
Lại chẳng tốt hơn sao hỡi Gióp
nếu như mi mục nát trong thiên đường đã mất, mục nát cùng với những người đã chết
thay vì để giờ đây phải đợi chờ những cuộc viếng thăm của họ đêm đêm
họ hiện ra trong những giấc mơ của mi, thèm thuồng cuộc sống của mi
Lại chẳng tốt hơn sao hỡi Gióp hạnh phúc
nếu như mi vẫn là cặn bã, khi mi là cặn bã
những lớp vảy máu me trên hai bàn tay mi, trên khuôn mặt mi
gặm khoét ở chốn thâm sâu nhất của tim, gan mi.
 
Mi sẽ chết Gióp
Lại chẳng tốt hơn sao nếu như mi đã chết
cùng với những kẻ khác, vì cùng một nỗi đớn đau, vì cùng một cảnh tang tóc
thay vì để giờ đây rời bỏ cái hạnh phúc thật mới mẻ của mi
Ở giữa những người mới, mi thật hão huyền như ăn năn hối tiếc
mi bước đi trong bóng tối, bóng tối bao trùm lấy mi
mi đã chịu đựng khổ đau, giờ đây hãy chịu đựng hạnh phúc
 
Và Gióp đã thì thầm không biết mỏi Chúa ôi, Chúa ôi.
 
--------------------
* Gióp (Job): hình ảnh người “công chính”, chịu nhiều thử thách đớn đau, nhưng vẫn bền lòng, nhờ đó được đền bù xứng đáng… Xin xem trong Kinh thánh. (ND.)
 
 

NHỮNG ĐỒ QUẤN QUANH NGƯỜI TRONG VŨ TRỤ

 
Với những đồ quấn quanh người trong những căn buồng nhỏ của con tàu không gian
họ xuất hiện trên màn ảnh truyền hình
như những tổ phụ mất đã từ lâu
được triệu về từ chốn âm ty.
Trong không gian hạn hẹp ấy
cách thức những bàn tay chuyển động khiến ta kinh ngạc;
nếu như, trong vũ trụ sáng chói của thời gian
chúng ta thấy bàn tay của Leonardo (1)
lơ lửng với một cây cọ
hay những ngón tay của Giordano Bruno (2)
thò ra từ giàn hỏa,
hẳn là không có gì trong những điều ấy lại khiến ta ngạc nhiên.
Người xướng ngôn có lẽ sẽ nói thật rõ:
Lúc này quý vị có thể thấy ở đây
bàn tay của Leonardo
đang giơ lên
để vẽ bức tranh «Bữa tiệc ly».
Và giờ đây là một cảnh thoáng qua
những ngón tay của Giordano Bruno
khi ông bị thiêu đến chết ở La-mã.
Cám ơn quý vị đã chú ý.
Chúng tôi sẽ trở lại với quý vị sau giây lát tạm nghỉ.
 
-----------------
1. Leonardo da Vinci (1452-1519): nhà danh họa kiêm bác học Ý, tác giả những bức “La Joconde”, “Bữa tiệc ly”...
2. Giordano Bruno (1548-1600): triết gia Ý, dạy học ở Paris, bị thiêu ở La-mã như kẻ “rối đạo”. (ND.)
 
 

CHIẾC CHÌA KHÓA

 
Một đứa bé trai đeo một chiếc chìa khóa
trên một sợi dây quấn quanh cổ.
Một biểu tượng của không nhà.
Bé mang căn nhà trống của bé,
nơi bé có thể trở lại bất cứ lúc nào
nhưng bé sẽ không trở lại vì
những căn nhà trống đâu phải là nhà.
Khi rời bé, mẹ bé đã dặn, con đừng để mất nhé.
Bữa ăn mẹ để ở trong lò.
Một ngày kia bé sẽ đánh mất chiếc chìa khóa,
bé sẽ đi lang thang như thể trong mơ,
bé sẽ nắm lấy ngực.
Nó mới còn đây, trên sợi dây to.
Một đứa bé trai với chiếc chìa khóa.
Tôi gặp bé trên đường tôi đi
mà không thể giúp bé được gì.
Những chìa khóa của tôi tôi cũng đã mất hết.
 
 

CHO ĐI

 
Tôi đã cho đi hết mọi sự,
toàn những vật ưa thích nhất
của hết mọi người tôi yêu dấu,
cả đến mẩu đá
từ vùng Biển Égée.
Tôi không bao giờ luyến tiếc
những chiếc dĩa bể ấy
hay những bông hồng và cây cối của tôi.
 
Lúc này, ngồi đây, tôi tự hỏi
liệu có Đấng Cao cả nào nghĩ
tôi hãy còn vô khối
để cho đi.
 
 
----------------------------
Ghi chú của người dịch:
Trong các bài trên, bài đầu dịch theo bản Anh văn của Stanislaw Baranczak và Clare Cavanaugh; bài thứ nhì, theo bản Pháp văn của Maria Elster in trong Constantin Jelenski, Anthologie de la Poésie polonaise, nxb. L’Age d’Homme, 1981; các bài còn lại, theo các bản Anh văn của Susann Bassnett và Piotr Kuhiwczak in trong Ariadne's Thread, nxb. Forest Books/ UNESCO, London, 1988.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021