thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Chém đầu lãnh đạo

 

Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn & Thận Nhiên

 

Lời người dịch:
Nhan đề tiếng Ý của nguyên tác là “La decapitazione dei capi”. Đó là một cách chơi chữ rất ý vị: “decapitazione” là chém đầu, và “capi” là “những cái đầu” (cũng có nghĩa là “những người lãnh đạo”). Italo Calvino đã cố ý lặp lại chữ “capi”. Bản tiếng Anh của Tim Parks đã dịch rất khéo thành “Beheading the Heads” (lặp lại chữ “head”). Nếu dùng tiếng Hán-Việt, chúng tôi có thể dịch thành “Đoạn đầu đầu lĩnh” (lặp lại chữ “đầu”), nhưng một nhan đề bằng tiếng Hán-Việt như thế thì nghe không quen tai, do đó chúng tôi tạm dịch thành “Chém đầu lãnh đạo” cho dễ hiểu (vì chữ “lãnh đạo” hiện nay được nói đến khắp nơi trên đất nước Việt Nam).

_______

 

CHÉM ĐẦU LÃNH ĐẠO

 

Chắc hẳn tôi đã đến thủ đô nhằm vào cái ngày trước một cuộc lễ hội. Người ta đang dựng những cái bục ở các quảng trường, treo những lá cờ, những dải ruy-băng, những cành cọ để trang trí. Khắp nơi chan chát tiếng búa nện.

“Lễ hội quốc gia à?” tôi hỏi người đàn ông đứng sau quầy rượu.

Hắn chỉ vào một dãy chân dung sau lưng hắn. “Các ngài lãnh đạo của chúng tôi,” hắn đáp. “Đây là lễ hội của các ông đứng đầu nhà nước, các ngài lãnh đạo đấy.”

Tôi nghĩ chắc là lễ ra mắt của một chính phủ mới vừa được bầu. “Tân nội các hả?” tôi hỏi. Giữa tiếng búa nện, tiếng người ta đang thử các loa phóng thanh đang, tiếng cần cẩu nâng bục gỗ, tôi phải nói ngắn gọn để hắn hiểu, và gần như gào lên.

Người đàn ông đứng sau quầy rượu lắc đầu: “Họ không phải là những người mới, họ đã có mặt ít lâu nay rồi.”

Tôi hỏi: “Vậy đây là lễ kỷ niệm ngày họ lên nắm chính quyền hả?”

“Cũng gần gần như vậy,” một gã khách hàng bên cạnh tôi nói. “Lễ này diễn ra theo chu kỳ và bây giờ thì đến lượt của họ.”

“Lượt của họ để làm gì?”

“Để đi lên bục.”

“Bục gì vậy? Tôi thấy quá nhiều bục, góc phố nào cũng có một cái.”

“Mỗi người có bục riêng của mình. Chúng tôi có nhiều lãnh đạo lắm.”

“Rồi họ sẽ làm gì? Diễn thuyết à?”

“Không, diễn thuyết, không có đâu!”

“Họ lên bục, rồi sao nữa?”

“Ông nghĩ họ sẽ làm gì chứ? Họ sẽ chờ một chút, trong khi người ta chuẩn bị, rồi nghi thức sẽ kết thúc trong vài phút thôi.”

“Còn các ông thì sao?”

“Thì chúng tôi xem.”

Trong quán có rất nhiều người đến và đi. Những người thợ mộc và lao công bốc dỡ những món từ xe tải xuống để bày biện cho những cái bục — gồm những lưỡi rìu, những tấm thớt, những cái giỏ — thỉnh thoảng cũng ghé vào uống một ly bia. Cứ khi nào tôi hỏi một gã nào đó thì luôn luôn có một gã khác trả lời.

“Cái kiểu như là tái cử, phải không nào? Một kiểu khẳng định những công việc, những trách nhiệm của mấy ổng?”

“Không, không phải đâu,” họ sửa lưng tôi, “ông không hiểu hả? Đó là sự kết thúc, là chung cuộc. Thời của mấy ổng đã xong.”

“Rồi sao nữa?”

“Thì mấy ổng hết làm lãnh đạo, hết ở trên đó: và mấy ổng ngã xuống.”

“Vậy tại sao mấy ổng lại bước lên những cái bục đó?”

“Mấy ổng bước lên bục thì ông mới có thể thấy rõ cái đầu rớt xuống, nảy tưng lên, được chém ngọt xớt, và nó nằm gọn trong cái giỏ như thế nào chứ.”

Tôi đã bắt đầu hiểu, nhưng tôi không chắc lắm. “Đầu của các thủ lãnh, phải mấy anh muốn nói vậy không? Của các ông lãnh đạo? Trong những cái giỏ?”

Họ gật đầu. “Ừ. Đúng vậy. Chém đầu. Thế là xong. Chém đầu lãnh đạo.”

Tôi chỉ vừa mới đến chốn này thôi, tôi chẳng biết gì về vụ này, tôi chưa từng đọc điều gì như vậy trên báo chí.

“Chỉ vậy sao, ngày mai, thình lình vậy đó hả?”

“Đúng ngày thì phải diễn ra thôi,” họ nói. “Lần này thì nhằm vào giữa tuần. Được một ngày nghỉ lễ. Mọi nơi đều ngưng làm việc.”

Một ông già nói thêm vào, ra vẻ dạy đời: “Khi trái chín muồi thì ông hái, và cái đầu chín muồi thì ông chém. Ông đâu có để cho trái chín thối trên cành làm gì, phải không nào?”

Đám thợ mộc đã tiếp tục công việc: trên vài cái bục, họ đang dựng giàn giáo cho những cái máy chém lạnh lùng; trên những cái bục khác thì họ đang lắp những đòn thớt sẵn sàng cho những lưỡi rìu phập xuống, và bên cạnh đó họ đặt những cái gối kê đầu cho êm (một trong những người phụ việc đang thử xem chiều cao có đúng chưa bằng cách đặt đầu của gã lên đòn thớt để kiểm tra); ở nơi khác thì người ta đang lắp đặt những thứ trông giống như những băng thớt gỗ của hàng thịt, có xẻ đường rãnh cho máu chảy theo. Những tấm vải có vuốt sáp được trải căng trên nền bục, còn những miếng bọt biển thì cũng được đặt đúng chỗ sẵn sàng để lau sạch những tia máu bắn tung toé. Mọi người làm việc rất nhiệt tình, hăng hái; đây đó là những tiếng cười và tiếng huýt sáo.

“Trông các ông vui quá hả? Các ông có thù ghét mấy ổng không? Có phải đó là những nhà lãnh đạo tồi tệ không?”

“Không, sao ông lại nghĩ vậy chứ?” họ nhìn nhau với vẻ ngạc nhiên. “Mấy ổng cũng được lắm. Hay nói cho đúng là không tốt hơn mà cũng không tệ hơn bất cứ ai khác. Này, ông biết mấy ổng là ai chứ: đó là các ông đứng đầu nhà nước, các ông thủ lãnh, các ông chỉ huy... để làm được một trong những chức đó thì...”

“Tuy nhiên,” một gã trong đám lên tiếng, “tôi vẫn thích tất cả các ông ấy.”

“Tôi cũng thích,” “tôi nữa,” những người khác cũng đồng ý. “Tôi chưa bao giờ có điều gì phải chống đối họ.”

“Vậy mà mấy ông không buồn khi người ta giết họ sao?” tôi hỏi.

“Ông có thể làm gì được chứ? Nếu ai đồng ý làm lãnh đạo thì phải biết là sẽ kết thúc như thế nào rồi. Đừng có mong là sẽ được chết trong chăn êm nệm ấm!”

Những người khác bật cười. “Chuyện đó cũng tốt thôi! Chứ không lẽ lên cầm quyền, chỉ huy, rồi, như là chẳng có chuyện gì xảy ra, ngưng công việc và về nhà yên nghỉ khoẻ ru chăng.”

Một người nói: “Này, nếu vậy thì ai mà chẳng muốn làm lãnh đạo. Ngay cả tôi cũng muốn, nhìn này, nếu vậy thì tôi sẽ ra làm lãnh đạo, chứ sao không!”

“Tôi nữa, tôi nữa…” nhiều người tranh nhau nói, rồi cùng cười ồ lên.

“Còn tôi thì chẳng muốn làm,” một gã đeo kính nói. “Làm theo kiểu như vậy, thì làm để làm gì?”

“Đúng. Làm lãnh đạo theo kiểu đó thì chẳng nghĩa lý gì,” một vài người trong đám lên tiếng đồng ý. “Một đằng là làm công việc đó khi bạn biết trước sẽ nhận lãnh điều gì, còn một đằng thì hoàn toàn ngược lại... nhưng để làm cho được việc thì bạn còn cách nào khác chứ?”

Người đeo kính, hẳn là kẻ có học nhất, giải thích: “Cái quyền cai trị trên số phận của những kẻ khác thì không thể tách rời với cái quyền của những người sẽ bắt các ông leo lên đoạn đầu đài và chém đầu các ông vào một ngày nào đó không xa... Có cái quyền gì của một người lãnh đạo mà không đi kèm với cái hào quang của số phận phủ quanh hắn chứ, nếu các bạn không thể nhìn thấy trong mắt hắn cái ý thức của hắn về cái ngày chung cuộc, trong từng giây phút mà hắn thực thi nhiệm vụ? Các thể chế công quyền tùy thuộc vào cái thế lưỡng diện này của việc cầm quyền; chưa có nền văn minh nào từng sử dụng bất kỳ phương thức nào khác.”

“Ấy vậy mà,” tôi phản đối, “tôi có thể nêu cho ông vài trường hợp...”

“Ý tôi muốn nhấn mạnh: nền văn minh thật sự đúng đắn là như vậy,” người đeo kính khẳng định, “chứ tôi không nói đến những khoảng trống man rợ giữa các triều đại, dù những khoảng trống ấy có kéo dài đến chừng nào đi nữa trong lịch sử của các dân tộc.”

Lão già dạy đời, cái lão vừa nói về chuyện trái cây trên cành, đang lẩm bẩm điều gì trong miệng, rồi lão gào lên: “Chừng nào cái đầu còn gắn liền với cái cổ thì nó vẫn còn nắm quyền chỉ đạo này nọ.”

“Ý ông là gì?” những người khác hỏi. “Có phải ông muốn nói rằng ví dụ như một tay lãnh đạo đã tại chức lâu quá cái nhiệm kỳ của hắn, nói để tranh luận thôi nhé, mà hắn không bị chém đầu, thì hắn sẽ cứ cầm quyền suốt kiếp luôn ư?”

“Chuyện đó thì xưa kia đã từng như vậy,” lão già đồng ý, “trong các thời đại trước đây thì rõ ràng là hễ bất cứ ai muốn làm lãnh đạo thì đều biết rằng sẽ bị chém đầu trong một ngày không xa. Nhưng những kẻ có quyền lực thì lại cứ bám vào đó... “

Lẽ ra tôi có thể xen vào lúc này, đưa ra một vài ví dụ, nhưng chẳng ai thèm nghe tôi nói.

“Vậy thì sao nào? Người ta đã làm gì chứ?” họ hỏi lão già.

“Dù muốn dù không thì người ta đã phải chém đầu những kẻ đó, bằng bạo lực, trái với ý nguyện của họ! Không phải chém đầu họ trong những ngày được quy định như bây giờ, mà chém khi người ta không thể chịu đựng nổi họ nữa. Chuyện đó từng xảy ra trước khi mọi thứ được đưa vào khuôn khổ, trước khi các nhà lãnh đạo chấp nhận...”

“Ồ, chúng tôi chỉ muốn thấy họ thử không chấp nhận xem sao!” những người khác nói. “Ồ, chúng tôi muốn thấy chuyện đó!”

“Không phải như mấy ông nghĩ đâu,” người đeo kính xen vào. “Không phải các nhà lãnh đạo bị cưỡng bách phải chịu hành quyết đâu. Nói như vậy thì mấy ông bỏ quên cái ý nghĩa thực sự của những đạo luật của đất nước chúng ta, bỏ quên cái mối liên hệ đúng đắn nối kết các nhà lãnh đạo của chúng ta với toàn thể nhân dân. Chỉ có các thủ lãnh quốc gia là có thể bị chém đầu, do đó mấy ông không thể mong muốn mình làm một cái đầu mà lại không muốn lãnh cú chém. Chỉ có những kẻ cảm thấy rằng họ có cái thiên chức này thì mới có thể trở thành những thủ lãnh quốc gia, chỉ có những kẻ đã cảm thấy chính họ bị chém đầu ở ngay cái khoảnh khắc họ nhậm chức trong công quyền.”

Khách trong quán thưa dần, mỗi người trở về với công việc của mình. Tôi nhận ra rằng người đeo kính đang nói chuyện cho riêng tôi nghe.

“Quyền lực,” gã nói tiếp, “chính là sự đón chờ giây phút chung cuộc. Tất cả quyền hành của nhà lãnh đạo thì chẳng có gì khác ngoài sự báo trước của tiếng lưỡi đao rít qua không khí, phập xuống trong một cú chém ngọt xớt; tất cả những tràng pháo tay mà hắn nhận được thì cũng chính là sự bắt đầu của tràng pháo tay cuối cùng chào đón cái đầu hắn lăn xuống cái mặt sàn được phủ sáp của đoạn đầu đài.”

Gã lấy kính xuống, lau bằng khăn tay. Tôi nhận ra đôi mắt gã đẫm lệ. Gã trả tiền bia rồi bỏ đi.

Người đàn ông đứng sau quầy rượu cúi xuống nói vào tai tôi. “Ông ấy sẽ là một người trong hàng ngũ lãnh đạo,” hắn nói. “Không thấy sao?” Hắn kéo ra từ dưới quầy một đống chân dung khổ treo tường. “Ngày mai tôi phải gỡ những chân dung kia xuống và treo những chân dung này lên.” Tấm hình đầu tiên là chân dung của người đeo kính, một bản in phóng lớn xấu xí từ một tấm hình hộ chiếu. “Ông ấy đã được bầu để kế vị những người sắp ra đi. Ngày mai ông ấy sẽ lên nắm quyền. Kỳ này thì tới phiên ông ấy. Nếu ông hỏi tôi, thì tôi nghĩ là chuyện mình nói với ông ấy một ngày trước khi nhậm chứ thì nhẫn tâm quá. Ông đã nghe cái cách ông ấy nói về chuyện đó rồi chứ? Ngày mai ông ấy sẽ tận mắt chứng kiến những cuộc hành quyết như thể chính ông ấy đã bị hành quyết. Trong những ngày đầu, họ đều như thế cả; họ cảm thấy phiền não, phấn khích, họ làm lớn chuyện lên. 'Thiên chức': họ thốt lên những từ ngữ khoa đại như vậy đó!”

“Rồi sau đó thì sao?”

“Thì ông ấy sẽ làm quen với điều đó, giống y như mọi kẻ khác. Họ sẽ có quá nhiều việc để làm, họ không nghĩ về điều đó nữa, cho đến cái ngày định mệnh của họ. Nhưng này, ai mà hiểu thấu trí óc của một nhà lãnh đạo. Họ tạo ra cái ấn tượng rằng họ không hề nghĩ gì về điều đó. Một ly nữa chứ?”

 

 

--------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ, “Beheading the Heads”, của Tim Parks, trong Italo Calvino, Numbers in the Dark and Other Stories (Boston: Mariner Books, 2014) 142-146.
 

 

 

-------------

Đã đăng:

Hai nhà văn  (truyện / tuỳ bút) 
Có hai nhà văn nọ, sống trong hai căn nhà gỗ nằm trên hai sườn núi đối diện nhau ở một thung lũng; họ thay phiên dò xét nhau. Một người có thói quen viết vào buổi sáng, người kia thì viết vào buổi chiều. Trong mỗi buổi sáng và mỗi buổi chiều, nhà văn nào không viết thì dùng ống nhòm quan sát khi người kia đang viết. Một người viết rất dễ dàng, có khả năng sản xuất ào ào hàng loạt; trái lại, người kia thì viết rất khó khăn, trăn trở... [Bản dịch của Thận Nhiên] (...)
 
Những thành phố & hồi ức [1 & 2]  (truyện / tuỳ bút) 
... Chàng đã nghĩ đến tất cả những điều này trong lúc chàng khao khát đến một thành phố. Isidora, do đó, là thành phố mộng tưởng của chàng: chỉ có khác một điểm. Trong thành-phố-mộng-tưởng ấy, chàng là một thanh niên; nhưng khi đến Isidora thì chàng là một ông già. Tại một bức tường nơi quảng trường, những ông già ngồi nhìn ngắm các thanh niên đi ngang qua; và chàng ngồi cùng đám già ấy. Những khát vọng đã trở thành những hồi ức... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Lương tâm  (truyện / tuỳ bút) 
Chiến tranh bùng nổ và Luigi tự nguyện gia nhập quân đội. Ai cũng đầy tự hào. Luigi đến nơi phân phát vũ khí, lấy một món và nói: “Bây giờ tôi sẽ đi giết cái gã tên Alberto”... [Bản dịch của P.K.] (...)
 
Con cừu đen  (truyện / tuỳ bút) 
Ở một xứ nọ, mọi người đều là kẻ trộm... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tia chớp  (truyện / tuỳ bút) 
Tia chớp loé lên trong một ngày nọ, tại ngã tư đường, giữa đám đông chen chúc đi lại... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Người gào tên Teresa  (truyện / tuỳ bút) 
Tôi bước ra khỏi lề đường, đi lùi một quãng, ngước mặt lên, và, từ giữa đường, đưa hai tay lên miệng để làm chiếc loa và gào lên tầng cao nhất của khu chúng cư: “Teresa!”... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tiện túc  (truyện / tuỳ bút) 
Ở một trị trấn nọ, mọi thứ đều bị cấm đoán... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
[...] Văn chương phải dự tưởng một công chúng có văn hoá cao hơn, và cao hơn chính bản thân người viết. Một công chúng như thế có hiện hữu hay chăng là điều không quan trọng. Người viết nhắm đến một độc giả mà người này còn biết nhiều về điều đó hơn chính anh ta; anh ta sáng chế ra một hình ảnh của “chính mình” mà nó còn biết nhiều hơn anh ta, để nó nói cho kẻ nào khác mà kẻ đó còn biết nhiều hơn nó nữa... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)
 
Tính cách bội trương trong văn chương tương lai  (tiểu luận / nhận định) 
Những dự án mang tham vọng quá trớn có thể bị chối từ trong nhiều lĩnh vực, nhưng không thể bị chối từ trong lĩnh vực văn chương. Văn chương chỉ còn sức sống nếu chúng ta tự đặt ra cho chính mình những mục tiêu bất khả lượng đạt, vượt quá tất cả những hy vọng về sự thành tựu. Chỉ chừng nào các nhà thơ và nhà văn tự đề ra cho chính mình những công tác không có bất cứ ai dám tưởng tượng đến, thì chừng ấy văn chương mới đạt được tác dụng của nó... [Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021