thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thị trấn đìu hiu

 

Quán mở cửa hai phía, nhìn ra rộng rinh, như thể chỉ có mỗi quán này giữa thị trấn bao la quạnh vắng. Anh trở lại thị trấn nhiều lần, đi loanh quanh khu phố chợ lèo tèo, cuối cùng vào quán, luôn luôn như vậy. Chỗ anh ngồi, luôn là chỗ này, nếu lúc anh tới không có ai ngồi. Chân bàn kề sát đường rãnh cửa sắt kéo, phía trên là tấm bạt che nắng mưa căng rộng ra phía ngoài, liền đó là khoảng trống bát ngát, chơ vơ vài di tích hoang tàn của một doanh trại quân đội Việt Nam Cộng Hoà thuở trước. Một bên cửa quán là con đường phố chính của thị trấn, mặt nhựa nhiều chỗ hư tróc trơ bày hố hốc lớn nhỏ, vài chỗ sâu rộng trở thành vũng nước tù đọng sau những trận mưa. Thỉnh thoảng xe tải, xe đò chạy thốc tháo ngang, để lại những đám khói bụi thưa mỏng dày đặc; xe gắn máy kéo tiếng động rề rề, lạch xạch, nhiều lúc tiếng rồ rú ga vụt qua, hoặc đỗ xịch ngay bên quán.

Có một sức hút nào đấy nơi thị trấn, không hiểu sao anh tới đây lần nào cũng vào buổi trưa, sức hút của nắng, ít khi trong dịu, thường gắt bỏng, nhìn hoa mắt? Sức hút của tiếng động bải hoải, điên rồ, của những đám mù khói bụi mệt mỏi? Anh ngờ rằng, những gì đấy, những gì anh không biết, thoáng hiện như bóng ma, như ảo ảnh, ảo tượng; những gì đấy thân quen mà lạ lẫm, gần kề lại xa hút? Anh ngờ rằng...

Cô bé ngồi thu mình trên chiếc ghế gỗ dài chỗ góc quán, phía trước quầy tính tiền, bà chủ quán mập mạp thì đang ngái ngủ sau quầy. Anh chợt nhận ra, rồi anh không ngớt quay lại nhìn ngó cô bé. Đấy là gương mặt xinh đẹp buồn bã, một vẻ ngơ ngác thất tán, một tuổi thơ bị thương tổn, bị đày đoạ? Cô bé đang rầu rĩ với xấp vé số ế ẩm trong tay? Anh rùng mình, dấy lên một nỗi thương xót bất lực. Trí tưởng anh bắt đầu âm thầm đào xới tìm kiếm, dần hiện gương mặt, dáng điệu và tiếng nói giọng cười của một người đàn bà. Người đàn bà... anh ngờ rằng... Người đàn bà ấy có mối liên hệ đặc biệt với cô bé, một người mẹ chẳng hạn?

Tuy nhiên những gì đấy trong trí tưởng anh vẫn đang lặn lội đang mù mờ đang lẩn quẩn, những gì đấy như mớ bòng bong. Anh tự hỏi: mình đã trở nên lãng đãng, trở nên lẩn thẩn nữa là đằng khác? Dù sao anh vẫn nhớ được người đàn bà ấy, chắc chắn anh đã gặp người đàn bà từng cư ngụ ở thị trấn từ thuở nhỏ. Anh không thể nhớ đích xác nơi gặp gỡ người đàn bà, hình như trong một quán nước, không chừng là quán này. Sau lần gặp đó, người đàn bà đã nhanh chóng trở thành thân thiết với anh, nhanh chóng thương yêu anh, hai người đã gặp nhau hàng ngày, liên tục cả tháng trời, trong căn nhà ở cuối khu phố chợ. Căn nhà của đứa cháu anh mua để đó, hắn có nhà cao cửa rộng ở Sài Gòn, chẳng màng tới đây, nhờ anh trông coi giùm, vì anh rảnh rỗi, quen thuộc thị trấn. Chuyện này xảy ra đã lâu lắm, có lẽ từ mười mấy năm về trước. Một thời gian ngắn, anh buộc phải dưỡng bệnh trong trại tâm thần ở vùng ngoại ô Sài Gòn, cũng đủ bôi xoá lem nhem nhiều thứ, chuyện anh và người đàn bà thị trấn này trở nên mù rối. Căn nhà thì vẫn còn, có lẽ đứa cháu đã quên mình là sở hữu chủ, vẫn khoá cửa để đó. Người đàn bà rời bỏ thị trấn, đi đâu anh không thể biết. Anh cũng không một lần vào lại căn nhà.

---------

Anh nhìn lên tấm bạt che mưa nắng, thốt nhiên bị hút vào vẻ đẹp kỳ dị hiện trên tấm bạt. Đấy là những chiếc hoa sứ rớt xuống, xen lẫn lác đác những chiếc lá nữa, nước mưa làm dính chặt trên tấm bạt, nắng trưa rọi in hình, có lẽ đẹp như những hoạ tiết trên một tấm thảm Thổ Nhĩ Kỳ mà người bạn hoạ sĩ của anh thường nói tới. Trí nhớ bấp bênh của anh không quên cây hoa sứ này, nó có ở đây từ nhiều chục năm, trong khu vực của đồn binh thuở trước. Trí nhớ kỳ quặc lưu giữ trong ký ức anh cả trạng thái tâm lý, cảm xúc trong những buổi trưa, những khẩu súng chụm lại với nhau, anh cùng đồng đội nằm nghỉ dưới bóng mát cây hoa sứ, mỗi người gối đầu trên chiếc nón sắt.

“Anh là người lính trở về không nguồn cội...”, người đàn bà ấy nói như làm thơ, buổi đầu gặp anh, khi biết anh từng đi lính, đóng quân ở thị trấn. Anh chợt nhớ lại, chợt nhói buốt, một nỗi xót xa loang thấm. Anh chỉ có thể là người lính không nguồn cội, và sau chiến tranh, người lính biết không thể làm gì, ngoài cây bút viết văn làm thơ không đỡ đần được bao nhiêu cho việc mưu sinh tồn tại, không giúp anh sống cuộc sống được như mọi người bình thường khác.

Người bạn hoạ sĩ của anh, có lẽ hiểu rõ anh hơn hết, đã gọi anh là “Thi sĩ Kleist”. Heinrich von Kleist, nhà văn nhà thơ Đức cuối thế kỷ XVIII chỉ có mối đam mê duy nhất là văn học, “chỉ làm thơ viết kịch viết văn, chỉ thất bại ốm đau nghèo túng...” người bạn nói về Kleist như đọc thơ, như câu nói của người đàn bà trong buổi đầu gặp anh.

Lúc này căn nhà của đứa cháu hiện ra, căn nhà trống rỗng, người bạn hoạ sĩ một lần tới thăm đã gọi căn nhà này là “Nhà của người Ả Rập”. Anh nói: “Tôi rất thích một châm ngôn của người Ả Rập: ‘Thong thả buổi sáng, chậm chậm buổi chiều’, nên tôi rất thích cuộc sống nơi thị trấn.” Người bạn nói thêm vào: “thị trấn đìu hiu”. Tuy nhiên từ lúc người đàn bà bỏ đi đột ngột, anh cũng không ở trong căn nhà của đứa cháu nữa, anh đã nói cho đứa cháu biết như vậy. Thỉnh thoảng sau đó anh trở lại thị trấn, trở lại nhiều lần là đằng khác, không thấy nhất thiết phải ghé lại căn nhà để mở cửa vào trong, ngó ngàng xem xét hay nghỉ ngơi ở đây. Dù sao anh cũng nhìn ngó căn nhà, nhìn lướt qua hay nhìn lâu hơn thế, trong một khoảnh khắc nào đấy, như nhìn khu phố chợ. Căn nhà như vậy, như vậy. Luôn kín cửa. Nhiều lần, anh đứng từ xa ngó đăm đăm, căn nhà có sức thu hút tựa như nơi chốn anh đã gây ra án mạng.

Một người chống nạng, anh cho rằng ông ta là thương binh, đồng đội trong đơn vị của anh ngày trước không chừng, vào quán bán vé số. Anh tỏ rõ vẻ bối rối khi không thấy cô bé ngồi thu mình trên chiếc ghế dài phía trước quầy tính tiền nữa. Bà chủ quán nói trổng: “Bán ế, ngồi ê ẩm người rồi!” Anh hiểu bà ta nói về cô bé đã bỏ đi. Người đàn ông chống nạng nói cười cầu tài, chắc hẳn ông ta đã đoán biết, và ông ta nghĩ nên đáp ứng thắc mắc về cô bé của người sẽ là khách mua vé số: “Nó mang xấp vé số ngồi khóc ở sau bức tường đổ kìa!” Ông ta chỉ trỏ, chỗ ấy ngày trước là bức vách của một dãy nhà thuộc khu gia binh.

Người đàn ông chìa ra xấp vé số và cuốn sổ dò xổ số trước mặt anh, ngả đôi nạng, tự động ngồi xuống bên anh, tiếp tục nói về cô bé: “Tội nghiệp con bé, xinh đẹp thế mà bà mẹ nhẫn tâm bỏ đi biệt tăm biệt tích từ bao nhiêu năm nay.” Anh hỏi: “Thế cha của cô bé đâu?” Người đàn ông lắc đầu, nói không biết. “Tôi nghe người ta nói chuyện thôi chứ làm sao biết, chị ta mang bầu với anh chàng ngụ trong căn nhà cuối khu phố chợ, rồi sao đó không biết, cả hai bỏ thị trấn mà đi. Chị ta sinh ra nó ở đâu mãi tận Đầm Dơi miệt Cà Mau, được một vài tháng thì bồng nó trở về thị trấn cho bà ngoại nó nuôi. Bây giờ nó mười tuổi rồi, đi bán vé số nuôi lại bà ngoại nó đã tám mươi tuổi.” Bà chủ quán nheo mắt nhìn ra đường nắng chói chang, chợt quay lại ngó hai người, góp chuyện: “Nghe nói cái ông là cha của con nhỏ khi xưa đóng lính ở thị trấn, ở bên kia kìa, cái đồn binh lính nguỵ hồi xưa đó... Thằng chả cũng bỏ đi mất dạng từ khuya rồi, ai mà biết đặng.”

Anh choáng váng, ngồi xuống đứng lên, lọng cọng rút ra một tờ trong xấp vé số, lúng túng mãi mới lấy đủ số tiền cho tờ vé số và ly cà phê đá, rồi hấp tấp bước ra khỏi quán. Anh biết rằng, có lẽ buổi trưa này, anh vĩnh viễn giã từ thị trấn đìu hiu. Trên chuyến xe buýt trở lại Sài Gòn, anh nhớ tới Kleist và nỗi bất lực trong tình yêu, người thi sĩ ấy nhắm nòng súng vào giữa ngực người tình, siết cò để sau đó cả hai cùng chết. Anh sẽ làm gì trước tình yêu bất lực của người cha với đứa con, cô bé bán vé số ế ẩm đang ngồi khóc bên bức tường đổ nát từ thời chiến tranh?

 

Thị trấn Đức Hoà - Long An , tháng VI. 2010

 

 

 

---------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021