thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Đám tang

 

Mỗi người có một đám tang. Mỗi người có thể chết nhiều lần. Mỗi người có thể sống mà như chết. Chúng tôi chẳng ai biết được mình đang sống hay đã chết.

Và ai cũng có một chỗ của mình trên núi. Tôi cũng có một chỗ của mình trên núi. Bọn tôi thường chơi trên đó và ngắm nghía vào những cái lỗ của mình, những cái lỗ đầy hoa cứt lợn và phân chuột bạch.

Thường thì vào những ngày có đám tang, mẹ là người bận rộn hơn cả. Bà phải dậy sớm hông xôi và làm thịt gà. Thỉnh thoảng bà lại dòm vào trong căn phòng tối bưng đó. Bà nói rằng trong đó có những người bị nhốt từ lâu. Họ ăn khoai sống và phân chuột bạch. Thỉnh thoảng họ lại tru lên.

Mẹ nói máu họ cũng tanh như máu chuột bạch.

Vào ngày đám tang của mẹ, mẹ được nghỉ ngơi. Tất nhiên rồi, chẳng ai lại đi bận rộn vào những ngày trọng đại của mình. Người ta nấu lá chanh để tắm cho mẹ. Một nồi quân dung đầy lá chanh. Khi tắm, người mẹ tứa ra một thứ nước trơn nhậy như mỡ. Những con sâu róm chui ra từ mặt mẹ chết nổi lềnh bềnh trên nước.

“Ai cũng như thế cả. Ai cũng đui hết. Máu ai cũng tanh như máu chuột bạch.” Mẹ nói rồi lặng lẽ chui vào quan tài và nhắm mắt. Ở ngoài sân đội kèn trống bắt đầu công việc của họ. Thường thì trong thôn của chúng tôi có một đội kèn trống riêng, nhưng hôm nay, vào ngày đám tang của mẹ chúng tôi phải thuê một đội kèn trống từ tỉnh về. Cha tôi nói như thế cho xứng với mẹ, xứng tầm với một người đàn bà đã sinh cho ông những đứa con đui mù và mắc bệnh hoang tưởng.

Khi có tín hiệu thì chúng tôi bắt đầu khóc. Tiếng khóc của chúng tôi xen lẫn với tiếng kèn trống inh ỏi và tiếng chuột bạch cắn nhau trên mái tranh. Cha tôi mặc áo tang trắng. Mắt ông ráo hoảnh, thỉnh thoảng ông khạc nhổ và hút thuốc.

“Đừng nhìn vào trong ấy, thối lắm.” Ông nói.

Ngày đưa tang mẹ chúng tôi đụng phải rất nhiều đám tang khác.

Rồi từ trên núi mẹ tôi trở về với một mái tóc đầy hoa cỏ may. Mẹ nói trên ấy có những con chuột bạch giống như những con lợn con. “Chết cũng chẳng hơn sống đâu. Chả sung sướng gì cả.” Bà nói và dùng những móng tay đầy đất đỏ cố bứt hoa cỏ may trên đầu.

Mẹ trở về để lo liệu đám tang cho cha. Khi cha tôi chui vào quan tài, ông đã cẩn thận để cái ba-lô dưới chân mình. Cái mớ giẻ rách mà ông đã mang về từ chiến trường Trị Thiên. Mẹ đã khóc khi người ta khiêng cha ra đi. Mẹ không được đi theo đám tang của cha. Dì ôm lấy mẹ rồi khóc lóc trong khói bếp. Từ mùn bếp, những con sâu róm lại chui ra bò la liệt trên nền đất. Chúng tôi đứa nào cũng khóc cha. Những con chuột bạch lại chạy dưới chân chúng tôi khi chúng tôi bắt đầu bước lên đồi. Trên đồi đầy hoa cỏ may.

Vào ngày đám tang của cha, chúng tôi cũng gặp phải rất nhiều đám tang khác. Mọi người đều nói với nhau: máu ai cũng tanh như máu chuột bạch.

Cha tôi mang về từ huyệt mộ những lá cờ đỏ. Ông treo một lá cờ trước sân. Đêm đêm chúng tôi nghe tiếng chuột bạch cắn vào những lá cờ rồi chúng chạy loạn xạ trong gió.

Trong gió có máu chuột bạch.

Hôm nay là đám tang của tôi. Mẹ tôi nói phải cẩn thận khi đất được cào xuống. Phải biết cách nín thở. Thầy tôi, người thầy dạy văn mà chúng tôi vô cùng quý mến cũng đã nói với chúng tôi như thế vào những tiết học. “Bằng cách ấy Nguyễn Du đã chết. Máu ai cũng tanh như máu chuột bạch. Điều quan trọng là cách nín thở khi đất được cào xuống.” Thầy nói với chúng tôi như thế trong khi có những đám tang dật dờ lướt qua bên ngoài cổng trường học.

Ngày tôi chết, mẹ mua cho tôi một đôi ủng màu đỏ và một chiếc khăn quàng màu tím bằng len. Tôi vui vì điều đó.

“Con không thích mùi máu và mùi chuột bạch.” Tôi nói với mẹ.

“Máu ai cũng tanh như máu chuột bạch. Phải uống thôi.” Mẹ nói với tôi rồi vuốt lên mắt tôi trong khi cha tôi cúi xuống gài lại những chiếc cúc áo trên ngực tôi. Hơi thở của ông nồng nặc mùi rượu.

“Đừng nhìn vào căn phòng ấy. Thối lắm.” Ông nói.

Rồi họ chôn tôi. Trên mộ tôi những con chuột bạch lại cắn nhau. Đêm đêm tôi lại nghe tiếng thì thầm trong lòng đất.

Từ huyệt mộ, anh tôi về nhà trước tôi. Người anh đầy bùn đất và áo anh đầy hoa cỏ may. Anh mang theo một xô đầy máu của chuột bạch. Anh nói rằng anh mang máu về nhà để nhuộm lại những lá cờ của cha. “Tao chả cần điều đó.” Cha tôi nói rồi lại vào buồng nốc rượu. Ông để rượu trong chiếc bi-đông bằng nhôm của Tàu. Sau đó ông đổ máu ra chậu và ngâm những lá cờ vào trong máu.

Tôi trở lại trường học sau đám tang. Ở đó tôi tha hồ thêu dệt những câu chuyện của mình. Những câu chuyện trong lòng đất. Tôi luôn là một đứa trẻ láu cá. Tôi nói với bọn trẻ có những câu chuyện được giấu kín trong lòng đất. Thầy giáo đã gõ thước vào đầu tôi bởi những câu chuyện kỳ quái đó.

“Tao lạy mày.” Thầy giáo rống lên.

“Chị tao nói dưới huyệt những con sâu róm đã cắn chết những con chuột bạch và chui vào hĩm của chị tao.” Một đứa rỉ tai với tôi như thế trong lớp trong khi thầy đang nói về đạo đức và sự tiến bộ của con người sau những lần chết.

Từ mái hiên, chúng tôi nhìn ra ngoài sân. Trong mưa, bầy chuột bạch lại leo lên cắn nát lá cờ ủ rũ giữa sân trường. Tôi lại bắt đầu kể cho lũ bạn nghe những câu chuyện tôi mang về từ lòng đất.

Những câu chuyện mà chính tôi cũng không biết là mình đã tận mắt chứng kiến hay là đã thêu dệt nên chúng. Khó mà biết được.

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021