thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Bài ca | Thành phố tội lỗi
(Diễm Châu dịch)
 
BÀI CA
 
Hãy vẫy một chiếc khăn tay trắng
chiếc khăn nói giã từ;
mỗi ngày đều có một điều gì đó chấm dứt
chấm dứt một điều gì đó tuyệt vời.
 
Con bồ câu đưa tin đập cánh vào khoảng không,
trên đường về;
trông đợi hay tuyệt vọng,
chúng ta bao giờ cũng trở lại.
 
Hãy chùi nước mắt em
và cười lên đôi chút bằng đôi mắt;
mỗi ngày đều có một điều gì đó khởi sự
khởi sự một điều gì đó tuyệt vời.
 
 
THÀNH PHỐ TỘI LỖI
 
Thành phố của các nhà chế tạo, những người giàu có, những võ sĩ ác độc,
thành phố của các nhà phát minh, những kỹ sư,
thành phố của những ông tướng, những thi sĩ yêu nước,
với những tội lỗi tối đen đã vượt mức thịnh nộ của Trời
và Thượng đế nổi giận;
cả trăm lần ngài đã hứa hẹn với thành phố này
cuộc báo cừu của ngài, một trận mưa diêm sinh, lửa
và những tiếng ầm ầm của sấm sét
cả trăm lần ngài đã tha thứ cho nó
là vì ngài nhớ tới một ngày nọ đã nói
sẽ tha cho thành phố vì hai kẻ công chính,
và với Thượng đế thì hứa hão không phải là chuyện dễ:
lúc đó có hai kẻ yêu nhau đang bước vào một vườn cây ăn trái mùa xuân,
hít thở đầy hai buồng phổi mùi những bụi sơn-tra phớt hồng đương hoa.
 
 
-----------------------------
Ghi chú của dịch giả:
JAROSLAV SEIFERT (1901-1986) sinh trưởng trong một gia đình nghèo tại một khu phố bình dân của Pra-ha. Học hành dang dở, thời trẻ mưu sinh bằng nghề viết báo. Hoạt động văn nghệ trong nhóm “Devetsil”, chịu ảnh hưởng các nhà thơ siêu thực hồi đầu thế kỷ XX.
 
Rời đảng Cộng sản Tiệp từ năm 1929; từ đấy bị gạt khỏi sinh hoạt văn nghệ chính thống, tuy vẫn có sách in trong nước – dù bị kiểm duyệt, vì là một nhà thơ được quần chúng rất yêu mến.
 
Năm 1956, đọc diễn văn yêu cầu phóng thích các chính trị phạm trong nước ; năm 1968, với tư cách Chủ tịch Hội nhà văn, mãnh liệt chống đối việc “bình thường hóa”; năm 1977, ký tên trong Hiến chương 77. Nhiều tác phẩm phải in ở nước ngoài... và lưu hành trong nước theo hình thức samizdat. Đối với nhiều người trên thế giới, Jaroslav Seifert là một thi sĩ của tình yêu, của tự trọng, của đông đảo quần chúng, đem lại “vinh dự làm người” cho các thi sĩ phải sống dưới chế độ tôi đòi...
 
Tập thơ áp chót của Jaroslav Seifert là Cây dù ở Piccadilly, viết vào năm 1978, không kể tập “Hồi ký” viết một năm sau đó. Tập thơ cuối cùng của ông: Býti básnikem (Là thi sĩ) in năm 1983. Mùa Thu 1984, ông được tặng giải Nobel Văn chương.
 
Hai bài trên dịch từ bản Pháp văn của Petr Král và Jan Rubeš trong Jaroslav Seifert, Les danseuses passaient près d’ici (Actes Sud, 1987).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021