thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Tính biểu tượng của hổ
Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ

 

Hai cách diễn giải về loài hổ được đưa ra dễ dàng hoà hợp nhau: ‘Nó gắn liền với Dionysos, và là biểu tượng của sự thịnh nộ và tàn bạo’;[8] ‘Ở Trung-hoa, nó là biểu tượng của bóng tối và của trăng non’.[17] Bóng tối luôn được đồng nhất với sự bí ẩn của tâm hồn, tương đương với trạng thái mà thuật ngữ Hindu gọi là tamas và thuộc về biểu tượng tính chung của thứ bậc, đồng thời bao hàm sự biểu hiện không bị kiềm toả các sức mạnh nền tảng của bản năng. Ngày nay tại Trung-hoa, hổ dường như đóng vai trò ngang bằng với sư tử trong những nền văn hoá ở châu Phi và phương Tây: cả hai con vật – giống như rồng – đều đảm nhận hai đặc tính khác nhau – như loài thú hoang dã và như loài thú đã được thuần hoá. Đây là những gì ẩn sau hình tượng loài hổ như một biểu hiện phúng dụ của sức mạnh và sự bạo gan trong việc phụng sự cho công bình. Năm con hổ thần thoại cùng tạo thành một biểu tượng vây quanh những ý nghĩa tương đồng với các bộ tứ biểu tượng (tetramorphs) trong truyền thống Ki-tô giáo, trong chừng mực chúng là những hộ vệ của một trật tự không gian chống lại những thế lực của hỗn mang. Hổ Đỏ ngự trị phương nam, mùa của nó là mùa hạ và Nguyên tố của nó là lửa; Hổ Đen ngự trị phương bắc – mùa đông là mùa của nó, Nguyên tố của nó là nước; Hổ Xanh ngự trị phương đông, vào mùa xuân giữa muôn loài thực vật; Hổ Trắng ngự trị phương tây, vào mùa thu giữa các vỉa kim loại; và, cuối cùng, Hổ Vàng (có màu ánh dương) sống trên trái đất và thống ngự tất cả những con hổ khác. Hổ Vàng ngự tại ‘Trung tâm’, như vị Hoàng đế ngự tại trung tâm của Trung-hoa và Trung-hoa nằm ở trung tâm thế giới.[13] Sự phân chia làm tư này cộng với trung tâm là Yếu tố thứ năm, như Jung đã chỉ ra, chính là giá trị nguyên mẫu cổ trong biểu tượng tính của vị thế. Khi hổ xuất hiện cùng các loài vật khác, ý nghĩa biểu tượng của nó thay đổi tuỳ theo vị thế của các loài vật trong hệ thứ bậc: ví dụ, cuộc chiến của hổ với một con vật thuộc loài bò sát biểu trưng cho nguyên tắc cấp cao, nhưng sẽ là ngược lại nếu nó lâm vào cuộc chiến với một con sư tử hoặc một sinh vật có cánh.

 

Chuyển ngữ tại Sài-gòn
2012.04.03

 

Nguyên chú của tác giả:
[8] B. G. P. Diccionario universal de la mitología. Barcelona, 1835
[17] ELIADE, Mircea. Tratado de historia de las religiones. Madrid, 1954
[13] CHOCHOD, Louis. Occultisme et magie en Extrême-Orient. Paris, 1945

 

----------
Nguồn:
Cirlot, J. E. “Tiger.” A Dictionary of Symbols. Trans. Jack Sage. 2nd edition. London: Routledge, 1971.

 

 

-----------

Đã đăng:

Có nét tương đồng nào đó giữa biểu tượng tính của hoa sen và hoa hồng trong văn hoá Tây phương. Ở Ai-cập, hoa sen tượng trưng cho đời sống vừa khai lộ, hay là sự trình hiện đầu tiên. Saunier coi nó như một biểu tượng tự nhiên đối với toàn bộ các dạng thức của sự tiến hoá. Vào thời Trung cổ, nó bị đánh đồng với ‘cái Trung tâm’ thần bí, và do vậy, với trái tim. Như một tạo tác nghệ thuật, nó có liên quan tới mạn-đà-la (mandala), ý nghĩa của nó biến ảo theo số cánh hoa... [Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ] (...)
 
Nhện là một biểu tượng với ba nghĩa tách bạch; đôi khi chúng hoà trộn hoặc chồng chéo lên nhau, đôi khi nghĩa này hay nghĩa khác trội hơn. Ba nghĩa đó được khởi nguồn từ: (i) quyền năng sáng tạo của loài nhện, như được minh hoạ trong hành động giăng tơ dệt mạng của chúng; (ii) tính hung hãn của loài nhện; và (iii) mạng nhện như một mạng lưới xoắn ốc tụ về một tâm điểm... [Nguyễn Khoa Hiếu chuyển ngữ] (...)
 
Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Có nhiều sự suy xét liên hệ đến mặt ý nghĩa của màu sắc mà ta có thể nói qua một chút. Có sự phân chia một cách chung chung về măt quang học và về tâm lí học thực nghiệm... [Đoàn Khương Duy dịch từ bản tiếng Anh / Nguyễn Tiến Văn hiệu đính] (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021