thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nhớ Bùi Bảo Trúc (1944-2016)

 

 

Tôi được tin anh Bùi Bảo Trúc bị bệnh đã khá lâu. Gần đây, anh vẫn thực hiện mục Điểm Tin và Ngày Này Năm Xưa từ 10 giờ đến 10 giờ 30 mỗi buổi sáng, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu mỗi tuần. Tuy nhiên thay vì tới Đài Little Sài Gòn, anh làm việc tại nhà, dùng điện thoại nhà liên lạc. Không những thế, chương trình của anh thường bị cắt hoặc gián đoạn, giọng nói của anh có phần yếu ớt, chứng tỏ rằng bệnh tình của anh không thuyên giảm.

Hôm Thứ Năm tuần vừa qua (15/12/2016) bà Võ Phiến và tôi đến thăm anh, không báo trước. Khi đến trước cửa nhà anh chúng tôi mới gọi điện thoại, được anh trả lời bằng cell phone rằng bạn anh đã chở anh đi Irvine. Tôi ngạc nhiên. Giọng nói của anh còn đầy sinh lực, khác hẳn khi anh nói qua Đài Phát Thanh. Tôi nói một cách thành thật, chứ không phải để trấn an: “Giọng nói của anh mạnh rồi. Thanh hơn sắc. Anh sẽ bình phục nay mai đấy. Tôi mừng lắm.”

Thế là chúng tôi đi thăm hụt, nhưng cũng thấy vui hẳn lên. Bà Phiến bàn thêm rằng anh Trúc đi chơi với bạn bè như vậy có nghĩa sức khoẻ anh đã ổn định. Ngày hôm sau, Thứ Sáu 16/12/2016, tôi canh đúng 10 giờ sáng mở máy nghe chương trình của anh xem thử anh nói năng ra sao. Hăng hái không, giọng sẽ tốt như hôm qua hay tốt hơn, yêu đời không, đùa cợt một cánh ý nhị như mọi khi không.

Anh nói vài câu về một chuyện xảy ra bên Ấn Độ, giọng nói hơi ngập ngừng, yếu ớt, khó khăn. Anh vốn nói trôi chảy, lôi cuốn. Rồi anh im lặng khá lâu. Rồi anh nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng cái, cái, cái, cái, cái ...” Chữ “cái” được lặp đi lặp lại nhiều lần, và tắt hẳn. Nhạc được trổi lên thay cho phần trình bày của anh. Tôi sửng sốt. Đến tối, được tin anh qua đời.

Thật là lạ lùng! Thế là anh đã làm việc cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình. Tôi đoán anh đã cương quyết như vậy. Trong chương trình của anh, thỉnh thoảng anh nhắc đến và ca tụng Nguyễn Du. Nay anh noi theo lời thơ của Cụ: “Con tằm đến thác cũng còn vương tơ.”

 

*

 

Tôi thường vẫn đón nghe anh trên đài Little Sài Gòn. Khá nhiều bạn bè của tôi cũng thích nghe anh.

Trên nước Mỹ này, mỗi ngày có biết bao tin tức, đọc sao cho hết, nghe sao cho hết. Anh biết chọn lựa tin tức, và đưa ra những nhận xét thông minh, duyên dáng, thường là tinh quái, hóm hỉnh. Thì cũng là tin tức mà người ta đã biết, nhưng còn muốn thấy thêm giữa những dòng chữ, bên dưới những dòng chữ, còn có những gì. Anh cố gắng đáp ứng cái muốn đó. Anh cố sức soi rọi những điểm khuất bằng cái nhìn độc đáo, bằng những nhận xét mới mẻ. Anh ôn lại Ngày Này Năm Xưa cũng với tất cả cái thú vị của nó, và khiến nó linh động hẳn lên. Lại thêm kiến thức của anh rộng, trí nhớ của anh tốt. Những vốn liếng ấy giúp anh thực hiện chương trình một cách tự nhiên, ung dung, nhàn nhã, liên tục hết năm này qua tháng khác. Anh nói với khán thính giả mà như nói với một người bạn thân, giọng nói trầm ấm, lôi cuốn, nghe như “thì thầm bên gối.” Khán thính giả chăm chú theo dõi, vui buồn theo cái vui buồn của anh. Nhưng khi gặp chuyện bất bình, nhất là những chuyện trái tai gai mắt thường xảy ra tại quê nhà, anh biến thành một con người khác, cay độc, dữ tợn. Tóm lại, anh là người thẳng thắn, bộc trực, dám làm, dám nói. Và là một người chống Cộng quyết liệt.

Anh đọc nhiều. Văn thơ đông tây kim cổ anh đều tỏ ra thấu hiểu. Về thơ hiện đại của Việt Nam, anh thường nhắc đến Đinh Hùng, Nguyên Sa, về văn thì Võ Phiến, Mai Thảo. Trí nhớ tốt, anh đọc thuộc lòng vanh vách những bài thơ hay, những đoạn thơ đặc biệt, rồi đưa ra những lời khen ngợi hay những nhận định xác đáng.

Đối với các lãnh vực khác như âm nhạc, hội hoạ Việt Nam cũng như ngoại quốc, anh cũng là người sành điệu. Những ai am hiểu và say mê nhạc ngoại quốc như anh thường không để ý mấy đến tân nhạc Việt Nam. Anh, trái lại. Nhạc tiền chiến, nhạc bây giờ, trải qua gần một thế kỷ, anh nắm rất vững về tác giả, về thể loại, về giai điệu, về lời ca. Anh lại còn đi sâu vào những chi tiết khác, chẳng hạn ca sĩ nào thích hợp với bài hát nào. Ví dụ bài Ngàn Thu Áo Tím của Hoàng Trọng nên nghe Thái Thanh hát, bài Cô Láng Giềng của Hoàng Quý nên nghe Trần Thái Hòa. Ca sĩ nào hát sai lời ca của tác giả, anh kiên nhẫn giải thích và sửa lại cho đúng.

Anh còn viết văn, làm thơ, dịch thuật. Những tập Thư Gởi Bạn Ta được người đọc mến chuộng. Thơ của anh đăng trên báo thời còn trẻ được tìm đọc lại.

Trong văn của anh, tính cách giễu cợt, tranh biện và chất lửa cần có của một ký mục gia, một cây bút phê bình văn học, và nhất là chính trị, hiện lên rõ nét. Anh có thời làm Phát Ngôn Viên của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa. Tuy thế, rải rác trong nhiều bài, nhất là trong thơ, người đọc nhận ra anh là người giàu tình cảm, trân quý kỷ niệm. Nhất định không về quê hương khi còn cộng sản, anh tìm về Tân Tây Lan nơi anh từng trải qua một phần của thời trai trẻ du học. Anh tìm lại ngôi trường xưa, những người quen nay đã tóc bạc da mồi, con đường cũ, góc phố, quán ăn, cái còn, cái mất, cái thay đổi. Lòng anh bồi hồi.

Huống chi là kỷ niệm ở quê nhà.

Hà Nội thời anh còn thơ ấu, mài đũng quần trên ghế nhà trường Tiểu Học, nhớ lớp học bé nhỏ thì ít mà nhớ cây me, cây sấu, cây hoa phượng, con ve mùa hè, và Hồ Tây xa xôi, thì nhiều. Di cư vào Nam, học Trung Học Chu Văn An, đã có trí khôn, biết bao nhiêu kỷ niệm theo anh suốt đời. Hàng xóm, láng giềng, thầy, bạn, cái giếng, kệ sách, thang gác gỗ ọp ẹp bước lên kêu răng rắc, góc phố, cây trứng cá nở hoa trắng, xe bò viên cạnh rạp xi nê, khô bò, nước mía ở các ngã tư, ngã sáu, đu đủ ướp đá bào, khóm miếng Tân An ..., và nhất là những hôm trốn học tay ôm sách, mộng ước đầy hồn, đi lang thang trên những lề đường cũ phủ lá me non, hay đạp xe đạp lượn lui lượn tới trước cổng trường con gái, hoặc chui vào những rạp chiếu bóng thường trực Lê Lợi, Vĩnh Lợi, Đại Đồng, miệng cạp bánh mì, mắt say sưa đuổi theo những chân trời xa lạ.

Hãy đọc một đoạn thơ của Bùi Bảo Trúc:

Hãy tưởng tượng lại đi trên đường cũ
Những lề đường đá lát lá me non
Thời trốn học lang thang trên vỉa phố
Sách trong tay, mộng ước chất đầy hồn

Tất cả đành bỏ lại sau lưng. Có lần anh nói khó có ngày để có thể tìm lại kỷ niệm cũ. Mình sẽ không còn ở cõi đời này mà đất nước vẫn cứ như thế chăng?

Anh yêu cuộc sống vô cùng, tha thiết với cuộc sống vô cùng. Anh cám ơn tất cả những gì đã mang lại cho anh niềm vui, hạnh phúc, hay ngay cả những tiện nghi hàng ngày. Anh cám ơn từ “Cái cối, cái chày” cho đến tô hủ tiếu, tô phở tái gầu nóng hổi, con gà Tây ngày Thanksgiving, mì gói ăn liền, ly rượu vang đỏ, chiếc cà-vạt thanh lịch, chị bán cháo lòng, anh bánh mì Ba Lẹ, chiếc máy chữ, cái Internet, nhà văn, nhà thơ, nhà nhạc, nhà hoạ, vân vân. Cám ơn cả mái tóc của anh đang ngả qua màu trắng nhưng anh nhất định không nhuộm, cám ơn cả con chim bay trên trời xa, nụ hoa nở gần đầu ngõ. Cũng may, tuy gắn bó với cuộc sống này đến thế, anh vẫn rất can đảm, rất bình tĩnh, khi nghĩ đến cái chết.

Đang lúc đau ốm, anh thường nói lỡ có chết cũng vừa, chả có gì mà hối tiếc, mà sợ sệt. Tuy nhiên, theo tiêu chuẩn bây giờ, chết ở tuổi 72 như anh quả có sớm. Nay anh đã thanh thản ra đi. Cái buồn và sự hụt hẫng ở lại với những người thương yêu anh. Trong đó có tôi.

Theo lịch trình tang lễ, họ hàng, thân hữu sẽ viếng anh tại Peek Family vào ngày 30/1/2016. Tôi đi vắng trong vòng 10 ngày vào dịp đó. Tiện có bài viết ngắn tưởng nhớ anh, tôi xin ghi thêm vào đây lời cầu mong anh yên nghỉ nơi chốn vĩnh hằng.

 

22/12/2016

 

 

--------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021