thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LÔNG & SỪNG [chương 1]

 

1.

 

Khi ấy, một cọng lông nách của gã nông dân mù chữ thuộc làng Mơ, xứ Mận... đã bị bứt ra khỏi nơi u tối bởi một số phận đã được tiền định. Giờ Ngọ, ngày Dậu, tháng Thân, năm Tuất... theo lịch phương Đông, gã nông dân săm soi cọng lông loăn xoăn đột nhiên ngứa ngáy và nổi đỏ ấy, đưa lên miệng thổi... Cọng lông bay vào bầu trời. Gã nói: “Hãy mang cơn ngứa của tao đi khắp thế gian.”

Theo cơn gió, cọng lông phất phơ giạt vào khe cửa nhà một ông thày đồ. Ở đó, sớm tối được nghe lời thánh hiền, thấm đẫm tứ thư ngũ kinh và truyền thống dân tộc, lông biến thành sừng. Cái sừng trâu lừng lững trên vách mà ông thày đồ cũng không nhớ có từ khi nào. Cũng trong năm ấy, thiếp của ông thày đồ hạ sinh một bé trai. Ngay khi sinh ra, thằng bé đã phô trương một con cu to khác thường. Cứng và đỏ chói lọi.

Thấu cảm được sự bí ẩn trong giấc mơ thành sừng của một cọng lông, ông thày đồ đặt tên cho con là Mao Thành Giác. Mặc dù, gia phả nhà ông vốn họ Nguyễn.

Tuy là con trong gia đình thày đồ, Mao Thành Giác vẫn phải đi chăn trâu như những đứa trẻ khác trong thôn làng. Giấc mơ thành sừng của nó càng ngày càng mãnh liệt. Bọn trẻ con thích Mao Thành Giác vì nó hiện thân cho niềm vui, sự nghịch ngợm và những ước mơ bay bổng. Nó bày đủ thứ trò tinh quái từ đánh nhau đến nhìn trộm phụ nữ tắm sông, thay quần áo. Khi mới mười hai tuổi, nó đã biết mùi háng phụ nữ và làm thủ lĩnh của đám trẻ con trong làng.

Mao Thành Giác hỏi bọn nhóc: “Tụi mày biết háng con gái có mùi gì không?” Bọn trẻ con đần cái mặt ngu ngơ, chúng chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy. “Mày ngửi rồi hả?” Nó khệnh khạng: “Tao biết những điều chúng mày không thể biết.” “Làm sao mày biết được?” “Thằng nào muốn nghe thì hãy ngồi xuống.” Vài đứa vẫn đứng. Nó ra uy: “Đứa nào không muốn nghe thì đi chỗ khác.” Tất cả bọn nhóc đều ngồi xuống. “Nghe này, tao chỉ cần làm bộ vấp ngã... rồi ôm mông cô gái mà tao muốn ngửi là xong thôi.”

Mao Thành Giác lại hỏi: “Tụi mày muốn trưa nay no nê không?” Bọn nhóc khoái chí: “Muốn... muốn...”

“Theo tao.”

Nó nhìn thấy một con trâu từ phía xa. Cả bọn kéo tới, dắt con trâu về vũng nước làng mình rồi vu vạ cho thằng chăn trâu khốn khổ kia: “Mày cho trâu tắm vũng nước nhà tao, muốn chuộc thì để phần ăn của mày lại đây.”

Bắt người khác phải khuất phục là bản lĩnh và bản chất của Mao Thành Giác.

Đôi khi hứng chí, nó bộc lộ khí phách lãnh tụ nhân dân bằng cách bắt bọn nhóc công kênh như rước vua. Nó cũng thích sai một đứa nào đó bò xuống đất làm bệ đỡ để nó đạp lưng leo lên cưỡi trâu. Không đứa nào dám trái ý nó.

Có một thằng nhóc lúc nào cũng lẽo đẽo theo Mao Thành Giác chỉ để muốn biết về cái mãi mãi bí ẩn: “Háng con gái có mùi gì?” Nó bảo: “Không tả được. Nếu mày muốn biết thì tìm cách mà ngửi.” Thằng nhóc tò mò ấy sau nhiều lần bị tát sưng mặt cũng biết được háng con gái mùi gì, nó bảo: “Khai bỏ mẹ.” Đó là háng của con bé chăn vịt ngoài rìa làng. Nhưng cũng không mất nhiều thời gian, thằng nhóc được mở mang kiến thức, rằng háng phụ nữ không chỉ có mùi khai mà còn “hấp dẫn vô cùng tận”, khi nó theo đuổi con bé đẹp nhất làng mà Mao Thành Giác đã ngửi mùi trước. Khi về già, thằng nhóc này trở thành bạn tâm phúc chuyên dẫn gái cho Mao Thành Giác giải sầu.

Không có điều gì muốn mà Mao Thành Giác không làm được. Vào năm mười lăm tuổi, nó đã biết giá trị thực sự của cái sừng trong háng nó. Tất cả các bà goá trong làng đều có thể chứng thực điều này. Họ bảo: “Chưa từng có một gã đàn ông con trai nào lẫm liệt đến thế.” Một bà táo bạo kể: “Nó giống như ống sắt nung.” Một bà khác nói: “Của ngựa chứ không phải người.” Nhưng chinh phục phụ nữ không phải là niềm vui duy nhất của Mao Thành Giác, trong tận cùng nỗi khao khát thành sừng, nó muốn cả đàn ông cũng phải quì dưới chân nó. Ông thày đồ nhìn thấy ngọn lửa nhảy múa trong tâm can cậu con, vì thế, ông càng ra sức kìm kẹp Mao Thành Giác theo khuôn phép đạo nghĩa thánh hiền và truyền thống. Nhưng ngọn lửa cuồng vọng bất trị ấy đã đốt cháy tất cả các đấng thánh và chính bản thân nó.

Khi gia đình và ngôi làng trở nên quá bé nhỏ, chật hẹp với giấc mơ hùng dũng sang trọng của nó, Mao Thành Giác quyết định bỏ nhà đi. Năm ấy, nó mười bảy tuổi.

Vào thành phố, Mao Thành Giác xin được chân phụ bếp một quán nhậu để sống qua ngày. Thành phố dạy hắn hút thuốc, uống rượu, chơi gái. Song thành phố cũng dập vùi hắn trong thân phận người làm thuê. Hắn đi từ nhà hàng này đến quán ăn nọ với mọi nỗi đắng cay của bất công. Nhưng không bao giờ hắn cho phép mình tủi nhục. Cũng chính ở nơi bị bóc lột và dập vùi ấy, một Mao Thành Giác khác đã hình thành như ma đưa lối, quỉ đưa đường. Hắn muốn vươn lên làm người nấu ăn cho cả thế giới như một người yêu nghề, chân chính. Nhưng trước khi có thể trở thành người phục vụ vĩ đại, hắn đã trải qua một cuộc trường chinh vô tiền khoáng hậu từ xó bếp các con tàu lênh đênh trên đại dương đến các loại bếp của mọi kiểu nhà hàng trên khắp các lục địa.

Năm hai mươi tuổi, Mao Thành Giác đã nắm được các yếu tính âm dương của từng loại thực phẩm cũng như làm chủ được mọi gia vị. Ông khách ở nhà hàng Mộng Xanh mà hắn được biết vốn là nhà văn, nhưng lại nổi tiếng bằng những bài báo hoa mỹ về các món ăn, từ dân dã đến sang trọng. Một người biết tuốt của giới văn chương chữ nghĩa An Nam.

Ông ta khen hắn về món giò heo giả cầy: “Cậu thật công bằng.”

Hắn ngạc nhiên, lễ phép: “Thế là sao ạ?”

Ông nhà văn tợp một ngụm rượu trắng, thong thả nói: “Vì cậu vẫn giữ được phẩm giá cho heo trong khi tôn vinh mùi vị của con cầy.”

Hắn hỏi lại: “Ông quan tâm đến sự công bằng?”

Ông nhà văn không kém ngạc nhiên như hắn. Ông không giấu tò mò nhìn hắn từ chân lên đầu: “Ờ... mà cậu cũng quan tâm đến sự công bằng sao?”

Hắn nhũn nhặn: “Tôi là người nấu ăn, tôi không muốn để bất cứ một thực phẩm hay gia vị nào mất chỗ đứng của nó trên lưỡi người ăn.”

Ông nhà văn đứng lên: “Tôi mời cậu một ly được chứ?”

Hắn chần chừ rồi thưa: “Dạ... nhưng chỉ một ly thôi ạ.”

Hắn nói “xin phép” rồi bước vào trong cầm ra một cái ly nhỏ tương tự như ly của ông nhà văn đang uống.

Ông nhà văn: “Xin mời.”

Hắn cúi đầu cảm tạ rồi ngửa mặt uống cạn một hơi.

“Cám ơn.” Hắn nói. “Tôi xin phép được về chỗ của mình.”

Ông nhà văn lại nhìn hắn từ đầu xuống chân như một loại động vật quí hiếm: “Cậu có lúc nào rảnh không?”

“Dạ không.” Quả thực, không rảnh. Từ sáng sớm hắn đã phải đích thân theo bà chủ đi chợ để chọn mua thực phẩm. Và tới khi đêm tàn, quán hết khách, hắn mới được nghỉ.

Ông nhà văn tần ngần, tiếc rẻ: “Tôi muốn có dịp được mời cậu một bữa riêng tư.”

Dè dặt im lặng... rồi xin phép lui, hắn cảm thấy ông nhà văn cũng không bình thường.

“Công bằng” là một từ nhạy cảm.

Lần thứ hai Mao Thành Giác gặp ông nhà văn ở sạp báo. Khi ấy, hắn bị đuổi việc vì bà chủ đã học lỏm được nghề của hắn.

Ông nhà văn mừng rỡ: “Hôm nay cậu rảnh à?”

“Dạ... chắc là còn rảnh nhiều ngày nữa.”

“Vậy thì đi với tôi.” Ông nhà văn nói.

Hắn lẳng lặng theo ông vào một quán cà-phê.

Ông nhà văn hỏi: “Có chuyện gì nói cho tôi nghe.”

Hắn nói: “Chỉ là tôi bị mất việc, thế thôi.”

“Bây giờ cậu sẽ đi đâu?”

“Tôi cũng chưa biết. Nhưng có lẽ tôi sẽ đi học. Tôi muốn nói được tiếng Pháp.”

Ông nhà văn gật gù: “Hay đấy. Nhưng cậu học tiếng Pháp để làm gì?”

Trong thâm tâm, hắn muốn đi đây, đi đó... và nấu được mọi món ăn của các dân tộc. Nhưng hắn lại tỏ bày một điều mà chưa bao giờ hắn nghĩ đến: “Tôi muốn học để đi làm cho nhà nước.”

Ông nhà văn cười cười: “Nếu vậy, cậu nên tìm cách xin vào trường Thuộc Địa.”

Hắn cũng cười cười: “Vâng, nhưng tôi cần phải giỏi tiếng Pháp cái đã. Ông biết đấy, tôi không có tiền. Ông dạy tôi được không?”

Ông nhà văn nói: “Tiếng Pháp của tôi không đủ để dạy cho bất cứ ai. Tốt nhất là cậu nên xin việc ở một nhà hàng Pháp hay một con tàu Pháp. Việc tiếp xúc trực tiếp sẽ giúp cậu học hỏi nhanh hơn. Vả lại còn có cái để sống.”

Mặt Mao Thành Giác sáng rỡ. Chân trời đã mở ra.

Ngay hôm sau, Mao Thành Giác ra bến tàu tìm gặp những thuỷ thủ mà hắn biết mặt đã từng đến ăn tại các nhà hàng nơi hắn làm việc. Hắn nhờ họ giới thiệu một chân phụ bếp. Một tuần sau, hắn đã có mặt trên con tàu ATF của Pháp đi Marseille.

Trên tàu, Mao Thành Giác học được cách chế biến các món ăn đơn giản của Pháp. Đôi khi để thay đổi khẩu vị, hắn cũng trổ tài nấu món mì An Nam. Các thuỷ thủ thích hắn vì hắn rất An Nam. Hắn tự hào: “Mình phải thế nào người ta mới quí mình chứ”. Cái thế nào của hắn là luôn luôn giả lả để làm vui lòng mọi người, như thể người khác không vui là do lỗi của hắn. Mấy gã người gốc Châu Phi thường nói với hắn về thân phận của người dân thuộc địa và nghèo đói. Họ cũng thì thầm với nhau về cuộc cách mạng vô sản ở Nga. Mao Thành Giác chưa có khái niệm gì về các vấn đề chính trị, nhưng hắn thích những câu chuyện về cuộc đời Vladimir Ilyich Lenin và cách ông ta cướp chính quyền từ Nga hoàng. Mao Thành Giác nhìn thấy thời cuộc.

Hơn một tháng sau, tàu ATF cập cảng Le Havre. Nước Pháp làm Mao Thành Giác mờ mắt. Hắn xuống tàu và không bao giờ trở lại. Lần mò đến Paris, hắn tìm được vài người đồng hương. Họ giúp hắn kiếm tiền bằng cách đi giao báo. Họ cũng dạy hắn tiếng Pháp hoàn chỉnh và dạy cách hắn viết báo để kiếm thêm tiền. Đấy là lúc Mao Thành Giác khát khao nhất được nhận vào trường Thuộc Địa, nhưng đơn xin đặc cách của Mao Thành Giác gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa không được chấp nhận, mặc dù hắn đã thành khẩn “Tôi nguyện làm tôi tớ trung thành của mẫu quốc vĩ đại.”

Một trong những người sáng lập tờ báo Những Kẻ Khốn Cùng, cơ quan ngôn luận tranh đấu cho độc lập của các nước thuộc địa, chia sẻ với Mao Thành Giác: “Việc trước tiên và cũng khó khăn nhất là khai dân trí. Sự hiểu biết là chìa khoá cho sự giải phóng bản thân và là nền tảng cho sự tiến bộ. Do đó, chính cậu cần phải học, học, học mãi...” Mao Thành Giác chẳng những biết thế, mà hắn còn biết hơn, chính sự ngu muội của đám đông mới là tiền đề cho mọi lực lượng cách mạng.

Không vì oán giận nước Pháp không cho hắn cơ hội phục vụ, Mao Thành Giác tìm cách đến với xứ sở của Lenin huyền thoại để biết sự ngu muội được dẫn dắt như thế nào. Vào Nga bằng cách đi qua nước Đức, hắn đến Matxcơva và xin được vào trường Đại học Cộng sản Phương Đông qua sự giới thiệu của Đảng Cộng sản Pháp. Nhưng chỉ hơn một năm sau, Giác bỏ học vì ngộ ra nước Nga và cuộc cách mạng vô sản không phải là chỗ của hắn. Mao Thành Giác muốn sướng. Hắn truy tìm cái sướng, nhưng ở nước Nga Xô Viết, một mặt cái sướng bị kết án như một thứ đáng khinh bỉ của chủ nghĩa cá nhân, mặt khác cái sướng toàn thể lại chỉ là bánh vẽ của những giáo điều. Hắn nhìn ra chủ nghĩa xã hội là một nghịch lý không lối thoát. Chế độ Cộng sản đồng nghĩa với đói khổ, sợ hãi và chuồng trại. Tuy nhiên, chủ nghĩa Cộng sản đã cho Mao Thành Giác một bài học lớn, vật chất quyết định cuộc sống con người cũng như xã hội, và cụ thể hơn, cái bao tử quyết định phẩm cách con người. Điều ấy làm thay đổi cuộc đời hắn.

Các nô lệ ở thế gian đã vùng lên, nhưng bao nhiêu lợi quyền không qua tay mình như lời bài hát Quốc Tế Ca, mà các nô lệ tiếp tục là nô lệ một cách triệt để hơn, toàn diện hơn cho một ý hệ và thế lực mới. Mao Thành Giác ớn lạnh sống lưng đào thoát khỏi giấc mơ đại đồng, làm cuộc cách mạng bản thân. Quay lại Paris, hắn tiếp tục con đường định mệnh, trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp.

Nhắm mắt hay mở mắt, Mao Thành Giác lúc nào cũng lao đi như mũi tên. Hắn tìm được chỗ trú chân trong một nhà hàng thuộc loại khá ở khu trung tâm Paris, âm mưu lật đổ mọi thứ giáo điều.

Giờ của con người đã đến, Mao Thành Giác phô trương thanh thế cái sừng đỏ chói lọi trong háng. Không thể so sánh vóc dáng với đàn ông Pháp, nhưng bù lại, hắn sở hữu một cái sừng đẳng cấp thế giới, đặc biệt có khả năng co giãn không giới hạn đáp ứng được cho tất cả thể loại hang hốc phụ nữ. Con gái Pháp mê hắn. Đàn bà mọi châu lục đến Paris du lịch cũng mê hắn. Mao Thành Giác được trả tiền để phục vụ một nửa thế giới. Hắn sống trên đỉnh vinh quang của cái sừng. Nhờ thế, lịch sử của một cu-ly thuộc địa đã được viết lại cho xứng đáng với cái sừng ngoại hạng ấy. Mao Thành Giác được tô vẽ như một thành hoàng của làng Mơ, xứ Mận huyền bí... Không một phụ nữ nào ngủ với hắn mà không ra hết nước.

Mao Thành Giác, kẻ trả thù dân tộc vĩ đại nhất mọi thời đại của An Nam nhược tiểu và thuộc địa, niềm an ủi cho mọi nỗi lưu vong và khốn cùng.

Mao Thành Giác, kẻ đáng kính trong số những người đáng kính nhất bởi những món ăn của ông ta mang đến sự viên mãn cho khát vọng hạnh phúc con người.

Những món ăn được chế biến theo công thức riêng của Mao Thành Giác bao giờ cũng lạ miệng và ngon không thể so sánh. Ăn uống với thực đơn của Mao Thành Giác không chỉ là văn hoá nghệ thuật hay sành điệu, mà còn chứng thực một giá trị cốt lõi trong dinh dưỡng, tăng cường sinh lực giới tính cho tất cả nam phụ lão ấu một cách hoàn hảo.

Việt Nam vô địch muôn năm. Tiếng vọng hoan hô ấy còn âm vang đến mấy thế hệ sau.

Mao Thành Giác lừng danh Paris. Người ta truyền tụng: “Chưa ăn món ăn của Giác nấu, chưa phải là người biết sống.” Với phụ nữ, họ bảo: “Chưa biết sừng của Giác, chưa thể gọi là biết đàn ông đích thực.” Mao Thành Giác là kỳ tích văn hoá ẩm thực và tình dục của Paris trong vài thập niên trước và sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Paris tiêu biểu cho nền văn minh phương Tây, nhưng thủ đô ánh sáng ấy không đủ cho cái cuồng hoan bất tận vô thuỷ vô chung của Mao Thành Giác. Ở đấy, nó thiếu một bóng tối của những nỗi niềm hoang sơ cội nguồn sinh thành của cái dục. Vì thế, khi một bạn cũ người Algeria trên con tàu ATF xưa kia rủ hắn về quê hương lập nghiệp, không phải suy nghĩ nhiều, Mao Thành Giác đồng ý ôm hết vốn liếng tích luỹ được bỏ Paris qua Phi Châu huyền bí, mặc dù hắn biết người Hồi giáo không bao giờ là đối tượng của cái nghề nấu ăn như hắn, nhưng sự khắt khe của luật lệ cũng như tấm mạng che mặt của phụ nữ Hồi giáo lại kích thích hắn tột độ. Hắn muốn phá vỡ mọi giới hạn. Hắn tin rằng cái gì càng bị cấm càng dễ bị cám dỗ. Mao Thành Giác mở nhà hàng riêng và đặt tên là Pieds Noirs, trước hết phục vụ kiều dân Pháp và những hậu duệ người Châu Âu trên xứ sở ăn kiêng này.

Khi chưa kịp lật tấm khăn che mặt của bất cứ cô gái Algeria trinh trắng nào, Mao Thành Giác đã bị Malika thông minh, biết và dám phô bày vẻ đẹp của mình, từng bóc tem hơn một ngàn gã trai tơ đủ quốc tịch, tụt quần.

Ma nữ thành Paris hồi hương cố xứ nhập vai cô bé quàng khăn đỏ, hỏi: “Sao cu anh to thế?”

Con sói An Nam bảo: “Nó to vì em.”

Cô gái quàng khăn đỏ Phi Châu lại hỏi: “Sao cu anh cứng thế?”

Con sói An Nam hãnh diện: “À... Nó cứng để em biết thế nào là thần thoại phương Đông.”

Cô gái giả dạng ngây thơ hỏi tiếp: “Sao cu anh chói lọi thế?”

Con sói An Nam tự hào: “Nó chói lọi cho người đời biết bướm em đã có ngày rạng rỡ.”

Ma nữ thành Paris về hưu non cười híp mắt. Hai con mắt như hai con sâu róm. Mao Thành Giác mang đến cho cô một ấn tượng kinh dị.

Thay vì bị ăn thịt, cô bé quàng khăn đỏ Malika háo hức chiêm ngắm cái kỳ quan văn hoá phương Đông, cô mơn trớn hân thưởng nó điệu nghệ bằng đôi môi dày và cái lưỡi mềm của mình. Con sói Mao Thành Giác được dẫn dắt về rừng. Và hắn qui hồi bản nguyên hoang dã.

Linh hồn hắn bị giam giữ vĩnh viễn trong âm hộ rừng rú của thần nữ ma mị này. Cái sừng bò đỏ hung hãn điên loạn đâm vào bóng tối mù mịt và ướt át của một viễn cảnh tối thượng cho sự tồn sinh, mà bốn ngàn năm văn hiến của hắn nhập nhoà vọng tưởng. Mao Thành Giác nhìn thấy Đức Brahma sáng loà trên đỉnh ngọn cương dương sấm sét. Trí huệ mở ra. Từ đấy, ý tưởng đi Ấn Độ luôn thôi thúc trong lòng hắn.

Malika sành sỏi tình dục là em gái của người bạn thuỷ thủ. Cô đủ khôn ngoan để cùng quản lý nhà hàng Pieds Noirs với Mao Thành Giác. Cô cũng có cả một dòng họ phía sau sắp hàng nhờ vả. Vì thế, hầu hết nhân viên của Pieds Noirs là anh chị em nhà Malika. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy sụp của nhà hàng này trước khi nó bén rễ được vào lòng đất khô cằn của Phi châu.

Khi chế độ thuộc địa cáo chung, hầu hết người Pháp trở về quê hương. Đám “chân đen” lai lịch Châu Âu và “bè lũ tay sai” ôm chân đế quốc thực dân cũng chạy theo Pháp, hắn không nghĩ có thể làm ăn được với người Hồi giáo ngoan đạo nên bán tống bán táng nhà hàng tiêu điều của mình di cư qua Ấn Độ.

Nhưng con tàu lênh đênh và góc bếp thân tình với những thuỷ thủ đủ loại màu da lại một lần nữa lôi cuốn hắn. Con tàu chở hàng của Phần Lan đem Mao Thành Giác đến những bến cảng và ngôn ngữ xa lạ. Nhờ thế, Mao Thành Giác học và nói được 52 thứ tiếng. Hắn cũng trải nghiệm được mọi khẩu vị của con người khắp mặt đất.

Nghiệp chướng chồng chất khi tinh trùng của hắn rơi vãi trên những nẻo đường hoang dâm vô độ, để lại nỗi tiếc hận cho phụ nữ được hắn khai mở cùng lúc đóng lại mọi mầm mống phồn thực phiêu bồng. Nhưng cũng chính oan gia nhà hắn lại cứu hắn thoát khỏi những hệ luỵ truyền giống bừa bãi. Tinh trùng hắn loãng như nước gạo.

Hành trình tới Ấn Độ của hắn bị kéo dài đến gần mười năm.

Trước khi tìm một chỗ để kiếm ăn, hắn muốn biết Ấn Độ thực sự là gì? Mao Thành Giác đã nhìn thấy tứ khổ tràn lan trên mặt đất như Phật chiêm nghiệm. Hắn cũng nhìn thấy bát chánh đạo đâu đó qua các hành giả trầm mặc dưới bóng cây như Phật giác ngộ. Hắn cũng tự tâm soi chiếu cõi tịnh tu bất chợt của mình và chỉ thấy sự lừa mị.

Làm thế nào có thể hành động vô cầu khi lòng dục chất ngất mà không bị kẹt giữa thực tại hỗn mang hoặc chết chìm trong ảo vọng? Bài học của Xô Viết Nga trở thành chân lý. Bao tử khoẻ mạnh, tứ chi phát triển và tinh anh phát tiết. Từ xứ sở kiêng thịt heo đến xứ sở kiêng thịt bò... hắn vận dụng tư duy hoá thân của món heo giả cầy An Nam vượt qua ngã chấp. Giao cấu phi giao cấu. Nghiệp phi nghiệp.

Mút mùa mê hoặc với nghệ thuật làm tình phương Đông, Mao Thành Giác chỉ muốn tu tình. Hắn tự hỏi, làm tình có giải thoát được không? Hắn đã từng kiệt sức với châu Phi nồng nàn hoang dã. Giờ đây, hắn muốn thanh thoát với cả vũ trụ nhiệm màu. Kamasutra, chiêu thức của lạc thú trần gian hay phương cách hoá giải tâm thức và đường đi đến cực lạc giải thoát? Liệu có thể ứng dụng Bhakti Yoga với tâm tình thờ phụng và hiến dâng vào Kamasutra để đạt đến hợp nhất trong một bản thể?

Nhưng đã đến lúc bao tử lên tiếng. Một ngôn ngữ thực dụng. Một thực thể thường tại. Phẩm cách và phong thái.

Ấn Độ nghèo đói và viễn tưởng. Khí trời và phương pháp hít thở phải chăng là tiếng gọi của một bao tử trống rỗng? Bể khổ trầm luân đang ở giữa chúng sinh, cũng như ở trong hắn. Không thể trải nghiệm như một tì kheo khất thực tuỳ tâm của bá tánh, bởi khẩu vị của hắn là một thứ thần linh khác, hắn nghiêm ngặt và đòi hỏi sự hoàn hảo. Lần đầu tiên trong đời, Mao Thành Giác lan man nghĩ đến cái gọi là văn hoá ẩm thực, triết lý ăn uống hay Yoga dinh dưỡng. Các tôn giáo đều hướng đến việc ăn chay như một liệu pháp tiết chế lòng dục. Hắn cần phải đi ngược lại và tìm một nền tảng triết học cho sự thực nghiệm tâm linh kết hợp giữa chất lượng dinh dưỡng, Bhakti Yoga và Kamasutra như một lạc thú tuyệt đối của cuộc sống con người.

Mao Thành Giác đi qua các thánh tích Phật giáo và các đền đài lăng tẩm vua chúa từ Ấn Độ đến Nepal để tìm cảm hứng kinh doanh. Hắn nhận ra nền tảng của tâm linh cũng chỉ là tham vọng vật chất. Không có vật chất thì không có Thượng đế.

Cuộc tuần hoàn ăn, ngủ, đụ, ỉa của cuộc sống con người là khởi nguồn và kết thúc một sinh mệnh. Tâm linh chỉ là sự biến thái và kết quả của cuộc tuần hoàn ấy. Vì thế, ăn không chỉ là biện pháp mà còn là cứu cánh cho hạnh phúc.

Mao Thành Giác về bên sông Hằng linh thiêng lập một lữ quán, phục vụ ăn-ngủ-đụ-ỉa cho chúng sinh.

Có kẻ cầm búa đến và nói: “Tôi có một cái búa.”

Hắn từng nghe nói về người này. Cái búa để đóng đinh và nhổ đinh. Hoặc đập vỡ mặt một ai đó như người này vẫn thường làm.

Mao Thành Giác nói: “Tôi cũng có một cái búa. Ngoài ra, tôi còn có cái liềm. Ông biết công dụng của cái liềm chứ?” Vừa nói hắn vừa đưa tay lên ngang cổ cứa như cắt lúa.

Người cầm búa bỏ đi. Rồi trở lại vào hôm sau với nhiều cái búa hơn, ông ta nói: “Mi phải nộp phạt.”

Mao Thành Giác tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao lại phải nộp phạt cho ông?”

Ông ta nói: “Đây là lãnh địa của bọn tao. Mày chưa xin phép...”

Mao Thành Giác cười xởi lởi: “Ồ... vậy thì tốt quá. Người anh em, hãy cho người của ông đến đây. Hãy làm việc cho tôi. Các ông và cả vợ con các ông nữa. Tôi có rất nhiều thứ cho họ. Sữa, mật ong, cà-ri, vải vóc và than củi...”

Người cầm búa và thuộc hạ của ông ta qui phục Mao Thành Giác, kẻ hào phóng ban phát miếng ăn và áo ấm.

Mao Thành Giác dạy cho đàn ông cách phụ bếp nấu ăn và sự trung thành. Hắn cũng dạy cho đàn bà cách phục vụ và làm hài lòng khách hàng. Riêng món đặc sản bò giả nai nổi tiếng của lữ quán Sông Hằng, hắn chỉ truyền nghề cho những kẻ được tuyển chọn đặc biệt sau một nghi thức bí mật.

Không bao lâu, hệ thống lữ quán Sông Hằng của Mao Thành Giác đã có mặt khắp Ấn Độ và các nước Nam Á khác. Với slogan “Thụ hưởng & Giải thoát”, thương hiệu Sông Hằng mang đến cho khách hàng của mình một trải nghiệm trái nghịch nhưng hấp dẫn, vừa tràn đầy hương vị trần gian vừa thoát tục siêu phàm với những món ăn cực ngon mà không đầy bụng. Không thể tìm thấy ở đâu khác.

Thật ra, sự phát triển của hệ thống lữ quán Sông Hằng không phải lúc nào cũng êm xuôi. Mao Thành Giác từng đối diện với muôn vàn khó khăn tưởng như không thể vượt qua nổi, nếu hắn không mang theo bùa hộ mạng luôn đeo trên cổ. Đó là một miếng vải vàng to đúng ba phân vuông, trên đó thêu hình búa liềm màu đỏ và những hoa văn nhỏ máu. Bất cứ ai nhìn thấy tấm bùa này cũng tự nhiên đái ra quần. Nỗi sợ không kiểm soát được. Một bóng ma của nhân loại xuất hiện từ giữa thế kỷ 19 ở Âu Châu. Theo nó hay không theo nó, người ta đều có thể chết vì búa đập vào mặt hoặc lưỡi liềm cắt cổ. Mỗi khi đối diện với nguy cơ thất bại trước một đối thủ sừng sỏ hay một kẻ sách nhiễu khó chịu trong chính quyền, Mao Thành Giác đều sử dụng đến quyền năng của lá bùa này.

Mỗi tháng, Mao Thành Giác đều có các vị khách quý đến thăm:

Cảnh sát khu vực.

Công an kinh tế cấp quận và thành phố.

Công an hình sự cấp quận và thành phố.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.

Nhân viên Phòng tài nguyên môi trường.

Nhân viên thuế vụ.

Nhân viên kiểm soát an toàn thực phẩm.

Nhà báo các loại.

Các ban ngành đoàn thể từ trung ương đến địa phương.

Càng nhiều người đến thăm, càng chứng tỏ mình như thế nào, anh cựu nông dân Mao Thành Giác tự đắc. Hắn sử dụng mặt trái của cuộc sống như thế mạnh của mình và không làm ai phải thất vọng khi ra về. Một ông chủ đích thực, hắn ban phát và gia ân. Những kẻ sách nhiễu, hắn coi như bọn ăn cắp vặt và chấp nhận như một lẽ thường tình ở đời. Nhưng ngay cả với các đối thủ cạnh tranh, trong mọi trường hợp, hắn vẫn là con người hoà bình. Thần chết còn thương lượng được huống chi con người ta, hắn vẫn nói đùa thế. Triết lý hoà bình và phương châm hành động của hắn: “Cuộc sống chỉ là một cuộc thương lượng.” Tuy nhiên, hắn không cho phép ai chiếm thế thượng phong.

Có một nguyên tắc mà Mao Thành Giác buộc mình tuân thủ, không lạm dụng hay quấy nhiễu tình dục nhân viên dưới quyền. Nhưng với cô gái lựu đạn em út của gã cầm búa, hắn đành phá lệ.

Amanat múa hát huyền hoặc. Giọng cô như tiếng vang của núi rừng. Mỗi khi cô nhảy múa, mọi loại dương vật các kiểu đều ngỏng đầu cách mạng. Bọn đàn ông phát điên. Vú cô không lủng lẳng nhưng Mao Thành Giác cảm nhận nó như hai quả lựu đạn đã rút kíp. Mông cô tròn được treo trên cặp giò suông thẳng, khiêu khích như hai quả bom. Amanat thách thức cái chết. May thay, cô vẫn còn trinh trắng. Bên cạnh cô, cái búa của ông anh luôn nhắc nhở những kẻ liều lĩnh. Mao Thành Giác biết lợi hại của cái búa ấy trước khi biết sự nguy hiểm của cô. Nhưng chẳng có điều gì mà hắn không thương lượng được. Vượt qua mọi lề luật cổ hủ Ấn Độ, Amanat trở thành của riêng Mao Thành Giác, đơn giản như nó phải thế. Khi ấy Amanat mười bảy tuổi.

Dưới tác động của chất lượng dinh dưỡng theo công thức cường dương thoát tục, Mao Thành Giác đã thực hành Bhakti Yoga trong toàn bộ các tư thế của Kamasutra với báu vật Ấn Độ. Và nàng, giống như một nữ thần uyên nguyên, đón nhận sự tận hiến của Giác suốt bốn mươi chín ngày đêm không ngừng nghỉ trong niềm hoan lạc chất ngất vô sở trú. Tất cả mọi thần linh đã chứng giám cho sự viên thành của Giác và Amanat về diệu pháp giả tướng chân như này. Món thịt heo giả cầy An Nam hay bò giả nai trên đất Ấn của Mao Thành Giác đã hoá giải mọi chấp trước của lý sự.

Amanat nói: “Tất cả mọi tế bào, tất cả máu me trong người em đều nhảy múa.”

Mao Thành Giác cũng thú nhận: “Còn hơn cả chìm xuống đáy sông Hằng, hay mất hồn trên đỉnh Himalaya, anh biến tan vào tánh không của bản thể và cái huy hoàng của vũ trụ.”

Amanat trở thành bà chúa của Mao Thành Giác. Huỷ diệt và độ lượng.

Nhưng sự giàu có do Mao Thành Giác mang lại đã nhanh chóng làm hỏng Amanat. Cô thích phô trương sự sang trọng của mình và điều ấy đã làm mất đi phần nào niềm đam mê nhục dục thần thánh vốn là bản chất và sự thu hút của cô.

Amanat biến đổi từ một con bồ câu cần mẫn ái ân thành một con công khoe mẽ.

Mao Thành Giác bỏ quên cô trong lâu đài ven sông và chú tâm vào kinh doanh.

Khách hàng muốn đến ăn ngủ trong các lữ quán Sông Hằng phải đặt chỗ trước. Người ta đồn rằng, ăn ở Sông Hằng sẽ hưng phấn như mãnh thú mùa động tình, ngủ ở Sông Hằng sẽ không mộng mị, yêu nhau ở Sông Hằng sẽ được giải thoát. Bản thân ông chủ Mao Thành Giác cũng nổi tiếng không kém khi tất cả đàn bà con gái đều kháo nhau về cái sừng đỏ không bao giờ oặt xuống của hắn.

Vào đêm rằm mỗi tháng, Mao Thành Giác mở cửa miễn phí nhà hàng của mình cho chị em không phân biệt tuổi tác, mỗi người một lần, được ăn uống thỏa thuê và uống rượu không giới hạn. Không một ai đã ăn và uống ở Sông Hằng lại không lên cơn dâm dật. Đêm ấy, Mao Thành Giác cúng dường cái sừng đỏ của mình cho mọi khát vọng phụ nữ. Và phụ nữ, không một ai không tuột hết ruột gan ra ngoài và kiệt sức trong vòng dăm ba phút. Họ đã làm chứng cho thực đơn của Sông Hằng cũng như nếm trải một kinh nghiệm không có lần thứ hai về tuyệt đỉnh khoái lạc.

Mụ vợ mông bành của người cầm búa, cũng như những bà vợ khác từng được nếm mùi chiếc sừng đỏ của Mao Thành Giác trong háng, không thể không hoài niệm niềm cực lạc siêu thoát ấy, mỗi đêm. Điều ấy làm người cầm búa nổi giận. Những ông chồng quyền lực khác ghen tức. Họ đồng lòng tố cáo Mao Thành Giác làm băng hoại luân lý và hỗn loạn trật tự xã hội. Hắn bị đưa ra trước toà án nhân dân. Những người đàn bà yêu hắn phản đối bằng cách tuyệt thực tập thể. Nhưng toà án vẫn tuyên án, Mao Thành Giác bị xử ba năm tù và đóng cửa vĩnh viễn hệ thống lữ quán Sông Hằng.

Dẫu sao, tiếng tăm của Mao Thành Giác cũng giúp hắn được biệt đãi trong tù. Hắn được đặc cách cho đi chợ nấu ăn phục vụ đám cai ngục. Bọn này vốn rảnh, giờ đây được tăng lực bởi thực đơn của Mao Thành Giác, chúng trở nên hung hãn vô độ. Tất cả đàn bà con gái trong nhà giam đều bị chúng hãm hiếp mỗi ngày.

Ngoài ba bữa nấu ăn, Mao Thành Giác không phải làm gì. Hắn có đủ thinh lặng và riêng tư để trầm tưởng về cuộc đời và ý nghĩa của nó.

Nhà tù không khắc nghiệt, nhưng cũng mất tự do, Mao Thành Giác nghĩ về cách làm lại cuộc đời. Hắn cần đổi chiêu, đổi cả thương hiệu của mình để biến thành một người khác, được kính trọng theo lẽ thường. Và biết đâu... hắn có thể làm chủ cả thế giới này. Cu-ly và vĩ nhân chỉ là một khoảng cách may rủi. Cơn mơ mộng mới ngọt ngào làm sao.

Mao Thành Giác nôn nóng ra khỏi tù. Hắn sẵn sàng đút lót bọn cai ngục để được khoan hồng giảm án. Nhưng bọn cai ngục ưa thích món ăn hắn nấu hơn tiền. Vì tiền không mua được những cơn động dục nóng bỏng và tràn trề năng lượng. Hắn ở tù đúng ba năm. Cay đắng vì uổng phí thời gian và tinh hoa của mình cho bọn súc vật.

Chán ngấy Ấn Độ, Mao Thành Giác cuốn gói sang Mỹ.

Cập cảng Boston cổ kính, hắn tìm được việc tại một nhà hàng trên đường School. Ngoài chuyện độ nhật qua ngày, hắn muốn nghiên cứu phong cách và sở thích ăn uống kiểu Mỹ. Khác với Paris, khác với Alger và khác với các thành phố nhếch nhác của Ấn Độ, Boston gợi ý cho hắn về một cuộc cách mạng ẩm thực mà hắn tin rằng chỉ có thể thành công trên đất Mỹ, nơi chấp nhận sự thay đổi.

Khi ấy, đại cách mạng văn hoá của Mao Trạch Đông bùng nổ ở Trung Quốc. Tin tức về các vụ đấu tố giết người hàng loạt cũng như cao trào huỷ diệt văn hoá truyền thống một cách điên cuồng của đám Hồng Vệ Binh làm máu trong người Mao Thành Giác sôi sục hứng khởi. Đêm tối từ phương Đông đã bao phủ địa cầu. Ngu dốt đạt đỉnh. Bầy đàn phô trương sức mạnh. Chưa bao giờ Mao Thành Giác lại cảm thấy gần gũi máu thịt với Mao Trạch Đông đến vậy. Người cầm lái vĩ đại đã ở trong hắn. Mao Thành Giác phất cờ. Hắn quyết định bỏ Boston lên New York, trung tâm của thế giới. Tại đây, hắn đọc thơ Charles Bukowski và la cà với bọn giang hồ ở khu Harlem. Nước Mỹ được nhìn từ đáy.

Mao Thành Giác, kẻ nứng cặc khôn nguôi, thích mùi của các phụ nữ đậm màu. Đêm nào không ngửi mùi cơm cháy trong háng Jane, hắn không ngủ được. Cũng như Malika, mùi bò rừng ở Algeria. Amanat, mùi dê non ở Ấn Độ. Mùi mắm của các bà goá ở quê nhà. Giờ đây Jane, đêm của đế quốc Mỹ làm hắn ngây ngất. Các em trắng ngần ở Paris không để lại một dư vị nào.

Mao Thành Giác nói với Jane: “Anh có cảm giác như cả không gian này chỉ có mùi em. Mùi hành tây, mùi thịt nướng và cả mùi bơ sữa nữa. Anh cũng ngửi thấy cả mùi mía ngọt...”

Và mùi của Jane như một khải thị từ sâu thẳm. Mùi con đực và mùi con cái bao giờ cũng mang đến một cảm thức hồi hướng cội nguồn. Mao Thành Giác đã biết cuộc cách mạng của mình bắt đầu từ đâu.

Các nhà viết sử, các nhà báo, các nhà văn và cả các nhà tư tưởng hẳn sẽ ghi nhớ sự kiện trọng đại này, cuộc cách mạng ẩm thực làm thay đổi thế giới và cảm xúc con người bắt đầu từ những đêm Mao Thành Giác úp mặt trong háng đen đủi của Jane.

New York rộng lớn, nhưng không ở đâu thích hợp hơn khu Chinatown để Mao Thành Giác mở nhà hàng ăn uống và nhà nghỉ Ánh Sáng Phương Đông của mình. Cùng với slogan “Thụ hưởng & Giải thoát” như hồi ở Ấn Độ, bảng hiệu Ánh Sáng Phương Đông còn có một ghi chú “Ăn chay nhưng không kiêng thịt”.

Trong khi các món chay ở Châu Á thường giả thịt cá bằng rau củ, đậu hũ và nấm... thì ở nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông, công thức chế biến hoàn toàn ngược lại, thịt cá biến thành rau củ... Vì thế, các món ăn ở nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông luôn mang đến cho thực khách một cảm giác thanh tao thực vật, cũng như thấm đẫm ý vị chay tịnh đầy màu sắc tôn giáo.

Để làm được điều này, Mao Thành Giác ngâm tẩm tẩy mùi cho thịt cá rồi tạo hương vị mới bằng cách kết hợp các loại rau thơm theo các tỉ lệ khác nhau, tạo nên mùi người đủ các sắc tộc. Đặc trưng và gây nghiện. Đồng thời tẩy não người tiêu dùng thông qua các mật chú Tây Tạng và những kiến giải tâm linh. Tu tại tâm.

Mỗi món ăn mang một tên gọi như kinh cầu, mật chú hướng đến khát vọng an bình, chân tính và giải thoát, nhưng tác dụng cụ thể vào cơ chế vận hành thân xác lại trái ngược. Món “Lễ hiến tế Chúa Trời” bò nướng than có thể mang lại cảm giác muốn giết người. Hay món “Cánh chim hoà bình” bồ câu chiên nước mắm có thể tạo ra sự kích thích dâm dục. Hoặc món “Om Ah Bira Khe Chara Hum” heo tiềm thuốc bắc, tụng niệm 7 lần trước khi ăn có thể chuyển hoá thịt thành cam lồ và giải nghiệp xấu của việc ăn thịt, nhưng lại mang đến sự hưng phấn toàn diện cho người ăn. Món “Om Kuru Kulle Hri Svaha” gỏi gà xé phay, vừa ăn vừa tụng niệm sẽ giúp may mắn trong kinh doanh, đồng thời tạo ra sự thu hút, quyến rũ... cả về tinh thần lẫn thể xác.

Hiểu biết luật pháp Mỹ, Mao Thành Giác cho đăng ký bản quyền toàn bộ tên gọi cũng như công thức chế biến thực phẩm của mình.

Như thế, cuộc cách mạng ẩm thực của Mao Thành Giác đã bắt đầu bằng các tên gọi mang tính giả danh và món ăn thực chất là giả tướng.

Mỗi món ăn đều có bản hướng dẫn nghi thức tiếp nhận cũng như ý nghĩa và tác dụng của nó. Cái ăn là gốc của mọi sự. Vì thế khi ăn, không được văng tục, chửi thề. Ăn món nào, hướng tâm vào tên gọi của món ấy. Thụ hưởng và giải thoát.

Trong lúc ca tụng J. Krishnamurti, người ta cũng không quên Mao Thành Giác như một người giải phóng truyền thống và bạo lực tinh thần. Suy tôn một đức tin mới, nhưng Mao Thành Giác không tìm kiếm sự minh triết, hắn tin vào sự linh thiêng nội tại của các phẩm vật thiên nhiên mà trời đất đã ban tặng cho con người. Ăn là đạo của sự sống. Người Mỹ hoan hô hắn và họ đã đến với Mao Thành Giác như kẻ tiên tri cho một thời đại mới. Dưỡng sinh là dưỡng dục.

Cũng như mọi nhà hàng khác của Mao Thành Giác xưa nay, tất cả mọi thực khách đến với Ánh Sáng Phương Đông đều phải đặt chỗ trước và đăng ký thời gian ngồi tại nhà hàng. Đã xảy ra nhiều trường hợp như của gia đình nhà Williams gồm vợ chồng và hai con, khi tới lượt họ được mời vào nhà hàng thì ông chồng đã không thể có mặt vì đã ly dị vợ trước đó hơn một năm. Không thiếu những cặp tình nhân đặt chỗ từ lúc họ mới yêu nhau, nhưng khi có thể ung dung ngồi thưởng thức sự lãng mạn của mình trong nhà hàng thì đã phát sinh người thứ ba, đứa con mới ra đời. Những trường hợp bất khả kháng như thế, Mao Thành Giác luôn chấp nhận thiệt thòi để làm vui lòng khách đến.

Rồi Mao Thành Giác mở nhà hàng thứ hai ở Washington DC. Và trong mười năm kế tiếp, hắn đã có chi nhánh ở 52 tiểu bang nước Mỹ. Mỗi tiểu bang chỉ có một thánh đường ăn uống duy nhất mang tên Ánh Sáng Phương Đông, bởi Mao Thành Giác muốn người ta phải đến nhà hàng của hắn như một cuộc hành hương.

Có tin đồn rằng, các cựu tổng thống Mỹ đều đã từng đến ăn ở nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông. Qua đấy, họ nhận thức được giá trị của cuộc sống không là vinh quang hay quyền lực mà ở sự đơn giản và chân thực. Có một cựu tổng thống đã đăng ký ăn liên tiếp một tháng mỗi năm cho đến khi ông ta qua đời. Ông coi đây là thời gian để bảo dưỡng tinh thần và điều chỉnh sức khoẻ.

Người ta cũng truyền tụng, các cặp vợ chồng hiếm muộn có thể tìm thấy hạnh phúc về đường con cái nếu được ăn uống theo thực đơn của Mao Thành Giác.

Nước Mỹ không chỉ là nơi người ta đến kiếm tiền làm giàu và thụ hưởng tự do. Nước Mỹ cũng không chỉ là nơi có thể truyền bá mọi tư tưởng, mọi lối sống. Không phải Israel mà chính nước Mỹ mới là đất hứa của Chúa. Mao Thành Giác xây cho mình một biệt phủ mô phỏng kiến trúc Tử Cấm Thành của Trung Quốc trong khu Chinatown thành phố San Francisco. Tại đây, hắn tìm hiểu cuộc đời Mao Trạch Đông và đọc các trước tác của ông này. Hắn vẫn tin rằng, hắn có máu huyết với người cầm lái vĩ đại, mặc dù hắn được sinh ra ở Việt Nam. Tuy nhiên, trước tác của Mao Trạch Đông không ảnh hưởng gì đến hắn. Thậm chí, hắn còn cho rằng có thuộc lòng “Mao Chủ tịch ngữ lục” cũng không bổ ích bằng ăn một bữa tại nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông. Mao Thành Giác chỉ ngưỡng mộ con người này về cách ông ta chiếm đoạt quyền lực và vận hành quyền lực trong đời sống xã hội. Tính cách đế vương, độc tài và tàn nhẫn, sử dụng sinh mạng con người như công cụ, Mao Trạch Đông là đỉnh cao, hội tụ và điển hình cho các loại vua chúa phong kiến và vô sản. Các thông tin mang tính ngoại sử về sinh hoạt tình dục của Mao Chủ tịch càng làm cho Mao Thành Giác cảm thấy mình gần gũi hơn với ông ta.

Tại Biệt phủ Mao Thành Giác, mỗi năm cứ vào dịp tết nguyên tiêu, hắn lại tổ chức tuyển chọn một trăm gái đẹp mới cho mình, chia ra ở trong năm cung, và đặt tên theo ngũ hành. Cung Kim dành cho gái da trắng, Cung Thổ dành cho gái da vàng và nâu, Cung Thuỷ dành cho gái da đen, Cung Hỏa dành cho gái da đỏ. Hắn ở cung Mộc là màu của bầu trời và cây cỏ trên mặt đất. Mỗi đêm, hắn ngủ với bốn cô, bốn màu da khác nhau như cách giao hoà với trời đất. Hắn cho rằng, khi ngũ hành tương sinh mọi điều tốt đẹp, vì thế, không những hắn thường làm tình với bốn cô một lúc, đồng thời hắn còn cho các cô làm tình với nhau. Ngoài ra, khi ngẫu hứng vào ban ngày, hắn chơi trò “bịt mắt bắt dê”, dành riêng cho các cô thích bạo dâm.

Mao Thành Giác, cũng như mọi vua chúa ở phương Đông, tin rằng tinh anh và hơi hướng của gái trẻ có thể là một phương thuốc trường sinh bất lão.

Sảnh Thiên Đường nằm trong Cung Mộc rộng mỗi chiều bốn mươi thước, trống trơn, chỉ có hoa treo trên các vách tường. Nơi đây dành cho đêm cuối tuần. Tất cả một trăm cô đều có mặt. Họ tổ chức các cuộc thi xem ai dâm đãng nhất, làm tình kiểu cọ đẹp nhất.

Khi ấy, “Hiệp hội các Đầu bếp Thế giới” được vận động thành lập. Mao Thành Giác tham gia với tư cách sáng lập viên và ngay nhiệm kỳ đầu tiên, Mao Thành Giác dễ dàng nhận được sự tín nhiệm của toàn thể các thành viên trong chức vụ chủ tịch. Không chỉ bằng danh tiếng của mình, Mao Thành Giác còn khuất phục các đại biểu bằng một tiệc chiêu đãi trọng thể trước cuộc bầu cử tại nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông và một đêm đế vương trong biệt phủ. Không một ai, cho dù là chủ nhân của các nhà hàng danh tiếng hay những kẻ lịch lãm nhất, thoát khỏi bị rơi tõm vào cơn thảng thốt mê cuồng khi nhấm nháp thực đơn của nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông và tận hưởng sự phục vụ vô tiền khoáng hậu của một trăm cô gái được tuyển chọn trong biệt phủ.

Mao Thành Giác được gọi là Chủ tịch Mao, nhưng để phân biệt với Mao Chủ tịch của Trung Quốc, Mao Thành Giác được gọi ngắn gọn là “Mao Chủ”.

Mao Chủ tịch của Trung Quốc thích giết người, Mao Chủ cũng muốn giết người. Dưới các chính sách của người cầm lái vĩ đại Mao Trạch Đông, khoảng 45 đến 75 triệu người đã chết theo các thống kê khác nhau. Tuy nhiên, Mao Chủ không muốn hơn thua với Mao Chủ tịch về sự hung ác, hắn có cách khác. Cho dù các cuộc điều tra sau này của FBI xác nhận tất cả các cô từng ngủ với Mao Thành Giác, sau khi bị rũ bỏ đều tìm cách tự sát, nhưng FBI không thể kết tội hắn. Có một sự thật không được khám phá, ngay cả với các nhà tâm lý trị liệu, tất cả các cuộc tự sát ấy đều có cùng một nguyên nhân, thiếu cái sừng đỏ của Mao Thành Giác trong háng hoặc không còn được ăn các món ăn do Mao Thành Giác nấu. Một cảm thức tuyệt vọng và bơ vơ cùng tận. Cái chết giải phóng họ khỏi niềm hoài cảm và nỗi ám ảnh khôn khuây.

Mao Thành Giác là sự sống và cái chết.

Nếu Mao Trạch Đông với chỉ riêng phong trào toàn dân diệt chim sẻ đã khiến cho khoảng 36 triệu nông dân Trung Hoa chết đói vì mùa màng thất bát, thì Mao Thành Giác cần cho thế giới biết sự vĩ đại chân chính của mình như thế nào. Nhưng dù sao, Mao Thành Giác vẫn phải học tập Mao Trạch Đông, hắn cho phát động phong trào quốc tế “Diệt ruồi cứu nhân loại” thông qua Tổ chức Y tế thế giới WHO và sự hỗ trợ thông tin của báo chí, dưới ngọn cờ bảo vệ môi trường trong sạch, bảo vệ sức khoẻ con người. Không có ruồi, ăn ngon hơn, không bị lây nhiễm các loại bệnh bởi ruồi. Mao Thành Giác đóng góp thực tế cho phong trào bằng cách tặng mỗi hộ gia đình tham gia hai vỉ đập ruồi. Tổng số lượng vỉ đập ruồi mà Mao Thành Giác đã cung cấp lên đến hàng trăm triệu cái. Chiến tích diệt ruồi của mỗi hộ gia đình, tuỳ theo số lượng ruồi chết tích luỹ được, sẽ được tưởng thưởng bằng một huy chương “Chiến sĩ diệt ruồi” do WHO trao tặng và những xuất ăn đặc biệt cho cả gia đình do nhà hàng Áng Sáng Phương Đông đóng hộp gửi đến tận nhà.

Kết quả của chiến dịch này đã cứu được hàng tỉ người trên hành tinh thoát chết vì tiêu chảy. Mao Thành Giác trở thành “Doanh nhân Văn hoá Thế giới”, một huy hiệu cao quý do UNESCO tuyên dương. Nhưng bọn phản cách mạng hậu hiện đại vốn coi các đại tự sự chỉ là giẻ rách, nhân sự kiện này đã đặt cho Mao Thành Giác, tức Mao Chủ một hỗn danh mới, Mao Ruồi.

Lịch sử ghi nhận sự góp phần của Mao Trạch Đông cũng như Mao Ruồi trong những tác động làm thay đổi cuộc sống con người. Nhưng hậu thế sẽ không bao giờ được chứng kiến cái khí thế toàn dân Trung Quốc dưới ánh sáng soi đường của Mao Chủ Tịch quang vinh hồ hởi phấn khởi đi bẫy chim, săn chim, đuổi bắt chim như thế nào... Cũng như cảnh tượng ba phần tư nhân loại, theo sáng kiến vĩ đại của Mao Ruồi, tay cầm vỉ đập ruồi, tay cầm cái lọ hoặc bịch nylon, thi đua bắt ruồi... nó hùng dũng ra sao.

Đã từng sống ở Ấn Độ và biết đến Mahatma Gandhi, nhưng Mao Ruồi không học được gì từ triết lý bất bạo động của Gandhi. Hắn vẫn luôn ngưỡng vọng Mao Trạch Đông, kẻ bạo loạn hoang tưởng và tận kỳ lực đến dã man, theo cách của một tên hề. Trên đỉnh vinh quang hay trên ngọn cương dương sấm sét, Mao Ruồi tự coi mình là kẻ dẫn dắt. Hắn muốn thế giới thuộc về mình. Và hắn đã làm. Thành công với phong trào diệt ruồi, Mao Thành Giác tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng ba sẵn sàng “Diệt ruồi - Ăn sạch - Ỉa sạch” vì một nhân loại văn minh hơn, chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cũng với sự hỗ trợ của WHO, chiến dịch này được cổ vũ trên toàn thể các nước Á Phi và Nam Mỹ. Cũng từ đó, chuỗi nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông đã mọc lên khắp thế giới. Ánh Sáng Phương Đông, một thương hiệu toàn cầu và thêm một lần nữa, ai không một lần trong đời đến ăn ở nhà hàng Ánh Sáng Phương Đông chưa phải là người biết sống.

Việc ỉa sạch là một kinh nghiệm có từ miền Bắc Việt Nam với các hố xí tập thể, được doanh nhân văn hoá Mao Ruồi nâng tầm quốc sách cho các quốc gia chậm phát triển. Ăn rồi ỉa, ỉa lấy cứt làm phân bón cho ruộng đồng. Cuộc xoá đói giảm nghèo luân hồi của cứt huy hoàng tráng lệ và đầy tính nhân văn. Lại một lần nữa, ai không từng đi ỉa ở các hố xí xã hội chủ nghĩa thì chưa thể biết đủ tứ khoái và thống khổ của con người.

Mùi cứt nồng nặc. Mùi văn hoá cách mạng. Mùi thời đại. Giá trị của cứt là giải thoát và đắp bồi. Cho dù hố xí hai ngăn là môi trường tốt nhất cho ruồi sinh sôi, nhưng vì cứt, nhân dân lại càng phải ra sức diệt ruồi. Cuộc tuần hoàn Ruồi - Ăn - Ỉa trở thành một hành trình bất tận của phong trào thi đua yêu nước được các chính quyền khắp châu lục phát động theo từng quý.

Mùa xuân, chiến dịch có khẩu hiệu:

“Mừng xuân toàn dân nô nức
Diệt ruồi – Ăn sạch - Ỉa sạch”

Mùa hè:

“Học sinh, sinh viên hăng hái
Diệt ruồi – Ăn sạch - Ỉa sạch”

Mùa thu:

“Vì cuộc sống thân yêu, phụ nữ
Diệt ruồi – Ăn sạch - Ỉa sạch”

Mùa đông:

“Diệt ruồi – Ăn sạch - Ỉa sạch
Thể hiện sức mạnh toàn quân”

Phong trào được tổng kết sau ba năm. Liên Hiệp Quốc ghi nhận, châu Phi đạt thành tích cao nhất, chỉ số hạnh phúc của người dân đứng đầu thế giới và tuổi thọ trung bình tăng lên 5 tuổi. Cuộc cách mạng ngoạn mục nhất trong lịch sử của lục địa này.

Đây cũng là thành tựu được công luận ghi nhận và mang đến cho người dẫn đường Mao Ruồi sự vẻ vang tột đỉnh. Tự điển danh nhân thế giới xuất hiện mục từ “Mao Thành Giác”. Trong đó, Mao Ruồi được mô tả như một chiến sĩ văn hoá, người phát động các phong trào xã hội mang tầm thế kỷ và đem lại lợi ích thiết thực cho hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, các chiến tích về cuộc cách mạng ẩm thực và tính dục chỉ được nói ngắn gọn: “Người khởi xướng phong trào Eat to Fuck.”

Nhưng Mao Ruồi đột ngột trở về Việt Nam, giữa lúc vinh quang và giàu có. Cả FBI và CIA của Mỹ đều không lý giải được.

Tất cả tài sản sau bao năm tích cóp hắn bán hết và gửi tiền vào ngân hàng Thuỵ Sĩ. Mao Ruồi nặn ra một lý lịch mới, đóng vai kẻ thức ngộ và tự viết tiểu sử.

 

[còn tiếp 4 chương]

 

---------------------------------------------------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021