thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
LÔNG & SỪNG [chương 4 & 5]

 

4.

 

Đôi khi tôi vẫn tự hỏi, tại sao tôi lại quay về? Quê hương thì có ý nghĩa gì? Tôi không “áo gấm về làng”. Tôi không chọn quê hương như nơi tôi đã sinh ra, mà tôi chọn quê hương là nơi tôi sống và được sống như tôi muốn. Vì thế, tôi cũng không về để tìm bình an cho cái chết.

Có vẻ như tất cả đều ngược ngạo đối với tôi, khi về. Tôi sẽ chẳng lý giải được gì, nếu như không phải tôi đã gặp Đambri và ngửi thấy hơi hướm của Mao Thành Giác trong rừng sâu. Điều gì chờ đợi tôi?

Đôi khi tôi thấy mình dấm dớ, nhưng tôi không tránh khỏi những câu hỏi, hay những câu hỏi như muốn hỏi, của những người xung quanh về sự trở về của mình, mà tôi chỉ muốn coi là những vết bẩn. Tôi xoá sạch. Tôi vất mẹ nó đi mọi thứ lăng nhăng vớ vẩn. Sống thì cứ sống, tra vấn làm gì. Đâu phải cứ tư duy mới tồn tại. Tôi ăn ngủ đụ ỉa không phải là tồn tại đích thực chân như sao. Ngày lại ngày. Ăn ngủ rồi đụ ỉa. Cứ thế... sống hay chết cũng thế thôi.

Tôi cần Đambri, tôi cũng cần Mao Thành Giác như không khí. May mắn thay, họ vẫn-đã-đang là bầu trời của tôi như chính họ là thế.

Một ngày mới đang bắt đầu, nắng tràn lan trên các cánh lá và không khí trong lành đầy trong lồng ngực, tôi làm vài động tác thể dục quen thuộc theo kiểu Dịch Cân Kinh, hai tay đánh lên đánh xuống...

Tiếng Đambri thật to: “Em chào ông.”

Đambri trở lại với khuôn mặt tươi tắn và nụ cười rực sáng, sau vài ngày nghỉ thăm mẹ bệnh.

Tôi vươn vai hít thở một hơi thật sâu, trước khi nói: “Chào em... vui không? Mẹ khoẻ chưa?”

Đambri nói: “Dạ, vui... Má bớt rồi. Thấy ông vẫn khoẻ mạnh, em mừng...”

Cô đến bên tôi chờ đợi, nhưng tôi làm như không biết đến sự chờ đợi ấy. Tôi hỏi: “Em đi chợ luôn rồi, phải không?”

Đambri: “Dạ.”

Tôi cười: “Xem hôm nay em cho tôi ăn gì nào?”

Đambri: “Tất nhiên không thiếu cháo chua, ngoài ra còn có một cặp trĩ, má em bảo mang cho ông. Nhưng em cũng chưa biết làm gì để ông thích.”

Tôi bảo: “Nướng đi. Không cần chế biến gì.”

Đambri “dạ” rồi vào nhà. Tôi đi bộ xuống thung lũng. Vào vườn hoa hàng xóm, tôi muốn có một bó hoa tươi. Cô bé gầy ốm chừng mười ba tuổi, hỏi: “Ông muốn cắm mấy bình?” Tôi nói: “Một bình thôi.” Cô bé cắt cho tôi một bó hoa hồng to, đủ màu, nói: “Cháu biếu ông.” Tôi cám ơn và nghĩ sẽ phải có gì tặng cho cô bé ngoan này.

Tự tay tôi cắm bình hoa trên bàn ăn. Đambri nói: “Ông để em làm cho.” Nhưng tôi không muốn mình rảnh rỗi quá.

Đambri ngắm bình hoa: “Đẹp...”

Tôi cười bảo: “Hoa là bộ phận sinh dục của cây. Vì thế hoa đẹp.”

Đambri láu lỉnh: “Và cũng đáng được trân trọng.”

Tôi nói: “Hơn thế, hoa vẫn là thứ được ngưỡng vọng nhất.”

Đambri bảo: “Thần thánh cũng thích hoa mà.”

Tôi nói: “Đúng vậy. Bộ phận sinh dục của con người cũng nên được dâng cúng như hoa.”

Đambri đỏ bừng: “Không phải em muốn nói thế đâu.”

Tôi cười: “Thần thánh chắc cũng như tôi, thích hoa không chỉ vì hoa đẹp, thơm mà còn vì lẽ hoa là một bộ phận sinh dục.”

Đambri: “Ông cứ nói kiểu đó...”

Tôi: “Kiểu đó không đúng sao?”

Đambri: “Kỳ quá hà...”

Tôi đang vui. Niềm vui bé mọn nhưng huy hoàng. Từ ngày trở về Việt Nam, mỗi tháng tôi đều thay đổi người làm và hưởng cái thú vui phong kiến của một ông chủ hãm hiếp nô tì. Đambri đã ở trong nhà tôi được gần bốn tuần, nhưng tôi chưa làm thịt cô ấy. Tôi cũng không hiểu điều gì đã ngăn tôi lại để tôi trở thành đứng đắn nghiêm túc đến thế. Với tôi, tình yêu chỉ là thứ xa xỉ. Tất nhiên, tôi cũng không ép mình phải tiết chế như một nhà đạo đức ngớ ngẩn. Khi cần, người bạn quản lý nhà nghỉ này (cũng là nơi tôi an hưởng tuổi già) vẫn cung cấp gái cho tôi theo đúng đẳng cấp. Vả lại, tôi vẫn có khả năng dụ dỗ bất cứ quí nương nào bước chân vào nhà nghỉ của mình, nếu tôi thích.

Tôi chưa bao giờ có ý định làm thịt Đambri, không phải vì cô ấy thánh thiện hay quá tẻ nhạt. Ngược lại, cô ấy xinh tươi và đầy ý vị. Mùi núi rừng quyến rũ tôi, vẻ thanh tân làm tôi ngây ngất, nhưng tôi e ngại vì tôi cảm nhận được có điều gì đó sẽ đổ vỡ trong tôi, một cách thậm tệ, có thể không bao giờ hàn gắn hay tha thứ được, nếu tôi đâm đầu vào cuộc đời cô bằng bất cứ kiểu cách gì, điếm đàng hay chân thật.

Tôi cũng chưa biết sau một tháng, như thông lệ, tôi có tìm một cô gái khác giúp việc trong căn nhà này không.

Khi ấy, con của người bạn làm quản lý đến theo yêu cầu của tôi.

Tôi nói với Thành: “Bác muốn nhờ cháu giúp một việc.”

Thành vui vẻ: “Cháu sẵn sàng nếu điều ấy có thể.”

Tôi hỏi: “Cháu có bao giờ nghe nói đến một người tên Mao Thành Giác không?”

Thành nói: “Cháu cũng chỉ nghe đồn thôi. Ông ta ở Ngã ba Đông Dương, nhưng làm gì thì thú thật, cháu cũng không biết đích xác.”

Tôi bảo: “Đó là người anh em song sinh với bác. Bác muốn gặp hắn.”

Thành hỏi: “Có nghĩa là bác muốn cháu thu xếp việc đó?”

Tôi bảo: “Đúng vậy.”

Thành nói: “Cháu nghĩ việc này cần có thời gian. Vì theo chỗ cháu biết, không ai có thể lọt vào vùng cấm địa ấy. Đi qua hàng rào của an ninh và biên phòng Việt Nam đã khó, bọn bảo vệ của ông ấy còn ghê gớm hơn nhiều.”

Tôi nói: “Bác chờ được.”

Thành cho biết thêm: “Cháu cũng đã thử muốn làm ăn với ông ta, nhưng không liên lạc được.”

Tôi hỏi: “Ông ấy chế biến ma tuý?”

Thành nói: “Cháu cũng không chắc. Có người nói ông ấy buôn vũ khí hay huấn luyện khủng bố gì đó...”

Tôi hỏi: “Hắn có phải là người của Mao Trạch Đông không?”

Thành nói: “Mọi người đều bảo vậy, nhưng cháu không tin.”

Tôi hỏi: “Sao không tin?”

Thành nói: “Vì cháu nghĩ Mao Thành Giác không thể là âm binh của ai. Tự bản thân ông ấy đã là một huyền thoại.”

Tôi hỏi lại: “Ông ấy có gì để gọi là huyền thoại?”

Thành: “Bác không thấy ông ấy được tôn thờ trong các đền miếu, chùa chiền sao?”

Tôi bảo: “Cháu đúng. Mao Trạch Đông là một kẻ tàn ác. Bác thích cái cuồng vọng vĩ đại của ông ta, nhưng ghê tởm cái phương cách ông ta hành động. Mao Thành Giác yêu sự hoàn hảo. Vì thế, bác tin bác thế nào thì cũng tin Mao Thành Giác thế ấy.”

Thành nói: “Nhưng nếu đúng như những gì người ta đồn thổi về Mao Thành Giác, một kẻ sản xuất ma tuý, buôn khí giới và huấn luyện khủng bố... Bác nghĩ sao?

Thật khó trả lời, tôi biện bạch: “Có lẽ Mao Thành Giác có tham vọng riêng của hắn. Và hắn chỉ phục vụ cho hắn.”

Thành hỏi: “Bất kể phương tiện nào?”

Tôi phân bua và rửa tay: “Người xưa nói rồi, nhất tướng công thành vạn cốt khô. Nhân tính và anh hùng không phải lúc nào cũng đồng nhất.”

Thành không nói gì nữa. Chẳng phải cậu ấy cũng đã từng muốn hợp tác với Mao Thành Giác sao?

Ở chơi với bố và tôi ít ngày, Thành đi Kontum.

Khi trở về, Thành cho biết: “An ninh ngăn chặn từ ngay trong thành phố. Cháu đã tìm cách bắn tin cho ông ta qua mấy người bạn làm gỗ trên ấy.”

Những bữa cơm có Thành, Đambri ít nói hơn. Thành cũng tỏ ra dè dặt. Có lần, ngồi cà-phê sáng, Thành hỏi: “Cháu nghe nói, ngày xưa bác và bác Mao Thành Giác đều từng đến Nga?”

Tôi nói: “Đúng. Tụi bác đã học ở Đại học Cộng Sản Phương Đông, nhưng chỉ hơn một năm sau, bác bỏ chạy. Bác không thể trở thành người Cộng sản. Còn Mao Thành Giác tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa Mác - Lê. Nghe nói sau đó hắn về hoạt động ở Quảng Tây, Trung Quốc và chết vì tiêu chảy. Nhân vật ở Ngã ba Đông Dương không biết là do Mao Trạch Đông dựng nên, hay một Mao Thành Giác thoát xác, độc lập hơn và theo đuổi một tham vọng khác.”

Thành hỏi: “Còn bác, bác cũng đã làm một cuộc cách mạng cho mình?”

Tôi nói: “Dùng từ cách mạng không đúng lắm, về cơ bản bác không có gì thay đổi. Nó chỉ là cuộc quật khởi của một thân phận.”

Thành hỏi tiếp: “Cuối cùng, bác đã đi đến đích?”

Tôi nói: “Ngược với những gì Mao Thành Giác đã làm.”

Thành tiếp tục hỏi: “Điều ấy có ý nghĩa gì?”

Tôi chân thành: “Đến giờ này, thú thật bác chẳng thấy có ý nghĩa gì, mặc dù bác đã đi qua tất cả lạc thú trần gian, như bác muốn.”

Thành hỏi: “Dù sao, bác cũng toại nguyện?”

Tôi bảo: “Người ta hay nói đến cái minh triết của sự biết đủ. Với bác, lúc nào cũng như người giữa đường. Cả phía trước, phía sau đều ngút ngàn. Mà bên phải, bên trái đều hỗn loạn.”

Tôi biết Thành còn nhiều điều muốn hỏi, nhưng ngại. Tôi cũng không muốn khoe khoang điều gì. Hôm sau, Thành đi. Đambri cũng ra tiễn.

Người bạn quản lý bảo sẽ mang về cho tôi một cô sinh viên đang học ngành ngân hàng. Tôi hỏi cô ấy còn trinh không, vì tôi không muốn phiền toái với ý nghĩ huỷ hoại đời một cô gái. Người bạn nói đã tìm được cô ấy trên mạng, một kẻ nhận chatsex đổi card điện thoại, mất trinh toàn diện. Người bạn cho biết thêm, mặc dù là sinh viên trọ học, nhưng với Giác Thành Mao, cô chỉ tò mò muốn biết ngọn cương dương vĩ đại của ông sấm sét như thế nào. Làm sao cô ấy biết tôi sở hữu một ngọn cương dương vĩ đại? Tôi hỏi. Cô ấy bảo, “em là con ma net, người ta đồn ông chủ khách sạn Vi Vu hay Vì Vú là một kỳ quan thế giới.” Và cô ấy muốn tận mắt thấy, sờ tận tay. Tôi cũng tò mò muốn biết một người chuyên chatsex sẽ nói gì khi làm tình với tôi.

Cô sinh viên đến vào tối thứ bảy. Hôm ấy, Đambri về thăm mẹ bệnh.

Trước khi tôi cho cô sinh viên biết ngọn cương dương sấm sét như thế nào, tôi đề nghị một cuộc làm tình bằng lời, show hàng như cô ấy chatsex.

Quả nhiên, khẩu dâm cũng thú vị bất ngờ. Tôi không biết khi cô ấy chatsex trên mạng, khuôn mặt cô biểu cảm như thế nào, hay nói như máy. Ít ra, tôi đã được xem cô đóng kịch. Qua cô ấy, tôi được biết có hằng triệu người thủ dâm trên máy tính hoặc qua điện thoại, ngày đêm.

Tôi nhìn thấy sự khốn khổ, đọa đày cũng như vui thú của dâm tính.

Tôi thích tính bạo dạn tự nhiên của cô, bộc lộ mọi thèm muốn. Nói và làm. Cả cô và tôi đều thoải mái. Tôi càng thích cô hơn khi cô nói: “Anh làm cho em muốn sau này có chồng già như anh.”

Nhưng cô chỉ là một cơn gió. Đi không để lại dấu vết.

Tôi ít quan hệ thực tế hơn. Thay vào đó, tôi lên mạng để tìm những khao khát bị che giấu. Một thế giới ảo sôi động mua bán, trao tặng nhục cảm không giới hạn.

Tôi cũng đã chatsex với vài cô gái trẻ còn đi học. Họ cuồng loạn hơn tôi tưởng. Nhưng có lúc tưởng rằng tôi đã tìm được tình yêu bên trong những lời tục tĩu dâm đãng. Cũng có cô muốn gặp tôi ngoài đời thực. Oh my God! Tôi vĩnh viễn ảo.

Tôi nhanh chóng thấy nhàm chán. Sự bất khả của ngôn ngữ và sự nghèo nàn của nó.

Đambri vẫn đằm thắm bên tôi. Thỉnh thoảng cô và tôi vào rừng chơi. Đôi khi cắm trại, tôi thích cảm giác du mục. Và đêm, tôi ở lại trong rừng. Chúng tôi không ôm nhau ngủ. Nhưng rừng ôm chúng tôi và chúng tôi thấy mình ở trong nhau.

Mặt trời, mặt trăng, trái đất, tôi và Đambri. Có và không có.

Chúng tôi không đốt lửa. Ánh trăng làm cho rừng huyền hoặc. Đambri cũng hoặc huyền chiêm bao. Tôi tan biến vào đêm tối. Và tôi là đất dưới chỗ Đambri nằm.

Tôi nghĩ đến cái chết. Tôi cũng nghĩ đến thiên đàng, hoả ngục và nghiệp chướng luân hồi. Tại sao con người phải dọa dẫm nhau? Tôi không tin gì cả. Nhưng tôi không thể không xao xuyến.

Khi trở về, người bạn bảo: “Ông có thư từ Algeria”.

Gã thuỷ thủ năm xưa báo tin Malika chết. Một cái chết điêu tàn, mục ruỗng... nhưng tôi vẫn cảm thấy bất ngờ, bàng hoàng. Ngọc đen của châu Phi không còn nữa. Tôi đánh rơi tôi dọc đường. Con người hoan lạc của tôi thôi nhảy múa. Malika đã chìm sâu xuống lòng đất. Hèn mọn và vô nghĩa. Sự sống hay cái chết, đâu là đích thực? Tôi không biết.

Tôi nhớ cái chết của Scarlett trên bãi biển giữa cơn mê cuồng sướng thoả. Từ phân tâm học đến hiện sinh, nàng có vô nghĩa không? Tôi không biết.

Chẳng bao lâu sau, tôi cũng nhận được tin Amanat chết. Một con điếm già vô gia cư bị cưỡng hiếp tập thể giữa công viên ở Bombay. Báu vật Amanat chỉ là hiện thân của một Ấn Độ nghèo đói và bất an. Cuộc sống kinh tởm? Tôi không biết.

Jane nữa. Cùng với nhiều cô gái khác, cô chết dần mòn dưới hầm kín của một kẻ tà đạo, xem thân xác phụ nữ là vật hiến tế cho sự vĩnh hằng của một Thượng đế mù loà. Nàng có được cứu rỗi? Tôi không biết.

Còn tôi, tôi sẽ chết ra sao?

Câu trả lời đến sớm hơn tôi tưởng. Một buổi sáng, tôi đang đứng soi gương cạo râu, hắn đến, chùm râu bạc trên một khuôn mặt quắc thước. Sững sờ, tôi không quay lại, chỉ quan sát hắn trong gương. Chậm rãi tiến thẳng đến sau lưng tôi, hắn rút lưỡi lê súng AK.47, đâm một nhát ngọt ngào giữa tim tôi, từ phía sau. Khi lưỡi lê lút cán, hắn mới lên tiếng: “Mày làm ố danh tao.”

 

5.

 

Khi tắm rửa, tẩm liệm cho Giác Thành Mao, cả người bạn quản lý khách sạn và Đambri đều trố mắt nhìn vào háng ông bởi một cảnh tượng thật hoang đường. Cả vùng háng ông toả sáng rực rỡ, nhưng tuyệt nhiên không có bất cứ một sợi lông nào trên cái mu trắng loá ấy. Cũng không có một ngọn cương dương hùng hổ nào để sấm sét. Gần sát hậu môn, họ thấy mọc lên một cái núm nhỏ như đầu vú. Đỏ chói lọi.

Thành từ Hà Nội vào dự đám tang Giác Thành Mao với bố. Anh nói với Đambri: “Tôi sẽ rất vui, nếu cô bằng lòng về chỗ tôi. Ở đó có nhiều việc cho cô lựa chọn.”

Đambri bảo: “Tôi sẽ không đi đâu cho đến khi tôi biết được ai đã giết ông ấy.”

Dù niềm tin của Giác Thành Mao thế nào, người bạn cũng tìm một thày cúng cho ông, tịnh độ và an nghỉ. Khi quan tài của Giác Thành Mao hạ huyệt, mọi người bất chợt phát hiện một lão già râu bạc khuôn mặt quắc thước, cũng đang ném đất xuống mộ. Cả người bạn, Thành và Đambri đều lạnh lưng tin rằng đó là Mao Thành Giác.

Người bạn bứt rứt muốn nói gì đó với Mao Thành Giác, nhưng ông ta không ngó ngàng tới ai, quay sang Đambri, mệnh lệnh nhưng đầm ấm: “Cô Đambri, theo tôi.”

 

16.11.2015

 

-----------

Đã đăng:

... Hơn một tháng sau, tàu ATF cập cảng Le Havre. Nước Pháp làm Mao Thành Giác mờ mắt. Hắn xuống tàu và không bao giờ trở lại. Lần mò đến Paris, hắn tìm được vài người đồng hương. Họ giúp hắn kiếm tiền bằng cách đi giao báo. Họ cũng dạy hắn tiếng Pháp hoàn chỉnh và dạy cách hắn viết báo để kiếm thêm tiền. Đấy là lúc Mao Thành Giác khát khao nhất được nhận vào trường Thuộc Địa, nhưng đơn xin đặc cách của Mao Thành Giác gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa không được chấp nhận, mặc dù hắn đã thành khẩn “Tôi nguyện làm tôi tớ trung thành của mẫu quốc vĩ đại.” ... (...)
 
... Khi ấy, Mao Thành Giác ở Đông Dương đã trở thành anh hùng cách mạng vô sản. Hắn được tôn thờ như thần thánh ở khắp Liên bang Đông Dương. Mao Trạch Đông gả cô em họ xa cho Mao Thành Giác để ràng buộc hắn. Nhưng người vợ này cũng như mọi phụ nữ khác trong đời Mao Thành Giác không bao giờ có trong lý lịch. Tất cả những người đàn bà đi qua đời hắn chỉ là tin đồn... (...)
 
... Nhưng có một nỗi khẩn thiết từ sâu thẳm hối thúc Giác Thành Mao trở về. Ông muốn tìm lại Mao Thành Giác như cách để hoàn nguyên một bản thể. Đáng tiếc, Mao Thành Giác đã theo Mao Trạch Đông làm cách mạng xã hội và ẩn mình đâu đó trên một dặm trường khác. Cũng không quê hương như ông... (...)

 

---------------------------------------------------------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021