thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ý kiến độc giả

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 9/2007

 

04.09.2007 — Võ Tần (Oregon, USA)

Lâu lắm rồi mới được đọc một truyện ngắn của Nguyễn Quang Thiều, tuy tôi vẫn được đọc thơ mới của ông thường xuyên trên Tiền Vệ. Truyện "Không có chứng minh thư" có lối viết hoàn toàn khác những truyện trước kia của ông. Phải nói là tôi thấy khá bất ngờ về sự thay đổi bút pháp của Nguyễn Quang Thiều. Thật mới mẻ, đương thời. Tôi chờ đọc thêm những truyện mới khác của ông.

 

07.09.2007 — Lê Minh Chung (Ontario, Canada)

Đặng Thân có kiểu biếm nhẽ rất có “duyên” trong "ma nhoà [net ii]". Những câu như thế này đúng là Đặng Thân: “Tôi xuất tinh. Và tôi đã chết giữa rừng xà nu vào một ngày đầu thu lịch sử, đúng mùa “xá tội vong nhân”. Sao tôi không được chết giữa trùng vây bom đạn mà lại chết toi lãng nhách như thế này hả trời? Quyên ơi, vĩnh biệt em. Thế là anh vẫn chưa thành Anh hùng, anh không được chết như Trỗi, và anh sẽ không được gặp em ngày thống nhất. Hẹn gặp em và mọi người kiếp sau. Ơn đền oán trả...” “Tôi, người viết truyện này, là một kẻ tò mò. Thấy người ta chơi cờ, tôi cũng học chơi cờ. Thấy người ta chơi quạt, tôi cũng chơi quạt. Đây là hai trò tẻ nhạt...” Tác giả rõ là có cái chiêu khá “quái”. Đọc thật khoái.

 

10.09.2007 — John Tran (Florida, USA)

Đinh Linh đi từ thơ đến truyện cực ngắn, rồi đến nhiếp ảnh, và bây giờ đến “truyện video”. Tôi thích lối kể truyện này, tuy rất khó đoán câu truyện và ý nghĩa vì không có chữ để đọc và hình ảnh thì như một cuốn phim câm không có nhân vật. "Truyện 49-giây" có lẽ là bước đầu để ông thí nghiệm những ứng dụng của video vào văn chương. Xin hoan nghênh và chờ đợi.

 

11.09.2007 — Thanh Nguyễn (California, USA)

Đề nghị những ai tự thấy mình là sang cả thì hãy dùng bài thơ "Danh mục tra cứu chung" của Trà Đoá để làm mẫu, điền các chi tiết cần thiết vào những khoảng trống, và sử dụng trong trường hợp có tang chế trong gia đình. Người chết sẽ đẹp lòng nơi chín suối vì vinh dự quá to tát. Cảm ơn nhà thơ Trà Đoá.

 

14.09.2007 — Ái Vân Quốc (Tokyo, Nhật Bản)

Cảm ơn nhà thơ Trịnh Thanh Thủy về bài thơ "Head or Tail?" mà chị vừa công bố trên Tiền Vệ. Tôi thích bài này, và cũng là thích tâm trạng của chị khi viết. Có lẽ là day dứt và rất chân thật (với mình với người xung quanh, tạo vật ở xung quanh), vừa đưa đến hi vọng vừa là phản ánh một sự đổ vỡ nào đó. Bài thơ có âm hưởng buồn và nặng suy tư.

 

15.09.2007 — Thái Bá Cang (Kyoto, Nhật Bản)

Kịch bản "Trốn khỏi thiên đường" của Nguyễn Viện sẽ khả thi như thế nào khi dựng trên sân khấu thì chưa rõ, nhưng đọc như một bản văn thì như một ngụ ngôn thời đại. Đọc và tưởng tượng kịch này sẽ diễn ra như thế nào trong một nhà hát ở Việt Nam và phản ứng khán giả sẽ ra sao, thì thật là thú.

 

15.09.2007 — Nguyễn Như Phương (Hà Nội, Việt Nam)

Từ đầu tháng 8 đến nay, Tiền Vệ cho đăng chùm thơ của tác giả Tạ Thành Vinh. Tôi là người có theo dõi thời sự văn học trong nước nhưng thật sự chưa hề nghe nhắc tới hay được đọc tác phẩm của tác giả này. Vì không biết tiểu sử nên tôi không chắc chắn tác giả này thuộc thế hệ nào và có là người đang sống tại Việt Nam hay không. Nhưng theo phán đoán của tôi căn cứ trên các mốc không gian, thời gian trong thơ và trong bài viết về Nguyễn Quang Thiều thì có thể đây là một tác giả trẻ (khoảng 25–35 tuổi?) và sống ở Việt Nam. Nhưng với những bài thơ lần đầu tiên xuất hiện trên Tiền Vệ như thế này, đối với tôi, ngay lập tức tác giả này đã trở nên xuất sắc, khác biệt với những gì đang là dòng văn học “chính thống” nhàn nhạt ở VN hiện nay.

Bài "Chim thiên nga" đã có bóng dáng của những biểu tượng lớn (cái đẹp, niềm tin...) trong số phận của con người. Ở đây vấn đề đã được đặt ra về những giá trị tinh thần, tôn giáo trong thơ (điều mà chủ nghĩa vô thần cộng sản đang muốn bóp nghẹt). Chất liệu sử thi tôn giáo, đặc biệt là sự kiện Chúa và các Tông đồ ở Ghêt-sê-ma-ni được sử dụng và kiến giải rất hay, cảm xúc và trí tuệ. Sự đón nhận cái bi thương cũng thật lớn và can đảm:

“Ta nhận lấy sức nặng những tầng mây uy nghi cổ kính
Choán ngập lòng ta như một nỗi ưu sầu
Ta nhận lấy nỗi đau xuyên qua lòng ta
...
Ta rạch một vết đau trên trái tim trần non nớt”

Sự vững chắc của niềm tin (chắc chắn không phải vào vô thần cộng sản) cũng thật khốc liệt, vững chãi:

“Và vì thế linh hồn tôi chẳng bao giờ chịu quật ngã”

Bài "Tháng Tư" không hiểu sao gợi tôi liên tưởng ngay đến đến chuỗi thời gian dẫn tới ngày 30.4.1975 (có thể ký ức của tôi đi ngoài mạch tư duy của tác giả chăng?) với triệu người đã ngã xuống, nhưng tất cả nhạt nhoà trong nước mắt thời gian:

“Khóc những con đò và gió khóc thôn quê
Không thấy nữa, cả dòng sông. Năm tháng
Hay khóc những đứa con không dậy nữa ở phương trời”.
 
Và cuộc sống hiện ra nặng nề khủng khiếp:
“Và cuộc sống, với nỗi sầu bất tận
Lại đè nặng những cánh buồm
                                               và khí trời
                                                                đóng những tảng băng”

Nhưng điều đau đớn là ở đây:

“Đoạn kết của con đường lại là dòng sông phản phúc”

Những hứa hẹn với con người đã bị bội phản bởi cái chế độ đối với những lý tưởng mà nó nêu ra???

Các bài thơ khác như "Trong bóng tối" viết về khát vọng muốn được thấu hiểu, về tình yêu trong số phận con người; bài "Hy vọng" viết về thiên nhiên, về những hy vọng vụt loé nhưng đầy sức mạnh và về cả những thế lực bóng tối; hay bài "Đi xa" viết về quan hệ máu thịt mà xa lạ giữa con người với “cái thánh thần”, tha nhân của nó, cũng rất độc đáo, chất đầy cảm xúc và sâu sắc.

Nếu được đề nghị và để lựa chọn một tác giả cho tháng 8 hay tháng 9 này, tôi sẽ đề nghị tác giả Tạ Thành Vinh bởi sự mới lạ về cảm xúc, tinh thần, chất trí tuệ và lòng can đảm. Đây là một điều vượt lên mặt bằng của văn học Việt Nam trong những năm tháng này, đủ sức để xoá bỏ cái gọi là “văn học chính thống” dưới chế độ. Đó thiết nghĩ cũng là mục đích của Tiền Vệ: Làm ra cái mới.

 

20.09.2007 — Hoàng Ngọc Thư (Adelaide, Úc)

Tôi thích truyện "Tình bạn", "Bên trăng, tôi chưa ngủ" và những truyện khác của Lữ. Lâu lắm rồi tôi mới được đọc những câu chuyện với lối viết trong sáng và bình lặng như vậy. Cảm ơn Lữ đã chia sẻ cùng độc giả những ý tưởng đẹp đẽ và những giây phút êm đềm thật hiếm hoi trong cuộc sống luôn bận rộn, vất vả này. Mong được đọc thêm những truyện khác của ông.

 

21.09.2007 — Lê Dực (Hà Nội, Việt Nam)

"Sách cháy" là một truyện rất hay nhưng những ai không nhớ chuyện Giu-đa thì hơi bị thiệt thòi khi đọc. Tuy nhiên ta vẫn có thể thưởng thức nhiều ẩn dụ khác trong truyện. Lê Hoài Lương vừa xuất hiện trên Tiền Vệ lần đầu đã tặng mọi người một quả đẹp.

 

24.09.2007 — Hồ Thanh Tú (Karlsruhe, Đức)

Loạt bài "Ngẫu ký" của Trần Tiến Dũng chắc là còn dài. Lối “ký” này thật là hay vì nó vừa bắt được một mảnh nhỏ của đời sống bằng ống kính nhiếp ảnh vừa diễn được mảnh đó bằng lời đẹp như thơ. Viết “ký” như vậy thì người viết nhất định phải rất cao hứng nên người đọc được sướng theo với cái hứng đó. Phải vừa là một tay sành nhiếp ảnh cộng vừa là một nhà thơ mới làm được cái việc vừa đẹp vừa hay như thế. Chúc mừng Trần Tiến Dũng!

 

25.09.2007 — Trần Hoàng Thi (Perth, Úc)

Truyện "Những lá cờ" của Cristina Peri Rossi có thể chạm tới giây thần kinh của độc giả Việt Nam một cách dễ dàng vì người Việt Nam thường bị ám ảnh bởi những lá cờ. Đọc truyện này xong tôi cứ lẩn thẩn nghĩ về những sự hi sinh xương máu của biết bao nhiêu người lính trên hai miền Nam-Bắc nước ta để bảo vệ hai màu cờ đỏ vàng vàng đỏ. Nhất tướng công thành vạn cốt khô. Giờ đây hết chiến tranh rồi thì chỉ có các quan các tướng được nhà cao cửa rộng, mề đay đỏ ngực. Còn gia đình thân nhân của những người lính chết thì sao? Họ nhận được gì từ những lá cờ đã phủ lên những cái quan tài của người cha, người chồng, người con đã tử trận? Rất đau.

 

26.09.2007 — Lý Hồng Mai (Berlin, Đức)

Thấm thía những câu thơ này của Mai Văn Phấn, bài "Ghi ở Vạn Lý Trường Thành":

 
Tâu Hoàng thượng / thưa ngài / báo cáo đồng chí....
Bỉ chức / thảo dân / em...
sẽ làm trọn bổn phận
 
Đây là đỉnh trời
hay đáy vực sâu
chỉ thấy trên lưng lằn roi bỏng rát

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021