thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
CHƯA TẬN THẾ [I/III]
Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường
 
 
CHARLES SIMIC
(1938~)
 
Riêng gởi bạn đời Mark Frankland
người đã tặng tôi tập thơ này
làm quà Giáng Sinh năm 2010.
 
“Má tôi là một lọn khói đen tết bím. Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đương bốc cháy” là câu thơ mở đầu cho thi tập Chưa tận thế (The World Doesn't End) của nhà thơ Mĩ gốc Nam Tư (Yougoslavia) Charles Simic.
 
Đề tài chính của thập thơ này dĩ nhiên là chiến tranh và hệ quả tàn khốc của chiến tranh trên nhiều thế hệ, về những mất mát, chết chóc và cuộc sống còn. Người hoá chó, hoá khỉ, hoá cú, hoá chuột. “Đây là những ngày đen tối và tàn ác”.
 
“Một thế kỷ mây đùn”. “Một thế kỷ rơi xuống địa ngục”. Nhưng may thay vẫn chưa tận thế. Các đấng tối cao của lý thuyết này, của học thuyết nọ, chỉ là “một cái đầu bút chì, một đầu bút chì bị gặm nhấm với một cục tẩy mòn ở đằng sau một nét nguệch lớn”.
 
Simic sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, và hình ảnh đời thường dưới ngòi bút ông trở thành siêu thực và ngược lại. Simic là một người “bi quan vui vẻ”, kiểu “há miệng cười để ngăn mình khỏi khóc”. Mỗi bài thơ cũng có thể là những truyện cực ngắn.
 
Dịch theo nguyên tác tiếng Anh, The World Doesn't End: Prose Poems, 74 trang, do nhà xuất bản Harcourt Brace & Company ấn hành năm 1989, đoạt giải Pulitzer năm 1990. Các con số ghi trên mỗi bài thơ không có trong nguyên tác, người dịch đã thêm vào cho dễ phân biệt, dễ nhớ.
 
Nguyễn Đăng Thường
 
______________
 
CHƯA TẬN THẾ
 
gởi Jim Tate
 
“Hãy luân vũ điệu rumba.”
— Fats Walker
 
PHẦN I
 
1.
 
Má tôi là một lọn khói đen tết bím.
 
Bà bồng tôi quấn tã băng qua các thành phố đang bốc cháy. Bầu trời là một nơi quá bao la và lộng gió để cho một đứa bé có thể nghịch đùa.
 
Chúng tôi đã gặp nhiều người như chúng tôi. Họ ráng xỏ tay vào áo khoác với tay áo bằng khói.
 
Các vòm trời cao tít đầy những vành tai điếc đã teo lại thay cho các vì sao.
 
 
2.
 
Scaliger mặt tái mét như đã chết rồi khi ông nhìn thấy bó cải xoong. Tycho Brahe, nhà thiên văn học nổi tiếng, bất tỉnh khi thấy cái lồng cáo. Maria de Medici thì cảm nhận sự choáng váng đột ngột khi bà trông thấy một bông hồng, dù chỉ trong một bức hoạ. Trong khi đó, tổ tiên tôi ăn cải bắp. Họ không ngớt quậy cái nồi lên để tìm một chiếc giò heo không có trong đó. Trời xanh. Lũ hoạ mi hót trong một bài sonnet thời Phục Hưng, và ngay tức thì có một kẻ nào đó đi ngủ với một cái răng nhức.
 
 
3.
 
Tôi đã bị dân du mục bắt cóc. Ba má tôi đã bắt cóc tôi lại. Người du mục bắt cóc tôi một lần nữa. Như vậy trong một thời gian khá lâu. Phút trước tôi nằm trong cỗ xe du mục bú núm vú sậm của bà mẹ mới, phút sau tôi ngồi tại phòng ăn nơi chiếc bàn dài ăn điểm tâm với một cái muỗng bạc.
 
Hôm ấy là ngày đầu tiên của mùa xuân. Một trong hai ông bố của tôi đang ca hát trong bồn tắm; ông bố kia thì đang vẽ một con sẻ với màu sắc của cánh chim vùng nhiệt đới.
 
 
4.
 
Ðó là một cửa hàng chuyên bán đồ sứ cổ. Má tôi đi loanh quanh, một ngón tay đặt trước miệng. Suỵt! Chúng tôi phải yên lặng khi đến gần các tách trà. Không một hơi thở được cho phép khi đứng bên cái hũ đựng đường. Một hạt bụi tí teo đã rơi xuống cái dĩa mỏng dính như chiếc bánh quế. Bà thốt lên một tiếng “ô” qua cái miệng cú con của bà. Chân bà mang dép lót vải dày và êm, các con chuột nhắt tung tăng chạy xung quanh.
 
 
5.
 
Má tôi ủi tôi với cái bàn ủi nóng phà hơi nước, hoặc bà luồn tay vào người tôi như thể tôi là một chiếc vớ bà đang mạng. Sợi chỉ bà sử dụng chẳng khác gì sợi máu của tôi, tuy nhiên sự bén nhọn thuộc về bà.
 
“Henrietta, con sẽ làm hư mắt với ánh sáng mờ như vậy,” bà mẹ của con bé nhắc nhở. Bà ấy nói đúng! Từ lúc tạo thiên lập địa cho tới nay chưa có lúc nào ánh sáng lại yếu ớt như vậy. Các buổi trưa mùa đông của chúng tôi khi đó hứa hẹn sẽ kéo dài mãi đến trăm năm.
 
 
6.
 
Chúng tôi nghèo đến đỗi tôi phải vào ngồi làm mồi trong bẫy chuột. Một mình trong căn hầm, tôi có thể nghe thấy tiếng bước chân chúng chạy lên chạy xuống trên cầu thang, lăn lộn trong ổ tối. “Đây là những ngày đen tối và tàn ác,” con chuột nhắt nói với tôi trong khi nhấm vành tai tôi. Năm tháng trôi qua. Má tôi mặc chiếc áo khoác cổ đính lông mèo, bà vuốt ve cổ áo cho tới khi các đốm lông mèo toả sáng khắp căn hầm.
 
 
7.
 
Tôi là tên lính cuối cùng của Napoleon. Gần hai trăm năm sau tôi còn đương triệt thoái ra khỏi Mạc Tư Khoa. Con đường trồng hàng bạch dương và bùn lầy vung lên tới đầu gối. Người đàn bà một mắt muốn bán cho tôi một con gà mà tôi thì không có một mảnh vải che thân.
 
Lính Ðức đi một đường, tôi đi một nẻo. Binh sĩ Nga thì đi theo một ngả khác và vẫy tay chào tiễn biệt. Tôi chỉ có một thanh kiếm cong để sử dụng trong các buổi lễ. Tôi dùng nó để cắt mái tóc đã dài hơn một mét của mình.
 
 
8.
 
“Ai cũng biết câu chuyện về tôi và Bác sĩ Freud,” ông tôi nói.
 
“Chúng tao cùng si tình một đôi giày đen trong tủ kíếng của chung một tiệm giày. Nhưng tiếc thay, tiệm giày này luôn luôn đóng cửa. Một tấm bảng ghi: ĐÓNG CỬA VÌ TANG CHỂ hay MỞ CỬA SAU BỮA TRƯA, thế nhưng dù tao có đợi chờ lâu thế mấy cũng chẳng thấy có ma nào tới mở cửa.
 
“Có một bận tao bắt gặp ông Bác sĩ Freud đang ngắm nghía đôi giày không chút thẹn thùng. Chúng tao liếc ngó nhau trước khi chia tay đường ai nấy bước, chẳng bao giờ gặp lại nhau nữa.”
 
 
9.
 
Nó nắm đuôi con Ác Thú của Ngày Tận Thế, cái thắng lỏi ngu si! Ôi các bộ râu bắt lửa cháy, số phận hẩm hiu như đã được an bài. Các cao ốc lung lay; màn hình vi tính đen đúa như các tủ đựng chén dĩa xưa. Chúng tôi quá khiếp đảm để có thể tự bào chữa. Thêm một thế kỷ rơi xuống địa ngục ― nhưng để làm gì? Chỉ bởi vì những kẻ nào đó không biết dưỡng nuôi con cái của họ!
 
 
10.
 
Đó là kỷ nguyên của các bậc thầy có tính khinh suất. Có những buổi tối chúng tôi trông thấy những người đàn ông và những người đàn bà cô độc trôi bồng bềnh trên những ngọn cây đen. Họ đang ngủ mê hay là đang suy ngẫm? Họ không muốn điều khiển thể xác của họ. Gió chỉ thúc nhẹ vào người họ. Chúng tôi không dám chuyện trò, không dám hít thở. Lũ chim ăn đêm cũng ngậm mỏ im lìm. Về sau, chúng tôi có thể nhắc lại chuyện cuốn sách siết chặt trong lòng bàn tay một phụ nữ trẻ, và ông già đánh rơi mũ mình vào lùm cây bách như thế nào.
 
Không một cụm mây thậm chí trên bầu trời buổi sáng. Chúng tôi thấy vài con quạ rỉa lông bên mép lộ; các chiếc sơ-mi vươn những tay áo rỗng trên sợi giây phơi đồ của người đàn bà mù.
 
 
11.
 
Chuyện ma quỉ viết như phương trình đại số. Con bé Emily quá hãi sợ đứng trước tấm bảng đen. Từ X trông tựa nghĩa địa về đêm. Cô giáo bảo nó lấy phấn bươi. Cả lớp nín thở. Viên phấn trắng rít giữa các dấu cộng trừ, rồi tất cả lại yên tĩnh.
 
 
12.
 
Vào năm thứ tư của cuộc chiến, Hermes bỗng dưng xuất hiện. Hắn trông chẳng ra thể thống gì cả. Chiếc áo người đưa thư của hắn đã tả tơi. Chuột con chạy ra chạy vào các túi áo. Chiếc nón rộng vành hắn đang đội bị thủng bởi những lỗ đạn. Hắn vẫn cầm cái que lừng danh để khép mắt người chết mặc dù nó đã te tua. Hắn đã để mặc cái que cho những kẻ đang hấp hối gặm nhấm? Dẫu sao thì hắn chẳng mang thư đến cho chúng tôi nữa. “Vua ăn cắp!” chúng ôi la ó sau lưng hắn khi hắn không còn nghe thấy chúng tôi.
 
 
13.
 
Thành phố đã thất thủ. Chúng tôi tiến tới gần các cửa sổ ngôi nhà do một người điên vẽ. Ánh tà dương le lói trên các cỗ máy vô dụng vất bỏ lại bên đường. Ai đó nói: “Tôi còn nhớ thuở xưa kia khi chúng ta có thể biến một con sói thành người rồi mắng chửi nó cho hả dạ.”
 
 
14.
 
TÔI DIỄN KỊCH TRONG
RẠP HÁT NHỎ NHỨT
 
Vài viên sỏi địa ngục
Trên bệ cửa sổ
Vây quanh một
Vụn bánh mì trắng.
 
 
15.
 
Hòn đá là cái gương soi lu mờ. Chả thấy gì cả ngoại trừ bóng mờ. Bóng mờ của bạn hay sự lu mờ của gương, nào ai biết? Trong tĩnh lặng tim bạn đập như tiếng gáy của con dế đen.
 
 
16.
 
Họ đẩy chiếc xe lăn đưa ả tóc vàng tro tin rằng mình đã chết vào mảnh vườn có rào nhọn của bệnh viện tâm thần.
 
Tên nàng là Amy hay Ann, nhưng nàng không phản ứng khi nghe gọi bằng cái tên này hay cái tên kia. Nàng giữ chặt đôi mắt khép kín. Nàng được đẩy bởi một nữ khán hộ vận đồ trắng.
 
Vài phần đã do một gã trẻ tuổi run rẩy kể lại cho tôi nghe, hắn không ngớt bảo rằng mưa đã đổ liên tục trong nhiều năm thậm chí mưa rơi cả vào nhà. “Mưa kinh khủng lắm,” hắn bảo.
 
 
17.
 
Hỡi tình nhân của những thất vọng ê chề với bộ sưu tập những bưu ảnh, ta đang tới đây! Ta đang tới đây! Bạn muốn đưa cho ta xem một cái ga xép với chiếc đồng hồ chết lúc năm giờ năm phút. Chúng ta không thể nhìn vào trong qua khung cửa sổ cáu bẩn của ông sếp ga. Thậm chí chúng ta cũng không được biết rằng có hay không một con tàu đang chờ nơi sân ga, càng ít rõ hơn nữa nếu có một người đàn bà áo đen hối hả bước qua khung cửa trước. Chẳng còn ai khác trong tầm mắt, vậy là cái ga đó ắt phải yên tĩnh. Vài tỉnh lẻ bị thời gian xoá nhòa quá mức nên chỉ còn trơ trọi một khung cửa sổ phủ rèm, mà giờ đây nó cũng đang bỏ đi mang theo niềm bí ẩn.
 
 
18.
 
Lũ ruồi của Vòng Băng Địa Đầu thảy đã bay đến từ những đêm mất ngủ của tôi. Đây là cách chúng di chuyển: Gió đưa đẩy chúng bay từ anh đồ tể này tới anh đồ tể kia; rồi cái đuôi bò phe phẩy không ngừng trong giờ vắt sữa.
 
Ban đêm trong những cánh rừng phương bắc họ lắng nghe tiếng hươu tiếng chim. . . . Mùa hè ở đấy chóng qua nên họ không đủ thì giờ để đếm chân chúng.
 
“Can đảm như một con tem vượt đại dương,” họ rù rì và thở dài, và vậy là đã tới lúc phải nặn những hòn tuyết, những hòn tuyết xám nhỏ có những hòn đá bên trong.
 
 
19.
 
BÀI SỬ HỌC
 
Lũ gián trông giống như
Bọn hề nhà quê
Trong những vở bi kịch.
 
[còn tiếp 2 phần]
 
 
-------------
Đã đăng:
 
... Người đàn ông bị xử chém đó bước xuống từ đoạn đầu đài. Y nâng cái đầu đẫm máu của mình trên tay. // Những cây táo đang trổ hoa. Y tìm đường đến quán rượu của làng, nơi mọi người đang nhìn cảnh tượng này. Đến đó, y ngồi xuống bên một cái bàn và gọi hai vại bia, một cho y và một cho cái đầu của y. Mẹ tôi chùi tay vào tạp dề và phục vụ... [Bản dịch của Hải Ngọc]
 
Bảy bài thơ  (thơ) 
Bảy bài thơ của Charles Simic (1938~) — nhà thơ gốc Yugoslavia, được xem là một trong những khuôn mặt quan trọng của thi ca đương đại Hoa Kỳ — lần đầu tiên đến với độc giả Tiền Vệ qua bản dịch của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021