thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Gần ga Kitami trên tuyến Odakyu
Hoàng Ngọc-Tuấn dịch
 
Hiromi Ito 伊藤 比呂美 (nhà thơ, tiểu thuyết gia, và luận giả) sinh năm 1955 tại Tokyo. Tốt nghiệp đại học Aoyama Gakuin. Vào cuối những năm 1970, bà bắt đầu đăng thơ trên các tạp chí văn học và lập tức được xem như một tiếng nói mới lạ gây kinh ngạc trong thi ca Nhật Bản đương đại. Năm 1982, tập thơ đầu tiên của bà, Ao Ume ('Mận xanh'), được in bởi một nhà chuyên xuất bản thơ, Shichôsha. Sáu năm sau đó, tập thơ này được tái bản dưới dạng sách bìa giấy (bunko) bởi một nhà xuất bản lớn, Shûeisha. Những tác phẩm nổi tiếng khác của bà gồm có: On Territory ('Trên lãnh thổ', 1985), I am Anjuhimeko ('Tôi là Anjuhimeko', 1993), những tập tiểu luận và bút ký như Tummy, Cheek, Bottom ('Bụng, má, đít', 1987), và Good Breasts, Bad Breasts ('Vú tốt, vú xấu', 1985; đã được dựng thành phim). Tập truyện Family Art ('Nghệ thuật gia đình', 1993) được chọn vào vòng chung kết giải văn học Mishima Yukio. Năm 1998, truyện ngắn "House Plant" ('Cây nhà') được chọn để tranh giải văn chương Akutagawa. Năm 1999, tiểu thuyết La Niña ('Đứa con gái') lại được chọn vào vòng chung kết giải văn học Akutagawa, và đoạt giải văn học Noma. Bà đã xuất bản hơn 30 tác phẩm. Thơ của bà đã được đem vào tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry (Berkeley: University of California Press, 1998).
 
Hiromi Ito là một đại biểu của dòng thơ nữ quyền hậu hiện đại Nhật Bản. Bà sử dụng ngôn ngữ thông tục, với ý thức nữ quyền mạnh mẽ, để mô tả rất cụ thể những điều mà các nữ thi sĩ Nhật Bản trước đó rất ngại nhắc đến: giao hợp tình dục, thụ thai, lâm bồn, kinh nguyệt, thủ dâm, những chất tiết ra từ cơ thể, vân vân. Qua đó, bà đánh ngã quan niệm thẩm mỹ cũ kỹ vốn cho rằng thơ của nữ giới là phải đoan trang, kín đáo, mỹ miều.
 
 
 
HIROMI ITO
(1955~)
 
 

GẦN GA KITAMI TRÊN TUYẾN ODAKYU

 
Tuyến Odakyu luôn luôn đông nghẹt người nên tôi cứ phải đứng mãi
Vào giữa ngày nếu tôi theo tuyến Seibu Ikebukuro tôi thường có thể lấy được một chỗ ngồi cũng như khi tôi theo tuyến tàu điện ngầm Toei.
Đó là những tuyến tôi thường đi.
Cuối tuyến Odakyu có nhiều trường đại học nên có rất nhiều người. Tôi không thích cảm giác lúc bước vào một toa tàu chen chúc khiến tôi đâm ra ghét thiên hạ
Tôi đổi tàu tại ga Seijo Gakuen. Trên sân đón khách bên kia có chuyến tàu chợ đang mở cửa nằm đợi.
Tôi đâm ra không ghét thiên hạ nữa. Chỉ có vài người trong xe chứ chẳng bao giờ có nhiều
Bởi tôi không biết rõ nên tôi luôn luôn bước nhầm ngay vào toa đầu tiên của chuyến tàu tốc hành trong khi chuyến tàu chợ lại không dài đủ để giáp mặt với toa đầu tiên của chuyến tàu tốc hành. Chuyến tàu chợ có ít toa.
Lúc tôi bước đến cửa của chuyến tàu chợ thì chuyến tàu tốc hành bắt đầu tiến vào ngang qua ga Seijo Gakuen chạy nhanh xuống dốc và khi nó đã chạy xuống hết dốc nó dừng lại
Tôi nhìn màu xanh lá cây bên ngoài toa tàu trong lúc nó chạy vụt qua
Cây biến thành cỏ rồi lại biến thành cây
Một khe nước chảy giữa đám cỏ
Bên ngoài toa tàu nơi nào cũng là màu xanh lá cây
Bởi tôi không biết rõ nên tôi luôn luôn ngồi ngay ở toa đầu tiên của chuyến tàu chợ mà những bậc tam cấp dẫn đến các cổng soát vé thì lại ở chính giữa sân đợi tàu. Lúc tôi đi ngang qua sân đợi tàu ở tầng trên tôi giơ tay vẫy với vẻ quyến rũ
Tôi băng qua đường rầy và bước vào căn gác của chàng
Cách đó mười phút đi bộ
Vài tuần trước đây có người đã tự tử ngay chỗ băng qua đường rầy
Có những thanh gỗ đặt chỗ ấy
Những thanh gỗ ấy ướt đẫm máu
Trong khoảng đất trũng dưới đường rầy có một đống máu
Và cái gì trông như một phần nội tạng còn sót lại ở đó
 
Chúng tôi giao hợp tình dục lúc tôi đang có kinh nguyệt
 
Khi tôi bước vào căn gác của chàng tôi vặn radio lên
Tôi cúi xuống và
Nặn những cái mụn ở bất cứ chỗ nào trên mặt chàng
Tôi nhổ những sợi râu còn sót trên đôi má chàng sau khi cạo
Xoay chàng lại
Một vật giống như nốt ruồi trên lưng chàng
Tôi biết vì nó nổi cộm lên
Khi tôi nặn nó thì cái cồi đen bự tụ nơi chóp xịt ra ngoài
Phía sau hai tai của chàng cũng có những cái cồi bự
Khi tôi nặn thì chúng xịt ra những sợi dài và nhớt
Khi tôi dùng răng cạp lấy sợi tóc chàng lôi ra thì nó đứt gốc
Tôi gặm các móng tay tôi
Móng tay tôi thì ngắn
Tôi không thể nhổ tóc bằng móng tay
Nếu tôi dùng răng thì nó luôn luôn đứt gốc
Đôi má của chàng chạm vào tôi thì luôn luôn lạnh
Râu chàng chạm da tôi
Chàng đã cạo rồi
Tôi cảm nhận những gốc râu lởm chởm
Trước và sau khi chúng tôi giao hợp tình dục.
 
Có lần tôi thấy một tấm ảnh chụp vùng gần ga Kitami trong bộ ảnh của Araki Nobuyoshi lập tức tôi nghĩ đó là nơi tôi làm tình tôi cảm thấy xấu hổ tôi là một phụ nữ 25 tuổi cho nên tôi giao hợp tình dục thường xuyên. Tôi đi từ khu phố Itabashi đến khu phố Setagaya và trong khi di chuyển thì việc giao hợp tình dục không nẩy ra trong óc tôi tôi không cảm thấy chút thèm khát tình dục nào cả tôi ngắm cỏ và cây của khu Setagaya lúc chúng lướt qua bên ngoài toa tàu vào mùa này diệp lục tố nổi lên từng lớp mơn mởn sự ẩm ướt đã đến điểm tối đa lúc tôi gặp chàng tôi cảm thấy sung sướng nên tôi vẫy tay với vẻ quyến rũ nhưng khi tôi vặn radio lên trong căn gác của chàng là lúc tôi nghĩ đến tình dục
 
Tình dục đã trở thành một việc tất nhiên
Tôi băng qua đường rầy và bước vào ga
Có lẽ tôi đã kéo cái quần lót lên sát vào bộ sinh dục ướt nhẹp của tôi và băng qua đoạn đường rầy ở Kitami nơi mảnh thịt người còn sót lại
Chất nhờn cứ trào ra mãi
Và quần lót tôi ướt sũng
 
 
-------------------------
Dịch từ bản Anh ngữ của Leith Morton, "Near Kitami Station on the Odakyu Line", trong tuyển tập Poems for the Millennium: The University of California Book of Modern & Postmodern Poetry, Volume Two, eds. Jerome Rothenberg & Pierre Joris (Berkeley: University of California Press, 1998) 557.
 
 
Những tác phẩm đã đăng trong loạt THƠ HẬU HIỆN ĐẠI:
"skin Meat BONES (chant)", bài thơ để xướng tụng bằng ba giọng ở ba âm vực khác nhau như một bài hát ba bè, của Anne Waldman (1945~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ, một tên tuổi hàng đầu của thơ trình diễn và thơ đọc — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Chờ   của  Wilding, Faith
"Waiting", một bài thơ nổi tiếng của Faith Wilding (1943~) — nghệ sĩ đa diện và nhà vận động nữ quyền Hoa Kỳ. Đây là một tác phẩm thuộc thể loại "thơ trình diễn" (performance poetry), một thể loại phát triển rất mạnh trong nghệ thuật hậu hiện đại. Bài thơ này gói trọn cuộc sống của người phụ nữ dưới ách phụ quyền vào một chữ "chờ". Thân phận của họ là "chờ", mãi mãi "chờ", từ lúc sinh ra cho đến khi nhắm mắt. (Bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn)
"Rant", bài thơ như một tuyên ngôn, với câu thơ nổi tiếng: "Cuộc chiến hệ trọng duy nhất là cuộc chiến chống lại óc tưởng tượng / mọi cuộc chiến khác đều nằm trong đó". Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — đã diễn đọc bài thơ này rất nhiều lần, tại rất nhiều nơi, và luôn luôn chinh phục khán thính giả. Tiền Vệ xin gửi đến độc giả bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"The Practice of Magical Evocation", "Prophetissa", và "Studies in Light", ba bài thơ rất lạ, với những ẩn dụ và biểu tượng huyền bí xen lẫn vào ngôn ngữ thường nhật đương đại, của Diane di Prima (1934~) — nhà thơ hậu hiện đại và nhà tranh đấu nữ quyền Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Slow song for Mark Rothko", một bài thơ ứng dụng cấu trúc âm nhạc thiểu tố, của John Taggart (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
Sói  của  Fujii Sadakazu
Một bài thơ sử dụng huyền thoại dân gian về người đàn bà sói "tuyệt chủng" như một ẩn dụ để diễn tả lối tiếp cận thi ca mới, của Fujii Sadakazu (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Nhật Bản — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"FIVE NOTEBOOKS FOR EXIT ART", một bài thơ có hình thức mới lạ, trông như một bài nghiên cứu từ nguyên, của Cecilia Vicuña (1948~) — nhà thơ hậu hiện đại Chile — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Lost and Found" và "Breasts", hai bài thơ với những liên tưởng rất lạ, của Maxine Chernoff (1952~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Cenotaph", một bài thơ ứng dụng kỹ thuật điện ảnh, qua đó, những đoạn thơ như những khúc phim ngắn xen vào nhau, nối tiếp nhau, của John Yau (1950~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Index", một bài thơ rất khác thường, dưới dạng một bảng tra cứu ở cuối sách, của Paul Violi (1944~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Conjugal", "Ape", "A Performance at Hog Theater", "The Toy-Maker" và "The Optical Prodigal", năm bài thơ văn xuôi với những hình tượng và liên tưởng rất khác thương, của Russel Edson (1935~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Falling in Love in Spain or Mexico", "Wonderful Things", "Nothing in That Drawer" và "Who and Each", bốn bài thơ với bốn thi pháp hoàn toàn khác nhau, của Ron Padgett (1942~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"Rape", một bài thơ chua cay, quyết liệt, của Jayne Cortez (1939~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.
"A Bouquet of Objects", "In a Monotonous Dream" và "A Date with Robbe-Grillet", ba bài thơ ngắn, nhưng đầy những khám phá thú vị trong bút pháp, của Equi Elaine (1953~) — nhà thơ hậu hiện đại Hoa Kỳ — được giới thiệu đến bạn đọc Tiền Vệ qua bản dịch của Hoàng Ngọc-Tuấn.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021