thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ca thi cho Luân-đôn bị oanh tạc
Bản dịch Diễm Châu
 
 
PHILIPPE SOUPAULT
(1897-1990)
 

CA THI CHO LUÂN-ĐÔN BỊ OANH TẠC

 
Đêm nay Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
đêm đen đêm sát nhân và hờn căm
bóng tối phồng to từ nỗi âu lo sắp tới
Đã nghe những phát súng đầu tiên ở nơi xa
và đã bùng lên những ngọn lửa đầu tiên những dấu hiệu đầu tiên
Tất cả dường như đã sẵn sàng trước hỗn độn rung chuyển sợ hãi
Mọi người bỗng dưng im lặng rình rập những tiếng động đã trở thành quen thuộc
Người ta chờ lễ hội lớn của cái chết đui mù
Một ánh mờ gần gụi cao thành khẩn
bình minh của một thế giới mới mà đêm tối hạ sinh
 
Chúng tôi đã bị chẹn họng bằng bùn nhơ và rác rưởi
Chúng tôi còn có thể nghe và chờ đợi
Chúng tôi biết chúng tôi đoán biết
Đêm nay Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
Một tiếng nói cất lên ấy tiếng kêu trông đợi
Ici Londres Parla Londra London calling
Chúng tôi nín lặng như khi ta nghe con tim đập
 
Đột nhiên im lặng và âu lo của im lặng
thời gian lạc lõng một giây một giờ
Hoài công người ta han hỏi đêm đen bóng tối khoảng cách
Không nên tin những gì người khác kêu lên
Luân-đôn đêm nay bị oanh tạc lần thứ một trăm
Một đám cháy câm nín những người chết
Chính những kẻ đã kêu những kẻ chúng ta đang trông đợi
Chỉ có hình ảnh những trụ bê-tông bị gãy những đường dây bị cắt
Chỉ có cái lỗ hổng ấy trong không gian và thời gian
 
Ici Londres Parla Londra London calling
Và này đây là Thành phố đã trở lại vị trí ở chân trời
Đơn độc giữa thế giới
Ấy là thành phố vượt lên trên sự ồn ào huyên náo
được soi rọi bằng những đám cháy và ngọn lửa can trường cao nhất
Luân-đôn Luân-đôn Luân-đôn vẫn Luân-đôn
Đêm nay Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Cuộc tấn công và lời đáp trả một thách thức ở bên trên trái đất 
tiếng nói kêu trong vô tận
Tiếng nói của Luân-đôn như của một người bạn gái ở đầu giường bạn
Tiếng nói ấy nói rằng không được tuyệt vọng
rằng nó cất lên vào giờ của hiểm nguy và hổ nhục
Nó nói về sự sống với những người đang hấp hối và về niềm tin với những kẻ còn hoài nghi
Chúng tôi lắng nghe trong lúc nhắm mắt chúng tôi biết
Đêm nay Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Can trường ấy là đêm thứ một trăm của can trường
thủ đô của trông đợi kêu gọi và nhắc nhở chúng ta
thủ đô ấy vẫn là một như xưa
vẫn khinh bỉ sự rửng rưng sự hèn nhát và đê tiện
Lúc này chúng ta bước theo những bóng ma xưa ngay lành của nó
Thomas Decker lướt vô hết quán này đến quán khác
và Thomas de Quincey «nuốt» á phiện chất độc êm ái và buồn
nghĩ đến nàng Anne tội nghiệp của ông vừa đi vừa mơ màng
Đêm nay đêm Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Những bóng ma và thanh xuân tôi bên những bến tàu
ôi Luân-đôn như các tinh cầu vẫn không suy suyển
Đương đầu với đám cháy và ngọn gió say sưa lửa
khi hai phần ba những ngôi nhà của mi bốc cháy
trong lúc dịch hạch bò vào hết cửa nhà này đến cửa nhà khác
và trong lúc người chết lên tới cả ngàn
một ngàn một ngàn rồi một ngàn nữa
đàn bà và con trẻ trước hết
Hỡi những bóng ma của Luân-đôn các ngươi xuất hiện
Đêm nay đêm Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Tôi bước ra từ cảnh tê liệt ban đêm của mình
Tôi lướt đi như một kỷ niệm và như một cánh bướm
về phía những con đường quen thuộc nơi những phản ảnh của dòng sông hướng dẫn tôi
mãi tới cái đài kỷ niệm vẫn chẳng có cái danh nào khác ấy
trên cái quảng trường nho nhỏ rầu buồn này kề bên con voi
nơi mỉm cười một gã mà tôi nhận ra
và gã rốt cuộc vẫn thế là vì tôi còn sống
Đêm nay đêm Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Hôm nay sau bao năm trông đợi và hoài phí
bị buộc phải im lặng bởi là nô lệ giữa những kẻ nô lệ
tôi lắng nghe tiếng nói từ những vùng sâu thẳm của can trường
tiếng ấy nói và lại nói như vọng âm của những vọng âm
Người cười tươi hơn cả là người cười chót
như mỗi tối trước khi trổi nhạc khiêu vũ
trong lúc gầm thét những hụ còi
tôi nghe chúng tôi nghe và thế giới cùng với chúng tôi
tiếng gọi vẫn một tiếng gọi và của vẫn một giọng nói ấy
giọng nói tin chắc rằng mọi người sẽ làm công việc bổn phận của mình
khi Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Hết thảy mọi ngưởi đều làm bổn phận của mình không trừ một ai
từng người đàn ông từng người đàn bà và từng em bé
Những ngưởi đàn ông lao mình vào vùng lửa
Những người đàn bà chạy đi tìm máu
Những người đàn ông bay tới cái chết
Những người đàn bà khóc thương và mỉm cười
Những người đàn ông đưa tay và hy vọng
Hết thảy những người chết không ta thán
Trong lúc Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Ở mút cùng thế giới và đêm tối
Những kẻ không sợ chết
chào những kẻ đương đầu với định mệnh
những người mạnh hơn cả oán thù
và những người nói cho những kẻ còn sống và những kẻ đã chết
hết thảy những người mà chiếc cánh của tuyệt vọng chạm tới
lắng nghe tiếng nói kiên trì
tiếng nói đầu hôm sớm mai nửa đêm
khi Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Hỡi các bạn vô hình dung những bàn tay vươn tới
trên khoảng cách xa không hạn định này
các bạn nói và chúng tôi lắng nghe
các bạn sống và chúng tôi sẽ chết
bởi từ nay chúng tôi biết rằng người ta có thể chết vì hổ nhục
Ici Londres Parla Londra London calling
Chúng tôi lắng nghe chúng tôi những kẻ chìm đắm
chúng tôi những kẻ bị hoài nghi và âu lo gặm khoét
ẩn trong bóng tối và lặng thinh tới dại cuồng
 
Các bạn những người đang lên tiếng các bạn những người đang kêu gọi
trong gió và khói trong máu
các bạn những người kêu gọi tới cứu chúng tôi để giải thoát chúng tôi
các bạn những người đang chiến đấu để chúng tôi cùng chiến đấu
Ici Londres Parla Londra London calling
Chống lại chúng tôi ngọn cờ đẫm máu của bạo quyền đã dựng
Các bạn có nghe thấy chăng
Chúng tôi đang thở chúng tôi đang lắng tai chúng tôi đang nghe
Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
 
Luân-đôn bị oanh tạc lần thứ một trăm
Tất cả vẫn còn đó các bạn đang canh chừng
Khi ngọn Big Ben và chuông của nó
khẳng định rằng lúc này là đúng nửa đêm
rằng ấy là giờ của can trường mới
thì Melbourne lắng nghe và Ottawa
Mũi Hảo vọng Calcutta Auckland
hết mọi thành phố trên thế giới
hết mọi làng thôn ở nước Pháp
Và Paris
 
1942-1943
 
Ghi chú về tác giả và tác phẩm:
PHILIPPE SOUPAULT (1897-1990) là một nhà thơ Pháp, được thế giới biết tới nhiều vì những liên hệ của ông với trường Siêu thực Pháp. Đi từ dada tới siêu thực, trở thành đồng-tác giả của Les champs magnétiques (với André Breton), Philippe Soupault đã bị vị «giáo chủ» này của Siêu thực khai trừ vì không tuân lệnh gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp (như Louis Aragon và Paul Eluard,…) và muốn giữ tính cách độc lập. Còn nổi tiếng như một tiểu thuyết gia, nhà phê bình và người hoạt động chính trị. Bài trên dịch từ Philippe Soupault, Odes, 1930-1980, nxb. Jacques-Marie Laffont et associés, Lyon, 1981, đã được in lại trong Philippe Soupault, Georgia Épitaphes Chansons et autres poèmes, Poésie/ Gallimard, Paris, 1984. Theo chú thích ở cuối bài của chính tác giả năm 1943, bài này được đề tặng kíp người Pháp đã tổ chức trong hai năm rưỡi chương trình “Người Pháp nói với người Pháp” của đài BBC, Luân-đôn. Ở đây, tôi xin được ghi nhận những “góp ý” chí tình của nhà thơ Nguyễn Đăng Thường ở Luân-đôn, để hoàn thành bản dịch trên, và cảm ơn Bạn.
 
Nhà thơ Nguyễn Đăng Thường đã dịch Épitaphes của Philippe Soupault; các bản dịch đã đăng trên tạp chí Thơ, thời nhà thơ Khế Iêm còn là chủ bút tờ tạp chí này. Cũng xin mời bạn đọc xem thêm hai bài khác, trích dịch từ tập Ca thi của Philippe Soupault, đã đăng trên Tiền Vệ: Ca thi cho Bogotá | Ca thi cho Guillaume Apollinaire. (DC.)
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021