thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Khúc bi ca ngắn nhất | “Đêm xuống với những đầu ngón tay run rẩy...” | “đôi khi khi tôi khép mắt tôi...” | Mấy lời về cái sợ | Năm ba từ – Một phút im lặng | Một cuộc gặp gỡ
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
 
ANTONI PAWLAK
(1952~)
 
Antoni Pawlak sinh năm 1952 tại Sopot, gần Gdansk,* học triết học tại Viện Thần Học Công Giáo ở Varsovie, khởi đầu sự nghiệp thơ ca năm 20 tuổi, cũng là năm ông đấu tranh trong hàng ngũ những sinh viên chống chế độ, viết và phổ biến truyền đơn chống nhà nước Ba-lan. Ra toà, ông lãnh hai năm rưỡi tù nhưng được hưởng án treo. Tập thơ đầu tiên của ông, Mở ra ngày và đêm [Otwarty cala dobe] ra đời ở Gdansk khoảng 1974/75 là thời gian ông khởi sự vào khoa văn ở đại học nhưng phải bỏ dở vì lệnh động viên. Thời quân ngũ, ông bắt đầu quan hệ với các tạp chí xuất bản bí mật như Zapis ở Varsovie và Puls ở Lodz,** và đến khi xuất ngũ, ông cộng tác thường xuyên với những tạp chí này. Tháng Tám 1980, trong hàng ngũ Solidarnosc, ông tham gia cuộc đình công ở xưởng đóng tàu Gdansk, tiếp sau đó ông nằm trong Ủy Ban Văn Hoá Miền Mazovie của Công Đoàn Đoàn Kết và được giao phụ trách biên tập cho tạp chí Iks ra mỗi tháng hai kỳ.
 
Đêm xảy ra thảm kịch 12 rạng sáng 13 tháng Chạp 1981, Antoni Pawlak bị bắt tạm giam tại trại Bialoleka, sau đó tiếp tục bị bắt rồi được thả thêm hai lần khác – nửa năm nằm trong các nhà giam trước khi được trả tự do, ông vẫn tiếp tục cho ra dưới dạng xuất bản bí mật hai tập thơ Bạn đã sẵn sàng chưa? [Czy jestes golow? (Varsovie, 1981)] và Đột nhiên chúng ta thức dậy trên những chuyến xe lửa đang chạy [Obudzimy ste nagle w pedzacych pociagach (Gdansk, 1981)] và lại tiếp tục cộng tác với các tờ báo hoạt động bí mật. Ngoài tập văn xuôi Cuốn sổ nhà binh (Carcovie: Pacifistes, 1981), có thể nói cuốn sách viết chung với nhà báo Marian Terlecki, Mỗi người trong các bạn là một Walesa [Kazdy z was jest Walesa (Paris: Rencontres, 1984)], vào đúng thời điểm lãnh tụ Công Đoàn Đoàn Kết nhận Giải Nobel Hoà Bình vào tháng Mười 1984, là một thành công lớn, cho dù sách phát hành không công khai, và các tác giả sau đó chịu vô số phiền phức với cảnh sát.
 
Sau những ấn phẩm xuất bản bí mật tiếp theo là Hoàng hôn và những bức thư bí mật [Zmierzch I grypsy], Bản nháp chiến tranh [Brulion wojenny, 1984], rồi XXX, đến năm 1989 đánh dấu tổng tuyển cử tự do, và nhất là sau chuyến đi ra nước ngoài của ông nhờ giải thưởng uy tín của Quỹ Koscielski (1983), ông mới được xuất bản công khai, với một loạt những tập: Mấy lời về nỗi sợ [Kilka slow o strachu (Cracovie, 1990)], Dao ngắn dài, áo dài ngắn [Dlugie noze, krotkie sukienki (Varsovie, 1990)], Những phụ nữ của chúng ta già đi [Nasze kobiety sie starzeja (Cracovie, 1995)]. Cho đến năm 1993, ông điều khiển một phụ trương của nhật báo Gazeta Wyborcza ở Varsovie, là nguyệt san văn học Gazeta o ksiazkach [Tạp chí sách]. Thời gian sau, ông còn cho ra đời Zmarli tak lubia podrze (1998), Akt personalny (1999), Strch w moich oczach jest gleboki jak studnia (2002), và cho đến nay vẫn tiếp tục đóng góp nhiều bài viết và tiểu luận văn học và xã hội trên các tạp chí văn chương.
 
Tác phẩm của nhà văn, nhà thơ, nhà báo Antoni Pawlak (từng là Chủ tịch Hội Nhà Văn Trẻ Ba-lan, và chủ bút một tạp chí văn học liên mạng) đã được dịch và phổ biến nhiều nơi, đặc biệt rộng rãi hơn cả là tại Đức. Ông sống ở Gdansk, Ba-lan, và hiện được coi là một trong những người viết uy tín bậc nhất của đất nước này. Tháng Chín năm 2007, Pawlak là một trong những nhân vật chính chào đón và tổ chức nhiều sinh hoạt văn hoá mừng Gunter Grass ở Gdansk khi nhà văn Đức trở về “quê hương” của mình để kỷ niệm ngày sinh thứ 80, trong đó, nổi bật, có buổi diễn vở kịch chuyển thể từ tiểu thuyết Cái trống thiếc.
 
------------------
* Có tư liệu cho là ông sinh ở Varsovie [Humps & Wings, Polish Poetry since ’68 (San Francisco & Los Angeles: Invisible City, 1982)], nhưng Sopot/Gdansk ở cực bắc nước Ba-lan, trong khi Varsovie nằm gần như ở giữa...
 
** Bản tiếng Anh bài thơ dài “Beyond My Powers” của A. Pawlak (viết 1975/1976, không biết tên người dịch) được đánh máy chữ và đăng trên tạp chí Puls, số 1 tháng Mười 1977, lưu hành tuy bí mật nhưng khá rộng rãi kể từ đầu năm 1978. Sau này với tập thơ tuyển Humps & Wings, Polish Poetry since ’68 (San Francisco & Los Angeles: Invisible City, 1982), người đọc tiếng Anh còn được giới thiệu một bản dịch (trích đoạn) khác của Boguslaw Rostworowski: “Beyond Endurance”, với lời đề tặng Maciej Grywaczewski, một nhà làm phim và hoạt động truyền hình Ba-lan từng rất gắn bó với những cuộc đấu tranh của Công Đoàn Đoàn Kết.
 
 

Khúc bi ca ngắn nhất

 
thuở ấy chúng ta tuổi mười bốn
một bộ phim và vài ca khúc giúp chúng ta
phát hiện một nhóm có tên là The Beatles
chúng ta chỉ có ba người (lúc nào
cũng phải kiếm một tay trống mới)
 
khi không có ai ở nhà
chúng ta gửi những bưu thiếp có nhạc của mình
vào cái máy Magnavox kê đứng
trong một góc phòng và bấy giờ quả chúng ta
là The Beatles
 
ngày nay Paul McCartney làm ở một xưởng máy tiện
Georges Harrison là một chuyên gia phụ khoa
Ringo Starr cuối cùng của chúng ta
một chàng công an làm Mật Vụ
 
và ta đứng đây nuốt vội
ngụm rượu tiếp theo — khúc bi ca ngắn nhất
về cái chết của chính mình ta nghĩ thế
cho đến ngày này đây tên ta vẫn là John Lennon
và ta đang hấp hối trên đường đến nhà thương
bảy viên đạn còn ghim trên ngực
 
Tháng Mười Hai 1980
 
 

“Đêm xuống với những đầu ngón tay run rẩy...”

 
Đêm xuống với những đầu ngón tay run rẩy
nàng kéo miếng vải gạc che mắt ngủ trên mặt tôi
nhẹ nhàng hỏi: Tony, em có sẽ sống?
Tôi tìm đủ mọi cách
thuyết phục đôi mắt nàng,
và khi nàng êm ái duỗi người nằm xuống ngủ
Tôi nhìn ra trong góc mắt tôi
buổi bình minh đến gần không tránh vào đâu được.
 
 
 

“đôi khi khi tôi khép mắt tôi...”

 
đôi khi khi tôi khép mắt tôi
hay khép một trang sách cuối cùng
tôi cảm thấy cô đơn như một người phụ nữ
đứng nhìn con tàu ra khơi
với một nhóm phụ nữ giống y như mình
 
không có lý do gì bắt đầu lại
mở mắt lần nữa cũng chẳng đem trở về ngày xưa
và trở lại một cuốn sách mới đọc tinh khôi
không bao giờ sẽ vẫn y như cũ
 
trong thấu kính giá băng chỉ còn lại
tấm ảnh nhạt nhoà
của một phụ nữ và một con tàu
 
 
 

Mấy lời về cái sợ

 
cúi người trên một đĩa ravioli Nga
tôi chào anh kẻ đang dùng món hàu
và anh biết rõ đây chẳng phải là
sự khác biệt về văn hoá hay bếp núc
thật ra sự khác biệt duy nhất chia cách chúng ta là
                                                     sự khác biệt về cái sợ
cái sợ của tôi là một cái sợ nhỏ
nó cụ thể như những bước chân đêm vang dội
tiếng chuông ngoài cửa báo hiệu dùi cui hay trộm cướp
cái sợ của tôi buộc tôi tiến hoá
trong vòng những sự việc nhỏ và nguyên sơ
cái sợ của anh là siêu hình nó là một bí ẩn lớn
bao gồm Thượng Đế ngày tàn của thế giới
và cái chết
 
điều nói ra có thể có vẻ ngu xuẩn nhưng quả thật đôi khi
tôi thích làm quen với cái sợ của anh
 
 
 

Năm ba từ – Một phút im lặng

 
thơ ca là năm ba từ rải ra trên giấy
đó là nỗi sợ anh mang trong người
là cô gái lạc bước giữa đám đông
một trò chơi kiên nhẫn
và là một trái banh bay vào gáy
 
có thứ thơ ca người ta nói
có thứ thơ ca người ta im
 
 
 

Một cuộc gặp gỡ

 
một ông già hai bàn tay run rẩy
bước đi lạng quạng hỏi xin tôi mấy que diêm
ông chờ tôi nói một tiếng
điếu thuốc tàn lửa chỉ là một cái cớ
khi nhìn thấy ánh lửa cháy trong mắt ông
tôi giả vờ như không nhìn thấy gì, dạt ông ra
đi qua như đấy chỉ là một đồ vật — ở nhà
một cuốn sách đang chờ tôi
 
chỉ sau đó tôi mới hiểu ra
là người ấy quan trọng hơn một cuốn sách
quan trọng hơn cả những thư viện
và cả Cuốn Sách viết hoa
bởi vì chính ông là Cuốn Sách của cuộc đời trôi qua
Sách của ánh sáng và của bóng tối
Sách của cái chết mà sức nặng
đè bẹp cả cột xương sống
ông cũng chính là tôi nhưng
cọng vào với năm ba tình bạn hoàn thành
và một nỗi rã rời
khi tôi chạy xuống tới nơi
ông già không còn đó
có thể ông đã chết
có thể ông đã bỏ đi
điều thuốc còn dán
trên đôi môi nứt nẻ
 
 
---------------
“Khúc bi ca ngắn nhất”, “Đêm xuống với những đầu ngón tay run rẩy...” và “đôi khi khi tôi khép mắt tôi...” dịch từ bản tiếng Anh “The Shortest Elegy”, “It’s night with trembling finger tips...” và “sometimes when I closed my eyes...” của Zbigniew Joachimiak, David Malcolm & Georgia Scott trong Dreams of Fires – 100 Polish Poems 1970-1989 (Poetry Salzburg, 2004). “Mấy lời về cái sợ”, “Năm ba từ – một phút im lặng” và “Một cuộc gặp gỡ” dịch từ bản tiếng Pháp “Quelques mots sur la peur”, “Quelques mots – Une minute de silence” và “Une rencontre” trong tuyển tập Témoins – Quarante-quatre poètes polonais contemporains 1975-1990, do Lucienne Rey và Gérard Gaillaguet chọn dịch và giới thiệu (Paris: Les Ateliers du Tayrac, 1997).
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021