thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Hành khách | Một bà trong đám | Ngôi nhà | Khi chúng ta đột nhiên cảm nhận vẻ đẹp của trái đất | [Không đề]
 
Bản dịch Hoàng Ngọc Biên
 
 
GRZEGORZ WRÓBLEWSKI
(1962~)
 
Grzegorz Wróblewski sinh năm 1962 ở Gdansk và sống ở Warsaw, Ba Lan, từ 1966 đến 1985. Hơn hai mươi năm qua [từ 1986] ông sống ở Copenhagen, Đan Mạch, và ngoài bảy tập thơ và một tập tuyển những bài văn xuôi ngắn xuất bản ở Ba Lan, ông còn có hai tập thơ, một tập thơ văn xuôi, một cuốn tiểu thuyết thể nghiệm [dịch] xuất bản ở Đan Mạch, và một tập thơ tuyển ấn hành ở Bosnia-Herzegovina [Nxb. Mostar, 2002]. Wróblewski còn là tác giả nhiều vở kịch, và thơ văn của ông chuyển ngữ qua tiếng Anh thường xuyên xuất hiện trên London Magazine, Poetry London, Magma Poetry, Parameter Magazine, Chicago Review, 3rd bed, Eclectica, Mississipi Review và trong nhiều tuyển tập như Altered State: The New Polish Poetry (Arc Publications, Todmorden, UK 2003), Carnivorous Boy Carnivorous Bird (Zephyr Press, Brookline, USA 2004). Wróblewski từng tham gia trong ban biên tập tạp chí bruLion xuất bản bốn kỳ một năm, và ở Đan Mạch ông thường xuyên tham gia những buổi trình diễn thơ và nhạc. Văn thơ ông đưọc dịch ra nhiều thứ tiếng, và ông cũng từng nhận giải thưởng thơ dành cho nhà thơ nước ngoài xuất sắc nhất sống ở Đan Mạch.
 
Những tác phẩm chính: Ciamkowatosc zycia [“Cuộc đời trệu trạo”, 1992], Planety [“Hành tinh”, 1994], Dolina królów [“Thung lũng Vua”, 1996], Symbioza [Cộng sinh, 1997], Prawo serii [2000]. Tác phẩm thơ mới nhất của ông bằng tiếng Anh là Rooms and Gar, với những minh họa của Teodor Bok, cũng là một họa sĩ gốc Ba Lan, do Thư viện Quốc gia và Viện Văn hóa Đan Mạch ấn hành tháng Hai năm 2005.
 
 
 

Hành khách

 
Có nên đánh thuế toà án? Những con ngựa hết hơi
đang kéo một cỗ xe đen qua các đường phố đầy tuyết ở Copenhagen
 
(Ta có nên bứt những hột nút óng ánh của các chú lính cần vụ?)
Ôi những con ngựa què quặt, thảm hại
 
Bao nhiêu là nhục nhã để đổi lấy một cái xô yến mạch
huy hoàng.
 
 
 

Một bà trong đám

 
Một bà trong đám cẩn thận nhìn theo mặt trời
mọc ở phương xa. Trước khi hoàng hôn xuống
bà đến gần một đứa bé ăn mặc ngày hội và
nhẹ nhàng chải mái tóc dài, tơi tả
của nó.
 
Sau đó bà xoá những dấu tích vẽ trên nền đất
trước đó. Bà kiểm lại xem mình có quên giấu đi
những bình nước chăng. Bà ôm đứa bé
vào lòng và hai người chầm chậm bỏ đi về phía
cánh cửa ra vào mở rộng.
 
Chỗ họ đứng giờ là những người đàn ông lầm lì trong rừng ra.
Họ đốt lửa và trao nhau hút thuốc. Nhìn lên
bầu trời đầy sao, họ lấy những thanh phỉ đẽo những cái
gậy chữ V. Chung quanh họ ngoan ngoãn đầy
những con chim đen.
 
 
 

Ngôi nhà

 
Mỗi sáng muộn trước mặt nhà
những người đàn ông khoác áo đen tụ tập.
Họ im lặng đứng trên các bậc thềm và hút những điếu thuốc dài.
 
Thế rồi họ bấm chuông.
Họ chờ vài phút và giải tán.
Ngày hôm sau họ lại xuất hiện.
 
Ăn mặc đen, họ im lặng đứng trên thềm nhà,
lê la, bấm chuông.
Mọi thứ lúc nào cũng xảy ra cùng nhịp độ.
 
Chẳng ai để họ vào nhà bao giờ.
 
 
 

Khi chúng ta đột nhiên cảm nhận vẻ đẹp của trái đất

 
Trước tiên tôi lớn hơn cha tôi. Rồi tôi vội vàng cho ông
vào một cái hòm và chính tôi thì bắt đầu nhỏ lại.
(Dải cầu vồng hôm nay dùng làm gì, những đoá cúc vô tội và anh chăn cừu mỉm cười rêu rao mình từng nhìn thấy một thiên thần bay lượn trên đồng cỏ?)
Chúng ta không tìm cách trồng một rừng sồi và chúng ta không bao giờ
đến bến sông Brilthor.[*]
Chúng ta có những kế hoạch lớn
chưa hề bao giờ thành công.
 
 
 

[Không đề]

 
Một phụ nữ trẻ đẹp ở trạm xe buýt. Một thân hình khéo luyện,
nét mặt có sức lôi cuốn. Khi tôi nhìn nàng, đột nhiên tôi
tưởng tượng nàng sẽ ra sao trong 30-40 năm tới. Óc tưởng tượng
không dứt, bệnh hoạn của tôi: ở đâu tôi cũng thấy (ngửi) đồ hư thối. Tôi nhớ
tới một tấm ảnh kiệt tác của Robert Frank: Đường 14, New York City,
1948. Trong ảnh có 5 phụ nữ bụ bẫm (thời bấy giờ là thời trang).
Vẻ thoả mãn, các cô hút thuốc. (Sô cô la nóng giá 10 xu,
trà 5 xu, và bánh mì thịt băm phó mát 25 xu.) Có cô nào nay
còn sống? Thế gian này cụ thể. Những tấm ảnh của Robert Frank
đã đạt được tiếng tăm xứng đáng. Robert Frank là một trong
những nghệ sĩ thị giác hàng đầu hôm nay.
Và không ở đâu ta thấy có một chữ về năm mỹ nhân.
 
_________________________

[*]Phụ lưu thứ tư trong số 6 phụ lưu chảy từ vùng núi Ered Luin ra dòng sông lớn Gelion. Tên phụ lưu này có nghĩa là “dòng nước lấp lánh”.

 
-------------------
“Hành khách” dịch từ bản tiếng Anh “Passenger” của Adam Zdrodowski & Joel Leonard Katz, trong Grzegorz Wróblewski, Our Flying Objects - Selected Poems (Equipage / Cartalia Poetry Series, 2007). Ba bài tiếp theo từng xuất hiện lần đầu trong tập thơ Pomiêszczenia i ogrody [Những căn phòng và những khu vườn, Warszawa, 2005]: “Một bà trong đám” dịch từ bản tiếng Anh “One of the Ladies” của Adam Zdrodowski trong Absinthe: New European Writing (USA, 7/2007) và “Ngôi nhà” dịch từ bản tiếng Anh “The House” của Adam Zdrodowski từ website của David McDuff – cả hai đều do tác giả cung cấp. “Khi chúng ta đột nhiên cảm nhận vẻ đẹp của trái đất” dịch từ bản tiếng Anh “When We Suddenly Feel the Beauty Of the Earth” của Adam Zdrodowski trong The Other Side. “[Không đề]” dịch từ bản tiếng Anh “[Untitled]” của tác giả và Malcolm Sinclair trong ECLECTICA Magazine, số tháng Mười/Mười một 2007.
 
 
Đã đăng:
Hắn liếc nhanh khi tôi bước vào khách sạn trống không. / “Có gì lạ?” hắn hỏi. / “Trăng là một kẻ lừa đảo,” tôi nói... | Ông chủ nhà giờ không còn là chủ nhà nữa. / Xưa ông sở hữu một ngôi nhà màu trắng có lò sưởi nhưng... | Gunnar chỉ còn lại / một cái muỗng bằng gỗ / và một thẻo đất nhỏ trồng rau... | Ta hiểu rõ bạn rồi, Larsen ạ: Bây giờ bạn, / cũng như ta, là một con heo mập... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
12 giờ mỗi ngày suốt 50 năm, không thấy cả mặt trời, / trong nhà máy thịt và các hầm mỏ, sửa quần cho người khác, / chỉ nhậu tới không biết trời trăng mỗi thứ Bảy... | Có những lúc là mấy mụ đàn bà đeo hột xoàn giả / bên tai, những lúc khác là mấy con vẹt lắm chuyện / hoặc là chính trị gia thất bại... | Lát nữa đây một cái gì xấu sẽ xảy ra, / một cái gì mà tôi buộc sẽ phải quên nhanh. / Hoặc là cái ngược lại... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Tôi đã có lần từng ở trong phòng này trước đây / Tôi chuyện trò vẫn với người phụ nữ ấy, ngắm xâu chuỗi bóng loáng / của nàng / và cùng uống chung một tách trà... | Nhà thơ trẻ L. viết: / Cảm xúc tuyệt diệu biết bao được ở bên em, / Cho dù em chưa bao giờ ở đây, / Cho dù em sẽ không bao giờ đến... | Chim chúng ta bây giờ đã bay vòng trên một người khác. / Em có lý, chúng ta trả thuế quá nhiều, / và bầu trời đã bất ngờ mất chiều sâu... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
Hắn ngước mắt lên nhìn những kẻ lén lút / ném những đồng xu vào cái lon han gỉ / của mình... | Anh từ đâu đến, hỡi người du khách già khoác trên mình / một cái bao vải đay và quần bó rách tả tơi?... | Trước tiên là bố mẹ và bạn bè cũ của bạn / đến nơi / Họ sẽ hân hoan đứng vòng quanh bạn... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
Bước vào rừng / Tôi gặp một người bạn đã chết / vài năm trước. Kiên nhẫn, anh đi theo tôi / và khi tôi dừng chân nghỉ... | Mẹ tôi xưa từng là người phụ nữ đẹp nhất thành phố / Mẹ thuộc tất cả những truyện thần tiên Andersen và mỗi Chủ nhật / mẹ đưa tôi đến chợ rau... | Những thác nước che khuất quanh đâu đây – anh lên cơn sốt / và mỗi đêm tôi mở rộng những cánh cửa sổ... | Anh có muốn trở lại làm một thằng bé con ném chiếc máy bay bằng giấy về hướng mặt trời... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
... Những nhà thơ, những nhà thơ thức dậy và gõ / Vào những cánh cửa sổ khi mùa đông đến. / Khi tôi buồn ngủ, / Họ bắt đầu khóc oà... | Tôi mở gói giấy. / Lấy miếng xăng uých ra và vội đút nó vào miệng mình. / Bánh mì và bơ và phó mát. / Không tệ, chẳng tệ chút nào, tôi nghĩ bụng... | kế hoạch A / treo cổ mình / kế hoạch B / treo cổ mình / kế hoạch C... [Bản dịch Hoàng Ngọc Biên]
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021