thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thèm muốn | Những tiếng nói | Kinh cầu | Nến | Cửa sổ | Tường | Trong khi chờ quân man di
Bản dịch Diễm Châu
 
 
CONSTANTIN P. CAVAFY
(1863–1933)
 
 

THÈM MUỐN

 
Đẹp như những người chết không hề già,
được khóc thương đặt nơi nhà mồ lộng lẫy,
với những bông hồng trên trán và bông lài ở dưới chân —
ấy những thèm muốn qua đi
mà không được thỏa mãn, không đạt tới
một đêm hoan lạc hay một buổi mai rạng rỡ
 
 

NHỮNG TIẾNG NÓI

 
Những tiếng nói cao cả dấu yêu
của những người đã chết, hay của những người
đã mất đối với chúng ta như thể họ đã chết.
 
Đôi khi chúng nói với chúng ta trong mơ;
đôi khi, trong suy tưởng, đầu óc nghe thấy chúng.
 
Và cùng với chúng vang vang, trong khoảnh khắc,
những tiếng vọng của thơ đầu tiên trong đời chúng ta —
như một điệu nhạc tắt dần, ở xa xa, trong đêm tối.
 
 

KINH CẦU

 
Sóng đã nuốt trửng một người thủy thủ về nơi sâu thẳm —
Bà mẹ anh không biết, thắp một cây nến lớn
 
trước bức ảnh Thánh mẫu
để anh được thuận buồm xuôi gió chóng trở về —
 
và bà không ngừng dỏng tai nghe gió ngoài khơi.
Nhưng trong lúc bà cầu kinh và cất lời van xin,
 
bức ảnh lắng nghe, nghiêm trang và buồn rầu,
biết rằng đứa con bà chờ đợi sẽ không còn trở lại.
 
 

NẾN

 
Những ngày tương lai đứng trước chúng ta
như một rặng những cây nến nhỏ thắp sáng —
những cây nến nhỏ vàng ánh, ấm áp và sinh động.
 
Những ngày đã qua ở lại phía sau
một rặng buồn những cây nến vừa mới tắt;
những cây gần hơn cả hãy còn bốc khói,
những cây nến lạnh lẽo, đã tan chảy, yếu lả.
 
Tôi không muốn thấy chúng; dáng vẻ của chúng làm tôi khổ sở
như tôi khổ sở khi nhớ lại làn ánh sáng ban đầu của chúng.
Tôi nhìn về phía trước, nhìn những ngọn nến thắp sáng của tôi.
 
Tôi không muốn quay đầu lại để hãi hùng nhận ra
cái rặng tối tăm đã dài thêm mau chóng biết bao,
những cây nến đã tắt đã tăng thêm mau chóng biết bao.
 
 

CỬA SỔ

 
Trong tăm tối của những căn buồng này nơi tôi sống
những ngày nặng nề, tôi bước dọc bước ngang
để tìm kiếm những khung cửa sổ. — Nếu như có thể mở ra
một cửa sổ, thì ấy hẳn là điều an ủi biết bao. —
Nhưng không có cửa sổ, hay ấy chính tại tôi
không sao tìm ra chúng. Và biết đâu như thế lại hay hơn.
Biết đâu ánh sáng lại gây ra một khổ hình khác.
Ai biết nó có khám phá ra được những điều gì mới
 
 

TƯỜNG

 
Không kiêng nể, không xót thương, không hổ thẹn,
Chúng đã dựng quanh ta những lũy thành cao.
 
Và lúc này ta ở đây tuyệt vọng,
Bị ám ảnh vì số mệnh dày vò.
 
Đó là vì ta có biết bao điều phải làm ở bên ngoài!
A! Những bức tường này! Làm sao ta chẳng hề để ý?
 
Không có bóng một người thợ nề, không có lấy một tiếng động.
Không sao nhận thấy, chúng đã cắt lìa ta ra khỏi thế giới.
 
 

TRONG KHI CHỜ QUÂN MAN DI

 
– Chúng ta chờ đợi gì mà tụ tập ở quảng trường đông đảo đến thế?
 
           Người ta bảo là quân Man di sẽ tới đây trong ngày.
 
– Tại sao lại có cái cảnh hôn mê ấy, ở Nguyên lão nghị viện?
Tại sao các nguyên lão nghị viên lại ở yên không làm luật?
 
           Là vì quân Man di sẽ tới đây trong ngày.
           Làm luật lúc này để làm gì?
           Khi nào quân Man di tới, chúng sẽ làm luật.
 
– Tại sao Đức hoàng đế của chúng ta lại dậy sớm đến thế?
Tại sao ngài lại ra trước cổng chính của đô thị,
Long trọng, ngự trên ngai, đội triều thiên?
 
           Là vì quân Man di sẽ tới đây trong ngày 
           Và hoàng đế của chúng ta đang chờ đón
           Tên chúa Man di. Ngài còn chuẩn bị sẵn một tấm giấy da
           Để trao cho hắn, phong cho hắn
           Nhiều danh hiệu và nhiều tước vị.
 
– Tại sao hai vị Tổng tài của chúng ta và các pháp quan của chúng ta
Hôm nay ra đường lại khoác áo choàng thêu đỏ thắm?
Tại sao lại đeo những chiếc vòng cẩn ngọc tím,
Những chiếc nhẫn lấp lánh những viên ngọc bích bóng láng?
Tại sao hôm nay lại mang những cây trượng quý
Chạm trổ tinh vi nạm vàng và bạc?
 
           Là vì quân Man di sẽ tới đây trong ngày
           Và những thức ấy làm hoa mắt quân Man di.
 
– Tại sao các nhà hùng biện tài khéo của chúng ta lại không tới
Đọc diễn văn và phát biểu ý kiến của họ như thường lệ?
 
           Là vì quân Man di sẽ tới đây trong ngày
           Và những trò cao đàm hùng biện, hô hào cổ động làm chúng chán ngấy.
 
– Tại sao lại có cái cảnh hỗn loạn này, nỗi lo âu
Đột ngột này? – Những gương mặt thật nghiêm nghị!
Tại sao các quảng trường và đường phố lại vắng người mau đến thế?
Tại sao ai nấy lại trở về nhà mặt mũi đăm chiêu?
 
           Là vì đêm đã xuống và quân Man di không tới
           Và có những kẻ từ biên thùy về
           Nói là không còn quân Man di nữa.
 
Nhưng thế thì, chúng ta sẽ ra sao nếu không có Man di?
Bọn họ, nghĩ cho cùng, cũng là một giải pháp.
 
 
-----------------------------
CONSTANTIN P. CAVAFY (1863-1933) sinh ngày 29 tháng Tư tại Alexandrie và mất tại đây cùng ngày. Vẫn được thế giới coi như nhà thơ lớn nhất của Hy-lạp ở thế kỷ XX. Một thi sĩ-sử gia. Ông tự nhận mình là «một thi sĩ của các thế hệ tương lai..., trong một thế giới sẽ suy nghĩ nhiều hơn hôm nay». Bản dịch dựa theo các bản Pháp văn của Dominique Grandmont; Marguerite Yourcenar và Constantin Dimaras; Socrate C. Zervos và Patrice Portier; Ange S. Vlachos; Gilles Ortlieb và Pierre Leyris; và các bản dịch khác trích từ cuốn Constantin Cavafy của Georges Cattaui (Nxb. Seghers, Paris, 1964).
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021