thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giã biệt một bóng tài hoa

 

Hoạ phẩm sưu tập cuối cùng của Đinh Cường,
tranh “Những viên đá cuội” của Nguyễn Trọng Khôi.
Sơn dầu trên vải bố gai 8”x10”.

 

Tất cả những hoàn cảnh ra đi vào cõi vĩnh hằng mà chúng ta ai cũng biết, phải thực tế mà chấp nhận nó như một điều tất nhiên, tuy vậy lại không một ai mong nó đến sớm, nhất là những người thân.

Những ngày gần đây liên tục những tin buồn đến với tôi. Những người bạn sống quanh tôi và thân thiết với tôi lần lượt ra đi. Sáng sớm ngày thứ sáu 8 tháng 1, tin từ Virginia do Trương Vũ và Phạm Cao Hoàng phát đi cho tôi biết hoạ sĩ Đinh Cường vừa qua đời đêm hôm qua, tôi nghe thấy mà lặng đi, hụt hẫng, giống như mất một cái gì quý giá lắm, tôi ngẩn ngơ và hoang mang. Luống cuống, tôi đi tìm một cái gì đó mà không rõ. Tự nhiên tôi muốn mọi người phải biết đến hung tin này mà chia sẻ, mà tiếc nuối, không hiểu tại sao tôi lại muốn như thế.

Hôm ấy là ngày trời tương đối ấm, tôi định rằng sẽ xuống phòng vẽ tiếp tục tấm tranh đang vẽ dở dang, nhưng không làm được gì, đầu óc trống rỗng. Trưa lại có cái hẹn làm răng. Trên đường lái xe tôi nhớ lại bài hát viết cho anh Đinh Cường từ năm 1990: ca khúc “Giấc Mộng Trên Đồi Thơm”. Khi ca khúc viết được lời 1, tôi đã hát cho anh nghe. Anh nói với tôi: “Moa thích hoa phù dung, có cách nào thêm vào bài hát không?” Và từ đó lời hai của ca khúc đã được viết thêm. Ca khúc này về sau tôi đã hát rất nhiều lần nhưng có lúc hát được trọn bài, có lúc chỉ hát được lưng chừng thì bị nghẹn lại. Sau khi làm răng tôi ghé qua nhà người bạn, uống một ly rượu mạnh và nói chuyện về anh Đinh Cường với người bạn.

Đinh Cường là một tài năng trong nhóm hoạ sĩ trẻ của những thập niên 60 - 70 tại Saigon. Tài năng đó đã lan rộng toàn quốc và sang cả hải ngoại, liên tục cho đến bây giờ. Một hoạ sĩ khơi mở những lối đi xán lạn khởi đầu từ những mộng mơ của núi đồi, những nhan sắc nhu mì bên những con chim nhỏ đậu lơ ngơ đâu đó ở một cành cây, bờ cỏ hay trên đỉnh những gác chuông giáo đường. Những không gian óng mượt, những nỗi cô đơn, buồn tênh ẩn hiện vào ánh sáng thành sự màu nhiệm. Màu xanh tươi mát, bóng tối tươi mát. Tất cả được chắt lọc mang lại thành quả đắt giá của màu sắc... trong vài sự lẻ loi cũng được gói ghém vào không gian ấm áp. Nói chung ngay cả những hoài niệm hay những nỗi buồn cũng được anh trình bày, thăng hoa thành một motif cá biệt như một điều cần thiết.

Tôi không cố ý phân tích về hội hoạ của hoạ sĩ Đinh Cường. Công việc này đã có rất nhiều người làm rồi và sẽ còn làm nữa sau này. Tôi là người cùng nghề, cùng sinh hoạt chung với anh trong vai trò một hoạ sĩ, và nhất là được anh xem như bạn đồng hành. Tôi chỉ muốn nói đến một thoáng nhận thức từ không gian tranh Đinh Cường cùng những cảm quan khi làm việc. Thời gian gần gũi anh, tôi học hỏi được rất nhiều từ anh. Tôi học hỏi ở anh về sự làm việc không mệt mỏi và cách tận dụng kỹ thuật vẽ. Khi gặp nhau chúng tôi không hề trao đổi về nghề nghiệp, thường lan man nói về những việc thường ngày của xã hội. Đinh Cường và tôi hay cho nhau xem những tác phẩm mới hoàn thành. Tôi thường âm thầm theo dõi những bước đột phá trong hội hoạ và kỹ thuật thể hiện. Những mảng màu trình bày, bồi đắp trên canvas ngon như miếng bánh. Riêng về chất liệu đã làm đẹp không gian, cộng thêm bút pháp điêu luyện của một người dày kinh nghiệm đã đủ đưa người thưởng lãm vào một không gian trữ tình và đầy bí ẩn, từ đó hình hoạ trở thành không cần thiết và việc phô diễn nội dung trở nên dư thừa. Cái quan trọng là hoạ sĩ phải biết mình đang trét cái gì trên canvas.

Đây là phát biểu của hoạ sĩ Đinh Cường: “Tôi đã dần dần tước bỏ hết ý niệm về sự vật, hay nói theo danh từ triết học kinh điển, loại bỏ mô thể, hình dáng của sự vật để chỉ còn giữ lại chất liệu, matière, thuần túy của sơn dầu.”

Không phải ai cũng hiểu được matière của sơn dầu.

Không gian tranh trừu tượng của Đinh Cường làm sáng tỏ sự tiềm ẩn từ vô thức. Anh vẽ như Franz Kline vẽ bằng kinh nghiệm, hay De Kooning vẽ bằng bút lực. Nó được hình thành và thể hiện giữa biên cương của trí tuệ và lãng mạn.

Nếu những ánh sáng loé lên từ khe kẹt trong tranh Nguyễn Trung làm không gian có hơi hướm tôn giáo, rõ nhất là Phật giáo, ôm theo nét văn hóa Ấn Độ, mang đậm ảnh hưởng Khmer, thì ánh sáng trong tranh Đinh Cường lại mang tính màu nhiệm của Thiên Chúa Giáo. Không phải vì trong tranh Đinh Cường có bóng dáng những tháp chuông nhà thờ mà là trải rộng ra toàn không gian, một không gian mang theo chất lãng mạn của Paris: xanh lam của Paris, xám của Paris, những khối mảng màu sắp chật gọn của Paris và ngay cả nỗi cô đơn đẹp đẽ cũng của Paris. Tôi thấy anh rất yêu thích văn học Pháp.

Ai cũng vẽ, mỗi người mỗi vẽ. Học vẽ cũng vẽ mà không học vẽ cũng vẽ. Nhưng quan trọng nhất là vẽ thế nào thì ít ai để ý. Có một số hoạ sĩ hay ép cây cọ của mình vào một công việc tuyên truyền cho một mục đích như diễn giải một vấn nạn trong cuộc sống, nỗi đau khổ hay những lý thuyết về con người... Họ gào lên những bất an, gào lên những nghiệt ngã làm đau khổ nghệ thuật... Nó đã kéo dẫn sai lệch cả vai trò người thưởng lãm nghệ thuật đi vào một cái nhìn mù mờ về nghệ thuật, đã tạo thành một thói quen. Vẽ thì luôn phải kinh nghiệm và khám phá, nhưng xem tranh không nên nhìn bằng cặp mắt thói quen. Các nhà phê bình vốn dĩ là gạch nối giữa tác phẩm và người thưởng lãm lại thường làm vấn đề trở nên phức tạp, gây cho giới thưởng lãm thêm hoang mang.

Kỹ thuật vốn là phương tiện để hoạ sĩ tận dụng nó mà thực hiện tác phẩm, những điểm nhấn — coup de pinceau — rất quan trọng, nó giống như một câu thơ làm tỉnh giấc một bài thơ, làm tỉnh giấc cảm quan của người đọc. Những bồi đắp màu sắc, những nét gạch mạnh mẽ, chắc ăn phát đi từ bàn tay giàu kinh nghiệm và điêu luyện khiến cho tâm hồn chúng ta thoả mãn với cái không gian bí ẩn từ vô thức vừa được khai quật bất ngờ. Đinh Cường luôn làm chủ được bàn tay, làm chủ được kỹ thuật và chất liệu.

Tôi biết anh Đinh Cường từ năm 1967 khi tôi đang chơi với hoạ sĩ Nguyễn Trung. Nhưng phải đến 1978 tôi mới quen biết anh, và anh lại là người thân nhất và bền bỉ nhất trong group hoạ sĩ trẻ. Tôi thân với anh Đinh Cường không phải do tài năng mà là do những đồng cảm trong nghề, và trong cuộc chơi giữa đời. Anh luôn trân trọng tôi và xem tôi như người cùng trang lứa mặc dầu tôi sau anh nhiều lớp và nhỏ hơn anh cả chục tuổi. Những ngày còn ở Việt Nam, đôi ba ngày chúng tôi lại gặp nhau, không biểu lộ nhưng âm thầm chia sẻ cho nhau những an ủi.

Bao nhiêu năm quen biết, bao nhiêu lần gặp gỡ, mỗi lần mỗi kỷ niệm. Nhưng có một lần tôi gặp một chuyện thật đau lòng. Sự đau khổ đã tới cùng cực, tôi trở về nhà đóng cửa ngồi âm thầm trong bóng tối và nước mắt trào giàn giụa. Đột nhiên tôi nghe có tiếng gõ cửa, khi mở cửa tôi thấy anh. Anh không nói gì và chỉ ngồi bên tôi. Tôi như tìm được một chỗ dựa. Buổi tối ấy, năm ấy tôi không bao giờ quên. Anh cũng là người luôn khích lệ tôi làm việc, mỗi khi thấy tôi lơ là việc sáng tác, anh gửi cho tôi lá thư đôi khi chỉ vài chữ nhưng tôi giữ mãi cho đến bây giờ: “Khôi ơi ông vẽ rất đẹp. Đừng bỏ vẽ nghe”. Thế thôi, chỉ thế thôi mà thân nhau, tôi xem anh Đinh Cường như anh ruột mình.

Tôi nhìn thấy anh trân trọng tình bạn đồng lứa với anh, ứng xử trong giao tiếp với mọi người dầu với bất cứ ai, đều nhẹ nhàng và ân cần. Tôi chưa thấy anh lớn tiếng bao giờ, và trong mọi cuộc gặp gỡ anh cũng không tranh cãi và ngồi rất bền bỉ với bạn bè. Cá tính này không mấy ai có được.

Trong gần 40 năm quen biết anh, tôi có may mắn được triển lãm chung với anh. Với anh, triển lãm chung là một hội tụ vui vẻ.

Những năm trở lại đây, khi biết sức khoẻ anh bị sa sút, tôi chỉ âm thầm hỏi anh lòng vòng để suy đoán, không đi quá sâu vào chi tiết, và âm thầm mong anh khoẻ mạnh hơn. Có dịp là tôi ghé thăm anh ngay. Anh thường nói với tôi là anh thích những viên sỏi của tôi vẽ. Anh cũng đã viết một bài cho tôi về đề tài này. Rồi một ngày anh muốn có một tranh nhỏ vẽ những viên sỏi, anh nói với tôi là để treo ở đầu giường. Tôi đã thực hiện cho anh điều đó. Khi nhận được tranh, anh rất vui. Thấy anh vui, tôi cũng vui thật nhiều.

Lần cuối gặp anh vào khoảng 20 - 22 tháng 11 vừa qua. Chưa lúc nào như lần này, tôi thấy như có điều gì anh đang chuẩn bị, dầu anh không nói hay biểu lộ gì. Tôi thấy anh vội vã và níu kéo hơn cho những gặp gỡ, cơ thể không cho phép anh năng động hơn nhưng anh rất vui. Đúng như vậy, anh rất vui.

Anh Đinh Cường ơi! Anh ra đi nhưng thật ra anh sẽ còn để lại trong chúng tôi những ấn tượng đẹp không dễ phai nhoà, anh vẫn còn ở lại qua những tác phẩm tràn lan giữa cuộc đời, giữa chúng tôi. Anh không nói nhưng tiếng anh vang dội mãi mãi. Mấy ngày qua có biết bao người từ khắp mọi nơi dõi bước theo anh. Có bao nhiêu tổ chức hiện đang huy động để cùng nhau nhắc nhớ đến anh, nào Sàigon, nào Huế cùng nhau tiễn anh về nơi chốn thanh nhàn mà trong lòng ai cũng muốn lưu giữ lại hình bóng anh.

Vĩnh biệt anh và chúc anh mọi sự bình an.

 

 

-------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021