thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
ĐĨ THÚI & PHẦN CÒN LẠI Ở ĐỜI SAU [16-20]

 

Đã đăng: [1-5] / [6-10] / [11-15]

16.

 

Cù nhầy là hành động cù cưa và trạng thái của nó là nhầy nhụa, hiện thực của nó là vũng lầy. Hồ Tôn Hiến, Thúc Sinh, Sở Khanh, Kim Trọng và cả Từ Hải đều rơi trong vũng lầy. Không thể khác. Càng cố thủ, vũng lầy càng nhầy nhụa.

Không thể khác.

Hồ Tôn Hiến bảo Thúc Sinh: “Ông chuẩn bị cho tôi một nghị quyết về việc vượt qua vũng lầy, củng cố quyền lãnh đạo của chúng ta.”

Thúc Sinh hỏi: “Cái này theo mẫu của Trung Quốc hay Bắc Hàn?”

Hồ Tôn Hiến nói: “Xét tình hình thực tế hiện nay thì ta nên làm theo mẫu Bắc Hàn.”

Thúc Sinh biết không có cách nào vượt được qua vũng lầy bởi bản chất sự tồn tại của họ là vũng lầy, nhưng ông ta vẫn gặp Sở Khanh, bảo: “Cậu văn hay chữ đẹp, soạn cho lãnh tụ cái nghị quyết vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”

Sở Khanh biết mọi vấn đề chỉ là xảo ngôn, nhưng anh ta không thể tự xảo ngôn với mình, nên gặp Kim Trọng bảo: “Ông là người được đào tạo bài bản, ông soạn cho lãnh tụ cái nghị quyết vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”

Kim Trọng biết vũng lầy chính là nơi trú ẩn của mình, vì thế ông ta không muốn thay đổi qua lỗ cống, nên gặp Từ Hải bảo: “Anh là người anh hùng, chỉ có anh mới có thể giúp lãnh tụ vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”

Từ Hải biết mình chỉ là kẻ hữu dũng vô mưu, nên gặp Đạm Tiên bảo: “Em là người cõi trên, chỉ có em mới có thể giúp lãnh tụ vượt qua vũng lầy, củng cố vai trò lãnh đạo của chúng ta.”

Đạm Tiên nói: “Chuyện nhỏ.”

Ngày lành tháng tốt, giờ đại phúc, tại am con nhện giữa lưng chừng Bảy Núi, Hồ Tôn Hiến, Thúc Sinh, Sở Khanh, Kim Trọng và Từ Hải đều có mặt. Họ dâng cúng Đạm Tiên một bức tượng Linga lớn nhất Đông Nam Á.

Theo truyền thống, tượng Linga được đặt trên cái đế là Yoni. Nhưng tượng Linga dâng cúng cho Đạm Tiên không có đế, vì thế nó trở thành cái đế cho Yoni Đạm Tiên vì sự to lớn của nó. Nàng vẫn ngồi trên tượng Linga này trong tất cả mọi lúc rảnh rỗi. Đạm Tiên bảo: “Nó đâm thấu suốt em”. Thế giới không vì thế đảo lộn, mà trật tự được vãn hồi theo một truyền thống khác. Sống, lao động và chiến đấu theo gương Đạm Tiên. Nhưng Đạm Tiên vốn là một nhân vật thất truyền, nên dân gian và Thanh Tâm Tài Nhân đã mượn Thúy Kiều làm người ủy thác cho niềm tin của mình về lẽ đạo và đời. Thúy Kiều trở thành đệ ngũ thần sau “Tứ bất tử”: Tản Viên Sơn thần, Phù Đổng Thiên vương, Chử Đồng Tử, và Liễu Hạnh Công chúa.

Thành thần, Thúy Kiều an ủi và biện hộ cho mọi nỗi niềm của trần gian.

Nguyễn cầm cuốn “Truyện Thúy Kiều” bản do Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim hiệu khảo (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1999), lòng thành khẩn khấn vái:

“Lạy vua Từ Hải
Lạy vãi Giác Duyên
Lạy tiên Thúy Kiều
Tôi là kẻ khốn khổ khốn nạn
Xin một quẻ bói về tình duyên gia đạo”

Xong, chàng lật mở cuốn sách, được quẻ:

“Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan
Nỗi riêng, riêng những bàn hoàn
Dầu chong trắng đĩa, lệ tràn thấm khăn”

“Ai” là ai? Nguyễn gặp Mã Kiều Nhi hỏi: “Anh có nợ tình em không?”

Mã Kiều Nhi hỏi lại: “Hỏi chi vậy?”

Nguyễn đáp: “Để anh trả cho xong.”

Mã Kiều Nhi lại hỏi: “Xong thì sao? Không xong thì sao?”

Nguyễn nói: “Xong thì anh lên đường. Không xong, anh cũng lên đường.”

Mã Kiều Nhi bảo: “Vậy thì anh cứ lên đường cho nhanh.”

Tại am con nhện của Đạm Tiên, Hồ Tôn Hiến cũng nhận được quẻ bói đó. Đạm Tiên bảo: “Theo ý nghĩa của những câu thơ này, ngài vẫn còn nợ nhân dân nhiều lắm. Vì thế, ngài chưa thể ra đi. Không ra đi thì phải làm gì? Đây chính là vấn đề của ngài. Để không phải khóc lóc trong ngày mai, ngay hôm nay ngài phải cho thi hành một kết ước giữa nhân dân và ngài.”

Tri ân lời khuyên này, Hồ Tôn Hiến ký quyết định giao cho Đạm Tiên 5 ngàn mẫu đất với lý do thực hiện dự án đặc khu tâm linh dân tộc.

Một tháng sau, mỗi hộ gia đình nhận được một văn bản như sau:

Gia đình nào không ký hoặc không nộp lại bản kết ước cho tổ dân phố sẽ bị phê bình trong buổi họp tổ và bị quy kết chống đối lãnh đạo. Theo luật hình sự, chống đối lãnh đạo đồng nghĩa với phá rối an ninh có thể bị phạt tù từ 5 năm đến 15 năm.

Thúc Sinh nhận được hợp đồng in ấn bản kết ước này và ông ta bỏ túi gần 20 tỉ. Tuy nhiên, con số ấy chỉ là tiền vặt so với dự án đặc khu tâm linh dân tộc của Đạm Tiên. Nàng nhẩm tính ít nhất cũng hốt ở giai đoạn đầu, phần chia lô bán nền khoảng 40 ngàn tỉ. Chưa kể lợi nhuận sau này trong việc kinh doanh thần thánh.

Đạm Tiên khẳng định, kinh doanh thần thánh không bao giờ lỗ. Kế họach đầu tư của dự án khu du lịch tâm linh dân tộc gồm hai phần. Về cơ sở vật chất, nàng dành cho nó 1000 mẫu và sẽ xây một ngôi chùa to nhất thế giới. Bên cạnh đó là một trung tâm cung cấp thày cúng toàn cầu do ngành an ninh đào tạo.

Đạm Tiên bảo “Lạc Việt Đại Tự” của nàng sẽ thờ Phật Phụ Phật Mẫu Phổ Hiền Như Lai Vương, quốc tổ Hùng Vương và tiên Thúy Kiều.

Dự kiến mỗi năm, Lạc Việt Đại Tự sẽ thu hút một triệu khách du lịch. Vào cửa miễn phí, nhưng nhà chùa sẽ đặt thùng công đức từ cổng đến chính điện, hậu điện, toa-lét... phát ấn, phát xăm, cho lộc... tổng cộng dự thu mỗi năm 100 tỉ. Phần lẻ tẻ như bán nhang, bán hoa, nến... dành cho dân nghèo quanh vùng làm phúc.

Để xứng tầm văn hiến, trên mọi lối đi, mọi vách tường, mọi gốc cây trong Lạc Việt Đại Tự đều có lời thánh hiền bên cạnh lời hay ý đẹp do chính Đạm Tiên ứng tác.

Riêng thày trụ trì, Đạm Tiên ngỏ ý mời Nguyễn với điều kiện chàng phải qua một khóa đào tạo của an ninh.

Đạm Tiên bảo: “Anh sẽ thu hoạch nhiều đấy, không kể phần cứng cho anh là 5% doanh thu.”

Nguyễn nói: “Dù thế nào, anh cũng không dám rỡn mặt thần thánh. Em nên mời Giác Duyên thì phải đạo hơn.”

Đạm Tiên bảo: “Giác Duyên, bên an ninh và Ban Tôn giáo chính phủ sẽ không duyệt. Bà này chân tu quá.”

Nguyễn nói: “Em đừng quên người trụ trì cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thu hút khách tham quan.”

Đạm Tiên bảo: “Em biết thế nên mới mời anh. Còn không, bên an ninh thiếu gì người.”

Nguyễn nói: “Cám ơn em. Để anh yên phận nghèo cho nó ra vẻ “nghệ sĩ triết gia giang hồ” tí. Quan chức và đại gia không phải tạng anh.”

Đạm Tiên bảo: “Rởm. Nguyễn Du không từng là quan chức ư?”

Nguyễn nói: “Biết vậy. Có thể một ngày nào đó anh sẽ tu thật. Nhưng bây giờ không tu giả. Vả lại cũng không thể làm việc với an ninh được.”

Mã Kiều Nhi nói với Nguyễn: “Thấy thiên hạ làm giàu sốt cả ruột.”

Nguyễn bảo: “Em cứ bán trôn nuôi miệng cho lòng thanh thản. Bận tâm làm gì bọn ăn cướp, bọn lừa đảo.”

Mã Kiều Nhi nói: “Em cũng muốn hưởng thụ mọi niềm vui của cuộc đời nữa chứ. Sướng cái lồn không thôi thì chưa đủ.”

Nguyễn nói: “Anh không phản đối việc hưởng thụ. Nhưng để cho việc hưởng thụ được trọn vẹn thì không nên dẫm đạp người khác.”

Mã Kiều Nhi cười nhạt: “Xin lỗi anh, chỉ có bọn bất tài mới nói chuyện đạo đức.”

Nguyễn bảo: “Thật ra, anh không quan tâm đến vấn đề đạo đức. Anh chỉ nghĩ đến cái dũng khí thôi.”

Mã Kiều Nhi nói: “Em hiểu. Bất lương và hèn hạ là một.”

Nguyễn bảo: “Em có thể làm tăng giá trị tự thân của mình bằng một vài động tác PR đơn giản.”

Mã Kiều Nhi: “Nâng giá đi khách?”

Nguyễn bảo: “Đúng. Em là một thứ hàng hiệu cao cấp. Đôi khi cũng có thể bán giá bình dân để ban phát hạnh phúc cho nhân lọai vào các dịp như lễ tết chẳng hạn.”

Mã Kiều Nhi nói: “Em là Kama Sutra cũng là Karma Yoga. Cung hiến không phân biệt.”

Nguyễn nói: “Đấy là phẩm chất tuyệt luân của em. Việc nâng giá không làm cho em mất tinh thần phụng vụ.”

Mã Kiều Nhi nói: “Ok. Em hiểu. Em vẫn luôn chiều chuộng công bằng với tất cả những ai ham muốn em.”

Nguyễn nói: “Và em vẫn có thể nhận được rất nhiều tiền một cách công minh chính trực nhất.”

Mã Kiều Nhi: “Được. Anh bày cách cho em đi.”

Nguyễn nói: “Em không cần phải làm gì, ngoài việc chấp nhận để anh công bố em là nhân vật văn học của anh.”

Mã Kiều Nhi: “Hơi bị sang đấy nhỉ.”

Nguyễn nói: “Không phải em mà chính bọn chơi em nó tìm được cái gọi là nhân văn để tự sướng.”

Mã Kiều Nhi hỏi: “Em văng tục thì có nhân văn không?”

Nguyễn bảo: “Rất nhân văn. Thậm chí có mùi nhân nghĩa.”

Mã Kiều Nhi: “Haha... Sao lại nhân nghĩa ở đây?”

Nguyễn bảo: “Vì điều ấy cứu vãn cho phẩm cách của bọn chúng.”

Mã Kiều Nhi cười: “Anh đểu. Em yêu anh.”

 

 

17.

 

Mã Kiều Nhi trong tác phẩm của Nguyễn là một phụ nữ truyền thống phải bán mình chuộc cha theo sự dàn dựng của một kẻ cường quyền. Cũng chính kẻ cường quyền đã định đoạt số phận Mã Kiều Nhi với một tiền kiếp mù mờ Đạm Tiên và một hậu kiếp bi thương Thúy Kiều. Cái đã là, đang là và sẽ là của Mã Kiều Nhi chính danh chỉ là đĩ, phong kiến, tư bản hay vô sản cũng là đĩ, nàng đi trên mặt đất không quê hương, không bản quán, kẻ cường quyền chăn dắt nàng và cũng là khách của nàng, gặp phong kiến, tư bản nàng có chút tiền để khoe mẽ, gặp vô sản nàng bị chơi quỵt.

Nguyễn không tránh được cái khuynh hướng thời thượng giáo điều là phải vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa hiện đại, vì thế, Mã Kiều Nhi sau khi kiếm đủ tiền, nàng cũng thích đi phượt, mê chụp hình và thời trang. Một cô gái sành điệu.

Trường ca Mã Kiều Nhi của Nguyễn được người đọc đón nhận nồng nhiệt bởi đáp ứng được cái thị hiếu trưởng giả và lòng thương xót của đám đông.

Nguyễn không có khả năng vận động cho một giải thưởng văn chương quốc gia, nhưng cuối cùng chàng cũng toại nguyện. Mã Kiều Nhi với danh nghĩa nhân vật chính đã tiếp thị với hội đồng giám khảo và cô dùng nghệ thuật kamasutra của mình thay cho nghệ thuật văn chương của Nguyễn. Chất liệu văn chương Mã Kiều Nhi hẳn nhiên bất hủ, vì thế, tác phẩm của Nguyễn đã được Hội Văn nghệ sĩ Việt Nam tổ chức hội thảo và chàng được tuyên dương như một tài năng của thế kỷ. Thật ra, để có thể tổ chức được các vụ hội thảo này, Đạm Tiên đã phải bỏ ra 1 tỉ VND. Mỗi bài tham luận nhuận bút 50 triệu. Các diễn giả đều được bao trọn gói đi lại và ăn ở. Phần vui chơi giải trí là đóng góp của toàn thể các em gái trong truyện.

Đúng như Nguyễn tính toán, bảng giá đi khách của Mã Kiều Nhi và các nhân vật nữ khác tăng đột biến và trở thành vô giới hạn. Họ cũng đáp trả Nguyễn bằng cách cho chàng miễn phí vào cửa mỗi khi chàng có nhu cầu.

Cuộc đời thật đẹp. Chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam được xếp trong top 10 trên thế giới. Nguyễn chỉ có thể lý giải điều này như một cách bôi trơn trong ứng xử bằng sự thỏa hiệp, tương nhượng lẫn nhau để cùng thắng. Một kinh nghiệm của chàng với những em đĩ già hết nhớt, hoặc để lắp lỗ đít một thằng đực.

Thường ra, phú quí sinh lễ nghĩa, nhưng với người Việt yêu thơ và làm thơ là một tâm lý tiểu nông để vượt qua cái số phận của kẻ nghèo hèn và bị áp bức. Thơ để ru ngủ hay thăng hoa cũng chỉ là một cách nói. Khi tự hào Việt Nam là một cường quốc thơ cũng chỉ có nghĩa là một dân tộc không ra gì. Mặc dù thơ vẫn được coi là tinh túy của văn chương và tâm hồn con người. Không có thơ, người Việt Nam không còn gì ngoài sự khốn khổ. Một cách thủ dâm, thơ an ủi và cứu rỗi.

Mã Kiều Nhi và Vương Thúy Kiều giải phóng tâm hồn Việt. Nhưng đặt người Việt trên bờ vực thẳm của đạo lý nhân sinh. Và người Việt mãi mãi lưỡng lự trước ngưỡng cửa tự do và tù ngục.

Từ Hải gặp Nguyễn hỏi: “Ông có tin người Việt Nam hạnh phúc vào hàng nhất thế giới không?”

Nguyễn nói: “Mấy cái nghiên cứu vớ vẩn ông bận tâm làm gì?”

Từ Hải: “Tôi biết đấy là bố láo. Nhưng tôi hỏi ông để một lần nữa muốn nói với ông, tôi cần ông.”

Nguyễn bảo: “Tôi đã trả lời ông rồi, tôi không phải Cao Bá Quát.”

Từ Hải nói: “Tôi cũng không phải giặc Cờ Đen.”

Nguyễn hỏi: “Ông muốn gì ở tôi?”

Từ Hải: “Như ông biết, tình hình hiện nay không cho phép hình thành bất cứ một tổ chức nào ngoài khuôn khổ chính quyền. Nhưng điều đó không ngăn trở chúng ta thành một lực lượng. Làm thế nào tập hợp được ý chí chung của người dân thành một lực lượng?”

Nguyễn bảo: “Có lẽ ông nên hỏi các công dân mạng.”

Từ Hải như người đốn ngộ. Hắn ta gật gù. Mỗi công dân là một nhà báo. Mỗi blogger là một chiến sĩ. Mỗi facebooker là một khẩu pháo.

Nguyễn nói: “Sự thật là vũ khí mạnh mẽ nhất.”

Từ Hải suy nghĩ nhưng không nói ra, trong cái lực lượng vô danh nhưng vô song đó, làm thế nào để trở thành lãnh tụ?

Dường như Nguyễn hiểu Từ Hải, chàng bảo: “Bây giờ không phải là thời của các lãnh tụ.”

Thúc Sinh nói với Từ Hải: “Cậu cần phải thành lập một mạng lưới ủng hộ viên để làm chủ dư luận. Chi phí cho kế họach này thuộc ngân sách bảo vệ quyền lãnh đạo của Hồ Tôn Hiến.”

Từ Hải thấy mình không thể thoát ra khỏi cái lưới của Hồ Tôn Hiến. Vì thế, một cách chính thức, Từ Hải tạo cơ chế cho mạng lưới ủng hộ viên họat động, đồng thời những cơ sở ngoại biên cũng được Từ Hải xúc tiến song hành và nó chỉ phục vụ cho lợi ích riêng của Từ Hải.

Tuy nhiên, có một thực tế không thể phủ nhận, tương quan lực lượng trên không gian mạng, ưu thế bao giờ cũng thuộc về những kẻ không có gì để mất và họ muốn thay đổi. Hồ Tôn Hiến biết điều ấy và ông ta không ngại sử dụng bất cứ thủ đọan nào để trấn áp cái bóng ma càng ngày càng lớn đe dọa sự tồn vong của ông ta. Từ bạo lực đến đê tiện.

Đám đông đáp trả bằng sự giễu cợt và khinh bỉ.

Năm 2012. Sở Khanh gặp Nguyễn bảo: “Ông làm đơn xin vô Hội Văn nghệ sĩ đi.”

Nguyễn nói: “Tôi không có khả năng chung chi.”

Sở Khanh bảo: “Cũng rẻ thôi mà.”

Nguyễn hỏi: “Bao nhiêu?”

Sở Khanh: “300 triệu.”

Nguyễn bảo: “Trả góp nhé?”

Sở Khanh nói: “Ông chỉ đùa.”

 

 

18.

 

“Súng Shotgun hay còn gọi súng bắn đạn hoa cải, súng bắn đạn ghém... tùy vào loại đạn mà nó bắn ra, là loại súng được thiết kế thường dùng để bắn khi tựa vào vai, bắn ra loại đạn là một tập hợp các viên đạn nhỏ như hạt tiêu (chỉ sát thương cao khi dùng ở khoảng cách gần) hay loại đạn đặc và lớn (dùng với khoảng cách xa) đôi khi bên trong có thể là thuốc nổ hay những thứ khác như các chất hóa học... (khi đó nó sẽ gọi là đạn đặc biệt). Shotgun có rất nhiều các biến thể khác nhau từ cỡ nòng 5,5 mm (.22 inch) đến 5 cm (2 inch) nòng trơn cùng các chế độ bắn và nạp đạn khác nhau như nạp đạn từ phía sau (loại 1, 2 hay nhiều nòng bắn từng viên), lên đạn bằng cách kéo ống bơm hay thoi nạp đạn, có các chế độ bắn như từng viên, bán tự động thậm chí hoàn toàn tự động…
 
Các mảnh của đạn shotgun sẽ tỏa ra các hướng sau khi ra khỏi nòng súng và sức bắn được chia đều cho từng mảnh đạn điều đó có nghĩa là sức công sát thương của từng mảnh đạn sẽ rất thấp nếu bắn ở khoảng cách xa vì các mảnh đạn sẽ tỏa đi các hướng (thậm chí nếu trúng mục tiêu chúng cũng chẳng xuyên thủng được do trở nên quá yếu) nên ở khoảng cách xa loại đạn này gần như vô dụng…” (Theo Wikipedia)

Súng hoa cải đã được sử dụng để bắn vào lực lượng cưỡng chế đất đai của dân đen. Một hành động chống đối bột phát thể hiện sự phẫn uất cùng cực đối với bạo quyền.

Hồ Tôn Hiến vội vã triệu tập bộ hạ đến, gay gắt hỏi: “Tại sao lại có kẻ dám chống đối chúng ta? Các đồng chí quản lý nhân dân thế ư?”

Kim Trọng vội thưa: “Chúng tôi đã cho bắt cả tất cả họ hàng anh em bọn chúng và sẽ cho xử thật nặng để làm gương.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Ổn định trật tự xã hội cũng là ổn định an ninh chính trị. Tôi không muốn thấy bọn dân đen ngóc đầu dậy.”

Thúc Sinh từ tốn nói: “Thưa anh, chúng ta cần phải nghiêm túc coi đây là một cảnh báo.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Vì thế, chúng ta lại càng phải quyết liệt. Toàn bộ hệ thống phải sẵn sàng ứng chiến.”

Thúc Sinh thưa: “Nhưng chúng ta không thể coi dân là đối thủ.”

Kim Trọng nói: “Tôi cho rằng đồng chí Thúc Sinh nhầm lẫn về đối sách. Trong hệ thống của chúng ta chỉ có ta và địch.”

Hồ Tôn Hiến nói: “Đúng. Giai cấp thống trị và giai cấp bị trị không bao giờ có chung một chiến hào. Sự trắc ẩn hay thương xót là tự sát.”

Thúc Sinh nói: “Tôi không lấn cấn gì về những điều các đồng chí nói. Ý tôi cũng chỉ là vấn đề đối sách.”

Hồ Tôn Hiến: “Để trấn an dân chúng, hãy cho kiểm điểm lực lượng cưỡng chế. Nhưng các đồng chí không được quên, không bảo vệ nhau lúc này, thì khi hữu sự, ai bảo vệ chúng ta? Bọn chống chính quyền, cần phải nghiêm trị. Tôi nhắc lại, tôi không muốn thấy đám dân đen ngóc đầu dậy”.

Ở các quán cà phê, tin về một anh nông dân dùng bình gas nấu cơm làm mìn và bắn súng đạn hoa cải vào lực lượng cưỡng chế gồm hàng trăm công an và quân đội võ trang đầy đủ đã làm nổ tung nhiều buổi sáng trời xanh mây trắng. Tuy nhiên, phát biểu về sự kiện bất ngờ này của một sĩ quan chỉ huy công an cũng bất ngờ không kém.

Ông ta nói:

“Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này.

Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào.

Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả”.

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/10-phat-ngon-sieu-an-tuong-cua-quan-chuc-viet-nam-607509.tpo

Nhân dân bình rằng, hàng trăm thằng lính và công an bao vây và tấn công vài thằng nông dân không những đã không bắt được nó mà còn bị nó bắn suýt toi mấy mạng thì hay ho kiểu gì.

Chính vì thế, Hồ Tôn Hiến đã yêu cầu lực lượng an ninh, quân đội cần tiếp tục làm thí điểm hợp đồng tác chiến trấn áp các cuộc nổi dậy trong tương lai của nhân dân.

Cuộc diễn tập thứ hai.

Hàng ngàn công an tiến vào ngôi làng. Súng nổ đì đùng, lựu đạn cay mù mịt. Đánh đập và bắt bớ. Người dân kêu khóc. Những người chứng kiến cũng chỉ biết khóc. Cuộc diễn tập qui mô này được tạo cớ bởi những nông dân chống lại lệnh cưỡng chế bất công của chính quyền đối với đất đai của họ nhằm phục vụ quyền lợi bọn tư bản đỏ.

Hồ Tôn Hiến nói: “Các đồng chí phải chứng tỏ cho bọn dân đen biết thế nào là quả đấm thép.”

Quả đấm thép đã làm nhiều người gãy răng, nhiều người bể xương mặt, thân thể bầm tím, thậm chí nhiều người đã tử vong.

Pháp y là người lĩnh lương của chính quyền vì thế pháp y tuyên bố trước công luận: “Chính quyền không đàn áp, đánh dân. Bọn chúng tự xử.”

Để hợp pháp hóa các vụ trấn áp và giết người, Hồ Tôn Hiến ra lệnh: “Hãy sửa luật để công an được quyền bắn bỏ mọi đối tượng nếu thấy cần.”

Cuộc diễn tập thứ ba.

Những người bất đồng chính kiến lần lượt bị bắt.

Hồ Tôn Hiến nói: “Chúng ta cần phải cho thế giới biết, chủ quyền của chúng ta là tuyệt đối. Không một tổ chức, một chính phủ nào có thể can thiệp vào công việc nội bộ của chúng ta. Không một lực lượng đối lập nào được phép thành hình. Không một kẻ chống đối nào được dung tha.”

 

 

19.

 

Từ Hải nói với Nguyễn: “Đã qua cái thời đấu súng. Cho dù đối mặt với kẻ điếc, chúng ta vẫn cần đối thoại.”

Nguyễn nói: “Vâng, chúng ta cần sống như những người văn minh.”

Từ Hải nói: “Cái khó nhất tôi nghĩ trong đấu tranh là làm sao để mọi người cùng tiến bước. Nếu khoảng cách giữa người đi trước và người đi sau xa nhau quá, thì người đi trước rất dễ bị bắn tỉa, rất dễ bị hy sinh.”

Nguyễn bảo: “Vì thế, cần kiên nhẫn mà không làm nguội đi ngọn lửa.”

Từ Hải nói: “Đấy chính là một trong những lý do tôi cần những người như anh.”

Nguyễn bảo: “Tôi không làm thuê cho ai.”

Từ Hải: “Xin lỗi. Tôi không có ý định nói thế. Tôi chỉ muốn nói là phong trào cần.”

Nguyễn bảo: “Tôi biết tôi phải làm gì.”

Từ Hải: “Đấy cũng là một cái khó. Khi những người như chúng ta không cùng đi chung với nhau, ít nhất một đoạn đường, thì cũng rất khó để có cơ hội tạo nên một sức mạnh.”

Nguyễn bảo: “Tôi biết cá nhân không là gì trong một cuộc vận động lớn lao như thay đổi một chế độ. Nhưng tôi không thể không là gì khi tôi muốn dấn thân cho một điều có ý nghĩa.”

Từ Hải: “Anh muốn có một vai trò rõ ràng?”

Nguyễn nói: “Có lẽ anh hiểu nhầm ý tôi. Tôi không bao giờ có ý định làm quan. Cho dù đó là quan cách mạng. Tôi chỉ muốn nói đến cái vị thế con người.”

Từ Hải: “Chẳng cần rắc rối thế. Vị thế con người ở ngay trong chính anh. Nếu không có những con ốc, thì không bao giờ có bộ máy.”

Nguyễn nói: “Tôi là con người tự do.”

Từ Hải nói: “Vứt mẹ cái tự do của anh đi.”

Từ Hải đi tìm một Từ Hải khác . Những Từ Hải khác này tiếp tục đi tìm nhau. Nhưng bởi vì họ là Từ Hải, họ không chấp nhận “trên đầu có ai”. Vì thế, họ vẫn chỉ là một đám đông tuy cùng một xu thế nhưng không thể có chung một hành động, thậm chí nhiều khi còn chống phá lẫn nhau. Điều trớ trêu nhất, chính những kẻ té nước theo mưa lại làm nên một phong trào phản kháng quyết liệt. Nó xô đổ mọi thành lũy văn hóa và chính trị giáo điều kiên cố nhất bằng sự dung tục của ngôn ngữ.

Nguyễn linh cảm một sự đổi thay to lớn bắt đầu từ sự nổi loạn của ngôn ngữ đang trở nên phổ quát trong xã hội. Nguyễn cũng không mường tượng được sự đổi thay đó là suy đồi hay giải phóng, nhưng chàng tin vào cái thiên bẩm hướng đến sự toàn thiện của con người, cho dù đã có những dân tộc phải diệt vong vì sự sai lầm của mình.

Nói càng tục càng sướng. Mã Kiều Nhi, Thúy Kiều và Đạm Tiên đều bảo vậy, bởi vì nói càng tục thì càng có tính cách mạng và gần với tính bản nhiên hơn. Sở Khanh cho rằng, nói tục chỉ là một trạng thái biểu lộ cái tự ti cùng cực, nó không dẫn đến bất cứ một cuộc cách mạng nào, cho dù là giải phóng bản thân. Nhưng Thúc Sinh lại khoác cho việc nói tục nhiều ý nghĩa. Trước hết, nói tục biểu lộ sự miệt thị đối với cái không phải là ta. Miệt thị cái xã hội anh ta đang sống. Nó thể hiện một thái độ chính trị của sự bất mãn và phủ nhận cái thế lực đang đè đầu cưỡi cổ anh ta. Một chế độ cai trị càng hà khắc thì sự tục tĩu trong ngôn ngữ càng phổ biến. Hiện tượng tục tĩu trong ngôn ngữ do đó là một biện chứng, nó thúc đẩy sự thay đổi, bởi chính nó là sự thay đổi. Một nhà nước suy đồi, ngôn ngữ không chỉ lươn lẹo mà còn rập khuôn. Ông ta đưa ví dụ: mô hình “kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa” của chế độ cộng sản khi buộc phải thay đổi, hoặc mô hình “phát thanh có hình” của đài tiếng nói nhân dân khi muốn bon chen với bọn truyền hình. Một nền chính trị lành mạnh, ngôn ngữ cũng sẽ trong sáng hơn. Thúc Sinh có vẻ như nắm biết tình hình, nhưng ông ta chỉ hành động thuận theo quyền lợi của mình.

Hồ Tôn Hiến không tỏ ra lo lắng nhưng ông ta tăng cường đề phòng. Bởi vì ông ta biết cái chết của một anh bán trái cây dạo như Mohamed Bouazizi ở Tunisia có thể làm nên một cuộc cách mạng. Tất cả mọi cuộc tụ tập đông người đều bị cấm đoán, bất kể vì lý do gì.

Nguyễn tự nghĩ, công việc tốt nhất có thể làm được là tiếp tục làm thư ký cho nông dân như anh đã từng làm và bị bắt. Viết những đơn khiếu nại. Viết những biểu ngữ. Viết những kiến nghị, tuyên ngôn, tuyên cáo...

Nhưng ngay khi đó Kim Trọng đã xuất hiện, ông ta nói với Nguyễn: “Nếu ông muốn sống yên thân và chơi gái thì hãy ở trong thành phố, sáng cà phê chiều nhậu, đừng dây dưa vào chuyện thiên hạ. Nếu ông muốn nổi loạn, cứ nổi loạn với chữ nghĩa. Nếu ông muốn làm người hùng, cứ làm người hùng trong văn chương. Nếu ông đi lạc chỗ, tụi tôi sẽ xử lý ông ngay.”

Nguyễn nói: “Lạc chỗ hay không đó là lựa chọn của tôi. Các anh không có quyền...”

Kim Trọng: “Anh biết là chúng tôi có quyền. Đi lạc chỗ đồng nghĩa với chống đối và chúng tôi sẽ xử lý anh.”

Nguyễn nói: “Đây là quyền của tôi: Cút khỏi nhà tôi.”

Kim Trọng bảo: “Khi cần đuổi thì người đuổi sẽ là tôi chứ không phải anh.”

Nói xong Kim Trọng đi ra.

Nguyễn cảm thấy muốn hút một điếu thuốc. Lâu lắm rồi Nguyễn không hút thuốc.

Nguyễn hỏi Mã Kiều Nhi: “Em có muốn về quê sống với anh không?”

Mã Kiều Nhi hỏi lại: “Anh trồng rau, em mở tiệm hớt tóc massage phục vụ cho các anh giai làng, được không?”

Nguyễn nói: “Anh mở dịch vụ vi tính, viết thuê. Còn em làm gì thì tùy.”

Mã Kiều Nhi nói: “Cuộc cách mạng nông thôn cần bắt đầu từ nữ quyền.”

Nguyễn bảo: “Ý tưởng không tồi.”

Mã Kiều Nhi nói: “Làm đĩ là một quyền mưu sinh chính đáng. Nhưng em sợ rằng anh sẽ mất hết uy tín khi trong nhà ông cách mạng có người làm đĩ.”

Nguyễn bảo: “Anh không phải nhà cách mạng. Anh chỉ muốn làm một cái gì đó như phục vụ công ích.”

Mã Kiều Nhi nói: “Bọn công an không để cho anh muốn làm gì thì làm đâu. Tội gì cũng có thể hối lộ cho qua được, nhưng tội làm cách mạng thì không. Nếu anh không trả giá thì anh sẽ không làm gì được.”

Nguyễn nói: “Anh không làm cách mạng. Có muốn cũng không làm được.”

Mã Kiều Nhi bảo: “Vậy thì anh cứ sáng cà phê, chiều nhậu, tối kiếm gái ngủ là tốt nhất.”

Người nông dân nổi dậy đã ngồi tù. Vương Thúy Kiều nói: “Về nông thôn, em có nguy cơ sẽ phải bán mình lần nữa để chuộc cha bởi bọn cường hào ác bá ở địa phương bây giờ ác hơn thời xưa. Nhưng em nói rồi, Vương viên ngoại còn có thể chuộc được, chứ Từ Hải hay anh chỉ có cách chết đứng hoặc để cho người ta xử tùy tiện thôi. Cả hai cách đều dở. Anh nên quên cái cơn lãng mạn nửa mùa ấy đi.”

Nguyễn hút thuốc. Và chàng cay đắng quăng điếu thuốc đi. Nhưng rồi chàng lại đốt điếu khác. Đốt nhiều điếu khác cho đến khi chàng trở nên khô rỗng.

Vương Thúy Kiều lại nói: “Đàn ông làm cách mạng chỉ đưa nhân loại đến chỗ khốn cùng.”

Nguyễn quăng linh hồn vào bóng tối và chàng lấy dao rạch lên những quyển sách, móc từng chữ ra khỏi trang giấy.

Vương Thúy Kiều nói: “Đàn bà làm cách mạng không phải lồn hoang độc lập, tự do, hạnh phúc và đái ỉa vào mọi giáo điều như bọn đàn ông nói.”

Nguyễn nhét từng con chữ cho vào miệng. Nhai rồi nhổ.

Vương Thúy Kiều nói: “Không phải đàn bà nằm trên là nữ quyền. Nhưng nó là khởi đầu cho mọi cuộc cách mạng khác”.

Nguyễn tiếp tục ăn những con chữ rồi nhổ ra.

Vương Thúy Kiều nói: “Hãy làm điều mình muốn”.

Người nông dân nổi dậy ngồi tù. Chữ nghĩa cũng nằm tù. Nông dân không nhai chữ. Nhà văn không cạp đất. Đạm Tiên ngồi thiền trong am con nhện. Vương Thúy Kiều ăn chay trường. Mã Kiều Nhi lần tràng hạt. Sở Khanh tịnh khẩu. Kim Trọng tập dưỡng sinh. Thúc Sinh luyện kiếm. Từ Hải đọc sách Phật.

Hồ Tôn Hiến một tay cầm búa, một tay cầm liềm. Ông giơ búa lên hét: “Đập tan xiềng xích”.

Nhưng khi xiềng xich tan, ông đội lên đầu cái búa và ông ta làm xiếc. Ông bảo cái búa là thiêng liêng, không để búa rời khỏi đầu mình kể cả lúc ngủ. Còn cái liềm, thật ra chưa bao giờ ông dùng đến nó, cuối cùng ông lấy nó làm vật trang sức đeo ở cổ.

Nguyễn nhìn thấy mọi điều sáng rõ. Mỗi một người chàng gặp, chàng đều nhìn thấy cái tinh tướng súc vật của họ hiển lộ như hình và bóng. Thế giới trở nên chật chội và đầy ắp. Đôi khi leo lên cây, Nguyễn càng cảm thấy chật chội và đầy ắp hơn. Chập chùng những phóng ảnh của con người. Nguyễn chỉ thấy yên ổn khi nằm sát xuống đất, mặc dù có rất nhiều bàn chân bước lên người chàng. Đôi khi bị đè bẹp, Nguyễn thấy từ sâu thẳm một khoái cảm nhẫn nhục.

Người và súc sinh quấn lấy nhau. Đạm Tiên bảo nghiệp chướng duyên khởi chưa dứt, cần phải lấy máu mà rửa. Máu lồn là máu không oán cừu, hãy dùng nó mà thanh tẩy. Cả người và súc sinh đều mơ những giấc mơ thần thánh. Nhưng thần thánh đã bị đánh tráo. Vì thế, bọn súc sinh vẫn được tôn làm thánh. Và thánh thần thì bị che mắt nên bỏ mặc con người lầm than trong cõi chết.

 

 

20.

 

Từ Hải lại gặp Nguyễn nói: “Chúng ta phải tự cứu. Hôm nay người nông dân vì giữ đất của mình mà vào tù. Ngày mai vì chữ nghĩa của anh, anh cũng sẽ vào tù. Chúng ta bị cướp đoạt từ tài sản đến phẩm cách. Chúng ta không thể im lặng nhịn nhục gìn giữ sự ổn định thống trị của bọn lưu manh trên sự bất công và tàn ác mãi. Anh cần phải làm một cái gì đó.”

Nguyễn nói: “Những gì cần phải viết, tôi đã viết rồi.”

Từ Hải bảo: “Một tay anh cầm viết, tay kia anh cần phải biết cầm búa.”

Nguyễn cười: “Còn cái liềm thì cắt bằng chân?”

Từ Hải nói: “Vứt mẹ nó cái hình ảnh và quan điểm giai cấp điếm thúi ấy đi.”

Nguyễn bảo: “Vâng. Công dân là đủ.”

Từ Hải nói: “Nhân việc anh nông dân vào tù, tôi muốn nhờ anh soạn giùm một cái tuyên ngôn tự do. Tự do cho nông dân. Tự do cho tất cả chúng ta. Anh viết thế nào thì tùy, điều quan trọng là không để sơ hở tạo cớ cho tụi nó bắt anh hay bắt những người ủng hộ tuyên ngôn đó.”

Nguyễn bảo: “Để tôi suy nghĩ.”

Từ Hải nói: “Đừng để vuột mất cơ hội cất tiếng nói.”

Nguyễn bảo: “Tôi biết những kiến nghị, những tuyên ngôn chẳng có giá trị gì đối bọn vừa điếc vừa mù. Nhưng quả thật, trước hết chúng ta cần phải nói với nhau, cho nhau về sự thật và khát vọng thay đổi.”

Từ Hải nói: “Đúng. Nếu chúng ta muốn thay đổi nhưng không hành động cho sự thay đổi thì sẽ không bao giờ có sự thay đổi.”

Không phải Nguyễn. Không phải Từ Hải. Trong chảo lửa của sự phẫn uất và lương tâm công chính, một loạt các tuyên ngôn cho công lý và tự do công dân đã xuất hiện trên các trang mạng xã hội, tuyên bố quyền xã hội dân sự và đòi hỏi thay đổi thể chế cũng như công lý cho những người bị tù tội.

Những tuyên ngôn không làm rung rinh chế độ nhưng nó biểu thị sự bất tín nhiệm và tạo ra áp lực thay đổi đối với Hồ Tôn Hiến ngày càng lớn.

Từ Hải gặp Nguyễn, hắn nói: “Làm thế nào tạo ra một phong trào bất tuân rộng khắp, đồng thời sẵn sàng phản ứng khi có cơ hội thuận lợi.”

Nguyễn bảo: “Nếu biết liên kết các sự kiện, nó có thể tạo ra hiệu ứng dây chuyền.”

Bỗng tỏ ra mừng rỡ, Từ Hải nói: “Tôi nghĩ ra rồi.”

Rồi hắn đứng lên và đi thẳng tới nơi những đám lửa đang cháy.

Từ Hải có mặt trong đám đông vây quanh một quan tài người dân vừa bị công an đánh chết. Từ Hải có mặt trong số dân oan khiếu kiện hoặc đòi chất vấn chính quyền về những vụ cưỡng chiếm đất đai. Từ Hải có mặt trong số những công nhân đình công đòi cải thiện bữa ăn trưa. Từ Hải có mặt trong số những sinh viên kêu gọi tẩy chay hàng độc hại Trung Quốc. Từ Hải đi biểu tình chống Trung Quốc xâm lấn biển. Từ Hải đồng hành với người mẹ đi tìm con trong lao tù. Từ Hải đi xe đạp treo bảng chống tăng giá xăng. Từ Hải lên tiếng đòi xử quan chức tham nhũng. Từ Hải cùng với người dân khiêng giường ra đường chống tăng viện phí. Từ Hải có mặt trước cửa các phiên tòa bất công, dối trá...

Lần nào Từ Hải cũng bị bắt và bị đánh trong đồn công an, nhưng chính quyền không bỏ tù được Từ Hải vì Từ Hải đứng về phía lẽ phải và ôn hòa bất bạo động.

Hồ Tôn Hiến nói: “Hãy bẻ chân bọn ngông cuồng.”

Và Từ Hải bị một lũ côn đồ tấn công. Chúng đón đường đánh hắn giữa phố ban ngày. Đánh bầm dập. Rồi bẻ chân hắn.

Cả thế giới nhìn thấy việc ấy và việc ấy cũng như hàng nghìn việc đê tiện tàn bạo khác không làm cho con người phẫn nộ hay xấu hổ.

Không chỉ có một Từ Hài, mà có rất nhiều Tư Hải khác cũng đã bị bẻ chân hoặc bẻ tay. Sau này, họ đã thành lập Hội Nạn nhân bạo quyền với biểu tượng cái nạng để đi đá bóng, mặc dù không được cấp phép họat động nhưng không ai ngăn cản được họ chống nạng đá bóng và góp mặt trong các cuộc tranh đấu bất bạo động và hợp pháp.

Hồ Tôn Hiến nói: “Hãy thu gom tất cả nạng trên mặt đất cho vào lửa.”

Thế là không còn một cái nạng nào được chống ra đường. Những người tìm cách chống nạng bị qui kết là phản động, chống chính quyền.

Hội Nạn nhân bạo quyền ra tuyên ngôn “Chúng ta là con người” và họ xuống đường bằng một chân hay một tay còn lại.

Hồ Tôn Hiến nói: “Bọn thú vật này không muốn sống.”

Thế là từng người một trong số họ dần dần mất tích cho đến khi không còn ai được gọi là nạn nhân bạo quyền.

Nhà nước của Hồ Tôn Hiến ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc và họ được chấp thuận.

Trong những ngày diễn ra những cuộc khủng bố và thủ tiêu nhóm nạn nhân bạo quyền, Thúc Sinh đã gặp Từ Hải.

Ông ta nói: “Cậu phải biến đi.”

Thế là Từ Hải biến mất. Từ đó, bên cạnh Thúc Sinh có một nhân vật mới, Mã Giám Sinh. Trên danh thiếp của Mã Giám Sinh có hai chức danh: Giám đốc Công ty Xuất khẩu Lao động và Giám đốc Công ty Cung ứng Nhân sự và Dịch vụ gia đình.

Trên thực tế, Mã Giám Sinh chỉ làm cò cho Thúc Sinh trong vụ việc buôn người này. Hắn về các vùng nông thôn tuyển người và lấy tiền cò cả hai đầu. Chỉ số hạnh phúc của người Việt tăng vọt. Được đi lao động hay lấy chồng, làm ôsin ở nước ngoài là một giấc mơ huy hoàng.

Nguyễn bảo Mã Giám Sinh đáng được đúc tượng tôn thờ trong các đình làng bởi đã góp phần vào việc làm thay đổi bộ mặt nông thôn một cách sâu sắc.

Nhưng Đạm Tiên nói Mã Giám Sinh cạnh tranh không lành mạnh.

Mã Giám Sinh nói với các anh giai và chị gái: “Chỉ cần 2000 đô thế chân, các bạn sẽ đến thiên đường.”

Nghèo không đủ ăn, nhưng bằng cách nào đó, họ cũng xoay sở được 2000 đô nộp mạng cho Mã Giám Sinh. Nếu không bị lừa như họ đã từng bị lừa thì trả nợ không phải là điều quá khó.

Đối với các cô gái muốn tìm chồng ngọai, Mã Giám Sinh tuyệt đối trung thành với cam kết “gìn giữ nguyên trạng” của các cô với khách hàng. Nhưng hắn tận dụng ưu thế của mình để kiểm tra “hàng” một cách thích đáng. Các ứng viên được yêu cầu phải tự lột truồng và trình diễn khả năng làm vợ. Mã Giám Sinh nói đó là điều thú vị và xứng đáng duy nhất để hắn hạ cố với nhân dân.

 

(còn tiếp)

 

----------------
Bấm vào đây để đọc CHUYÊN ĐỀ về NGUYỄN VIỆN

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021