thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Vài nhận xét về tính cách hậu ấn tượng trong tranh Trương Thị Thịnh
Bài nhận định này được tác giả trình bày trong buổi lễ đánh dấu 70 năm sống với hội hoạ của hoạ sĩ Trương Thị Thịnh, tổ chức tại San Jose, California (USA), ngày 4 tháng 2 năm 2017.

 

Hoạ sĩ Trương Thị Thịnh là thủ khoa khoá đầu tiên của trường Quốc Gia Cao Đẳng Mỹ Thuật (QGCĐMT) Sài Gòn, thành lập tại Miền Nam năm 1954. Trên phương diện lịch sử, trường QGCĐMT Sài Gòn là một sự tiếp nối truyền thống của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương do hoạ sĩ Victor Tardieu thành lập tại Hà Nội năm 1925. Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương đã đào tạo nhiều tài danh cho hội hoạ Việt Nam, nhiều người rất nổi tiếng ở Pháp và ngày nay tranh của họ vẫn được tiếp tục đấu giá cao trên thị trường quốc tế, như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Nguyễn Phan Chánh, v.v...

Những hoạ sĩ tốt nghiệp các trường Mỹ Thuật Hà Nội, Sài Gòn, Huế là những nguồn cống hiến chính cho hội hoạ Việt Nam. Dù được đào tạo theo cùng truyền thống, nhưng sau khi ra trường, mỗi người theo đuổi con đường nghệ thuật khác nhau, tuỳ theo quan niệm, cách tiếp thu các trào lưu khác, và khả năng sáng tạo của riêng mình: có thể truyền thống, có thể hiện đại.

 
Trương Thị Thịnh, Tĩnh Vật, sơn dầu trên bố, 18”x22”, 1950
 

Hoạ sĩ Trương Thị Thịnh vẽ tranh theo nhiều phong cách khác nhau, kể cả tranh trừu tượng. Tuy nhiên, hậu ấn tượng vẫn là phong cách ảnh hưởng sâu đậm nhất trong hầu hết những tác phẩm quan trọng của chị. Như chúng ta đều biết, trường phái ấn tượng, impressionisme, ra đời ở Pháp vào cuối thế kỷ 19. Tính cách trong tranh của các hoạ sĩ thuộc trường phái này là nét cọ ngắn, mỏng nhưng rõ, bố cục mở, màu sắc tươi, ít pha trộn, chú trọng nhiều vào hiệu ứng của ánh sáng, tránh dùng màu đen và không coi trọng chi tiết. Những hoạ sĩ tiền phong của trường phái này là Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Alfred Sysley, và Frederic Brazille. Bức Impression, soleil levant, của Claude Monet được xem là bức tranh khai mào sự thách thức với những quan niệm hàn lâm về nghệ thuật thời bấy giờ. Ảnh hưởng của trường phái ấn tượng lan rộng toàn thế giới và sang cả các lãnh vực khác như âm nhạc và văn học. Chẳng hạn, Debussy trong âm nhạc và Beaudelaire trong thi ca. Sau này, một số hoạ sĩ của ấn tượng phát triển thêm về kỹ thuật hay đi xa hơn về quan điểm. Camille Pissarro lúc về già hay Georges Seurat tạo nên tác phẩm không bằng những vết cọ mà bằng những vết chấm nhỏ sát liền nhau, gọi là pointillisme. Hay, Paul Cézanne khởi đầu cho cách nhìn cảnh vật dưới khía cạnh hình khối. Họ được gọi là những hoạ sĩ hậu ấn tượng.

 
Claude Monet, Impression, soleil levant, sơn dầu trên bố, 1872
 

Tranh hậu ấn tượng của Trương Thị Thịnh có nhiều đặc điểm tôi muốn nêu lên ở đây, vì chính những đặc điểm, những nét riêng đó đã tạo nên những đóng góp quan trọng cho nghệ thuật. Tranh Trương Thị Thịnh bao gồm rất nhiều đề tài khác nhau: phong cảnh, trẻ thơ, bông hoa, thiếu nữ, chân dung, v.v…

 
Trương Thị Thịnh, Được Mùa, sơn dầu trên bố, 36”x24”, đầu thập niên 70
 

Tranh phong cảnh của chị chịu ảnh hưởng nhiều từ cảnh cây cỏ, sông, nước, thuyền bè của vùng quê Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân Châu, v.v… mà lúc còn trẻ, khi đi tản cư, sống trôi nổi với gia đình chị lớn và bà con ở đó. Đẹp, êm đềm, thuyền bè trên sông nước có bao la nhưng không vô tận, không có thảm kịch. Những trẻ thơ trong tranh của chị tươi mát, hồn nhiên. Những bông hoa màu sắc rực rỡ, đầy sức sống. Những loại tranh này của chị không biểu lộ hết là tài năng của chị về kỹ thuật sử dụng màu sắc hay bút pháp nhưng đáp ứng được ước vọng của chị là tạo cảm giác thanh bình, hạnh phúc nơi người xem.

 
Trương Thị Thịnh, Lối Xưa, sơn dầu trên bố, 36”x24”, 2001
 

Trương Thị Thịnh vẽ nhiều tranh thiếu nữ. Mỗi người đẹp trong tranh là một thế giới riêng biệt. Không ai giống ai. Chị chú trọng nhiều đến sự thể hiện tâm hồn của người trong tranh nên không phải lúc nào cũng dùng những màu tươi sáng như trong đa số tranh ấn tượng của Pháp hay Việt Nam. Chị thường dùng bút pháp mạnh cho tranh thiếu nữ. Và, đây là những thiếu nữ có da có thịt, có sức sống, có đam mê, có ước vọng, có khắc khoải, và người xem có cảm giác gần gũi với họ chứ không phải chỉ là những người trong mộng ở một cõi xa xăm nào

 
Trương Thị Thịnh, Thoảng Hương, sơn dầu trên bố, 30”x24”, 2007
 

Khi vẽ thiếu nữ, Trương Thị Thịnh phối hợp độc đáo giữa tính cách ấn tượng với tính cách trừu tượng, như trong bức Duyên Dáng, hay trong chân dung Nguyễn Trí Minh Quang, là sự phối hợp tài tình của nét cọ nhỏ, chi tiết, của tranh ấn tượng và cổ điển với nét cọ lớn, bố cục rộng của tranh trừu tượng.

 
Trương Thị Thịnh, Chân dung Nguyễn Trí Minh Quang,
sơn dầu trên bố, 50”x50”, 2005
 

Lãnh vực chính của Trương Thị Thịnh là chân dung. Khi vẽ chân dung, chị thường phối hợp hài hoà với kỹ thuật cổ điển khi cần thiết. Vẽ chân dung cho giống khá dễ. Vẽ cho giống để tạo nên một bức tranh đẹp, để biểu lộ được nhân cách của người mẫu, để tạo cho người trong tranh một thế giới huyền ảo, một thế giới riêng biệt của họ, thì không dễ. Về phương diện này, tôi tin rắng Trương Thị Thịnh là hoạ sĩ hàng đầu của Việt Nam. Có nhiều tranh chân dung chúng ta thường thấy nơi một số hoạ sĩ, người trong tranh rất đẹp, nhưng lại là một người khác, và người trong bức chân dung này hao hao giống người trong chân dung kia. Tôi không cho rằng vẽ như vậy là vẽ chân dung.

Tranh chân dung thật sự có một giá trị độc đáo, một vị trí độc đáo trong hội hoạ. Bên cạnh giá trị của một tác phẩm mỹ thuật như bất cứ tác phẩm mỹ thuật nào, nó gắn liền với đời sống của người trong tranh và đời sống của những người liên hệ, có thể từ thế hệ này qua thế hệ khác.

 
Trương Thị Thịnh, Chân dung bà Trương Hồng Sơn,
sơn dầu trên bố, 18” x 24”, 1974
 

Tôi còn nhớ, cách đây vài năm, khi đến chơi nhà một người bạn lớn tuổi hơn, anh TQS, tôi nhìn thấy một bức tranh in lại từ bức chân dung sơn dầu của bà cụ anh, do chị Thịnh vẽ. Anh TQS cho tôi biết bức tranh này chị Thịnh vẽ bà cụ khi bà còn ở trong tuổi tứ tuần. Trong biến cố 1975, gia đình mang theo bức chân dung đó, rối in lại 9 bản chia cho 9 người con. Dù là bức tranh in, tôi vẫn hình dung được đôi mắt đẹp cùng nét mệnh phụ trong dáng ngồi đài các của bà cụ. Tôi biết, qua bao nhiêu biển dâu, gia đình bạn tôi có thể mất mát rất nhiều, nhưng, tôi mừng, họ vẫn giữ được một tài sản tinh thần mà không tiền bạc nào có thể mua được.

Trương Thị Thịnh đã vẽ chân dung rất nhiều người. Từ những nhận vật nổi tiếng, như Tổng Thống, đệ nhất phu nhân, mệnh phụ, chính khách, trí thức, nghệ sĩ, v.v.. cho đến những người dân bình thường. Đặc biệt, chị vẽ chân dung rất nhiều bè bạn. Dù vẽ ai, mỗi chân dung biểu hiện một sắc thái riêng, một nhân cách riêng, một thế giới riêng, một nét đẹp riêng.

Thời gian 70 năm có dài thật, nhưng rồi 80 năm, 90 năm, và bao nhiêu năm đi nữa cũng sẽ qua đi. Nhưng, những gì chị đã phụng hiến cho cuộc đời qua suốt 70 năm đó, bằng vẽ tranh, bằng đào tạo, sẽ mãi mãi còn lại để tiếp tục làm đẹp cuộc đời.

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021