thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TCHERFUNITH [chương 1] (kỳ 1)

Chương 1

THẰNG HOANG

Thằng hoang
Lớp mười bỏ trường đi hắn kêu
chương trình quá chật, thằng hoang đàng
chuyên chọc ổi trộm bài không học
cũng thuộc ấy. Mười bảy tuổi bỏ
 
nhà ra đi hắn bảo làng quá
chật, cái thằng to xác siêu sao
ghi không dưới chục bàn một trận
xóm dưới ấy. Bỏ đất ra đi
 
hắn bảo Phan Rang quá chật. Bỏ
đại học hắn cho giảng đường quá
chật. Tổ quốc quá chật, lễ lạt
ý hệ, văn chương, triết lý quá
 
chật không chứa đủ hắn, thằng hoang
đãng ấy đang sống chết nơi đâu
Hắn đã tặng cho hoa hậu lớp
Msa một bụng rồi bỏ đi mất
 
tăm dặn đợi anh em nhé, mười
năm chờ hết nổi nàng chửi gió
đợi nó cho mệt cái lồn vụt
cưới chồng Hamu Crok. Hắn vẫn
 
không chịu dẫn xác về, nước mắt
bà mẹ tội nghiệp không làm mềm
hắn, bốn mươi năm thằng hoang hủy
hắn dọc ngang chân mây góc phố
 
nào bà con dòng họ vừa làm
tang hờ nhốt hồn vía hắn vào
cái klong đang rất chật.

 

Hắn là Thằng Hoang...

Vậy là chuyện đã rõ mười mươi. Mấy năm trước, dù bị ông Pỏn cha hắn làm dữ, dòng họ cũng đã quyết làm cho bằng được đám tang hờ hắn, ngay ngáy lo hắn hiện hồn về phá phách con cháu trong dòng họ. Nay thì hết tang hờ nữa rồi, mà là thật.

Sống, hắn làm phiền mọi người tất tần tật không chừa trừ ai. Cha mẹ thì miễn bàn rồi, lỡ sinh ra hắn, họ chịu. Hắn kêu, “chớ tui có muốn chui ra cái cõi đời chết tiệt này đâu, ai bảo.” Anh chị em hắn nữa, chín đứa xếp hàng tuần tự chào đời, không rơi rớt một mống. Hắn thứ ba. “Đẻ chi đẻ dữ,” hắn kêu, “cha ráng nhịn xíu thì tui đâu phải tủi thế này.”

“Mầy dòm thấy roi yong vắt đầu hè kia không thì bảo,” ông Pỏn trừng hắn. Mà hắn cũng có nhịn đâu. Mới bước qua cái tuổi tìm học như Đức Khổng nói mà đã tặng ngay cho nàng M’sa hoa hậu lớp cái bụng, thì nhịn cái nỗi gì. Thế là một tên nữa được điền vào danh sách làm phiền của hắn. Cả tôi bạn học đồng thời anh em họ, cũng bị hắn rầy rà không ít. Không vấn đề gì cả. Sống, hắn làm phiền ai nấy chịu, ai bảo khờ để bị hắn cuốn. Tội là hắn đã gây khó dễ cho dòng họ Kut Gađak nhà hắn, cả khi chết. Hắn chết, lại là cái chết khác trần đời. Chết hoang mưtai bhaw, thứ chết sinh linh Cham sợ quá sợ ma.

Nghe tin, tôi điện báo cho anh Cả hắn, vội vã ra đường cái bắt xe đò về cho kịp. Trời chưa sáng rõ, xe nhà thương chữ thập đỏ hú còi mang theo xác hắn đỗ xịch ngay đầu làng. Tay tài xế mặt non choẹt nhảy cái phóc xuống, chìa tờ giấy cho ông anh họ đứng chờ ở đầu làng từ mới dứt trận MU thắng West Brom để vượt mặt Man City.

“Đáng đời tay nhà giàu chơi trội.” Anh nói giọng khoái trá, ngay khi tôi vừa ló mặt vào.

“Không vào làng được đâu, cái rạp kia kìa.” Anh nói với tay tài xế, sau khi dòm qua dáng thằng Hoang được phủ lớp drap trắng mỏng. Bốn thanh niên phụ đỡ hắn xuống.

“Nặng quá bao tạ.” Khang, cháu hắn, nói.

Tay tài xế mặt ong đốt, không một lời, quành đầu xe, nhấn ga chạy biến sau ngả quẹo đầu hẻm, như muốn thoát cho thật nhanh cái thi thể chắc chắn vừa làm phiền hắn chuyện gì đó không biết, dọc đường.

“Họ giáo dục bọn trẻ hiện đại khốn nạn thế chứ.” Ông anh họ nói với theo.

Sau thủ tục đuổi tà ma ngoài bãi trống khá phiền phức, mãi gần trưa, thằng Hoang được chuyển vào cái rạp dựng sẵn từ khuya hôm trước. Họ nhà hắn dòng quý phái nên thây kệ hắn quậy trần ai tới đâu cũng phải chịu lụy bốn ông Paxeh, lễ đủ bốn ngày đêm, cứ trọn bộ ban nhạc kanhi với trống to mà đánh cho linh hồn khốn nạn hắn mau sớm siêu thoát khỏi chốn bụi trần này.

Hắn chết, nhằm đúng một năm thảm họa Fukushima. Một cách chết đáng phiền vào cái ngày cả nhân loại không muốn nhớ. Không muốn có, muốn nó đừng xảy ra trên trái đất già cỗi này. Như thể chỉ nên dành một khoảng trắng giữa ngày hôm qua với ngày mai. Hắn chết hoang. “Cái thằng Hoang chết hoang, người làng ‘kủa’. Nó sống dại chết cũng chết ngu.” Ông Pỏn chửi đổng ngoài rạp. Trong rạp, bà Mơi ngồi khóc kể lể bên cạnh thi hài hắn lúc này đã được vun mấy lớp áo trên cái cakung cao ngất.

“Vẫn không đáng đâu! Đến buổi Tak Kayuw mày mở mắt ra mà coi.” Ông Pỏn nói, không với ai, gườm gườm mọi người. Khi ánh mắt ông bắt gặp mắt tôi, tôi “dạ” bừa.

“Đã có ciet nào gửi đến chưa?” Tôi hỏi.

“Đi mà hỏi nó.” Ông Pỏn hất hàm về phía cakung.

Qua gần hết ba ngày đám tang, chẳng thấy bóng vợ con hắn đâu. Làm thân đàn ông Cham côi cút đường trần như thế thì tội lỗi nặng đá tảng.

“Không lo côi cút đâu, con đẻ tao tao lạ gì nó,” ông Pỏn nói to, nhìn thẳng tôi, “sợ không đủ kho chứa bánh trái.”

Như thần. Hai giờ chiều thứ Ba, chiếc xe con đâu đỗ xịch ngay giữa sân vận động Chakleng. Xe đời mới, hàng hiệu. Một người đàn ông thò cẳng chân khỏi cửa xe, cái đầu nhô ra. Cà-vạt không, đóng thùng cũng không nốt, nhưng liếc qua đã biết ngay nhân vật thế giá. Cũng có thể đương quyền chức đè đầu cưỡi cổ thiên hạ hay ít ra cũng cỡ giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn đang phất. Hắn mở cửa sau cho người nữ có lẽ là vợ bước xuống, đỡ một bé gái khoảng năm cuối Tiểu học theo. Hắn đi vòng phía bên kia. Cửa mở: một bà dáng sang trọng chậm rãi chui ra khỏi xe. Còn ai nữa? Hết. Ông Cả thằng Hoang chạy đến với khách lạ, hớt hải, lăng xăng như lượm được vàng. Anh nói với người khách điều gì đó, tay chỉ chỏ.

Tôi rành vụ này. Ở Sài Gòn chúng tôi ít gặp nhau. Thằng Hoang lại không quen tâm sự. Một chiều, hắn bắt gặp tôi đang lai rai cô độc góc quán bia hơi mé Sở Thú, liền trờ tới. Và xổ. Hắn nói và nói và nói. Tôi nghe tai nọ lọt tai kia, chỉ nhớ mang máng vợ hắn dân Kanh Cụ ở Phan Rí, đường đường con nhà, - nguyên văn của hắn. Hắn đưa tôi xem tấm ảnh người nữ trẻ trung cười duyên với cái tên nghe rất mùi Bùi Lâm Thảo Dung viết nét chữ nắn nót ở mặt sau. 20-9-1976, tôi nhớ, bởi đó đúng vào hôm tôi bỏ làng lang thang miền Trung.

Người đàn ông xách ciet to, sải bước đi tới. Anh Cả dẫn cả đám vào rạp.

“Cũng đáng hạt tiền bát gạo chớ thua chị kém anh đâu.” Một giọng bình luận.

“Trắng quá trời trắng.” Cái Út kêu.

Bà Mơi tay áo quẹt nước mắt, ngước nhìn lên người đàn ông vừa tới, mắt liên tục nháy. Hắn cúi xuống với bà. Bà nhìn hồi lâu vào mắt hắn, nắm lấy cả hai bàn tay hắn, vuốt vuốt, không nói gì cả. Tôi biết bà hiểu và cảm nhận được.

“Con tôi, ôi thằng Kuan con trai tôi.” Bà Mơi nấc lên. Bà nhích đít tới, nắm lấy cánh tay người phụ nữ, con dâu bà. Hai bàn tay gầy khô, nhăn nheo, đen đúa di chuyển qua lại trên cánh tay thon thả trắng muốt của người lạ. Vẫn không một lời.

“Vợ Kuan, dì ạ.” Tôi nói, khi bước vào rạp. Bà Mơi bật khóc thành tiếng.

“Thím nó với hai cháu làm lễ đi.” Anh Cả nói, chỉ chỗ cho bốn người thân thuộc xa lạ ấy lạy cakung thằng Hoang. Xong, cả bốn ngồi thu lu một góc rạp, lặng lẽ.

Tôi chẳng biết phải nói gì. Với họ, tôi vẫn là kẻ lạ. Thằng Hoang kể hắn xa Thảo ngay khi cô vợ mang thai ba tháng. Không nửa lần ghé thăm. Cả khi đám cưới con trai được tổ chức rềnh rang có cả báo chí đưa tin, thiệp mời kèm bức thư Thảo gửi tận tay, hắn vẫn biệt tăm. Khốn nạn! Bà vợ đọc thấy tin đám tang hắn trên website của tôi, điện hỏi ngày Tak Kayuw, để dắt díu con cháu “đội” ciet bánh trái sang lễ chồng gọi là món quà mọn đưa tiễn cha và ông nội chúng nau sang về nhà.

Đứa con mang dòng máu Cham dù lai tộc người nào mang quốc tịch gì hoặc sống mảnh đất đâu, hay dù cha chúng có xử tệ với chúng ra sao đi nữa, đúng ngày Phạt mộc Tak Kayuw, buổi chiều trước lễ thiêu, bà mẹ dù đã bước mấy bước vẫn đội ciet bánh trái đến cúng bái và lạy tạ người đàn ông đã cho chị ta giọt máu Cham để dòng máu kia được một lần có mặt trên trần gian này... Không ai phía gia đình mới của khổ chủ nảy ý định cấm cản... Người Cham đùa nhau, tay nào trai tráng ham ghé uống nước, có giỏi giấu đến đâu cuối đời cũng lòi ra. Cái ciet (một, hai hay hơn nữa) từng gây không ít phiền hà lại là niềm mong đợi nhất của gia đình.
(Trích Sổ ghi của Chế Khan)

Bà Mơi thôi khóc. Bộ sậu đàn hát xem chừng đã oải, cũng nghỉ chơi. Vài tiếng cười nói lác đác đây kia. Mãi khi người phụ nữ trẻ trong váy áo Churu dắt tay con gái bước vào rạp, đột ngột như từ dưới đất mọc lên, không khí như sinh động trở lại.

“Thằng Kuan lại ghé uống nước đâu trên ấy rồi.” Chú Phang ngoài sân nói vọng vào.

Tôi hoàn toàn mù về ca này. “Ghê thật!” Tôi kêu trong họng. Không phải ở hắn đèo bòng thêm cái ciet khác, chuyện này có trời mới kiểm kê hết, mà người phụ nữ Churu quá trẻ, kém cả tuổi con dâu hắn ở Phan Rí. Chị đặt ciet xuống, ngó quanh. Có lẽ chị tìm chỗ ngồi.

“Đây rồi, đây rồi...” Anh Cả dọn chỗ cho hai mẹ con.

Chị gật, nhưng không ngồi mà dắt tay đứa con đến chỗ hành lễ. Hai mẹ con lạy cakung, miệng lâm râm cầu nguyện bằng tiếng Churu, mắt nhắm mà hai dòng nước cứ chảy ra. Chị lết qua ngồi cạnh bà mẹ chồng, khóc. Tiếng như chim ri, như ngâm em chờ cơm anh... em chờ tiếng bước chân anh đi lên thang... em chờ tiếng động cửa... không thấy bóng anh đâu... không thấy tiếng cười của anh sau nhà... không thấy giọng anh hát nhè nhẹ ở rẫy bên... em chờ anh thêm vài cái rựa... em nghĩ anh đến muộn... em nghĩ anh trễ xe... em nghĩ anh đang rất bận... em nghĩ anh bị bệnh... em nghĩ anh đã chết... em đã chờ anh... hôm nay em vẫn chờ anh... ôi anh tha thứ cho em... mấy ché rượu cần chờ anh về uống... đôi vú này vẫn chờ bàn tay anh vuốt ve... H’mai trong bụng em đã lớn rồi... nó đang ngồi đây với em... nó chờ anh với em... anh đã đến như một hoàng tử mẹ kể... mẹ cha chịu anh thương anh... em thương em nghịch râu anh... anh nghịch vú em... chúng mình nghịch nhau qua một mùa rẫy... em như đã thấy anh từ thuở còn trên lưng mẹ... em như sống với anh từ ngàn mùa rẫy trước... một tháng hai tháng... anh sẽ đưa em về palei... anh sẽ dẫn con về palei anh... anh nói palei anh rất đẹp... palei anh có biển có đồng lúa... anh nói anh cũng xa palei đã lâu... anh về palei đi anh... em về đây rồi... con chúng mình cũng về đây rồi... ngồi dậy với con đi anh... ôm em và ôm con đi anh... mỗi trưa mỗi chiều mỗi tối... mẹ con em vẫn chờ anh... ngồi dậy với mẹ con em đi anh... một lần dù chỉ một lần thôi anh...

“Người Churu có khác... Đi hoang nó vẫn biết dạy vợ con.” Vẫn giọng chú Phang. Đứa con gái tuổi tập nói khóc theo mẹ. Tôi định đến gần họ, hỏi thăm, nhưng thôi.

“Chưa hết đâu! Tao đẻ nó tao biết...” Ông Pỏn bước tới bước lui, nói oang oang với đám khách đứng ngồi tùy nghi ngoài bãi trống.

“Chắc hết rồi chú à. Cũng sắp tối rồi mà,” tôi nói. “À, xíu nữa quên mất, cháu mới nhận cái tin này.” Tôi mở Laptop đặt trước mặt ông, bấm vào mục phản hồi.

“Đọc to tao nghe, chữ nghĩa li ti thế này dòm sao mà dòm.”

Tôi đọc:

Anh Kuan yêu dấu!

Em yêu anh vô cùng. Chúng mình yêu nhau, nhưng định mệnh không cho đôi ta chung sống đến răng long đầu bạc. Cún Sam rồi bé Mỵ dễ thương là thế cũng không cản được bước hải hồ của anh. Cả khi anh yêu mất, em cũng không thể đến gần anh một lần để được khóc thương cho thỏa. Viết thư mà lòng em đau như cắt. Bởi trường hợp bất khả kháng anh yêu ạ. Chồng em vừa đưa em với bé Mỵ đi xa, nên khi nhận tin buồn, em không thể về kịp với anh. Em xin tạ lỗi với cha mẹ, với ông bà tổ tiên. Em ngàn lần xin tạ tội với linh hồn anh mong anh yêu nhận ciet bánh từ cún Sam yêu quý của chúng mình, anh yêu nhé...

“Thôi, thôi, thôi đi... yêu với chả đương, khỏi, khỏi. Thằng đểu. Nó có phải Cham không mà không biết tục Cham. Vứt, vứt. Đểu, đúng là thằng đều...” Ông Pỏn la lớn đến mấy bà ngồi trong rạp nghe tiếng, thò đầu ra nhìn. “Thằng đểu...” Đột ngột, ông khựng lại. Ông im bặt khi nhác thấy M’sa vừa đến, đặt ciet lên cái bàn sau lưng ông.

“Con dâu tui đây rồi, đây rồi...” Ông Pỏn kêu lên.

Trong không biết bao nhiêu cô con dâu, ông chỉ đếm mỗi M’sa, hay kêu là con dâu tui, khi nhắc đến thành tích của thằng Hoang. Cả buổi chiều ông hết nhìn đồng hồ lại ngó sang đầu đường. Ông hỏi tôi, chớ mày có gọi điện nhắc nó không. Tôi nói, rồi, ba lần lận. Ông đón M’sa vào rạp. Ông đỡ ciet M’sa xuống, đặt lên phía trên cùng.

“Chú nó cho ngang hàng chớ.” Bà Buh nhắc.

“Không được, dâu cả thì phải khác.”

“Khác cái nỗi gì, cũng thế thôi.”

“Tui nói khác là khác.”

“Để đấy cho bà Buh lo đi, bác nó ơi.” Ông Paxeh nói sang.

“Mấy ông biết quái gì mà xen vào,” ông Pỏn nói. “Thôi thì đây cứ cho xen.”

“Con dâu ngồi đây.” Giọng ông Pỏn nhẹ hẳn đi, chỉ chỗ cho M’sa, bước ra khỏi rạp. “Hôm nay vì thằng Kuan tui mới chịu mấy ông...”

Ông đã chịu nhịn, không sai, tôi biết. Hôm Cho ăn Brei bbơng, suýt nữa ông làm cả đám đổ bể.

Người Cham quý chữ, trân trọng tri thức akhar, xem chữ như tặng vật thiêng liêng của thần thánh. Không được đạp lên tờ giấy có chữ, không dùng giấy có chữ viết làm giấy vệ sinh. Làm đàn ông Cham luôn trang bị ít chữ cất trong mình, để dùng đến, khi hữu sự. Đó vừa là thiên chức đồng thời là bổn phận với tiền nhân. Lạ, cả dân tộc không ai mù chữ. Dẫu sao, để tránh sự biếng nhác hay ngu tối của cá thể dị biệt, các thầy Paxeh nghĩ ra cái cách xóa mù. Xóa mù cho người chết. Ở lễ Jot akhar trong ngày Cho ăn Brei bbơng, thầy Paxeh đọc ba lần từng chữ cái vào tai người chết, đọc xuôi, đọc ngược. Để mỗi con dân Cham khi trở về nhà, không phải hổ thẹn với ông bà.
(Trích Sổ ghi của Chế Khan)

Khi thầy Paxeh chuẩn bị thủ tục đọc to từng chữ vào tai thằng Hoang, thì ông xộc tới.

“Không được, không thể được,” ông la lên, “chính tui đã dạy nó chữ. Nó không mù chữ.”

Mọi người ngó chằm chằm ông. Bà Mơi khóc giọng to hơn ở góc rạp.

“Tui bảo không được là không được.” Ông hét lớn.

“Cha để cho các thầy làm lễ đi cha.” Anh Cả nói.

“Có mù mới xóa, đằng này con tui, làm gì tui để cho chúng mù chữ.” Đột ngột ông im bặt. Ông như tìm cái gì đó, rồi ông chỉ tay về phía cakung: “Các ông phải biết là con tui viết báo quốc tế...”

Tháng 5-2004.
Tin Mai Văn Kuan viết cho các báo quốc tế không biết từ đâu đồn khắp làng. Ông cha hãnh diện ra mặt. Họ đồn hắn viết xã luận bàn nhiều vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện đại. Kí nhiều tên khác nhau. Đăng trên nhiều mạng thông tin liên mạng toàn cầu uy tín. Hắn không muốn ai biết tông tích hay lai lịch mình. Sống và không để lại dấu vết, - hắn nói. Không ít người hồ nghi về tin đồn này...
(Trích Sổ ghi của Chế Khan)

“Chú nó chết chúng tôi cũng đè ra mà xóa, đây chả có chừa ai hết.” Ông Cả sư nói, gằn giọng.

“Chớ hòng, tui nói cho các ông biết...”

“Thôi mà cha.” Anh Cả nằn nì, đẩy nhẹ ông từ từ ra khỏi rạp.

“Ừ, thì cứ xóa, xóa tất đi...”

Ngay ngày đầu đám tang con trai, ông Pỏn bỏ đi. Ông biến đâu mất mãi sáng Tak Kayuw mới mò tới. “Nó làm khổ tui, nhà này mỗi nó biết cách làm khổ tui.” Ông nói.

Buổi chiều đón ciet thằng Hoang, dân làng tò mò đến xem như xem hội. Sắp vãn thì xảy ra sự cố. Một chàng trai áo thun quần Jean xé giằng giịt đi xe Bonus chở ciet đỗ xịch góc rạp. Vừa chống xe, hắn đụng ngay ông Klơng chủ họ bước ra:

“Dạ, của mẹ con ạ.” Chàng trai nói. Ông Klơng ngó trân nó, dường không hiểu. Tôi nói: “ciet khác của thằng Hoang. Của chị viết thư trên máy cháu đó mà.” Tôi quay sang ông Pỏn vừa sấn tới:

“Không được đâu, phải mẹ nó cơ. Chở về đi, về đi.” Ông quát, không buồn liếc cháu nội tội nghiệp.

“Thì hưỡn đã.” Ông Klơng chủ họ nói.

Ông Pỏn nói: “Một đời một lần mà nó không thèm tới thì dâu với chả dâu.”

“Dâu gì mà dâu. Nó ghé uống nước, được thế này là quý rồi.” Ông Cả sư nói.

“Thôi thì mặc mấy ông làm gì làm, tui thì không nhận của nợ này.” Một lát: “... Cả đời nó làm khổ tui. Sống nó làm khổ tui, chết nó làm khổ tui.”

“Cũng chưa phải là cái ciet cuối cùng đâu...” Ông Pỏn quay ngoắt đi, nói, không với ai cả.

Mà chưa là cuối cùng thật. Vừa từ đám thiêu về, ông anh họ nhìn thấy không phải cái ciet, mà là một thùng carton to tổ chảng bày trên ván lễ vật, ông bưng giơ cao lên trước mặt cả họ.

– Thêm cái nữa nè, - ông nói. Nhìn một lượt khắp xung quanh, ông Pỏn la lớn:

– Ai nhận, đứa nào dám nhận cái chết tiệt này?

– Dạ, nhà ra hết ngoài rừng, có mấy người đàng quê đi xe con tới dặn là của mạ Nguyễn ở Mỹ, ngồi xíu rồi đi. – M’Nhơ nói.

– Sao mày không chạy báo tao? Sao mày... Ông Pỏn rống lên. – Trời biển! Rồi đi như lao vào nhà.

14-3-2012
Về sự giận dữ của ông Pỏn, người thì cho ông bức xúc tại sao không là ciet mà là thùng carton, sợ phạm thần; kẻ thì bảo ông lo cho đứa con hoang đàng ông không kịp nhận ciet bánh trái vợ con đúng hôm Tak Kayuw, linh hồn rồi mãi lởn vởn cõi đời. Còn ông Paxeh phán như vôi quệt tường rằng tang chủ ngại mấy nghi thức phiền phức, hao tốn. Chắc chi đã vậy. Có nhiêu nả đâu, xị rượu với ba hột vịt luộc ra ngoài rừng cho lễ chuộc tội, đốt thêm vài miếng bánh thả khói báo cho người chết đến nhận, là xong. Còn bao nhiêu thứ quý trong cái “ciet” kia, bù lỗ thừa chán. Việt kiều nữa, lễ vật ra lễ vật. Chính từ cách lí giải này mà chú Kiêt vốn không ưa ông Pỏn đã diễn nôm rằng: Nhìn lễ vật trong “ciet” kia, ông Pỏn nghĩ hẳn là dân có cỡ. Ông muốn họ hàng với dân làng nhìn tận mắt sự sang cả của con dâu và cháu ông, con Mai Văn Kuan – nhà báo quốc tế, đẻ ra. Cơ hội đầu tiên và duy nhất trong đời vừa bị bỏ qua. Có chi mà khó hiểu.
 
Lối suy diễn ác, và sai, - theo anh Sara. Nhà thơ này quá hiểu tính khí Mai Văn Kuan. Thì cha nào con nấy. Thằng Hoang biết chữ Cham, là chuyện hẳn rồi. Cả chuyện hắn có là hay không là nhà báo tầm quốc tế nữa. Ông Pỏn miễn lo hai sự vụ đó, ông tin con ông làm được và làm hơn thế. (Dẫu sao ông vẫn nhờ anh Sara rán kiếm cho ông mươi bài làm vật chứng, phải kí tên thật chớ không bút danh bút diếc gì cả). Điều ông lo hơn cả là, và phải là, ngay trong buổi chiều Tak Kayuw, các bà vợ và mấy đứa con của thằng Hoang cần có mặt đủ đầy, trước làng xóm với hai họ ngoại nội. Cho dù sau khi bị thằng Hoang bỏ rơi, M’sa đã coi hắn như kẻ đáng ghét nhất trên đời; dù khi M’sa đã con đàn cháu đống với người khác và chưa một lần ghé thăm ông, ông Pỏn vẫn yêu quý chị, coi chị như con dâu trong nhà. Luôn hỏi thăm chị, hỏi thăm anh Sara về chị. Ông cần chị hơn cần đứa con trai của chị. Nhất là trong cái ngày trọng đại kia. Để ít ra, trong trường hợp xấu nhất, minh chứng cái điều ông tin tưởng hơn mọi thứ, là đứa con cưng của ông dẫu hoang đàng tới đâu, đã hoàn thành sứ mệnh đời người: Sống giữa trời đất như một đàn ông Cham thực thụ - Biết chữ, nghĩa là có tri thức akhar, đã truyền giống, bước đi trên con đường lớn và cuối cùng, ra khỏi cuộc đời mà không cần để lại dấu vết.
 
Ông giận dữ, vì đã có vài hụt hẫng đâu đó.
 
Còn bao nhiêu cách suy diễn khác nữa về thái độ ông Pỏn vào buổi chiều hôm ấy, sau ngày hôm ấy... Sáng mai tôi ra Nha Trang rồi.
(Trích Sổ ghi của Chế Khan)

“Jung vào xem cha mày cói.” Bà Mơi nói. Em kế thằng Hoang, nghe mẹ giục, vội lao theo cha. Tối hôm đó, đầu canh ba, bà Mơi kêu cả nhà dậy. Bà bảo: “Thằng Kuan mới về, nó khóc. Nó đứng tựa vào cánh cửa này nè. Nó nói cho mẹ biết còn thiếu một ciet nữa. Jung lấy bút giấy ra ghi đi, mai vào miền Tây đi tìm đứa cháu máu mủ mày ở Tây Ninh ấy, nhà mái ngói xây kiểu nhà cố nội, mày nhớ, hệt nhà Halam Cham ấy ấp có mỗi căn đó thôi, hàng rào sau nhà có ba cây dừa, tuần trước vừa chặt bỏ một cây.”

“Ảnh có nói tên huyện xã thôn nào không?”

“Thì mày cứ đến huyện Gò Dầu, cái ấp nằm sát ủy ban huyện, thằng bé cao bằng thằng lớn mày ấy, tao thấy nó ngâm ngâm hệt thằng Kuan hồi ngần tuổi nó, dòm qua mày biết ngay mà.”

“Ừ, thì mai sớm con bắt xe vào,” thằng Jung nói, “mẹ ngủ cho lại sức đi.”

“Chủ nhật mà đi gì, mày nói vậy nghe được à?”

“Dạ, sáng thứ Hai con đi, mẹ ngủ đi.”

 

[Còn tiếp]

 

 

----------------

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021