thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Trong bán kính 50 cây số

 

Mây chiều nặng, sà xuống thấp. Ngã ba. Hai con đường đất giao nhau, vắng hoe, bụi đỏ bốc lên khi có gió tạt ngang. Cái bảng tên đường rỉ sét, gắn trên thanh gỗ, vẽ mũi tên chỉ về hai phía. Một mũi tên ghi Núi Thái, chỉ theo con đường chạy vào chân núi, khi hút tầm mắt, nó chạm vào sườn đá thì biến mất, đường cụt. Mũi tên còn lại chỉ một ngã dẫn vào xã Định Long – 5 km, ngã kia ghi Cao Cảnh – 3km, dẫn ra đường lộ lớn, đường trải nhựa, ra thị trấn, ra tỉnh, đi Hà Nội, đi Sài Gòn, qua Miên, qua Thái, có khi ra khỏi nước. Có khi tới Mỹ.

Hắn xuống xe ở lộ lớn, từ trưa. Xuống ở đó là ngẫu nhiên, hắn không chọn. Định mệnh chọn giùm. Khi thằng lơ hỏi hắn xuống ở đâu thì hắn nói: “Ở đâu cũng được, mày cho tao xuống đâu thì tao xuống đó.”

“Đm, ông nói ngang vậy? Đi xe đéo trả đủ tiền còn nói giọng cà chớn. Đm, muốn chơi cha hả? Muốn gì? Đm, xuống đây đi!” Thằng lơ la to với tài xế, “Ghé vô cho thằng này xuống đi anh Hải ơi.”

Hắn mở dây kéo cái túi xách đeo ở vai, thò tay vào, ngón tay chạm lưỡi dao sắc ngót, rồi lần xuống cái cán gỗ quấn dây dù, cầm sẵn, nhưng hắn kịp nghĩ lại, thấy mình vô lý, đã đi xe không trả đủ tiền thì sinh sự làm gì. Hắn nhảy xuống. Chiếc xe vù đi.

Đứng tần ngần một lát, không còn chọn lựa nào khác, hắn từ từ đi bộ vào ngã ba này. Dọc đường không có quán xá. Mệt và buồn ngủ, hậu quả còn lại của bữa rượu tối qua. May trong xách tay còn khúc bánh mì, trái chuối và chai nước mà hắn đã mua ở bến xe. Và một xị rượu đế.

 

*

 

Từ trưa đến giờ chỉ có bốn chiếc xe chạy ngang. Một chiếc xe cày và một chiếc xe thùng gỗ chở phân bón làm bằng xác cá biển, hắn đứng ven đường vẫy tay xin nhưng cả hai xe đều không dừng lại. Chiếc xe chở phân bón để lại mùi tanh lợm giọng. Hai chiếc còn lại là xe gắn máy, nhưng khi nhác thấy hắn thì họ đều rồ tay ga, lạng ra giữa đường, phóng luôn, hắn không kịp phản ứng.

Đm, giờ có chiếc nào đến thì mình sẽ đứng giữa đường chận lại chứ không đứng vẫy nữa. Hắn nghĩ thầm, rồi quyết định. Hắn đã quyết định.

Tao sẽ giết thằng đàn ông đầu tiên nào đi ngang đây mà tao thấy, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể là ai!

Tao sẽ hiếp, rồi giết, bất cứ con đàn bà nào đi ngang đây mà tao thấy, bất kể già trẻ lớn bé, bất kể là ai!

Rồi sau đó thì sao?

Đéo cần biết, tới đâu thì tới.

Hắn lấy con dao trong xách tay ra. Lưỡi thép xám, dài hơn gang, cong cong theo dạng lá lúa, rất vừa tay và quen thuộc đến từng gờ thép. Hắn lấy cái áo thun bọc lưỡi dao rồi dắt sau lưng quần, kéo cái áo lính đang mặc xuống phủ chuôi dao lại.

 

*

 

Người kế tiếp không đi xe gắn máy mà đang đạp xe đạp. Không phải là đàn bà, cũng không phải là đàn ông, như hắn tính. Chiếc xe đạp sườn ngang cũ mèm, không có vè. Cái bánh sau được quấn lại bằng ruột xe.

Ông già nhảy xuống khi hắn vẫy tay chận lại.

“Mi muốn chi?”

“Tui lỡ đường. Chừ lạc...”

“Tên chi?”

“Dạ, Lộc.”

“Ở mô tới?”

“Dạ, ở trong nớ.”

“Trong nớ là chỗ mô?”

“Dạ, Sài Gòn.”

“Ở Sài Gòn răng nói tiếng ngoài ni?”

“Dạ, nhà tui ở Quảng, rồi vô Sài Gòn.”

“Chừ đi mô? Định Long hay Cao Cảnh?”

“Dạ, chưa tính đi mô. Chắc về...”

“Về mô? Chỗ ni chừ hết xe rồi.”

“Dạ, tui chờ xe từ trưa, mà không có chiếc nào dừng.”

“Không có xe mô đón khách hay cho đi nhờ ở đây. Muốn đi thì phải đi chuyến sớm, ở sân vận động trong xã.”

Hắn ước lượng khoảng cách giữa hắn và ông già, xem liệu rút dao ra thì có kịp chồm tới để đâm không. Đâm vào cổ, một nhát một thôi, chỗ những vằn gân xanh đang nổi lên, cho chắc ăn. Một nhát thôi. Chưa được, ông vẫn còn ngoài tầm tay, gượm chút nữa đã.

“Chừ tui phải mần răng đây?” Hắn hỏi.

“Thầy mô biết! Mi có giấy tờ chi?”

“Dạ, có. Có chứng minh nhân dân.”

“Có giấy chi nữa? Hộ khẩu ở mô?”

“Dạ, chỉ có vậy thôi. Không có hộ khẩu.”

“Rứa thì không được. Du kích xã sẽ giữ lại. Rồi mai sẽ giải ra ngoài huyện để xác minh.”

“Chừ mần răng?”

“Răng thầy biết được...”

“Hay là... ông cho tui trọ lại đêm nay đi? Ông giúp giùm...”

“Thầy biết mi là ai, quen biết chi mà giúp? Nửa đêm xã tới xét hộ khẩu thì nói năng làm răng?”

Hắn bước tới một bước, rồi hai bước. Ông già bước lui lại, kéo chiếc xe lết theo, một tay nắm ghi-đông, một tay giữ trên yên xe. Thấy ông có vẻ thủ thế, hắn đứng sựng lại.

“Thầy là thầy tu, không có của cải chi mô. Muốn lấy cái xe thì thầy cho.” Ông già nói.

“Dạ, tui nào dám, tui có ý chi mô, chỉ xin ông cho ngủ nhờ.”

Ông già buông tay ở yên xe, chìa ra. “Đưa dao đây!”

“Dạ...”

“Đưa dao đây!” Ông già nói.

Hắn lạnh lưng. Làm sao ông biết mình có dao? Rồi không kịp nghĩ gì thêm, hắn hất cái xách tay trên vai xuống đất, vòng tay ra sau lưng rút cây dao, cái áo thun quấn dao rớt xuống đất. Lưỡi dao lăm lăm chĩa về ông già. Hắn dấn tới một bước.

Ông già gằn giọng, “Đứng lại đó. Đưa dao đây. Đưa chuôi dao đây!”

Hắn vung tay dao lên, nhưng khựng lại, trở tay kia cầm lưỡi dao, ngần ngừ, rồi chìa chuôi dao ra. Ông già gạt chống xe, chồm tới. Lúc này thì cổ ông ở vừa tầm dao, nếu hắn muốn, nhưng hắn bất động.

Ông già nhón tay cầm lấy chuôi dao, hắn buông lưỡi dao ra.

Ông già nâng con dao lên ngang tầm mắt ngó, đưa sát vào mũi ngửi, rồi xoay tay đưa chuôi dao lại phía hắn, nói thong thả, “Thôi, cất lại vô xách đi. Theo thầy về chùa, rồi tính.”

Hắn líu ríu nhận dao, cúi nhặt cái áo thun và túi xách lên, bỏ dao vào.

“Mi chở, thầy ngồi sau. Chùa cũng không xa, chừng ba cây số thôi. Về nhanh còn cơm nước nữa, kẻo tối.” Ông già đẩy nhẹ chiếc xe đạp cho hắn, nói tiếp, “Đưa cái xách thầy cầm cho, không sợ mất đâu, có chi quý mô mà mất. Thầy phải ngồi sau lưng mi, kẻo có khi mi lại đổi ý.” Ông cười, rồi ngồi lên yên sau, lập lại, “Về chùa rồi tính, thầy đổi nghề, đổi đời cho...”

“Dạ...”

Hắn lên xe, gò lưng đạp. Chiếc xe lảo đảo chạy về phía chân núi.

 

*

 

Bảy năm sau, sư phụ qua đời. Hắn lo được hộ khẩu, thừa hưởng cái chùa, từ chức sãi hắn lên chức Đại Đức. Nghề này có vẻ hạp. Hắn không phải đâm giết ai từ dạo đó.

Theo lời sư phụ dạy, hắn gói kỹ con dao trong mấy lớp bao ni-lông, bỏ vào một hộp thiếc cũ đựng bánh, rồi mang chôn dưới một trong những cái lu nước sau hậu liêu.

Tám năm kế tiếp, từ một cái nền chùa hoang vắng, mái xiêu vẹo, hắn trùng tu thành ngôi linh tự nguy nga, lúc nào cũng khói hương nghi ngút. Hắn nhận thêm vài đệ tử nhưng chưa có ý muốn truyền y bát cho ai.

Hắn nổi tiếng đạo cao đức trọng hơn cả sư phụ. Tín đồ trong vùng rất yêu quý và trọng vọng hắn. Nhất là những bà goá, những bà cư ngụ trong bán kính 50 cây số.

 

22/10/2017

 

 

-----------------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021