thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ý kiến độc giả

 

Những đề nghị và nhận xét của độc giả và thi văn hữu về

TÁC PHẨM CỦA THÁNG 10/2007

 

02.10.2007 — Lê Thuý Hà (Phan Thiết, Việt Nam)

Tôi thích câu thơ sau đây của Lê Ngân Hằng:

Nếu những con sâu cái muốn lột xác trong mùa đẹp đẽ ấy không tràn lên ăn vội vàng những chiếc lá non mới nở một cách đói khát liều lĩnh làm cho thân thể trở nên phồn thực nhất thì liệu trí khôn và sự duyên dáng có đủ dụ những con sâu đực đến làm tình, đẻ trứng?

Tôi không biết cách trình bày thế nào cho rõ ý mình, nhưng tôi có thể nói câu thơ này chạm vào tôi, một người phụ nữ, kẻ biết rằng cái đẹp thể chất rất quan trọng, không phải đối với chính mình mà đối với đa số đàn ông.

 

07.10.2007 — Lê Dực (Hà Nội, Việt Nam)

Trong bài thơ “trước tỉ lệ tốt nghiệp 18,1% của một trường trung học”, Đinh Thị Như Thuý gióng lên lời cảnh báo:

Nếu không cẩn thận, chúng ta phải trả giá bằng một thế hệ
Nếu không cẩn thận, chúng ta không chỉ phải trả giá bằng một thế hệ

Cảm ơn nhà thơ Đinh Thị Như Thuý. Lời cảnh báo rất khẩn thiết, nhưng cái sự “không cẩn thận” ấy đã kéo dài từ ngày “giải phóng” đến nay, hơn một thế hệ rồi, và có lẽ ai cũng thấy hình như chưa có dấu hiệu gì chứng tỏ sự cẩn thận sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Và cái sự “không cẩn thận” không chỉ diễn ra trong lãnh vực giáo dục mà trong mọi lãnh vực đời sống Việt Nam. Thật đáng sợ.

 

08.10.2007 — Võ Tần (Oregon, USA)

Thích mấy câu thơ này của Nguyễn Đức Nhân:

quay về vội vã lúc chưa ra đi
một vũng tư tưởng cạn kiệt
 
không nhận ra vũng tư tưởng cạn kiệt quen hay lạ
con chó tức tối gầm gừ
hai mắt ứa ánh sáng
sủa văng những mảnh kim loại vào bóng tối
 

 

09.10.2007 — Lưu Anh Hiệp (Sài Gòn, Việt nam)

Đang chán, mở trang Tiền Vệ đọc ngay bài: “Tôi vẫn nhận ra em” của tác giả Lữ, đọc xong cảm thấy bình an trong lòng. Giọng văn nhẹ nhàng, thơ, đầy đặn tình cảm, kể lể da diết, níu kéo từ từ đi vào lòng người. Đoạn kết còn âm vọng thiết tha chân tình: “Chúng ta không bao giờ xa nhau thật sự, cho nên tôi không cảm thấy đau buồn. Ở trong tâm, tôi luôn duy trì một niềm bình an. Cho tôi và cho em.” Khiến tôi nghĩ vể tác giả Lữ: một người thâm trầm, nội tâm, một tâm hồn nghệ sĩ đích thực. Cũng cảm giác như thế khi tôi đọc bài “Tình bạn”, cũng của tác giả Lữ.

Cảm ơn tac giả rất nhiều nhiều. Tin chắc sẽ có rất nhiều độc giả thích Lữ. Và nếu không có trang Tiền Vệ có lẽ tôi sẽ rất ít có cơ hội được đọc tác giả Lữ. Xin chân thành cảm ơn Tiền Vệ.

 

11.10.2007 — Lê Tiền Phong (Đà Lạt, Việt Nam)

Vừa đọc chùm thơ của Thận Nhiên. Thích lắm. Khoái những câu:

anh té thẳng về phía trước / té lăn quay cu đơ / té nhào đầu / vào lỗ sâu ướt lẹp nhẹp giữa chân em / rồi rơi miết / vậy mà bấy nhiêu năm rồi / anh rơi hoài / hổng thấy mình chạm đáy!

và:

thi sĩ là một thứ gì chưa từng có trên mặt đất / bò khóc bi bô

Cảm ơn nhà thơ.

 

13.10.2007 — Tôn Nữ Thuỳ Dung (Đà Lạt, Việt Nam)

Nhật Chiêu dạo sau này xuất hiện thưa hơn trước nhưng mỗi lần xuất hiện đều có một chiêu đẹp mắt. “Tiếng kêu” là một “chiêu” đẹp mắt, như mọi lần.

 

15.10.2007 — Trịnh Bản (Hà Nội, Việt Nam)

Nhà thơ Hoàng Ngọc Biên đã lớn tuổi nhưng bút pháp vẫn chuyển biến không ngừng. Thật là điều hiếm có. Bài thơ “phỏng dịch một lá thư người bạn gửi từ xa” rất đương đại, không có chút gì “cổ điển” thường thấy trong thơ của những người Việt Nam bước vào tuổi 70. Xin chúc dòng thơ của ông “trẻ” mới mãi.

 

20.10.2007 — Vũ Phú Hảo (Hà Nội, Việt Nam)

Đặng Hải Yến có lẽ là người Kinh nhưng có những câu thơ mang âm hưởng miền cao rất đẹp. Đặc biệt hình ảnh cô gái trong rẫy ngô xuất hiện ở hai bài thơ, gợi trong tôi một cảm giác thơ mộng khó tả:

Những cô gái chưa chồng
giấu cái nhìn trong ngô
và trốn vào núi đá
 
 
Cô gái bản lẩn khuất trốn trong ngô
Chiều vỗ cánh còn mình ta chết lặng
 

 

20.10.2007 — Thái Bá Cang (Kyoto, Nhật Bản)

Tôi không đủ trình độ để bàn về nghệ thuật viết kịch bản của Nguyễn Viện, nhưng tôi đọc vở kịch “Diễn từ của cái chết” và rất tâm đắc với ý tưởng của tác giả. Câu kết của vở kịch thật đáng ghi nhận: “Trong một hoàn cảnh nào đó, người ta buộc phải làm ngược lại tất cả, chống lại tất cả...” Đúng thay!

 

24.10.2007 — Lê Tiền Phong (Đà Lạt, Việt Nam)

Môtíp “cái đuôi” vốn khá phổ biến trong truyện cổ dân gian và đã được nhiều nhà văn quốc tế sử dụng. Gây ấn tượng nhất có lẽ là nhà văn Marquez trong tiểu thuyết Trăm Năm Cô Đơn. Trong cuốn tiểu thuyết lừng danh ấy, Marquez kể chuyện một cậu bé mọc đuôi vì cậu được sinh ra từ một cuộc hôn nhân loạn luân. Khi cậu nhờ người ta chặt giùm cái đuôi, cậu chết tốt. Trong những năm 80, nhà văn Thế Giang cũng có một tập truyện mang tên “Thằng người có đuôi” nhưng cái đuôi ấy lại không phải là cái đuôi thật, mà chỉ là ẩn dụ về mối ám ảnh của một người thoát khỏi chế độ công an trị, đã ra đến nước ngoài mà vẫn luôn luôn sợ bị ai theo dõi, rình rập sau lưng.

Truyện “Cái đuôi” của Trần Văn Bạn nói về một cái đuôi thật, cũng như cái đuôi của thằng nhỏ Aureliano trong Trăm Năm Cô Đơn. Nhưng ở đây, cái đuôi bỗng dưng mọc ra từ đít của một ông giáo sư khả kính. Ông xem đó là dấu hiệu mang tính súc vật và điều đó làm ông nhục nhã. Cuối cùng, ông tự chặt đuôi, và chết. Truyện của Trần Văn Bạn giống truyện của Marquez ở tính hìện thực thần kỳ, chỉ khác là cái đuôi của ông giáo sư mọc ra không vì nguyên nhân nào cả. Và chính vì thế cái đuôi của ông có vẻ như là một ẩn dụ. Tôi cho rằng đây là một sự tái ứng dụng có sáng tạo.

 

26.10.2007 — Thanh Uyên (Wellington, New Zealand)

Chùm thơ “5 bài thơ tình yêu” của Như Huy khiến tôi thích đọc thơ tình trở lại (vì từ lâu tôi đã chán ngấy những bài thơ tình quá sướt mướt và sáo rỗng nhan nhản khắp trên web). Nghệ thuật bao giờ cũng cần sự thông minh. Thơ tình Việt Nam rất cần sự thông minh, nếu không thì sẽ càng ngày càng nhão. Cảm ơn nhà thơ / hoạ sĩ Như Huy.

 

27.10.2007 — Lê Đức Tâm (Caen, Pháp)

Bài thơ “Macau hành” của Đỗ Kh. với sự phụ hoạ đa ngữ của Trúc-Ty rất là thú vị. Bài thơ “TỪ ĐIỂN THI X/X LOẠI [chúng sinh] — 4 KHOAI [’] / MỞ 4 M(IỆNG)ỒM” của Đặng Thân và chùm thơ “Món 1: Luộc | Món 2: Hấp | Món 3: Ăn sống” của Lý Đợi cũng vậy. Lối thơ của 47 vị trong cuốn Có jì dùng jì - có nấy jùng nấy của nxb Giấy Vụn có phải là hậu hiện đại không? Nếu đó là thơ hậu hiện đại thì vui quá đi chớ. Những bài thơ trong cuốn đó rất là... đã. Tôi đọc từ đầu tới cuối cuốn thơ, thấy những điểm nổi bật là tính khôi hài, sự “phá giới” và cái thông minh rất quyến rũ. 47 người, mỗi người một vẻ. Quả là một cuốn thơ khác hẳn với cái không khí thơ cố hữu và đương thời ở Việt Nam.

 

27.10.2007 — Trần Thái Phổ (Hà Nội, Việt Nam)

Vương Biên Hương là một tác giả hoàn toàn mới đối với tôi vì tôi chưa từng đọc tác phẩm nào của anh/chị này ở bất cứ nơi nào. Lần đầu đọc truyện ngắn “Một con chuột mù loà” của Vương Biên Hương, tôi thích ngay. Mong được đọc thêm các sáng tác khác của anh/chị này. Tôi rất chuộng cái lối viết vừa là huyễn tưởng vừa mang ẩn dụ như đoạn văn cuối cùng của truyện:

Một con chuột mù loà, cứ tưởng mình là chuột, có thể làm hiện hình một thi sĩ đã chết; và một người đàn ông, còn sống, lây lất sau vụ thảm sát, có thể là một hiện thân khác của Lorca, vẫn ngồi im bên những luống cỏ, để nhìn chim trời bay...

 

28.10.2007 — Hồ Thanh Tú (Karlsruhe, Đức)

Loạt bài “ngẫu ký” của Trần Tiến Dũng gồm những đoản văn rất nhẹ nhàng mà tinh tế. Đề nghị tặng thưởng Tác Phẩm tháng 10.

 

29.10.2007 — Lưu Thể Vân (San Francisco, CA, USA)

Những bài trong tập thơ eL. — Thơ từ từ điển rất là hay. Ngôn ngữ uyển chuyển, ý tưởng phong phú, hình ảnh bất ngờ, và đặc biệt nhất là cái cung cách khoái trá rất tự nhiên toát lên từ lối dùng chữ, lối gieo vần, lối châm biếm và liên tưởng. Đọc các bài “Ải | Ẩy”, “Biến”, “Cửa”, “Dậy”, “Đen”, “Em”, “Gồng”... tôi đều thán phục. Mong Tiền Vệ tiếp tục đăng tất cả những bài còn lại trong tập ấy của eL.

 

29.10.2007 — Nguyễn Thạch (Hà Nội, Việt Nam)

Tôi chỉ xin phát biểu một điều là rất lưu ý đến một số tác giả mà tôi đoán đều thuộc thế hệ “trẻ”: Lynh Bacardi, P.K., Nguyễn Thị Thanh Phượng, Đinh Thị Như Thuý, Hoàng Ngọc Thư, Lý ĐợiPhan Bá Thọ. Mỗi người một vẻ. Hầu hết vẫn thường có sáng tác mới, nhưng có ba người hơi “tạm vắng” trong những tháng gần đây là Lynh Bacardi, Phan Bá ThọP.K. Tôi thực sự mong được đọc những tác phẩm mới nhiều thử nghiệm của các bạn.

 

30.10.2007 — Nguyễn Bền (Đà Nẵng, Việt Nam)

Cảm ơn Lý Đợi về những câu thơ trong bài “Món 1: Luộc”:

Sống ở Việt Nam ăn món luộc là tốt nhất
 
Từ luộc xe honda, nhà đất, bằng cấp, chức tước...
Từ luộc vệ sinh, an toàn thực phẩm, bảo hiểm...
Từ luộc trí tuệ, thẩm mĩ, văn hoá, nhân tính...
Từ luộc nhân quyền, tự do, tư tưởng, tâm linh...
 
Chưa tìm thấy điều gì mà Việt Nam không thể luộc

Có một người bạn của tôi cho rằng thơ Lý Đợi không phải là thơ. Theo tôi thì có lẽ cũng chưa có sự nhất trí thơ phải là thế nào. Nên tôi cho rằng thơ hay không là ở cách người đọc nhận lấy một tác phẩm. Tôi nhận những câu trên đây như những câu thơ hay.

 

31.10.2007 — Phan Bộ (Cần Thơ, Việt Nam)

Tôi thấy tiếc là vụ tranh luận về Marx bằng thơ nhẹ nhàng trên Tiền Vệ tôi không đủ sức tham gia. Tôi muốn tham gia nhưng vì không đủ can đảm làm thơ nên đành im lặng theo dõi. Nếu tôi có khả năng làm thơ, tôi sẽ viết ít nhất một bài thơ về cái ý rằng Marx, một kẻ nói giọng vô sản nhưng sống kiểu buốc-roa nhếch nhác, chỉ có thể là bạn hay đồng chí của những kẻ đang rêu rao cái khẩu hiệu “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” nửa dơi nửa chuột.

 

31.10.2007 — Lan Ngọc (Melbourne, Úc)

Bài “Nhớ, bài số 2” của Trần Chí Thường đẹp quá. Ý tưởng và kết cấu cho từng đoạn và cả toàn bài thật chặt chẽ. Ở mỗi đoạn riêng lẻ, cường độ tình cảm cũng tăng dần, chứ không hẳn chỉ cho cả bài. Nên cảm xúc của bài thơ càng mạnh mẽ! Âm hưởng “trăn trở” được diễn theo chiều ngang; vẫn không xong, kéo dài xuống chiều dọc! Chẳng hạn: Anh: “nằm nghiêng bên trái”, “nằm nghiêng bên phải”; rồi “nằm ngửa”; cũng chưa xong, phải “nằm sấp”... mới thấy “đã”! :-) Em: ban đầu chỉ dám “nheo mắt, cười”; rồi mạnh dạn hơn một tí: thụ động, “nằm ở dưới dạng chân, cười”; cuối cùng vượt qua bản tính bẽn lẽn cố hữu, vượt qua những rào cản đâm rễ trong người, chỉ còn biết tình yêu duy nhất cho anh: chủ động, “nằm ở trên hẩy xuống, cười”! Cái không gian rộng dần lan tỏa: “nghiêng bên trái”, “nghiêng bên phải”, “ngửa”, “sấp”; “ở hai bên”, “ở dưới”, “ở trên”; “ở khắp mọi nơi”. Cái thời gian đằng đẵng trải dài: ban đầu chỉ lơ lửng “nhớ em”; rồi những cái nhớ bâng quơ càng quay quắt thành hình rõ rệt, để khắc khoải thành nỗi ám ảnh: “Em ở khắp mọi nơi”! Không gian, thời gian; cả những đặc tính vốn là bản chất của mỗi phái tính nam nữ bị xoá nhoà ranh giới, mở rộng cho cái bao la vô biên của tình yêu, tung vút cánh trải dài vào tiềm thức: “Nhắm mắt cũng thấy”!

Những chữ xem là... “tục”: “nằm ngửa”, “nằm sấp”, “dạng chân”, “hẩy” được dùng rất đẹp.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021