thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Cái thú đọc sách

 

Bản dịch của Lâm Vũ Thao

 

ORHAN PAMUK

(1952~)

 

Orhan Pamuk là một trong những tiểu thuyết gia lừng danh nhất của Thổ-nhĩ-kỳ. Sách của ông đã được dịch ra hơn 50 ngoại ngữ và ông đã được trao tặng gần 20 giải thưởng lớn..
 
Orhan Pamuk cũng là một nhà tranh đấu cho nhân quyền, đặc biệt cho quyền bình đẳng của phụ nữ Thổ-nhĩ-kỳ và quyền sống của dân Kurds. Năm 2005, ông tố giác rằng Thổ-nhĩ-kỳ đã thảm sát một triệu người Armenia và 30 ngàn người Kurds từ năm 1915 đến hiện tại. Sau đó, ông bị chính phủ Thổ-nhĩ-kỳ bắt giam và kết tội làm nhục quốc thể. Tuy nhiên, trước áp lực quốc tế, chính phủ Thổ-nhĩ-kỳ đã phải trả tự do cho ông vào đầu năm 2006. Cuối năm 2006, ông đoạt giải thưởng Nobel Văn chương.
 
Không thể sống trên quê hương, ông di cư sang Mỹ và sống tại New York. Hiện nay ông là Giáo sư Văn chương ở đại học Columbia.

 

 

CÁI THÚ ĐỌC SÁCH

 

Hè này tôi đọc lại Tu viện thành Parma của Stendhal. Sau khi đọc xong vài trang cuốn sách tuyệt diệu này, tôi dời mắt khỏi cuốn sách cũ kỹ trong tay để ngắm những trang sách ố vàng từ xa. (Cùng một cách thức như vậy, lúc còn bé khi tôi uống món giải khát yêu thích nhất, đôi khi tôi sẽ dừng lại để trìu mến ngắm cái chai trong tay.) Mùa hè này khi tôi mang cuốn sách theo người, nhiều lần tôi tự hỏi tại sao chỉ cần biết cuốn sách ở bên đã thấy khoái như vậy. Rồi tôi tự vấn liệu tôi có khả năng nói về niềm vui thú đó — nếu làm vậy mà trước tiên không nói về bản thân cuốn tiểu thuyết thì cũng giống như nói về tình yêu dành cho người đàn bà tôi đem lòng yêu dấu mà lại không tả nhan sắc cô ấy trước. Đây là điều mà bây giờ tôi gắng làm. (Những ai muốn tách cuốn tiểu thuyết ra khỏi niềm yêu thích đọc tiểu thuyết thì nên bỏ qua những ngoặc đơn dưới đây).

 

1. Khi theo dõi những sự kiện mô tả trong câu chuyện (trận chiến Waterloo, những âm mưu tình yêu và quyền lực trong một công quốc nhỏ), tôi bị choáng ngợp bởi những cảm xúc mãnh liệt. Nguồn cơn của niềm hạnh phúc tôi không nằm trong bản thân những sự kiện mà trong những phản ứng tinh thần và tình cảm chúng khơi gợi. Tôi trải nghiệm những sự kiện như là cảm xúc, một dạng hỗn giác. Tôi trải nghiệm niềm vui tuổi trẻ, ý chí sống, sức mạnh của hy vọng, sự trần trụi của cái chết, tình yêu, và sự cô đơn.

 

2. Khi thưởng thức sự tinh tế của nhà văn, sức mạnh trong giọng văn, khả năng quan sát, sự nồng nhiệt của ông, cách ông đi thẳng vào tâm điểm vấn đề, và sự sắc sảo của trí tuệ ông, tôi thấy như thể ông thầm thĩ tất cả sự thông thái của ông vào tai tôi, chỉ cho riêng tôi. Dù biết hàng triệu người đã đọc cuốn sách này trước tôi, tôi vẫn cảm thấy — vì những lý do không thể lý giải — trong cuốn sách này có nhiều đoạn, nhiều chi tiết vặt, những điểm tinh tế, những thấu hiểu mà nhà văn chia sẻ cùng tôi và chỉ hai chúng tôi có thể cảm kích. Đến gần như vậy trong trí óc và tinh thần của một nhà văn rỡ ràng dường này giúp tôi tự tin, và nhờ đó, như với mọi người hạnh phúc khác, niềm tự tôn trong tôi dâng trào.

 

3. Một số chi tiết về cuộc đời nhà văn (sự cô đơn của ông, những thất vọng trên tình trường, và sự thể là sách của ông không được ưa chuộng như ông mong ước) và câu chuyện nhuốm màu huyền thoại về việc viết cuốn tiểu thuyết này (nghe nói rằng Stendhal đã dựa vào một truyện biên niên cổ của Ý và đọc cho thư ký trong vòng năm mươi hai ngày) dường như trở thành câu chuyện riêng của đời tôi.

 

4. Không phải chỉ có sự tương đồng mà tôi cảm thấy với Stendhal để lại dấu ấn trong tôi; nhiều tình tiết ông kể, những đoạn tả cảnh, những khắc hoạ của ông về thời kỳ đó (nội thất dinh thự, hình tượng Napoleon, những cái hồ ở ngoại vi Milan và quang cảnh chung quanh, phong cảnh dãy Alps phản chiếu qua tâm thức thị thành của tác giả, cũng như những cuộc tranh cãi, những vụ sát hại, và những âm mưu chính trị) cũng lưu lại trong tôi. Không như nhân vật của Proust, tôi không bao giờ nhập vào thân thế các nhân vật khác hoặc tin những sự kiện đó diễn ra với tôi. Tôi không hiện diện trong cuốn tiểu thuyết. Nhưng từ đầu tôi đã hưởng thụ sự hứng thú tham gia một không gian hoàn toàn khác thế giới thường ngày của tôi, và tôi săm soi thế giới nội tại của cuốn tiểu thuyết gần như cùng cách thức mà tôi từng săm soi thứ chất lỏng trong chai nước giải khát của tôi. Đó là nguyên do tại sao tôi mang cuốn sách theo mình.

 

5. Tôi đọc cuốn sách này (Tu viện thành Parma) lần đầu năm 1972. Khi nhìn lại những đoạn gạch dưới và những ghi chép bên lề của lần đọc đầu tiên ấy, tôi bật cười, một cái cười buồn bã về sự nhiệt tình thanh xuân của tôi. Nhưng tôi vẫn thấy thương cảm cho chàng trai trẻ hồi đó đã cầm cuốn sách này lên và, để trải rộng tâm hồn đón nhận một thế giới mới và để trở nên một người tốt đẹp hơn, đã đọc nó thật háo hức. Tôi yêu quý chàng trai trẻ lạc quan và chưa trưởng thành đó, người ngỡ rằng anh có thể nhìn thấy mọi sự, hơn cái người đọc mà tôi đã trở thành. Nên bất cứ khi nào ngồi xuống đọc cuốn sách, chúng tôi là một đám người: tôi hai mươi tuổi ngày ấy, bằng hữu Stendhal của tôi, các nhân vật của ông, và tôi. Tôi thích đám người này.

 

6. Vì cuốn sách này nhắc tôi về cái con người mà tôi từng là, tôi trân quý cuốn sách này như một vật thể. Cái bìa xấu xí của nó đã te tua, và thỉnh thoảng tôi mân mê cái dải ruy-băng đánh dấu trang. Tôi đã ghi linh tinh trong bìa sau từ cách đây nhiều năm. Tôi cứ tần ngần đọc lại chúng.

 

7. Theo cách này, niềm vui thú mà tôi có được từ việc đọc sách hoà nhập với việc tôi hân hưởng cuốn sách với tư cách một vật thể. Đó là nguyên do tôi mang nó theo như một lá bùa hòng mang lại niềm vui cho tôi, ngay cả khi đi đến những nơi mà tôi sẽ không có thời gian để đọc. Nếu ở một nơi nào đó và cảm thấy buồn chán hay bực bội, tôi sẽ mở cuốn sách ở một trang ngẫu nhiên, đọc một đoạn, và bình tĩnh trở lại. Cho đến giờ này, những trang giấy của cuốn sách này và bìa của nó đã cho tôi niềm vui cũng nhiều như chính những ngôn từ trong sách. Bản thân cuốn sách cũng cho tôi nhiều niềm vui như khi đọc nó.

 

8. Như thỉnh thoảng tôi vẫn làm trong một buổi tối ở Heybeliada — hòn đảo nhỏ nơi chúng tôi nghỉ hè — khi tôi ngồi xuống một băng ghế trống bên đường và bắt đầu đọc cuốn sách dưới ánh sáng của ngọn đèn đường, tôi cảm thấy cuốn sách trở thành một phần của thế giới tự nhiên cũng như mặt trăng, biển, những đám mây, cây cối, bụi rậm, và đá trên những bức tường. Có lẽ bởi vì được đặt vào một quá khứ xa xôi, cuốn sách dường như tự nhiên và thanh thản hệt như một cái cây hay cánh chim. Tôi vui sướng vì thấy mình thật gần gũi với thiên nhiên, và tôi cảm thấy như thể cuốn sách làm tính cách tôi tốt hơn lên, thanh tẩy tôi khỏi những ô trọc xuẩn ngốc của cuộc đời.

 

9. Trong một phút giây hạnh phúc như thế, khi tôi ngắm nhìn cuốn sách từ một khoảng cách — thật ra không phải ngắm những trang sách ố vàng mà ngắm những hàng cây và biển tối thẫm phía xa hơn — tôi tự vấn lòng mình cuốn sách này có ý nghĩa gì mà lại khiến tôi sướng vui đến thế. Nhận thức rằng hỏi câu hỏi này chẳng khác gì chất vấn ý nghĩa cuộc đời, tôi thấy như cuốn sách mang tôi lại sát gần hơn với sự lĩnh hội cái ý nghĩa đó, đủ gần để có thế nói đôi lời về đề tài này.

 

10. Như hết thảy những cuốn tiểu thuyết vĩ đại, ý nghĩa cuộc đời gắn kết gần gũi với hạnh phúc. Như trong những cuốn tiểu thuyết, trong cuộc sống cũng có một mong ước chân thành, một rung cảm, một cuộc đua tìm đến hạnh phúc. Nhưng còn có nhiều hơn thế. Nếu một người muốn phản ánh khao khát đó, rung cảm đó, thì một cuốn tiểu thuyết hay (như Tu viện thành Parma) hết sức phù hợp cho mục đích này. Rốt cuộc, một cuốn tiểu thuyết tuyệt diệu trở thành một phần không tách rời của cuộc sống và thế giới quanh ta, mang ta lại gần hơn với ý nghĩa cuộc đời; nó đến thế chỗ cho niềm hạnh phúc ta có thể chẳng bao giờ tìm thấy trong cuộc sống để trao ta niềm vui sướng xuất phát từ ý nghĩa của nó.

 

11. Điều làm tôi vui sướng bây giờ là đọc một trang sách trong khi vẫn lưu giữ những ý nghĩa này lẩn quất trong đầu — mặc cho sự kiện là tôi bắt đầu cảm thấy như thể niềm vui sướng của tôi đe doạ hủy hoại sự bí ẩn của cuốn tiểu thuyết.

 

 

------------------
Lâm Vũ Thao dịch từ bài “The Pleasures of Reading”, rút trong tập Other Colors - Essays and a Story của Orhan Pamuk, bản dịch tiếng Anh của Maureen Freely (London: Vintage, 2008), 113-116.
 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021