thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Xưởng sản xuất nỗi buồn
Bản dịch của Lê Trung Tự

 

Khi chuông reo báo hiệu đợt giải lao giữa buổi sáng, nền nhà của công xưởng rung chuyển theo bước chân của các công nhân chen nhau rời khỏi chỗ làm việc của họ, hối hả chạy tới những chiếc máy bán hàng tự động hoặc chạy ra ngoài để hút thuốc. Đợt giải lao chỉ có tám phút. Đám đàn ông ở trạm bốc xếp thì vẫn tiếp tục làm việc. Họ tiếp tục làm việc vì họ bị mù và tám phút thì không đủ thời gian cho họ di chuyển từ chỗ này tới chỗ khác.

Hàng ngày, trong đợt giải lao giữa buổi sáng, có một số phụ nữ không đi hút thuốc hoặc uống cà-phê, bởi vì họ đang có thai hoặc là họ đang cho con bú, hoặc họ làm ra dáng thục nữ, hoặc chỉ đơn giản là họ còn quá trẻ. Họ tới trạm bốc xếp để xem đám đàn ông chất hàng hoá lên những chiếc xe tải. Đám đàn ông biết có những phụ nữ đang quan sát họ bởi vì họ có thể ngửi được mùi nước hoa, không phải mùi hỗn hợp mà là mùi của từng cá nhân. Họ hầu như có thể nhận ra từng người đàn bà đứng gần họ; nhờ cái khứu giác phong phú, họ có thể phân biệt được người trẻ hay người già, gái chưa chồng hay phụ nữ đã có con hoặc đàn bà đã đứng tuổi.

Cứ mỗi lần một người đàn ông đang khuân vác một thùng hàng hoặc đi tay không mà vấp chân hay té ngã là đám phụ nữ xuýt xoa hoặc kêu thảng thốt giống như đang thật tình quan tâm, mặc dù đôi lúc có một cô nàng cười rúc rich rồi hít hơi vào thật sâu để nhịn cười. Dù gì đi nữa thì đám đàn ông bốc vác vẫn cứ làm việc. Họ đứng dậy và tiếp tục chất hàng lên xe tải bởi họ không thể đứng đó mà ngắm các phụ nữ, họ chỉ ngửi được mùi của vẻ đẹp của các nàng.

Vài phút trôi qua, tiếng chuông lại reo báo hiệu cho đợt giải lao giữa buổi sáng đã chấm dứt. Đám đàn ông bốc vác ngừng tay trong chốc lát để đánh hơi trong lúc các nàng vừa dời gót vừa thì thầm hỏi han nhau. Những nàng chưa chồng hỏi những bà lớn tuổi về những người đàn ông khiếm thị và được trả lời thẳng thắn: Đám mù ấy mà, những thằng ngốc vụng về đó thì chẳng đáng gì đâu!

Những bà lớn tuổi trở về máy để dệt thêm những nỗi buồn và những cô gái trẻ thì trở lại phòng đóng gói để chất hàng hoá vào những chiếc thùng. Đám đàn ông ở trạm bốc vác tiếp tục làm việc. Điều mà đám đàn bà không hiểu là mỗi chiếc thùng đều phải được di chuyển bằng tay. Mỗi chàng một thùng, mỗi thùng một chàng. Chứ làm việc thành nhóm, dù được khuyến khích, và thường được khen ngợi, thì chỉ là một sự lãng phí thời gian. Hai người đàn ông làm việc với nhau thì chỉ làm tăng gấp đôi trọng lượng của nỗi buồn. Ba người thì tăng gấp ba. Vân vân...

Trong khi đó, những chiếc xe tải thì đang chờ, tài xế thì đang khắc khoải. Nhiều tài xế đã làm việc ở đây từ khi xưởng mới thành lập, họ chạy xe theo các lộ trình của họ, chuyên chở hàng hoá, vì thế họ biết họ đang đối diện với điều gì. Một nỗi buồn dữ dội, nặng nề. Một nỗi đau thương đặc quánh. Loại hàng có chất lượng hảo hạng. Hết sức bền chắc. Bạn có thể ném nó xuống đất, đá nó, quăng nó qua thành cầu hoặc ném xuống lòng đường từ một chiếc xe tải đang chạy. Nó chẳng dễ vỡ chút nào cả. Trên nhãn có in rằng độ nén của mỗi nửa ký thì tương đương với nỗi đau của một ngàn con chim bị thương đang vỗ những đôi cánh gãy và liên lục đâm đầu vào nhau.

 

 

--------------
Lê Trung Tự dịch từ nguyên tác “The Manufacturing Of Sorrow” của Bob Thurber, trong tạp chí Cafe Irreal, Issue #51.
 
Bob Thurber là một nhà văn lớn tuổi, không qua trường lớp nhưng đoạt được khá nhiều giải thưởng. Nhiều tác phẩm của ông đã được đăng trên tạp chí Cafe Irreal. Ông là tác giả của bốn cuốn sách, trong đó có cuốn Paperboy: A Dysfunctional Novel. Tuyển tập truyện ngắn gần đây nhất của ông là Nothing But Trouble đã ra mắt vào mùa Xuân năm 2014.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021